Khái niệm công ty thương mại và phân loại các loại hình doanh nghiệp.

Công ty thương mại hay công ty mua bán là các doanh nghiệp làm việc với các loại sản phẩm khác nhau được bán cho người tiêu dùng, cho mục đích kinh doanh hay của chính phủ. Vậy, công ty thương mại gồm có những loại nào? Bài viết phân tích cụ thể:

 

1. Khái niệm về công ty

Chữ “công ty” có hai nghĩa:

– Trước hết đó là một hợp đồng theo đó hai hay nhiều người thoả thuận để chung một số tài sản nhằm mục đích chia lời hay hường các lợi ích do tài sản này đem lại, đó là văn kiện thành lập công ty.

– Mặt khác công ty là pháp nhân khai thác số tài sản chung, được công nhận có năng lực pháp lý để hành động nhân danh và vĩ quyền lợi của tập thể.

Trong ngôn ngữ thương mại, chữ “Công ty ” chủ yếu chỉ định pháp nhân trong khi văn bản thành lập công ty được gọi là hợp đồng thành lập công ty hoặc “Bản điều lệ”.

Công ty có các hình thức và tầm cỡ khác nhau, có thể gồm hai thành viên như trong Công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc hàng ngàn cổ đông như trong Công ty cổ phần. Tầm quan trọng của công ty trong nền kinh tế to lớn hơn nhiều so với các Doanh nghiệp tư nhân mặc dù về số lượng các doanh nghiệp này có thể nhiều hơn.

 

2. Lợi ích thành lập Công ty

Quyết định thành lập công ty có thể có nhiều lý do. Nếu việc thành lập công ty là giải pháp để có thêm nguồn tài chính thì đối với các công ty cỡ nhỏ lợi ích này nhiều khi cũng không bù đắp được các bất lợi như: bộ máy quản lý trở nên cồng kềnh hơn, chi phí thêm cho việc thành lập công ty và khả năng mất quyền kiểm soát công việc kinh doanh.

– Lợi ích tài chính: Khả năng tài chính của một người có thể đủ để thành lập một doanh nghiệp không cần vốn đầu tư lớn ban đầu, nhưng sự phát triển nhanh chóng của doanh nghiệp sẽ nhanh chóng đòi hỏi phải tăng vốn và sự tài trợ của ngân hàng. Khi đó chủ doanh nghiệp có thể quyết định thành lập công ty bằng cách lôi kéo những bà con bạn bè mà họ có thể tin tưởng được mà không sợ mất quyền kiểm soát công việc kinh doanh. Những người này đem vào công ty được thành lập tiền bạc hoặc tài sản khác tạo thành vốn của công ty. Họ cũng có thể không tham gia vào công ty nhưng đứng ra bảo lãnh cho công ty hay thế chấp tài sản để giúp công ty vay tiền ngân hàng.

Các công ty lớn như Công ty cổ phần khi cần đến các khoản tiền quan trọng có thể đề nghị các cổ đông hay những người ngoài công ty đăng ký mua cổ phần mới hoặc phát hành các trái phiếu để vay vốn trong công chúng.

– Lợi ích về pháp lý: Việc thành lập một công ty có sản nghiệp riêng tách biệt với sản nghiệp của các thành viên mang lại nhiều lợi ích.

Trong bối cảnh của một Doanh nghiệp tư nhân, chủ doanh nghiệp chịu trách nhiệm cá nhân trên toàn bộ tài sản của mình. Nếu người này không muốn chịu rủi ro mất toàn bộ tài sản thì họ chỉ có hai con đường: một là giấu đi một phần tài sản để tránh khỏi sự kê biên của các chủ nợ, điều này thật không dễ dàng và không đáng khuyến khích; hại là thành lập công ty trong đó trách nhiệm của họ được giới hạn tới mức phần góp vốn: Công ty TNHH, Công ty cổ phần.

– Lợi ích về thuế: Sự chuyển đổi từ Doanh nghiệp tư nhân, hay Hộ kinh doanh cá thể sang công ty có thể có lợi ích về thuế. Việc lựa chọn hĩnh thức công ty tùy thuộc vào chính sách thuế của Nhà nước. Đại khái chúng ta có thể ghi nhận như sau:

Trong Doanh nghiệp tư nhân toàn bộ lợi tức của doanh nghiệp phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế này được tính tuỳ theo ngành nghề kinh doanh, bĩnh quân là 28%. Hộ kinh doanh cá thể theo quy định hiện hành phải trả một sô’ thuê’ trực tiếp (khoán) do úy ban nhân dân phường hay quận ấn định.

Đối với Công ty TNHH hay Công ty cổ phần, công ty cũng phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, lương trả cho các nhân viên điều hành công ty được tính vào chi phí sản xuất và được khấu trừ vào phần lợi tức chịu thuế. Nhân viên điều hành ăn lương chịu thuê’ thu nhập cá nhân như những người lao động khác; lãi hay cổ tức chia cho các thành viên hay cổ đông được xem là thu nhập của người thụ hưởng và chịu thuế thu nhập cá nhân.

Sau khi đã quyết định thành lập công ty, vẩn đề bây giờ là phải lựa chọn một hình thức công ty thích hợp. Có nhiều loại hình công ty mà chúng ta có thể phân loại như sau:

 

3. Đặc điểm doanh nghiệp thương mại

Đặc điểm giúp bạn nhận diện được mô hình doanh nghiệp thương mại ngày nay:

Doanh nghiệp thương mại là cầu nối trung gian giữa doanh nghiệp sản xuất và thị trường tiêu dùng. Doanh nghiệp thương mại làm nhiệm vụ phát triển các nhu cầu sử dụng về hàng hóa và dịch vụ trên thị trường từ đó đưa ra các phương án đáp ứng yêu cầu đó.

Doanh nghiệp thương mại là các doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ nâng cao chất lượng của sản phẩm thông qua việc tiếp thu ý kiến của khách hàng và đưa ra những sự thay đổi phù hợp với nhu cầu sử dụng của khách hàng.

Doanh nghiệp thương mại còn làm nhiệm vụ giải quyết các mối quan hệ giữa các doanh nghiệp và khách hàng, tạo nên 01 dây chuyền hoạt động sản xuất và kinh doanh hiệu quả.

Doanh nghiệp thương mại còn là mô hình kinh doanh đem lại hiệu quả cho tất cả các doanh nghiệp tham gia thị trường.

 

4. Khái niệm công ty thương mại

Công ty thương mại hay công ty mua bán là các doanh nghiệp làm việc với các loại sản phẩm khác nhau được bán cho người tiêu dùng, cho mục đích kinh doanh hay của chính phủ. Hãng buôn mua một loạt các sản phẩm, duy trì cổ phiếu hay một cửa hàng và phân phát sản phẩm tới khách hàng.

– Công ty thương mại bị chi phối bởi Luật Doanh nghiệp ngày 12.06.1999 (công bố ngày 26.06.1999 và có hiệu lực từ ngày 01.01.2000). Hiện nay, Luật Doanh nghiệp năm 2020, có hiệu lực từ ngày 01.01.2021 (sau đây gọi là Luật Doanh nghiệp 2020). Các công ty thương mại bao gồm:

 

5. Phân loại công ty:

Căn cứ vào tính chất liên kết, chế độ trách nhiệm của thành viên công ty và ý chí của nhà lập pháp, dưới góc độ pháp lý người ta chia công ty thành hai loại cơ bản là Công ty đối nhân và Công ty đối vốn.

 

5.1. Công ty đối nhân (Công ty trọng nhân):

Công ty đối nhân là loại công ty mà trong đó các thành viên thường quen biết nhau. Họ liên kết thành lập công ty với nhau là do tín nhiệm nhau để cùng kinh doanh kiếm lời, sự hùn vốn là yếu tố thứ yếu.

* Đặc điểm của công ty đối nhân:

– Sự quen biết, tin cậy lẫn nhau là yếu tố đầu tiên và là điều kiện bắt buộc về thực tế để thành lập công ty. Chính sự tin cậy, tín nhiệm giữa các thành viên là cơ sở hình thành và tồn tại của công ty. Do đó, nhiều trường hợp khi có 1 thành viên rút khỏi công ty hoặc bị chết thì công ty có thể phải giải thể.

– Công ty không có tư cách pháp nhân, các thành viên có tư cách thương gia độc lập và phải chịu thuế thu nhập cá nhân, bản thân công ty không bị đánh thuế.

– Không có sự tách bạch về tài sản cá nhân các thành viên và tài sản của công ty. Các thành viên liên đới chịu trách nhiệm vô hạn đối với mọi khoản nợ của công ty hoặc ít nhất có một hoặc vài thành viên chịu trách nhiệm vô hạn về các khoản nợ của công ty.

* Các loại công ty đối nhân:

– Công ty hợp danh: Công ty hợp danh là loại hình công ty trong đó các thành viên cùng nhau tiến hành hoạt động thương mại dưới một hãng chung và cùng liên đới chịu trách nhiệm vô hạn về mọi khoản nợ của công ty. Công ty hợp danh hay còn gọi là công ty góp danh là loại hình đặc trưng của công ty đối nhân. Xét về mặt lịch sử thì công ty hợp danh ra đời sớm nhất, trên thực tế công ty này được thành lập trong dòng họ gia đình. Do tính chất liên đới chịu trách nhiệm vô hạn nên các thành viên phải thực sự hiểu biết nhau, tin tưởng nhau.

Việc thành lập công ty trên cơ sở hợp đồng giữa các thành viên. Hợp đồng thành lập Công ty nói chung được lập thành văn bản, tuy nhiên pháp luật không bắt buộc. Các bên có thể thoả thuận miệng, thậm chí không cần tuyên bố rõ, mà chỉ cần có những hoạt động chung thì Công ty cũng được coi là đã thành lập. Trong hợp đồng điều quan trọng là sự thỏa thuận về trách nhiệm của các thành viên. Một công ty hợp danh được thành lập nếu có ít nhất hai thành viên thỏa thuận với nhau cùng chịu trách nhiệm vô hạn. Điều này thể hiện ở các đặc trưng:

+ Các thành viên chịu trách nhiệm một cách trực tiếp cơ bản, vì chủ nợ có quyền đòi bất kỳ ai với toàn bộ số tiền nợ.

+ Trách nhiệm này không thể bị giới hạn đối với bất kỳ thành viên nào. Nếu họ có thỏa thuận khác, lập tức công ty sẽ chuyển sang loại hình công ty hợp vốn đơn giản.

+ Trong công ty hợp danh không có sự phân biệt rõ ràng giữa tài sản công ty và tài sản cá nhân. Sự chuyển dịch quyền sở hữu đối với khối tài sản chung sang tài sản riêng rất đơn giản và nói chung khó kiểm soát. Về nguyên tắc, ngay khi 1 thành viên chưa được hưởng chút lợi nhuận nào thì vẫn phải chịu trách nhiệm. Vì vậy, khả năng rủi ro và nguy hiểm đối với từng thành viên rất lớn, nếu công ty thua lỗ họ rất dễ bị khánh kiệt gia sản.

Tuy nhiên lợi thế của công ty hợp danh là khả năng dễ dàng được ngân hàng cho vay vốn hoặc hoãn nợ, bởi tính chịu trách nhiệm vô hạn đã là sự bảo đảm rồi. Do tính an toàn pháp lý cao đối với công chúng nên công ty hợp danh ít chịu sự ràng buộc của những quy định pháp lý. Pháp luật dành quyền rộng rãi cho các thành viên thỏa thuận, quy định ràng buộc duy nhất là tính chịu trách nhiệm vô hạn. Về tổ chức công ty hợp danh rất đơn giản, các thành viên có quyền thoả thuận trong hợp đồng về việc tổ chức, điều hành, đại diện của công ty. Công ty hợp danh được tổ chức dưới hình thức 1 hãng chung, hãng này thường mang tên của một vài thành viên hoặc tất cả thành viên. Dưới hình thức một hãng công ty hợp danh có tư cách thương gia độc lập, mỗi thành viên vẫn có tư cách thương gia riêng, các thành viên có thể cùng nhau điều hành và đại diện cho Công ty hoặc thỏa thuận phân công trách nhiệm và quyền đại diện cho từng người. Luật không quy định vốn tối thiểu, các bên có thể thỏa thuận các hình thức góp vốn. Trong công ty hợp danh, việc thay đổi thành viên là rất khó khăn, chỉ cần 1 thành viên chết, xin ra khỏi công ty là lý do quan trọng để giải thể.

– Công ty hợp vốn đơn giản: Công ty hợp vốn đơn giản là loại công ty có ít nhất 1 thành viên chịu trách nhiệm vô hạn (thành viên nhận vốn), còn những thành viên khác chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn trong số vốn góp vào công ty (thành viên góp vốn).

Công ty hợp vốn đơn giản về cơ bản giống công ty hợp danh, điểm khác cơ bản là công ty hợp vốn đơn giản có hai loại thành viên với những thân phận pháp lý khác nhau.

+ Thành viên nhận vốn chịu trách nhiệm vô hạn về mọi khoản nợ của công ty, có quyền đại diện cho công ty trong các quan hệ đối ngoại.

+ Thành viên góp vốn chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi phần vốn góp vào công ty. Thành viên góp vốn không có quyền đại diện cho công ty trong các quan hệ đối ngoại, nếu họ đứng ra thay mặt công ty thì sẽ mất quyền chịu trách nhiệm hữu hạn. Thành viên góp vốn chỉ có quyền trong quan hệ nội bộ của công ty, các thành viên có thể thỏa thuận với nhau. Tên hãng của công ty hợp vốn đơn giản cũng chỉ ghi tên của thành viên nhận vốn.

Sự ra đời của công ty hợp vốn đơn giản đã đáp ứng được yêu cầu của các nhà kinh doanh một khi họ không muốn vào công ty hợp danh do tính chịu trách nhiệm vô hạn của tất cả các thành viên.

 

5.2 Công ty đối vốn (Công ty trọng vốn):

Về mặt lịch sử, các công ty đối vốn ra đời sau các công ty đối nhân. Khác với công ty đối nhân, công ty đối vốn không quan tâm đến nhân thân người góp vốn mà chỉ quan tâm đến phần vốn góp.

* Đặc điểm của công ty đối vốn:

Đặc điểm quan trọng của công ty đối vốn là có sự tách bạch tài sản của công ty và tài sản của các thành viên, luật các nước gọi là nguyên tắc phân tách tài sản. Công ty đối vốn có tư cách pháp nhân, các thành viên công ty chỉ chịu trách nhiệm về mọi khoản nợ của công ty trong phạm vi phần vốn mà họ góp vào công ty (trách nhiệm hữu hạn). Do việc thành lập chỉ quan tâm đến phần vốn góp, do đó thành viên công ty thường rất đông, những người không hiểu biết về kinh doanh cũng có thể tham gia vào công ty đối vốn. Công ty phải đóng thuế cho nhà nước, các thành viên phải đóng thuế thu nhập. Có rất nhiều quy định pháp lý về tổ chức hoạt động đối với công ty đối vốn, thành viên công ty dễ dàng thay đổi.

* Các loại công ty đối vốn:

– Công ty cổ phần: từ góc độ pháp lý có thể khái quát những đặc trưng cơ bản của công ty cổ phần như sau

+ Là một tổ chức có tư cách pháp nhân, đây là loại hình công ty có tính tổ chức cao, hoàn thiện về vốn, mang tính xã hội cao.

+ Chịu trách nhiệm bằng tài sản riêng của công ty. Điều đó thể hiện: công ty chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty bằng tài sản của công ty, các thành viên công ty chỉ chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn họ đã góp vào công ty.

+ Vốn cơ bản của công ty được chia thành các cổ phần

+ Trong quá trình hoạt động, công ty cổ phần được phát hành các loại chứng khoán ra thị trường để công khai huy động vốn trong công chúng. Do đó, sự ra đời của công ty cổ phần gắn liền với sự ra đời của thị trường chứng khoán.

+ Việc chuyển nhượng phần vốn góp được thực hiện dễ dàng thông qua hành vi bán cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.

+ Công ty cổ phần có số lượng thành viên rất đông, vì vậy nó có khả năng huy động vốn rộng rãi nhất trong công chúng để đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác nhau.

+ Chịu sự điều chỉnh chặt chẽ của pháp luật về việc thành lập, giải thể công ty, về phát hành chứng khoán…

– Công ty trách nhiệm hữu hạn: công ty TNHH là loại công ty trong đó các thành viên chỉ chịu trách nhiệm về mọi khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn mà họ đã góp vào công ty. Công ty TNHH có những đặc trưng cơ bản sau:

+ Công ty TNHH là 1 pháp nhân độc lập, địa vị pháp lý này quyết định chế độ trách nhiệm của công ty.

+ Thành viên công ty không nhiều và thường là những người quen biết nhau.

+ Vốn điều lệ chia thành từng phần, mỗi thành viên có thể góp nhiều, ít khác nhau và bắt buộc phải góp đủ khi công ty thành lập, công ty phải bảo toàn vốn ban đầu.

+ Phần vốn góp không thể hiện dưới hình thức cổ phiếu và rất khó chuyển nhượng ra bên ngoài.

+ Trong quá trình hoạt động, không được phép công khai huy động vốn trong công chúng (không được phát hành cổ phiếu).

+ Về tổ chức, điều hành ở công ty TNHH đơn giản hơn so với công ty cổ phần. Về mặt pháp lý, công ty TNHH thường chịu sự điều chỉnh bắt buộc ít hơn công ty cổ phần.

Có thể nói công ty TNHH là mô hình lý tưởng để kinh doanh ở quy mô vừa và nhỏ.