“Khái niệm chiến lược mới” của NATO
Biên phòng – Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) diễn ra ở Thủ đô Madrid của Tây Ban Nha vừa qua đã thông qua Khái niệm chiến lược mới, vạch ra những sách lược cốt lõi trong hoạt động của một trong những liên minh lớn nhất thế giới này.
Quang cảnh Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Thủ đô Madrid, Tây Ban Nha mới đây. Ảnh: REUTERS
Hoạch định sách lược phù hợp với thời cuộc
Theo giới chuyên gia chính trị, quân sự quốc tế, kể từ sau Chiến tranh lạnh, đã thành thông lệ, cứ khoảng 10 năm, NATO sẽ xem xét và cập nhật Khái niệm chiến lược mới. Điều này giúp NATO hoạch định sách lược đảm bảo sự phù hợp với thực tiễn, cũng như bắt nhịp với những xu hướng mới về an ninh quốc tế trong 10 năm. Khái niệm chiến lược mới là một tài liệu quan trọng, đóng vai trò trung tâm trong việc hình thành các sáng kiến của NATO, ưu tiên và mục tiêu của liên minh, đồng thời, thiết lập quan điểm chung về những thách thức đang nổi lên. Khái niệm được thông qua gần đây nhất là tại Thủ đô Lisbon, Bồ Đào Nha vào năm 2010.
Hội nghị thượng đỉnh NATO vào cuối tháng 6 vừa qua diễn ra tại Thủ đô Madrid đã thông qua Khái niệm chiến lược mới, thu hút sự quan tâm lớn của dư luận quốc tế với những kỳ vọng tạo chuyển biến cho thế giới khi phải đối đầu với những diễn biến phức tạp trong thời gian gần đây. Giới truyền thông quốc tế dành nhiều sự quan tâm tới một số nội dung trong khái niệm mới này, nổi bật nhất là việc NATO xác định những mối đe dọa địa chính trị lớn và coi việc phổ biến vũ khí hạt nhân, chiến tranh mạng và biến đổi khí hậu là những thách thức lớn nhất hiện nay.
Về nội bộ, Khái niệm chiến lược mới của NATO đưa ra những cam kết bảo vệ tự do và an ninh của tất cả các đồng minh, tái khẳng định sự gắn kết xuyên Đại Tây Dương giữa các quốc gia thành viên là điều cần thiết đối với an ninh của liên minh. Cùng với đó, khái niệm mới đã đặt ra 3 nhiệm vụ cốt lõi, gồm: Răn đe và phòng thủ; ngăn ngừa và quản lý khủng hoảng; hợp tác an ninh và tìm cách nâng cao khả năng ứng phó của cá nhân, tập thể cũng như tăng cường năng lực công nghệ.
Về an ninh châu Âu, Khái niệm chiến lược mới của NATO lên án những hành động vi phạm luật nhân đạo quốc tế, phá vỡ hòa bình và làm thay đổi nghiêm trọng môi trường an ninh quốc tế, đồng thời, định hình mối đe dọa trực tiếp nhất đối với an ninh, lợi ích và sự ổn định của liên minh. Tuy nhiên, khái niệm mới của NATO nhấn mạnh rằng, tổ chức này không tìm kiếm sự đối đầu và không gây ra mối đe dọa trực tiếp với bất kỳ quốc gia nào, đặc biệt là vẫn giữ các kênh liên lạc cởi mở để quản lý, giảm thiểu rủi ro, ngăn chặn leo thang và tăng tính minh bạch.
Giới quan sát đánh giá, trong cuộc thăm dò dư luận do Trung tâm Nghiên cứu Pew (Mỹ) đối với công dân các nước thành viên NATO về phòng thủ tập thể, có tới 50% người dân phản đối việc quốc gia của họ bảo vệ đồng minh trước một cuộc tấn công tiềm tàng, trong khi chỉ 38% có quan điểm ngược lại. Vì vậy, chiến lược mà NATO vừa định hình được xem là đã theo chiều hướng phản ánh ý kiến của đại đa số người dân của các nước NATO.
Mặt khác, không chỉ định hình chiến lược mới đối với những diễn biến bất ổn về an ninh hiện hữu, NATO cũng “thăng hạng” ưu tiên đối với những mối lo ngại tiềm tàng có thể xảy ra trong tương lai trở thành thách thức nghiêm trọng đối với tổ chức này. NATO cũng dành sự quan tâm đặc biệt đối với hiện tượng các cường quốc “bắt tay” nhau có thể sẽ tạo thành liên minh đe dọa tới trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, đi ngược lại với giá trị và lợi ích của mình.
Củng cố sức mạnh
Nhiều học giả chính trị quốc tế đánh giá, NATO những năm gần đây hiện hữu một vấn đề vô cùng nghiêm trọng đó là sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ. Uy tín và vị thế của liên minh này từng nhiều lần bị hạ thấp vì những câu chuyện mâu thuẫn giữa các nước đồng minh, cũng như giữa các phe nhóm trong liên minh 30 nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới và khu vực ngày càng chật vật với những cuộc khủng hoảng đan xen hiện nay, NATO đang cho thấy tinh thần đoàn kết giữa các thành viên phần nào được khôi phục đáng kể.
Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto (trái), Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (giữa) và Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde tại Lễ ký nghị định thư gia nhập NATO vào ngày 5/7. Ảnh: REUTERS
Những câu chuyện về sự tranh cãi trong nội bộ NATO dần không còn xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng, thay vào đó là những động thái cho thấy sự thống nhất, cùng có trách nhiệm giữa các thành viên. Hội nghị thượng đỉnh NATO vừa qua là một minh chứng rõ nét cho điều này khi toàn thể thành viên NATO cùng thống nhất, nhấn mạnh sự đoàn kết trong việc giải quyết những thách thức mang tính hệ thống đang đặt ra đối với liên minh. Dễ thấy, NATO đã rất chú trọng việc củng cố sức mạnh từ việc gắn kết ý chí chung trong nội bộ.
Một trong những vấn đề đáng chú ý khác tại Hội nghị thượng đỉnh của NATO là việc mở rộng phạm vi ảnh hưởng của liên minh. Trong một tuyên bố của hội nghị, NATO nhấn mạnh rằng, cánh cửa vẫn rộng mở đối với tất cả các nền dân chủ chia sẻ những giá trị của liên minh, những quốc gia sẵn sàng và có thể đảm nhận trách nhiệm, nghĩa vụ của quy chế thành viên, sẵn sàng đóng góp vào an ninh chung của khối.
NATO cũng đã chính thức mời Thụy Điển và Phần Lan gia nhập liên minh, sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan rút lại sự phản đối 2 quốc gia Bắc Âu này gia nhập khối. Vài ngày sau hội nghị, vào đầu tuần này, Thụy Điển và Phần Lan cùng NATO đã chính thức khởi động tiến trình gia nhập liên minh. Thông thường, việc kết nạp thành viên chính thức sẽ trải qua rất nhiều thủ tục với khoảng thời gian thực hiện từ 8 đến 12 tháng.
Cùng với đó, NATO tiếp tục nhấn mạnh quan điểm sát cánh, tăng cường hợp tác với nhiều quốc gia tại khu vực để giải quyết các thách thức xuyên khu vực và các lợi ích an ninh chung. Giới chuyên gia nhìn nhận, NATO đang cho thấy sự gắn kết chặt chẽ hơn với nhiều cường quốc ngoài tổ chức như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand. Điều này giúp NATO có thêm những “cánh tay nối dài” củng cố cho sức mạnh của liên minh quân sự lớn nhất thế giới.
Thanh Trúc