Khái niệm cán bộ, công chức và viên chức

Pháp lệnh cán bộ, công chức năm 1998 qua hai lần sửa đổi, bổ sung đã tạo cơ sở pháp lí hữu hiệu cho công tác tổ chức quản lí, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Tuy nhiên, qua mười năm thực hiện, Pháp lệnh đã bộc lộ một số điểm hạn chế, không đáp ứng kịp thời các vấn đề mới của nền hành chính hiện đại trong điều kiện hội nhập và xây dựng nền kinh tế thị trường.

Việc ban hành Luật cán bộ, công chức là đòi hỏi khách quan của xã hội nhằm đáp ứng mục tiêu nâng cao chất lượng hoạt động công vụ; phát huy tính năng động sáng tạo của cán bộ, công chức; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất, có năng lực và trình độ đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Ngày 13/11/2008, Quốc hội đã ban hành Luật cán bộ, công chức (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2010). Luật cán bộ, công chức định nghĩa cán bộ, công chức như sau:

– Cán bộ là công dân Việt Nam, đưc bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kì trong cơ quan của Đảng cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

– Công chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong cơ quan của Đảng cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhận quốc phòng, trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp và trong bộ máy lãnh đạo, quản lí của đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước; đối với công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lí của đơn vị sự nghiệp công lập thì lương được bảo đảm từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.

Từ định nghĩa trên có thể thấy công chức trong bộ máy nhà nước bao gồm:

+ Công chức trong văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Kiểm toán nhà nước.

+ Công chức trong bộ, cơ quan ngang bộ và các tổ chức khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập.

+ Công chức trong cơ quan hành chính ở cấp tỉnh, cấp huyện.

+ Công chức trong hệ thống toà án nhân dân.

+ Công chức trong hệ thống viện kiểm sát nhân dân.

+ Công chức trong cơ quan, đơn vị của quân đội nhân dân và công an nhân dân.

+ Công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lí đơn vị sự nghiệp công lập.

– Cán bộ xã, phường, thị trấn (cấp xã) là công dân Việt Nam, được bầu cử giữ chức vụ theo nhiệm kì trong thường trực hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, bí thư, phó bí thư đảng ủy, người đứng đầu tổ chức chính trị – xã hội.

Như vậy cán bộ nhà nước cấp xã là những người giữ chức vụ chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng nhân dân; chủ tịch, phó chủ tịch uỷ ban nhân dân. Cán bộ cấp xã được hình thành thông qua hình thức duy nhất là bầu cử. Chính vì vậy mà pháp luật tách cán bộ cấp xã thành một nhóm riêng. Chế độ, chính sách đối với họ cũng có một số quy định đặc thù.

– Công chức cấp xã là công dân Việt Nam được tuyển dụng giữ một chức danh chuyên môn, nghiệp vụ thuộc uỷ ban nhân dân cấp xã, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Công chức cấp xã có các chức danh sau đây:

+ Trưởng công an;

+ Chỉ huy trưởng quân sự;

+ Văn phòng-thống kê;

+ Địa chính-xây dựng – đô thị và môi trường (đối với phường, thị trấn) hoặc địa chính – nông nghiệp – xây dựng và môi trường (đối với xã);

+ Tài chính – kế toán;

+ Tư pháp – hộ tịch;

+ Văn hoá – xã hội.

Ưu điểm nổi bật của Luật cán bộ, công chức là đã xây dựng được các khái niệm riêng về cán bộ và về công chức, tạo cơ sở pháp lí để các cơ quan có thẩm quyền ban hành các quy định cụ thể về quản lý và sử dụng cán bộ, công chức và các vấn đề khác liên quan đến cán bộ, công chức.

Ngày 15/11/2010, Quốc hội đã ban hành Luật viên chức (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2012) theo đó viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.

Riêng đối với viên chức được tuyển dụng trước ngày 01/7/2003 thì áp dụng quy định chuyển tiếp, theo đó họ có các quyền, nghĩa vụ và được quản lí như viên chức làm việc theo hợp đồng không xác định thời hạn. | Trong đội ngũ viên chức có một bộ phận là viên chức quản lí – những người được bổ nhiệm giữ chức vụ quản lí có thời hạn, chịu trách nhiệm điều hành, tổ chức thực hiện một hoặc một số công việc trong đơn vị sự nghiệp công lập nhưng không phải là công chức và được hưởng phụ cấp chức vụ quản lí.

Sự phân biệt cán bộ, công chức, viên chức trong Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức là cơ sở pháp lí quan trọng cho việc ban hành các văn bản pháp luật điều chỉnh có tính chất chuyên biệt đối với từng nhóm đối tượng người lao động hưởng lương ngân sách. Tuy nhiên, sự phân biệt trên chỉ là tương đối bởi pháp luật quy định khả năng chuyển đổi giữa viên chức và cán bộ, công chức. Trong một số trường hợp nhất định cán bộ hoặc công chức có thể trở thành viên chức và ngược lại.

dụ, công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lí của đơn vị sự nghiệp công lập khi hết thời hạn bổ nhiệm mà không được bổ nhiệm lại nhưng vẫn tiếp tục làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập đó thì được chuyển làm viên chức và bố trí công tác phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ; viên chức đã làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập từ đủ 5 năm trở lên có thể được xét chuyến thành công chức không qua thi tuyển…

Xem thêm: Phân biệt cán bộ, công chức và viên chức

5/5 – (1 bình chọn)