Khái niệm con người và bản chất con người
Khái niệm con người và bản chất con người
a. Con người là thực thể sinh học – xã hội
Theo C.Mác, con người là một sinh vật có tính xã hội ở trình độ phát triển cao nhất của giới tự nhiên và của lịch sử xã hội, là chủ thể của lịch sử, sáng tạo nên tất cả các thành tựu của văn minh và văn hóa. Về phương diện sinh học, con người là một thực thể sinh vật, là sản phẩm của giới tự nhiên, là một động vật xã hội. “Bản thân cái sự kiện là con người từ loài động vật mà ra, cũng đã quyết định việc con người không bao giờ hoàn toàn thoát ly khỏi những đặc tính vốn có của con vật”. Điều đó có nghĩa rằng con người cũng như mọi động vật khác phải tìm kiếm thức ăn, nước uống, phải “đấu tranh sinh tồn” để ăn uống, sinh đẻ con cái, tồn tại và phát triển. Nhưng không được tuyệt đối hóa điều đó. Không phải đặc tính sinh học, bản năng sinh học, sự sinh tồn thể xác là cái duy nhất tạo nên bản chất của con người, mà con người còn là một thực thể xã hội. Khi xem xét con người, theo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, không thể tách rời hai phương diện sinh học và xã hội của con người thành những phương diện biệt lập, duy nhất, quyết định phương diện kia.
Không chỉ là một thực thể sinh học, mà con người cũng còn là một bộ phận của giới tự nhiên. “Giới tự nhiên…là thân thể vô cơ của con người…đời sống thể xác và tinh thần của con người gắn liền với giới tự nhiên”. Về phương diện thực thể sinh học, con người còn phải phục tùng các quy luật của giới tự nhiên, các quy luật sinh học như di truyền, tiến hóa sinh học và các quá trình sinh học của giới tự nhiên. Con người là một bộ phận đặc biệt, quan trọng của giới tự nhiên, nhưng lại có thể biến đổi giới tự nhiên và chính bản thân mình, dựa trên các quy luật khách quan. Đây chính là điểm khác biệt đặc biệt, rất quan trọng giữa con người và các thực thể sinh học khác. Về mặt thể xác, con người sống bằng những sản phẩm tự nhiên, dù là dưới hình thức thực phẩm, nhiên liệu, áo quần, nhà ở…Bằng hoạt động thực tiễn con người trở thành một bộ phận của giới tự nhiên có quan hệ với giới tự nhiên, thống nhất với giới tự nhiên, bởi giới tự nhiên là “thân thể vô cơ của con người”. Vì thế con người phải dựa vào giới tự nhiên, gắn bó với giới tự nhiên, hòa hợp với giới tự nhiên mới có thể tồn tại và phát triển. Quan điểm này là nền tảng lý luận và phương pháp luận rất quan trọng, có tính thời sự trong bối cảnh khủng hoảng sinh thái và yêu cầu phát triển bền vững hiện nay.
Con người còn là một thực thể xã hội có các hoạt động xã hội. Hoạt động xã hội quan trọng nhất của con người là lao động sản xuất. “Người là giống vật duy nhất có thể bằng lao động mà thoát khỏi trạng thái thuần túy là loài vật”. Nếu con vật phải sống dựa hoàn toàn vào các sản phẩm của tự nhiên, dựa vào bản năng thì con người lại sống bằng lao động sản xuất, bằng việc cải tạo tự nhiên, sáng tạo ra các vật phẩm để thỏa mãn nhu cầu của mình. Nhờ có lao động sản xuất mà con người về mặt sinh học có thể trở thành thực thể xã hội, thành chủ thể của “lịch sử có tính tự nhiên”, có lý tính, có “bản năng xã hội”. Lao động đã góp phần cải tạo bản năng sinh học của con người, làm cho con người trở thành con người đúng nghĩa của nó. Lao động là điều kiện kiên quyết, cần thiết và chủ yếu quyết định sự hình thành và phát triển của con người cả về phương diện sinh học lẫn phương diện xã hội.
Trong hoạt động con người không chỉ có các quan hệ lẫn nhau trong sản xuất, mà còn có hàng loạt các quan hệ xã hội khác. Những quan hệ đó ngày càng phát triển phong phú, đa dạng, thể hiện những tác động qua lại giữa họ với nhau. Xã hội, xét đến cùng, là sản phẩm của sự tác động qua lại lẫn nhau giữa những con người. Tính xã hội của con người chỉ có trong “xã hội loài người”, con người không thể tách khỏi xã hội và đó là điểm cơ bản làm cho con người khác với con vật. Hoạt động của con người gắn liền với các quan hệ xã hội không chỉ phục vụ cho con người mà còn cho xã hội, khác với hoạt động của con vật chỉ phục vụ cho nhu cầu bản năng sinh học trực tiếp của nó. Hoạt động và giao tiếp của con người đã sinh ra ý thức người. Tư duy, ý thức của con người chỉ có thể phát triển trong lao động và giao tiếp xã hội với nhau. Cũng nhờ có lao động và giao tiếp xã hội mà ngôn ngữ xuất hiện và phát triển. Ngôn ngữ và tư duy của con người thể hiện tập trung và nổi trội tính xã hội của con người, là một trong những biểu hiện rõ nhất phương diện con người là một thực thể xã hội. Chính vì vậy, khác với con vật, con người chỉ có thể tồn tại và phát triển trong xã hội loài người.
b. Con người là sản phẩm của lịch sử và của chính bản thân con người
Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác – Lênin phê phán quan niệm của Phoiơbắc đã xem xét con người tách khỏi điều kiện lịch sử cụ thể và hoạt động thực tiễn của họ, xem xét con người chỉ như là đối tượng cảm tính, trừu tượng, không có hoạt động thực tiễn. Phoiơbắc đã không nhìn thấy những quan hệ hiện thực, sống động giữa người với người trong đời sống xã hội, đặc biệt là trong sản xuất. Do vậy, ông đã tuyệt đối hóa tình yêu giữa người với người. Hơn thế nữa, đó cũng không phải là tình yêu hiện thực mà là tình yêu đã được ông lý tưởng hóa. Phê phán quan niệm sai lầm của Phoiơbắc và của các nhà tư tưởng khác về con người, kế thừa các quan niệm tiến bộ trong lịch sử tư tưởng nhân loại và dựa vào những thành tựu của khoa học, chủ nghĩa Mác khẳng định con người vừa là sản phẩm của sự phát triển lâu dài của giới tự nhiên, vừa là sản phẩm của lịch sử xã hội loài người và của chính bản thân con người. Mác đã khẳng định trong tác phẩm Hệ tư tưởng Đức rằng, tiền đề của lý luận duy vật biện chứng và duy vật lịch sử của các ông là những con người hiện thực đang hoạt động, lao động sản xuất và làm ra lịch sử của chính mình, làm cho họ trở thành những con người như đang tồn tại. Cần lưu ý rằng con người là sản phẩm của lịch sử và của bản thân con người, nhưng con người, khác với con vật, không thụ động để lịch sử làm mình thay đổi, mà con người còn là chủ thể của lịch sử.
c. Con người vừa là chủ thể của lịch sử, vừa là sản phẩm của lịch sử
Con người vừa là sản phẩm của lịch sử tự nhiên và lịch sử xã hội, nhưng đồng thời, lại là chủ thể của lịch sử bởi lao động và sáng tạo là thuộc tính xã hội tối cao của con người. Con người và động vật đều có lịch sử của mình, nhưng lịch sử con người khác với lịch sử động vật. Lịch sử của động vật “là lịch sử nguồn gốc của chúng và sự phát triển dần dần của chúng cho đến trạng thái hiện nay của chúng. Nhưng lịch sử ấy không phải do chúng làm ra, và trong chừng mực mà chúng có tham dự vào việc làm ra lịch sử ấy, thì điều đó diễn ra mà chúng không hề biết và không phải do ý muốn của chúng. Ngược lại, con người càng cách xa con vật hiểu theo nghĩa hẹp của từ này bao nhiêu, thì con người lại càng tự mình làm ra lịch sử của mình một cách có ý thức bấy nhiêu”. Hoạt động lịch sử đầu tiên khiến con người tách khỏi con vật, có ý nghĩa sáng tạo chân chính là hoạt động chế tạo công cụ lao động, hoạt động lao động sản xuất. Nhờ chế tạo công cụ lao động mà con người tách khỏi loài vật, tách khỏi tự nhiên trở thành chủ thể hoạt động thực tiễn xã hội. Chính ở thời điểm đó con người bắt đầu làm ra lịch sử của mình. “Sáng tạo ra lịch sử” là bản chất của con người, nhưng con người không thể sáng tạo ra lịch sử theo ý muốn tùy tiện của mình, mà là phải dựa vào những điều kiện do quá khứ, do thế hệ trước để lại trong những hoàn cảnh mới. Con người, một mặt, phải tiếp tục các hoạt động trên các tiền đề, điều kiện cũ của thế hệ trước để lại, mặt khác, lại phải tiến hành các hoạt động mới của mình để cải biến những điều kiện cũ. Lịch sử sản xuất ra con người như thế nào thì tương ứng, con người cũng sáng tạo ra lịch sử như thế ấy. Từ khi con người tạo ra lịch sử cho đến nay con người luôn là chủ thể của lịch sử, nhưng cũng luôn là sản phẩm của lịch sử.
Con người tồn tại và phát triển luôn luôn ở trong một hệ thống môi trường xác định. Đó là toàn bộ điều kiện tự nhiên và xã hội, cả điều kiện vật chất lẫn tinh thần, có quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp đến đời sống của con người và xã hội. Đó là những điều kiện cần thiết, tất yếu, không thể thiếu đối với sự tồn tại và phát triển của con người. Một mặt, con người là một bộ phận của giới tự nhiên, để tồn tại và phát triển phải quan hệ với giới tự nhiên, phải phụ thuộc vào giới tự nhiên, thu nhận và sử dụng các nguồn lực của tự nhiên để cải biến chúng cho phù hợp với nhu cầu của chính mình. Mặt khác, là một bộ phận của tự nhiên, con người cũng phải tuân theo các quy luật của tự nhiên, tuân theo các quá trình tự nhiên như cơ học, vật lý, hóa học, đặc biệt là các quá trình y, sinh học, tâm sinh lý khác nhau. Về phương diện sinh thể hay sinh học, con người là một tiểu vũ trụ có cấu trúc phức tạp, là một hệ thống mở, biến đổi và phát triển không ngừng, thay đổi và thích nghi khá nhanh chóng so với các động vật khác trước những biến đổi của môi trường. Nó vừa tiếp nhận, thích nghi, hòa nhịp với giới tự nhiên, nhưng cũng bằng cách đó cải biến giới tự nhiên để thích ứng và biến đổi chính mình.
Con người cũng tồn tại trong môi trường xã hội. Chính nhờ môi trường xã hội mà con người trở thành một thực thể xã hội và mang bản chất xã hội. Con người là sản phẩm của hoàn cảnh, của môi trường trong đó có môi trường xã hội. Môi trường xã hội cũng là điều kiện và tiền đề để con người có thể thực hiện quan hệ với giới tự nhiên ở quy mô rộng lớn và hữu hiệu hơn. Trong thực chất thì môi trường xã hội cũng là một bộ phận của tự nhiên với những đặc thù của nó. So với môi trường tự nhiên môi trường xã hội có ảnh hưởng trực tiếp và quyết định đến con người, sự tác động của môi trường tự nhiên đến từng cá nhân con người thường phải thông qua môi trường xã hội và chịu ảnh hưởng sâu sắc của các nhân tố xã hội. Môi trường xã hội cũng như mỗi cá nhân con người thường xuyên phải có quan hệ với môi trường tự nhiên và tồn tại trong mối quan hệ tác động qua lại, chi phối và quy định lẫn nhau.
Do sự phát triển của công nghiệp, của cách mạng khoa học – công nghệ, nhiều loại môi trường khác đã và đang được phát hiện. Đó là những môi trường, như môi trường thông tin, kiến thức, môi trường từ tính, môi trường điện, môi trường hấp dẫn, môi trường sinh học…Nhưng cần lưu ý rằng, có những môi trường trong số đó mới được phát hiện và đang được nghiên cứu, nên còn có nhiều ý kiến, quan niệm khác nhau, thậm chí đối lập nhau. Môi trường sinh học, môi trường cận tâm lý, môi trường tương tác yếu, đang được nghiên cứu trong khoa học tự nhiên là những môi trường như vậy. Tuy nhiên, dù chưa được nhận thức đầy đủ, mới được phát hiện hay còn có những ý kiến, quan niệm khác nhau, thì chúng đều hoặc là thuộc về môi trường tự nhiên, hoặc là thuộc về môi trường xã hội. Tính chất, phạm vi, vai trò và tác động của chúng đến con người là khác nhau, không giống hoàn toàn như môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Chúng là những hiện tượng, quá trình cụ thể của tự nhiên hoặc xã hội, có tác động, ảnh hưởng ở một khía cạnh hẹp, cụ thể và xác định ở phương diện tự nhiên hoặc xã hội.
d. Bản chất con người là tổng hòa các quan hệ xã hội
Trong sinh hoạt xã hội, khi hoạt động ở những điều kiện lịch sử nhất định con người có quan hệ với nhau để tồn tại và phát triển. “Trong tính hiện thực của nó, bản chất của con người là tổng hòa các quan hệ xã hội”. Bản chất của con người luôn được hình thành và thể hiện ở những con người hiện thực, cụ thể trong những điều kiện lịch sử cụ thể. Các quan hệ xã hội tạo nên bản chất của con người, nhưng không phải là sự kết hợp giản đơn hoặc là tổng cộng chúng lại với nhau mà là sự tổng hòa chúng; mỗi quan hệ xã hội có vị trí, vai trò khác nhau, có tác động qua lại, không tách rời nhau. Các quan hệ xã hội có nhiều loại: Quan hệ quá khứ, quan hệ hiện tại, quan hệ vật chất, quan hệ tinh thần, quan hệ trực tiếp, gián tiếp, tất nhiên hoặc ngẫu nhiên, bản chất hoặc hiện tượng, quan hệ kinh tế, quan hệ phi kinh tế…Tất cả các quan hệ đó đều góp phần hình thành lên bản chất của con người. Các quan hệ xã hội thay đổi thì ít hoặc nhiều, sớm hoặc muộn, bản chất con người cũng sẽ thay đổi theo. Trong các quan hệ xã hội cụ thể, xác định, con người mới có thể bộc lộ được bản chất thực sự của mình, và cũng trong những quan hệ xã hội đó thì bản chất người của con người mới được phát triển. Các quan hệ xã hội khi đã hình thành thì có vai trò chi phối và quyết định các phương diện khác của đời sống con người khiến cho con người không còn thuần túy là một động vật mà là một động vật xã hội. Con người “bẩm sinh đã là sinh vật có tính xã hội”. Khía cạnh thực thể sinh vật là tiền đề trên đó thực thể xã hội tồn tại, phát triển và chi phối.