Khái niệm Ngữ âm học (1)

sine-waves

PITCH – CAO ĐỘ. Là thuộc tính của cảm nhận thính giác mà qua đó một âm có thể được xếp đặt trên một thang độ từ “thấp” đến “cao”. Nó là một đặc tính NGỮ ÂM THÍNH ÂM, tương ứng phần nào đó với đặc trưng âm học của TẦN SỐ, cái mà trong nghiên cứu lời nói được dựa trên số chu kì dao động của DÂY THANH. Tần số được đo bằng Hezt (Hz), ví dụ 440Hz = 440 cps (cycles per second – số chu kì mỗi giây). Tần số của một âm có thể được xác định tự động bằng cách sử dụng một “máy phân tích TẦN SỐ CƠ BẢN” hay thước cao độ. Tuy nhiên không có tương quan trực tiếp hay song song giữa cao độ và tần số: những nhân tố khác ngoài tần số có thể tác động tới cảm nhận của chúng ta về cao độ (được đo bằng đơn vị mels). Các biến thể của cao độ được tạo ra dễ dàng hơn bằng cách sử dụng các âm HỮU THANH, bởi vì chúng có sóng âm đều đặn. Tuy nhiên cũng có thể nghe được sự đối lập cao độ ở các âm vô thanh, và thậm chí là trong lời nói thì thào, những ấn tượng về GIÁNG, hay THĂNG, v.v., cũng có thể nghe được cao độ, phản ánh sự thay đổi cấu hình của BỘ MÁY PHÁT ÂM.

Cao độ ngôn ngữ học được các nhà âm vị học quan tâm và nó được nghiên cứu dưới cái tên NGỮ ĐIỆU và THANH ĐIỆU. Tuy nhiên thuật ngữ trọng âm cao độ được sử dụng theo ý nghĩa âm vị học trong miêu tả về các ngôn ngữ mà trong đó sự phân bố của các thanh điệu trong một từ hoàn toàn có thể dự đoán được khi người ta xác định được một đặc trưng thanh điệu cụ thể của từ đó (như tiếng Nhật). Khái niệm cao độ cũng được áp dụng vào tiếng Anh, khi mà một số mô hình âm vị học phân tích ĐƯỜNG NÉT ngữ điệu như là một chuỗi của một hay nhiều các trọng âm cao độ, trong đó mỗi cao độ liên quan tới một âm tiết tiêu điểm được nhấn bằng TRỌNG ÂM trong một từ.

David Crystal, A Dictionary of Linguistics and Phonetics, second edition, Blackwell Publising, 2008, p.369-370.

 

LENGTH – TRƯỜNG ĐỘ. (1) Một thuật ngữ được sử dụng trong NGỮ ÂM HỌC để chỉ thời lượng vật lý của một âm hay một PHÁT NGÔN, và trong ÂM VỊ HỌC nó chỉ THỜI LƯỢNG tương đối của các âm và các ÂM TIẾT khi những đơn vị này có sự khu biệt ngôn ngữ học (khu biệt nghĩa); và cũng được coi là LƯỢNG. Đôi khi thuật ngữ này được giới hạn trong các ngữ cảnh âm vị học, còn trong ngữ âm học nó được gọi là “thời lượng” (duration). Giá trị dàingắn thường được nhận diện cho cả NGUYÊN ÂM và PHỤ ÂM. Các ngôn ngữ thường có một mức độ dài âm vị học, và có thể là hơn hai. Nguyên âm dài (được kí bằng dấu phụ [:]) xuất hiện trong tiếng Arab và Phần Lan, phụ âm dài (phụ âm đôi) trong tiếng Ý và Luganda. Một sự đối lập cao hơn về trường độ (siêu dài) đôi khi cũng bắt gặp ở các nguyên âm. Trong tiếng Anh, cái được gọi là sự phân biệt giữa nguyên âm dài và ngắn (như trong beat/bit) không bị giới hạn vào sự đối lập trường độ bởi vì các biến thể về CHẤT cũng được tính đến. Xem thêm về ĐỘ DÀI ĐẮP ĐỔI, MORA, SỨC NẶNG…

(2) Khái niệm trường độ vật lý cũng được sử dụng trong ngôn ngữ học tâm lý, ngôn ngữ học xã hội và nghiên cứu phong cách học về ngữ pháp và từ vựng, trong một nỗ lực để định lượng những biến thể trong TÍNH PHỨC HỢP của câu, từ, v.v.. Các khái niệm như trường độ câutrường độ trung bình của phát ngôn được nghiên cứu thông qua số lượng các từ, hình vị, âm tiết, v.v. THÀNH TỐ mà phát ngôn đó chứa. Những định lượng này đã bị nhiều nhà ngôn ngữ học chỉ trích bởi vì không có sự tương liên thiết yếu giữa độ dài của một đơn vị ngôn ngữ và tính phức hợp cấu trúc hay chức năng của nó.

David Crystal, A Dictionary of Linguistics and Phonetics, second edition, Blackwell Publising, 2008, p.273-274.

 

LOUDNESS – ĐỘ TO. Là thuộc tính của cảm nhận thính giác thông qua đó một âm có thể được xếp trên một thang độ từ nhỏ (nhẹ) đến to. Nó là một đặc trưng NGỮ ÂM HỌC THÍNH ÂM, tương ứng phần nào đó với  các đặc trưng ÂM HỌC về cường độ hay năng lượng (được đo bằng decibel (dB)), được nghiên cứu trong lời nói dựa trên biên độ dao động của DÂY THANH như là hệ quả của các dao động trong áp suất không khí. Tuy nhiên không có sự liên quan trực tiếp hay song song giữa ĐỘ TO (hay âm lượng) và cường độ: những nhân tố khác ngoài cường độ có thể tác động tới cảm nhận của chúng ta về độ to, ví dụ như sự tăng TẦN SỐ của dao động dây thanh có thể làm cho một âm nghe như có vẻ lớn hơn một âm khác. Độ to ngôn ngữ học ngữ được các nhà âm vị học quan tâm nghiên cứu, và nó được nghiên cứu dưới cái tên TRỌNG ÂM.

David Crystal, A Dictionary of Linguistics and Phonetics, second edition, Blackwell Publising, 2008, p.290.

Advertisement

Share this:

Thích bài này:

Thích

Đang tải…