Khái niệm bản đồ địa chính là gì, Mục đích và nội dung của bản đồ địa chính
Bản đồ địa chính ra đời từ rất sớm (thời Napoleong), bắt đầu ở Pháp, rồi lan đến các nước Châu Âu, nước Mỹ, Canada,… để nhằm mục đích là kiểm kê đất đai và thu thuế.
Vậy bản đồ địa chính là gì?
1. Khái niệm bản đồ địa chính
Bản đồ địa chính (Cadastral Map) là bản đồ trên đó thể hiện các dạng đồ họa và ghi chú, phản ảnh những thông tin về vị trí, ý nghĩa, trạng thái pháp lý của các thửa đất, phản ánh các đặc điểm khác thuộc địa chính quốc gia.
Bản đồ địa chính là bản đồ chuyên ngành đất đai trên đó thể hiện chính xác vị trí ranh giới, diện tích và một số thông tin địa chính của từng thửa đất, vùng đất. Bản đồ địa chính còn thể hiện các yếu tố địa lý khác liên quan đến đất đai được thành lập theo đơn vị hành chính cơ sở xã, phường, thị trấn và thống nhất trong phạm vi cả nước.
2. Mục đích của bản đồ địa chính
Bản đồ địa chính được thành lập với những 4 mục đích chính như sau:
- Thống kê, kiểm kê diện tích đất đai từng khu vực và trong cả nước.
- Xác lập quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng đất trên từng lô đất cụ thể của nhà nước và mọi công dân.
- Là công cụ giúp nhà nước thực thi các nhiệm vụ, công việc có liên quan đến đất đai: thu thuế, giải quyết tranh chấp, quy hoạch đất đai, đền bù,…
- Cung cấp thông tin về đất đai và cơ sở pháp lý cho các hoạt động dân sự như: thừa kế, chuyển nhượng, cho, tặng, thế chấp, kinh doanh bất động sản…
3. Nội dung của bản đồ địa chính
-
Nội dung cơ sở địa lý
– Yếu tố cơ sở toán học: bao gồm khung bản đồ, lưới bản đồ, các điểm khống chế, tỷ lệ bản đồ, sơ đồ phân mảnh.
– Yếu tố thủy văn: biểu thị ranh giới, tên gọi, mối quan hệ tương hỗ của các yếu tố như sông ngòi, ao, hồ, kênh mương…
– Yếu tố dáng đất: là tập hợp những chỗ lồi lõm trên bề mặt Trái đất. Địa hình được biểu thị lên bản đồ địa chính bằng các điểm độ cao (đối với khu vực đồng bằng), bằng các điểm độ cao kết hợp đường bình độ (khu vực miền núi). Phải thể hiện được dáng đất chung của địa hình toàn khu vực và các nét đặc trưng của nó bằng việc lựa chọn khoảng cao đều đường bình độ. Địa hình phải được thể hiện phù hợp với các yếu tố khác như thủy hệ, giao thông…
– Yếu tố kinh tế – văn hóa – xã hội: thể hiện những địa vật kinh tế, văn hóa, xã hội mang tính chất định hướng trong khu vực thành lập bản đồ như đình, chùa, trạm biến thế, ngã ba, ngã tư… Ngoài ra tất cả các điểm địa vật có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội cũng phải được thể hiện đầy đủ như các bệnh viên, trường học… Tuy nhiên, số lượng các địa vật phụ thuộc vào tỷ lệ bản đồ và quy phạm quy định của bản đồ tỷ lệ tương ứng.
– Yếu tố giao thông: biểu thị tất cả các đường giao thông và các yếu tố có liên quan như đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường hàng không (chỉ biểu thị tên gọi).
– Ranh giới, địa giới hành chính: biểu thị chính xác, đầy đủ ranh giới quốc gia, ranh giới tỉnh/thành phố, ranh giới quận/huyện, phường/xã. Các mốc địa giới hành chính được xác định tọa độ và được thể hiện lên trên bản đồ. Đối với các đơn vị hành chính giáp biển, các đảo nếu trong hồ sơ địa giới hành chính không khép kín ranh giới hành chính thì trên bản đồ hành chính thể hiện đến ranh giới sử dụng đất tiếp giáp với phần biển.
-
Nội dung chuyên đề
– Ranh giới thửa đất: là yếu tố chính và rất quan trọng của nội dung bản đồ địa chính, được hiển thị bằng đường viền khép kín, nét liền theo hệ thống kí hiệu của bản đồ.
– Sô hiệu thửa và diện tích đất: Số hiệu thửa được ghi cho mỗi thửa là duy nhất không trùng lặp trong phạm vi một tờ bản đồ địa chính và tương ứng với một chủ hoặc một đồng chủ sử dụng đã được xác minh về mặt pháp lý. Diện tích đất được xác định chính xác đến 0.1 m2.
– Loại đất: được chia làm 3 nhóm chính đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp và nhóm đất chưa sử dụng. Trên bản đồ, loại đất được thể hiện bằng kí hiệu chữ theo quy phạm.
– Các yếu tố tự nhiên, nhân tạo có trên thửa đất: ở khu vực đô thị và các khu vực của tổ chức nhà nước giao đất, cho thuê đất chỉ thể hiện các công trình chính không thể hiện các công trình tạm thời, ở khu vực nông thôn không thể hiện các công trình xây dựng.