Khái niệm cảnh quan và nghiên cứu cảnh quan trong quy hoạch xây dựng phát triển bền vững đô thị tại Pháp

MTXD – Tóm tắt: Các nước phát triển ở Châu Âu, đặc biệt là Pháp rất quan tâm đến nghiên cứu cảnh quan và cách họ áp dụng những nghiên cứu này vào quá trình thực hiện quy hoạch lãnh thổ rất hiệu quả. Những tìm hiểu về cách thức áp dụng nghiên cứu cảnh quan của họ sẽ là một ví dụ tham
khảo có ích cho Việt Nam hiện nay.

MTXD – Tóm tắt: Các nước phát triển ở Châu Âu, đặc biệt là Pháp rất quan tâm đến nghiên cứu cảnh quan và cách họ áp dụng những nghiên cứu này vào quá trình thực hiện quy hoạch lãnh thổ rất hiệu quả. Những tìm hiểu về cách thức áp dụng nghiên cứu cảnh quan của họ sẽ là một ví dụ tham khảo có ích cho Việt Nam hiện nay. Qua tổng hợp và phân tích các tài liệu, các nghiên cứu và các dự án về cảnh quan và quy hoạch đô thị của Pháp và 1 số nước Tây Âu khác thực hiện trong 30 gần đây, chúng ta thấy được nghiên cứu cảnh quan thực sự mang lại lợi ích cho PTBV bởi cả 2 đều liên quan đến mối quan hệ giữa môi trường tự nhiên và con người. Tính hiệu quả của nghiên cứu cảnh quan cũng được minh chứng qua việc tham gia xuyên suốt những dự án quy hoạch cải tạo đô thị, từ giai đoạn lập dự án, đánh giá hiện trạng đến hoàn thiện dự án. Việt Nam là đất nước giàu bản sắc văn hóa và điều kiện tự nhiên phong phú. Hiện nay các nhà nghiên cứu chuyên môn vẫn đang tìm kiếm xây dựng một mô hình đô thị PTBV mà vẫn yêu cầu đảm bảo giữ được “cảnh quan truyền thống” và “cảnh quan tự nhiên”. Đây là một ví dụ tham khảo rất cụ thể giúp cho các nhà nghiên cứu có thêm cơ sở lý thuyết và phương pháp phân tích đánh giá đối với các dự án quy hoạch xây dựng đô thị trong tương lai.

Từ khóa: Cảnh quan; Nghiên cứu cảnh quan; Phát triển bền vững; Quy hoạch đô thị.

 Ảnh minh họa

1. Đặt vấn đề

Cảnh quan đã và đang dần trở thành một phần quan trọng trong các chính sách quản lý đất đai và vùng lãnh thổ ở Châu Âu. Năm 2000, với sự ra đời của công ước cảnh quan châu Âu thì cảnh quan chính thức được công nhận như một chủ để quan trọng trong loạt chính sách liên quan đến xây dựng phát triển lãnh thổ của các nước trong châu Âu và của Hội đồng chung châu Âu.

Các chuyên gia cho rằng, hiện nay, mỗi một khu vực trên thế giới không chỉ có tham vọng về một nơi chốn có xã hội, môi trường và kinh tế vượt trội mà họ còn đang cố gắng làm tăng giá trị đặc trưng tiêu biểu của mình. Một số nơi đã gỡ bỏ đi các mô hình đa chức năng (bao gồm cả mô hình xanh), những mô hình mà trước đó được cho là có thể áp dụng trên tất cả các trường hợp, đề phát triển theo nét riêng. Họ thực hiện việc quy hoạch sử dụng đất bằng cách tìm kiếm một khái niệm cảnh quan có thể tập hợp tất cả các quan điểm của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu xã hội. Khái niệm này lại giúp họ xây dựng các chính sách phối kết hợp để quản lý sự phát triển của cảnh quan sau này.

Tại Việt Nam, « Cảnh quan » hầu như luôn xuất hiện trong cụm từ « kiến trúc cảnh quan ». Cách đây hơn 20 năm, PGS.TS. Hàn Tất Ngạn biên soạn trong giáo trình giảng dạy của mình đưa ra định nghĩa « Kiến trúc cảnh quan là một môn khoa học tổng hợp, liên quan đến nhiều lĩnh vực chuyên ngành khác nhau nhằm giải quyết vấn đề tổ chức môi trường nghỉ ngơi – giải trí, thiết lập và cải thiện môi sinh, bảo vệ môi trường, tổ chức nghệ thuật kiến trúc »11. Qua định nghĩa trên có thể thấy, kiến trúc sư cảnh quan có vai trò rất quan trọng, là người kết nối tự nhiên với không gian sống của con người. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, khi nói đến cảnh quan, nhiều người cho rằng thiết kế cảnh quan là công việc liên quan đến làm sân vườn. Thêm vào đó, khi tìm những nghiên cứu khoa học về cảnh quan phổ biến ở Việt Nam hiện nay hầu hết đều là các đề tài liên quan đến phân tích địa lý khí hậu, cải tạo môi trường để đáp ứng cho nông nghiệp hay hỗ trợ cho việc quản lý đất đai.

Trong xã hội tương lai, các phong tục, những thói quen mới được hình thành, sẽ có những đổi mới tạo sự tương thích giữa con người và môi trường sống vì vậy nếu cảnh quan cho phép chúng ta hiểu được sự vận hành của một xã hội thì đó cũng là công cụ để hiểu được sự phát triển của xã hội. Nghiên cứu cảnh quan được cho là đóng vai trò tích cực bởi cảnh quan phản ánh văn hóa và nếp sống. Với tiêu chí : đảm bảo được cảnh quan chính là đảm bảo được mối liên kết giữa môi trường sống của con người với môi trường tự nhiên, điều này sẽ thúc đẩy sự phát triển hài hòa giữa con người với tự nhiên và góp phần đến gần với mục tiêu PTBV đô thị.

2. Khái niệm về cảnh quan và nghiên cứu cảnh quan
2.1. Khái niệm về cảnh quan

Tại Châu Âu, theo Pierre Donadieu (Michel Périgord et Pierre Donadieu, 2012), từ « cảnh quan » xuất hiện tại Bắc Âu – landschaft (mang hàm ý miêu tả về một khu vực) vào thế kỷ thứ 8 và tại Nam Âu cụ thể là tại Italia – paese vào thế kỷ thứ 15 mang ý nghĩa bức vẽ tái hiện lại hình ảnh của một đất nước. Nếu nhìn vào những ngôn ngữ phổ biến trên thế giới hiện nay, có thể thấy đây chính là 2 từ gốc mà các nước sử dụng để tạo thành từ chỉ cảnh quan trong ngôn ngữ của mỗi nước. Cụ thể như tiếng Anh là Landscape, tiếng Đức là landschaft, tiếng Hà Lan là landschap, còn tiếng Pháp là paysage, tiếng ý là paesaggio, tiếng Bồ Đào Nha là paysagem… Dựa trên giải thích của từ điển ngôn ngữ của các nước đều cho thấy từ cảnh quan có hai quan điểm cơ bản: thứ nhất là để chỉ những hình ảnh nghệ thuật (tranh miêu tả cảnh vật) ; thứ hai chính là khoảng rộng không gian vật thể của một khu vực.

Tại châu Á, khi mà ngôn ngữ và chữ viết được hình thành theo hình thức khác thì sự hình thành của thuật ngữ cảnh quan cũng có 1 lịch sử riêng. Theo các ghi chép, ý niệm về cảnh quan tại châu Á được ra đời rất sớm. Tương tự như các nước phương Tây, nguồn gốc của khái niệm về cảnh quan đều liên quan đến nghệ thuật hội họa. Cụ thể, vào thế kỷ thứ 5 trước công nguyên, thuật ngữ cảnh quan xuất hiện trong sách hướng dẫn vẽ tranh phong cảnh của Zong Binh. Trong quyển sách này, khái niệm được dung để miêu tả cảnh quan chính là Sơn Thủy – Tranh vẽ núi và sông.

Như vậy, nếu so sánh với định nghĩa về cảnh quan của Châu Âu thì xuất phát điểm của từ cảnh quan của Trung Quốc lúc này chỉ bao gồm núi và sông. Và đó mới chỉ là 1 phần hình ảnh của chủ thể mà chúng ta thu được khi ngắm nhìn một vùng đất, 1 khu vực nào đó. Xét trong nghệ thuật hội họa, giữa Châu Á và Châu Âu có sự tương đồng khi đưa thiên nhiên vào tranh vẽ để nói lên cảm xúc của con người. Tuy nhiên tranh cảnh quan của Trung Quốc lại đi sâu vào tìm hiểu những ý nghĩa triết học của thiên nhiên để thể hiện trong tranh3.

Trên phương diện nghiên cứu khoa học, trước đây cũng như đến nay, cảnh quan thường thuộc lĩnh vực nghiên cứu chủ yếu của địa lý học và sinh thái, về sau này thêm phương diện xã hội học và nhân văn. Theo các nhà địa lý học : cảnh quan học là một bộ phận của địa lý tự nhiên, nghiên cứu sự phân hóa lãnh thổ của lớp vỏ địa lý. Dưới góc độ sinh thái học tác phẩm “Sinh thái cảnh quan” của Forman (Forman, R.T.T. and Godron.M, 1986)), đưa ra định nghĩa cảnh quan không chỉ dựa trên kích thước của nó mà còn được định nghĩa bằng tính chất và bề mặt không đồng đều của khu vực. Theo đó, một cảnh quan không đồng đều bao gồm một cụm các hệ sinh thái tương tác lặp lại xuyên suốt theo một hình thái tương đồng. Trên một góc độ nào đó, sinh thái học cảnh quan có liên hệ mật thiết với địa lý cảnh quan, tuy nhiên sinh thái cảnh quan đi sâu vào mối quan hệ giữa các hệ sinh thái trong một không gian xác định. Dưới góc độ nhân chủng học và xã hội, cảnh quan là phân tích những thay đổi của một không gian dưới tác động của yếu tố văn hóa, lịch sử, xã hội.

Trong những định nghĩa trên về cảnh quan ta có thể thấy không có một định nghĩa nào sai, chỉ có điều cách nhìn và hướng nghiên cứu của các tác giả là khác nhau dẫn đến định nghĩa được đưa ra là khác nhau. Chúng ta có thể thấy cảnh quan vừa là một môn nghệ thuật và cũng là một môn khoa học khiến các nước trên thế giới ngày càng quan tâm đến cảnh quan và «nghiên cứu cảnh quan trở nên thông dụng hơn, định hướng xã hội hơn và ít lý thuyết và học thuật ». Đặc biệt, đến năm 2000, công ước chung về cảnh quan châu Âu ra đời đã tạo nền tảng cơ sở cho việc phổ cập và nâng cao vai trò của cảnh quan tại các nước. Theo đó, khái niêm cảnh quan được định nghĩa rất đơn giản nhưng cũng rất tổng quát:

“Cảnh quan” định ra một phần lãnh thổ được nhận thức bởi con người với các đặc điểm được hình thành do các tác động của yếu tố tự nhiên/yếu tố nhân tạo và mối quan hệ qua lại giữa con người và tự nhiên15

Định nghĩa này cho thấy nội dung của cảnh quan bao gồm các yếu tố vật thể (những gì mà chúng ta có thể nhìn thấy) và yếu tố phi vật thể (những gì mà chúng ta cảm nhận được). Ngoài ra, còn một yếu tố nữa cũng nằm trong việc nghiên cứu của cảnh quan đó là các chính sách và chiến lược phát triển. Do đó, cảnh quan vừa là một cấu trúc vật chất vừa là một đối tượng văn hóa: nó là cái mà chúng ta nhìn vào, đồng thời, cũng là sản phẩm của sự thể hiện tinh thần qua những gì chúng ta quan sát và cảm nhận được4. Theo một cách khác, các thành phần tham gia vào cảnh quan được tổng hợp theo công thức sau 13:

L = S + N

Trong đó: L là cảnh quan (landscape), S là các chủ thể (sujet) và N là tự nhiên (nature)

2.2. Nghiên cứu cảnh quan

Nghiên cứu cảnh quan là phân tích mối quan hệ giữa các chính sách, các hoạt động của con người, với nền tảng tài nguyên thiên nhiên, cũng như các yếu tố văn hóa xã hội. Nghiên cứu cảnh quan chính là đọc những giá trị của 1 khu vực, 1 lãnh thổ nào đó (Pierre Donadieu, 2007). Vì vậy, nếu có thêm công tác nghiên cứu đánh giá cảnh quan trong quá trình đánh giá hiện trạng sẽ tạo dựng thêm được cơ sở cho sự định hướng phát triển bền vững của đô thị sau này. Nghiên cứu cảnh quan là dành cho những người quan tâm muốn tiếp cận tìm hiểu cảnh quan và chia sẻ nhận thức của họ với các bên liên quan khác trong cùng khu vực.

2.3. Các thành phần tham gia vào nghiên cứu cảnh quan

Cảnh quan được nhận thức thông qua các giác quan của thị giác, thính giác và khứu giác. Nó dao động vĩnh viễn giữa yếu tố chi tiết và tổng quan, cái này và cái khác nuôi dưỡng lẫn nhau.

Khái niệm và quan niệm về cảnh quan khá rộng mở nên những người làm cảnh quan không chỉ đơn thuần liên quan đến việc thiết kế không gian xanh, không công cộng, không gian mở. Nghiên cứu tìm hiểu về cảnh quan có thể được thực hiện bởi những người không phải là chuyên gia, đi cùng với một người có kinh nghiệm trong việc đọc cảnh quan. Khuôn khổ một buổi đánh giá phân tích cảnh quan có thể ví dụ như một chuyến tham quan có hướng dẫn viên (du lịch nông thôn, tham quan công viên tự nhiên trong khu vực, đào tạo về môi trường, v.v.), hoặc đi khảo sát thực địa để thiết lập một dự án cảnh quan (thiết kế phát triển cảnh quan, cảnh quan dự án chất lượng, v.v.) hoặc dự án quy hoạch lãnh thổ (quy hoạch tổng thể hoặc phát triển, quy hoạch nông nghiệp, cải tạo đất toàn diện, v.v.).

Thực tế, vì có những góc nhìn khác nhau, cảm xúc khác nhau nên các nhà khoa học, các nhà làm nghệ thuật và công chúng nói chung có thể đưa ra những cách đánh giá hoàn toàn khác nhau về cảnh quan. Và ngay cả trong mỗi ngành khoa học, mỗi phong trào nghệ thuật và mỗi nhóm văn hóa xã hội, sự khác biệt về khả năng cảm thụ tạo ra sự đa dạng của nhận thức về cảnh quan. Một số nhà nghiên cứu về cảnh quan đã tổng kết chia là người quan sát thể hiện cảnh quan theo 3 dạng 4: « am hiểu », « có nền tảng » và « mới có ý niệm ». Đối với 3 dạnh quan sát này, chúng ta cũng chia ra 3 cách thức đọc cảnh quan : đọc và phân tích có tính thẩm mỹ học thì dành cho những người được đào tạo, am hiểu, người có những nền tảng về cảnh quan sẽ cho ra những sản phẩm học thuật, khoa học, còn những người có ý niệm về cảnh quan chỉ đơn thuần cho ra những sản phẩm có tính lãng mạn như việc miêu tả cảnh vật trong các truyện văn học.
Và như vậy có thể thấy nghiên cứu cảnh quan có thể hoàn toàn từ những người nằm ngoài chuyên môn kiến trúc quy hoạch. Mỗi một nghiên cứu của mỗi một chuyên gia về cảnh quan đều là sự bổ sung cần thiết mang lại một sự liên kết chặt chẽ trong quá trình đánh giá phân tích hiện trạng và phát triển lãnh thổ trong tương lai. Ngoài cách chia các nhóm tham gia đọc và phân tích cảnh quan như trên, chúng ta có thể chia theo 1 cách khác đó là có 2 nhóm chuyên gia về nghiên cứu cảnh quan.

– Thứ nhất là chính là các nhà thiết kế, người hướng đến những kiến thức khoa học để tìm hiểu về thực trạng và sự phát triển của cảnh quan. Đây là những kiến trúc sư, quy hoạch sư, hay chính những người thiết kế sân vườn, và cảnh quan đối với họ là một tập dữ liệu của mỗi khu vực, trong đó cho thấy mối quan hệ giữa con người và các không gian gần xa.

– Thứ 2 chính là những nhà khoa học, kỹ sư, những người tìm cách làm rõ chi tiết lý do thay đổi của phong cảnh khu vực đó. Bằng việc tổng hợp các phân tích đánh giá cảnh quan của 2 nhóm chuyên gia trên, chúng ta sẽ cho ra đời được cái nhìn tổng quan và bao quát về quá trình hình thành phát triển cũng như dự báo tương lai của 1 khu vực. Nhờ đó tiến tới xây dựng một phương án xây dựng PTBV được xác thực tế hơn.

3. Cảnh quan và phát triển bền vững

Ý tưởng về phát triển bền vững bắt đầu vào những năm 1960, khi thế giới bước ra khỏi thế chiến thứ hai. Đây là kết quả của sự nhận thức về những tác động tiêu cực của con người đối với môi trường sau một thời gian khai thác để phát triển kinh tế. Hiện nay, hầu hết các nghiên cứu, các bài giảng đều lựa chọn khái niệm PTBV được đưa ra vào năm 1987 tại Báo cáo Brundtland (còn gọi là Báo cáo Our Common Future) của Ủy ban Môi trường và Phát triển Thế giới – WCED (nay là Ủy ban Brundtland) để giới thiệu về PTBV

Phát triển bền vững là sự phát triển có thể đáp ứng được những nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng, tổn hại đến những khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai

Khái niệm PTBV này gắn với 2 khái niệm nhu cầu và sự giới hạn và nhấn mạnh khía cạnh sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo đảm môi trường sống cho con người trong quá trình phát triển. Như vậy, quan điểm về PTBV được hình thành bởi sự giao thoa giữa sự phát triển và sự ý thức của cong người về sinh thái. Tuy nhiên, theo quan niệm này thì sau vài chục năm tới ta sẽ hiểu thế nào là không gây phương hại cho việc thỏa mãn nhu cầu của các thế hệ tương lai khi nhu cầu của con người thay đổi không ngừng22.

Trong mô hình về phát triển bền vững, các yếu tố tham gia vào việc tạo dựng phát triển bền vững ngày càng tăng. Đa phần các khái niệm về PTBV hiện nay đều đề cập đến việc phát triển cân bằng giữa 03 yếu tố Kinh tế, Xã Hội và Môi trường. Đến năm 2002, tại Hội nghị Thượng đỉnh thế giới về Phát triển bền vững tổ chức ở Johannesburg (Cộng hoà Nam Phi), mô hình về PTBV được các nhà nghiên cứu được bổ sung thêm yếu tố văn hóa. Đến nay, do nhu cầu của con người ngày càng cao, đối với một số nghiên cứu, mô hình PTBV được thể hiện đầy đủ hơn dưới hình ảnh của 1 bông hoa. Theo đó các nhà nghiên cứu bổ sung thêm yếu tố thể chế chính sách xã hội, và yếu tố này được coi là bệ đỡ cho cả 4 yếu tố bên trên1.

Cảnh quan hình thành được cũng là kết quả của sự gắn bó mà mọi người có thể có với nơi sống, nơi làm việc, giải trí hoặc đơn thuần là 1 nơi chúng ta đi ngang qua. Con người tạo ra cảnh quan và cảnh quan cũng chi phối các hoạt động của con người. Cảnh quan thay đổi, biến chất và thích ứng với từng điều kiện xã hội và dần là mối quan tâm của mỗi thời đại. Chính bởi vậy cảnh quan và PTBV có mối quan hệ tương hỗ. Thực tế là, bằng cách chăm sóc cảnh quan, chúng ta đồng thời thúc đẩy phúc lợi xã hội, bảo vệ môi trường và bảo vệ hoạt động kinh tế. Do đó, tất cả bốn thành phần của phát triển bền vững (cải thiện xã hội, sinh thái, kinh tế và văn hóa) đều có liên quan ở đây. Báo cáo giải thích cho công ước cảnh quan Châu Âu nhiều lần đưa ra quan điểm đó: “Sự hoàn thiện về mặt cá nhân, xã hội và văn hóa này có thể giúp thúc đẩy sự phát triển bền vững của khu vực liên quan, vì chất lượng cảnh quan có ảnh hưởng quan trọng đến sự thành công của kinh tế và xã hội, các sáng kiến, cho dù công cộng hay tư nhân.”

4. Nghiên cứu cảnh quan trong các dự án xây dựng quy hoạch cải tao phát triển đô thị

4.1. Quan điểm về cảnh quan:

Qua các khái niệm về cảnh quan được các học giả đưa ra, có thể thấy ban đầu, khái niệm về cảnh quan được coi là quá phức tạp vì đa nghĩa, nhưng đến nay, cảnh quan hiện đang trở thành một khái niệm xuyên suốt, phong phú và thực tiễn, phù hợp với mục tiêu đổi mới trên phương diện thực hành lẫn nghiên cứu. Chính bởi xác định được tầm quan trọng của cảnh quan cũng như nghiên cứu cảnh quan mà năm 1993, Pháp là nước đầu tiên cho ra đời luật Cảnh quan. Các học giả của Pháp còn đưa ra khẳng định, cảnh quan chính là chìa khóa để phát triển bền vững lãnh thổ24 bởi cảnh quan không chỉ là một bối cảnh, nơi cuộc sống của con người đan diễn ra mà cảnh quan là tất cả mọi thứ đang bao trùm tồn tại trong không gian sinh sống đó. Cảnh quan được coi là một khung, một thang tham chiếu có thể giúp tất cả chúng ta tự định vị và định hướng phát triển. Sự cân bằng giữa việc xây dựng và các quy trình bảo tồn cảnh quan được quy định bởi chính sự kết nối giữa các hoạt động đời sống xã hội với việc xử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên hay nói cách khác đó là sự tôn trọng đối với thế giới tự nhiên (Yves Gorgeu, 2013).

4.2. Nghiên cứu cảnh quan và xây dựng phát triển đô thị bền vững
Nghiên cứu cảnh quan và các dự án quy hoạch xây dựng cải tạo đô thị

Thay đổi sự nhận thức, quan điểm về cảnh quan gắn liền với quá trình thay đổi định hướng quy hoạch xây dựng các đô thị của châu Âu từng bước tích hợp các yêu cầu đối với cảnh quan.

Theo đó, vào cuối những năm 60, quy hoạch lãnh thổ tuẩn thủ theo nguyên tắc của chủ nghĩa công năng, hướng tới đẩy mạnh phát triển kinh tế và giảm sự chênh lệch giữa các khu vực và ít quan tâm đến vấn đề môi trường (Merlin,1988). Bắt đầu từ những năm 70, cùng với sự xuất hiện của nhận thức về môi trường, quy hoạch lãnh thổ đã tăng cường kết hợp từ trong ý tưởng đến thực tế các phương án bảo vệ thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Sau đó, mục tiêu bảo tồn môi trường đã dẫn đến một cách tiếp cận tích hợp hơn cho các phương án quy hoạch – một mục đích kép : gia tăng sản xuất kết hợp cùng bảo vệ môi trường được áp dụng trên 1 khu vực (Feltz, 1996). Mục tiêu kép này lại đòi hỏi sự kết hợp của các mục tiêu, tiêu chí và phương pháp sử dụng đất đồng thời cùng lúc với các mục tiêu của quản lý môi trường. Chính vì sự chồng chéo này mà đối với một số khu vực được cho rằng cần có sự quan tâm đến cảnh quan, được ấn định là các khu vực nông thôn, khu vực xanh, các khu vực tự nhiên. Tuy nhiên đến tháng 11 năm 1997, theo ký kết Wallon (Bỉ), khu vực cần quan tâm đến cảnh quan bao gồm tất cả các khu vực với tất cả các loại hình chức năng sử dụng đất. Và như vậy, cách đây gần 30 năm, quy hoạch vùng lãnh thổ tại các nước Châu Âu đã từng bước tích hợp các yêu cầu đối với yếu tố quản lý môi trường và cảnh quan.

Hay nói cách khác, cảnh quan dần đóng vai trò quan trọng trong quá trình thực hiện quy hoạch lãnh thổ tại Tây Âu, phân tích cảnh quan trở thành sự chẩn đoán và là cơ sở cho các chính sách tác động, đặc biệt là trong quy hoạch sử dụng đất.

Trong qua trình quy hoạch và tái thiết lãnh thổ, bênh cạnh các yếu tố về đất đai và tự nhiên, cảnh quan là yếu tố cơ bản trong cấu trúc quy hoạch để tạo dựng môi trường sinh học tích cực cho sự phát triển của đô thị trên tất cả các cấp độ8. Vì vậy, đối với các dự án quy hoạch các đô thị hiện đại, cảnh quan đôi khi đóng vai trò quan trọng nhất trong việc hình thành phát triển cấu trúc của đô thị. Bằng việc áp dụng nghiên cứu cảnh quan, các dự án quy hoạch cải tạo đô thị tiếp cận được với PTBV trên mọi lĩnh vực: xã hội, môi trường và kinh tế. Điển hình nhất là : với bối cảnh diện tích đất xây dựng ngày càng bị thu hẹp, đối mặt với việc cải tạo hình ảnh của đô thị, nếu chúng ta đề cập đến hệ thống tái cấu trúc đất đai (giải tỏa cũng như lấy đất không dành cho xây dựng), thì chúng ta nói về một khái niệm khá mới mẻ liên quan đến cảnh quan, đó là cơ sở hạ tầng cảnh quan của đô thị. Cơ sở hạ tầng cảnh quan là một cách tiếp cận mới, tiên tiến để thiết lập các chiến lược về cơ sở hạ tầng đa năng, bền vững về mặt kinh tế và môi trường, đảo ngược quá trình đô thị hóa và tái tạo các nguồn tài nguyên thiên nhiên vô giá14. Chúng ta hình dung về cơ sở hạ tầng cảnh quan như sau: thay vì những hệ thống giao thông phức tạp và khô khan, cơ sở hạ tầng cảnh quan mang lại những nét mới cho những con đường, những nút giao thông. Điều này vừa giải quyết được nhu cầu thị giác, yêu cầu về môi trường sinh thái, yêu cầu về bảo tồn…

Như vậy, cơ sở hạ tầng cảnh quan là một công cụ đa năng giúp bảo tồn đất, chia sẻ gánh nặng tài chính cho sự phát triển của đô thị, khôi phục các hệ sinh thái tự nhiên bị bỏ ngỏ hoặc bị hư hại trước đây, củng cố các lựa chọn giao thông lành mạnh và cung cấp cho công chúng khả năng tiếp cận không gian mở cần thiết14. Một ví dụ tổng hợp cho thấy ích lợi của việc nghiên cứu cảnh quan đối với dự án quy hoạch PTBV tại Châu Âu là dự án xây dựng đường tàu điện tại thành phố Nice – miền nam nước Pháp: Nice là một thành phố nhỏ nằm ven biển Địa trung hải. Việc kết nối từ theo trục Đông Tây dài gần 12km của Thành phố chỉ đảm bảo bằng 2 tuyến xe buýt chạy dọc theo 2 tuyến đường ven biển, và điều này hoàn toàn không đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Ngoài ra, khu vực phía Tây của thành phố còn khá nhiều diện tích có thể xây dựng và được đặt làm trung tâm hành chính mới. Khi giao thông đi lại thuận tiện, sẽ thúc đẩy giãn dân về khu vực phía Tây. Mục tiêu đặt ra là cần xây dựng 1 tuyến đường tàu điện, điều này vừa giúp tăng cường giao thông, giảm khí thải từ lượng phương tiện giao thông cũng như thúc đẩy thay đổi cơ cấu quy hoạch Thành phố.

Nếu xây dựng 1 tuyến đường trên cao như một số đô thị lớn đã làm là hoàn toàn không phù hợp vì tuyến đường sẽ nuốt mất các hệ thống cảnh quan ven biển của thành phố lớn thứ 5 của Pháp này. Bằng việc kết hợp với công tác nghiên cứu cảnh quan, các nhà nghiên cứu đã đưa ra giải pháp xây dựng đường tàu điện bằng cách cải tạo để đường tàu điện chạy trên 1 trục phố chính, song song với đường ven biển và chạy ngầm tại khu vực phố cổ trung tâm. Ý tưởng đưa ra, phương án được thành hình, chính quyền thành phố mất thêm gần 01 năm để lấy ý kiến của người dân thành phố về việc xây dựng tàu điện. Dự án được phê duyệt, chính quyền thành phố lại tiếp tục lấy ý kiến của người dân về hình ảnh của đường tàu điện trong tương lai. Cụ thể như : dựa trên các nghiên cứu của các nhà khoa học về các giống cây phù hợp yếu tố địa hình khí hậu, thổ nhưỡng, người dân tham gia chọn các loại cây trồng dọc bên đường tàu, chọn hình thức của toa tàu và màu của tàu. Nhờ có sự kết hợp rõ ràng và cụ thể, chính quyền và người dân đều chung tay vào việc xây dựng đường tàu điện, đều nắm rõ và hình dung ra viễn cảnh của thành phố trong tương lai, như vậy sẽ giảm thiểu được những xung đột về lợi ích.

Tuyến đường tàu điện này cũng chính là ví dụ của việc cơ sở hạ tầng cảnh quan giúp cho vừa bảo tồn được đất đai, vừa thúc đẩy việc chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất cũng như tiết kiệm được kinh tế mà hạn chế được tối đa những xung đột lợi ích giữa những bên tham gia.

Dự án cảnh quan

Ngoài việc tham gia vào tất cả các giai đoạn của một dự án quy hoạch xây dựng cải tạo đô thị: từ nghiên cứu đánh giá hiện trạng đến lên ý tưởng và thực hiện, để phục vụ cho phát triển lãnh thổ, nghiên cứu cảnh quan còn được Pháp và một số nước trong liên minh Châu Âu xây dựng như một dự án độc lập tương tự như những dự án thiết kế đô thị hay dự án quy hoạch xây dựng đô thị.

Các dự án cảnh quan không chỉ thu thập những thông tin kiến thức mà còn dự báo những hình ảnh tương lai của vùng đất. Dự án là sự kết hợp của việc phân tích những thực tiễn đang tạo ra hình ảnh của vùng đất với việc thấu hiểu những đánh giá tổng hợp về vùng đất (Bernard Davasse, 2004).

Tại Pháp, các dự án cảnh quan được chính phủ rất coi trọng. Minh chứng cho việc này chính là trong lời mời tham gia đồ án cảnh quan của Bộ Năng lượng, Môi trường và Biển của Pháp năm 2017 đã khẳng định :

«Việc thực hiện một chính sách phát triển bền vững lãnh thổ thông quan việc quản lý tốt những cảnh quan « thường nhật », đảm bảo cho tất cả người dân được tiếp cận với một cuộc sống chất lượng. Để có được như vậy, việc tăng cường nắm bắt những yếu tố liên quan đến cảnh quan trong các chính sách công đóng vai trò quan trọng. Theo đó, sự biến đổi cảnh quan chủ yếu liên quan đến các chính sách phát triển khác nhau được thực hiện trên một vùng lãnh thổ.

Đồ án cảnh quan là một công cụ liên quan đến cảnh quan – cho dù về mặt bảo vệ, quản lý hay phát triển – trong các chính sách quy hoạch không gian (quy hoạch đô thị, giao thông, cơ sở hạ tầng, năng lượng tái tạo, v.v. nông nghiệp) trên quy mô phục vụ của cảnh quan và của khu vực lưu trú, nơi được coi là những đơn vị của cảnh quan.»21

Sự khác biệt và lợi ích của dự án cảnh quan so với các dự án quy hoạch đô thị khác là tính bản sắc. Các dự án liên quan đến nghiên cứu, quy hoạch xây dựng lãnh thổ, thường được xác định và xây dựng theo một chính sách, một chiến lược, một mục tiêu nào đó. Sau đó dự án tìm kiếm trong sự tái thiết không gian của các cộng đồng và các vùng dân cư, các thông tin có giá trị theo nhiều mức độ khác nhau nhằm thiết lập tổ chức không gian ở cho các cư dân, quản lý các luồng dịch chuyển trong tương lai sát với mục tiêu đề ra. Còn dự án cảnh quan quan tâm đến việc tìm kiếm những đặc tính ưu việt của vùng đất, tối ưu hóa nó lên để mang lại cho vùng đất này những bản sắc riêng. Trong quá trình quy hoạch không gian vùng lãnh thổ, đề xuất của các dự án cảnh quan hướng đến tích hợp tối ưu yếu tố thời gian và yếu tố thực tiễn của không gian đó.
5. Kết luận

Ở Việt Nam hiên nay, cảnh quan vẫn chỉ được đề cập đến rất chung chung trong các chính sách và các dự án nghiên cứu quy hoạch phát triển đô thị như : « yêu cầu cần tôn trọng và gìn giữ cảnh quan truyền thống » hay « không phá vỡ không gian kiến trúc cảnh quan ». Tuy nhiên làm sao để thực hiện được những yêu cầu đối với cảnh quan thì chúng ta vẫn chưa có phương pháp và chiến lược cụ thể. Một phần của nguyên nhân trên chính là sự tiếp xúc trên phương diện học thuật của chúng ta đối với cảnh quan vẫn còn nhiều hạn chế. Đặc biệt khi chuyên ngành kiến trúc cảnh quan thường bị mọi người hiểu lầm là chỉ liên quan đến thiết kế vườn và cảnh quan vườn. Năm 2014, khóa đầu tiên đào tạo về chuyên nghành kiến trúc cảnh quan chính thức được mở tại trường đại học Kiến trúc Hà Nội. Tuy nhiên, do chưa đủ điều kiện để thành lập 1 khoa riêng về cảnh quan nên việc đào tạo các kiến trúc sư cảnh quan được đặt vào trong khoa Quy hoạch đô thị và nông thôn và việc giảng dạy và đào tạo được đảm nhận chủ yếu bởi các thầy cô thuộc khoa này. Điều này vô hình chung khiến cho phương pháp giảng dạy, nghiên cứu, cách thức thể hiện khá giống với việc đào tạo các kiến trúc sư quy hoạch. So với trường đại học Kiến trúc Hà Nội thì trường đại học Lâm nghiệp triển khai đào tạo kiến trúc sư cảnh quan sớm hơn, năm 2012, tuy nhiên do là trường Lâm nghiệp nên chủ yếu việc đào tạo liên quan đến cây xanh và ánh sáng. Có thể thấy, nghiên cứu về cảnh quan là một mảng còn khá non trẻ ở Việt Nam. Tài liệu cũng như nghiên cứu về đề tài này là điều vô cùng cần thiết trong thời điểm hiện tại.
Mỗi một quốc gia có một chính sách và có những quy định và quy trình riêng trong việc thực hiện xây dựng quy hoạch lãnh thổ vì vậy không thể áp dụng hoàn toàn cách thức mà Pháp đã và đang thực hiện. Bài giới thiệu này chỉ đóng góp thêm một cách nhìn, một quan điểm, một phương pháp thực hiện cũng như kêu gọi sự quan tâm đến việc nghiên cứu cảnh quan của các chuyên gia trên tất cả các lĩnh vực để hoàn thiện hơn nữa quá trình xây dựng quy hoạch đô thị tại Việt Nam hiện nay.

LƯƠNG THÙY TRANG*

Tài liệu tham khảo
1. Anne Jegou, Les géographes face au développement durable, L’Information géographique, n° 3, 2007
2. Antrop M., 1997. The concept of traditional landscapes as a base for landscape evaluation and planning. The example of Flanders Region. Landscape Urban Plan, 38, 105-117.
3. Augustin BERQUE, Des eaux de la montagne au paysage – La naissance du concept de paysage en Chine
4. Bernard Davasse, Trois situations paysagères contrastées. [Rapport de recherche] Ministère de l’écologie et du développement durable. 2010, halshs-00798830
5. Catherine Dubois, Le paysage, enjeu et instrument de l’aménagement du territoire, Biotechnol. Agron. Soc. Environ. 2009 13(2), p.309-316
6. Cedissia About, Le paysage urbain durable, une nouvelle utopie pour l’aménagement des villes – Le cas de Paris. Revue du paysage. Revue scientifique sur le projet et l’aménagement du paysage, 2017, hal-02377616
7. Elina Krasilnikova, Landscape and urban planning transformation of space-planning structure, Urban planning Department, Volgograd State Architectural and Civil Engineering, The Hybrid_Link #03, ISSN 2039-4608
8. Émeric Militon, Pourquoi et comment éduquer au développement durable? Education. 2016
9. Feltz C., 1996. L’aménagement du territoire, entre urbanisme et environnementalisme ou l’apprentissage de la pluridisciplinarité. Environ. Soc., 15/16, 129-145.
10. Forman, R.T.T. and Godron, M. (1986) Landscape Ecology. John Wiley and Sons Ltd., New York

11. Hàn Tất Ngạn, Kiến trúc cảnh quan, Giáo trình giảng dạy, NXB Xây dựng 2000
12. Jacques Theys, Le développement durable face à sa crise : un concept menacé, sousexploité ou dépassé ? Développement durable et territoires, Vol. 11, n°2 | Juillet 2020).
13. Katia Talento, Miguel Amado, Josè Carlos Kullberg, Landscape – A Review with a European Perspective; Revue Land, Received: 21 April 2019; Accepted: 24 May 2019; Published: 28 May 2019.
14. Khue Nguyen Thanh, Cơ sở hạ tầng cảnh quan, https://issuu.com/khue123456/docs/t_p_ch_c_nh_quan/s/12453333
15. La Convention européenne du paysage (Florence, 2000)
16. LDV Studio Urbain, Le paysage : quel rôle dans la transition de nos villes ?, 25 Mar 2021, https://www.demainlaville.com/le-paysage-quel-role-dans-la-transition-de-nos-villes/
17. Lukas Diblasion Brochard, Lé développement durable : enjeux de definition et de messurabilité, Mémoire de Université du Quebec à Montréal, Juin 2011.
18. Marc Antrop, A brief history of landscape research, p.12
19. Merlin P. & Choay F., 1988. Dictionnaire de l’urbanisme et de l’aménagement. Paris : Presses universitaires de France.
20. Michel Périgord et Pierre Donadieu, Le Paysage, 2012, p.8
21. Ministère de l’Environnement, de l’Energie et de la Mer – République Française, Appel à projets 2017 « Plans de paysage »
22. Ngo Thuy Quynh, Quan ly PTBV ở Vietnam, tạp chí Khoa học va công nghệ, Đại học Hùng Vương, tập 19, số 2, 17/04/2020).
23. Noureddine ESSABRI, Le cas des dirigeants de riads maisons d’hôtes à Marrakech, thèse doctorat 19 Decembre 2017, Représentations, agir et justifications du développement durable chez les dirigeants de PME
24. Pierre Donadieu, « Le paysage, les paysagistes et le développement durable : quelles perspectives ? », Économie rurale, 297-298 | 2007, 10-22.
25. Regis Ambroise, 2013, Le paysage, clé d’entrée pour un développement durable des territoires. https://www.citego.org/bdf_fiche-document-913_fr.html
26. Yves Gorgeu – Les rapports intimes de l’homme et des paysages – Passerelle N09 -05/2013 – Page 19

* Thạc sĩ, Giảng viên, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội.