Khái niệm “Hoạt động dạy học” trong đổi mới giáo dục hiện nay
1. Khái niệm “hoạt động”
Mọi hoạt động của con người đều có tính mục đích. Con người hiểu được mục đích hoạt động của mình, từ đó mới định rõ chức năng, nhiệm vụ, động lực của hoạt động để đạt hiệu quả trong công việc. K.Marx cho rằng, hoạt động của con người là hoạt động có mục đích, có ý thức;mục đích, ý thức ấy như một quy luật, quyết định phương thức hoạt động và bắt ý chí con người phụ thuộc vào nó. K. Marx viết: “Công việc đòi hỏi một sự chú ý bền bỉ, bản thân sự chú ý đó chỉ có thể là kết quả của một sự căng thẳng thường xuyên của ý chí”. Trong lịch sử của nhân loại, tính mục đích trong hoạt động và tầm nhìn về lợi ích của hoạt động con người thể hiện rõ trong nền giáo dục của các dân tộc và quốc gia từ xưa đến nay. Hoạt động của con người dành cho việc dạy và học luôn được chú trọng và đề cao. Hồ Chủ tịch từng nhắc lại một bài học của người xưa: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Dạy học là dạy người. Trong quan niệm của người Việt, người thầy được coi là một nhân tố góp phần quan trọng, quyết định sự nghiệp của con người. Câu tục ngữ “Không thầy đố mày làm nên” có ý nghĩa như vậy.
Theo quan điểm lý thuyết về hoạt động, A.N.Leontiev cho rằng hoạt động “là một tổ hợp các quá trình con người tác động vào đối tượng nhằm đạt mục đích thỏa mãn một nhu cầu nhất định và chính kết quả của hoạt động là sự cụ thể hóa nhu cầu của chủ thể”(1).
Lý thuyết về hoạt động chú trọng vai trò của chủ thể hoạt động. Chủ thể (con người) chủ động tổ chức, điều khiển các hoạt động (hành vi, tinh thần, trí tuệ, v.v.) tác động vào đối tượng (sự vật, tri thức, v.v.). Hoạt động của con người được phân biệt với hoạt động của loài vật ở tính mục đích của hoạt động. Nghĩa là chủ thể (con người) thực hiện ý đồ của mình, biến cái “vật chất được chuyển vào trong đầu mỗi người được cải biến trong đó” (K.Marx) thành hiện thực. Như vậy, nhờ có hoạt động, con người làm ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu cụ thể của mình.
Hiểu như trên, hoạt động có những đặc điểm sau đây:
1/ Chủ thể của hoạt động – tức là người thực hiện các hành động – làm việc theo kế họach, ý đồ nhất định. Trong quá trình hoạt động, con người biết cách tổ chức các hành động tạo thành hệ thống (tổ hợp), lựa chọn, điều khiển linh hoạt các hoạt động phù hợp với đối tượng, hoàn cảnh, tình huống.
2/ Hoạt động bao giờ cũng có đối tượng của nó. Đối tượng của hoạt động là sự vật, tri thức, v.v. Con người thông qua hoạt động để tạo tác, chiếm lĩnh, sử dụng nó (đối tượng) nhằm thỏa mãn nhu cầu.
3/ Hoạt động có tính mục đích. Đây là nét đặc trưng thể hiện trình độ, năng lực người trong việc chiếm lĩnh đối tượng. Con người sử dụng vốn hiểu biết, kinh nghiệm, phương tiện để phát hiện, khám phá đối tượng chuyển thành ý thức, năng lực của chính mình (chủ thể hóa khách thể). Tính mục đích định hướng cho chủ thể họat động, hướng tới chiếm lĩnh đối tượng.
Như vậy, nói đến hoạt động bao giờ cũng có sự gắn kết giữa chủ thể, đối tượng và mục đích hoạt động.
Lý thuyết về hoạt động quan niệm cuộc đời con người là một chuỗi hoạt động. Có thể chia hoạt động của con người thành 2 loại: hoạt động đơn phương và hoạt động tương tác (interaction).
Hoạt động đơn phương là hoạt động của chủ thể tác động đến một đối tượng nhất định để đem lại kết quả nào đó. Chẳng hạn, một người dùng tay ném hòn đá ra xa hay dùng búa đóng đinh vào một vật. Hòn đá, chiếc đinh chịu tác động của tay người mà thay đổi vị trí. Hoạt động này tác động một chiều đến sự vật, nên gọi là hoạt động đơn phương. Hoạt động tương tác là hoạt động diễn ra giữa các cá nhân hay nhóm (tổ chức) xã hội. Hoạt động này có đặc điểm: chủ thể tác động đến đối tượng theo một tổ hợp quá trình nào đó và sản phẩm tạo ra có sự phản hồi để chủ thể điều chỉnh và tự điều chỉnh nhằm đạt được mục tiêu, thỏa mãn nhu cầu của chủ thể.
Khái niệm hoạt động trở thành khái niệm công cụ trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu. Chẳng hạn, trên lĩnh vực tâm lý học, “A.N. Leontiev đã khẳng định phạm trù hoạt động thực sự là công cụ xây dựng nên tâm lý học hoạt động”(2). Trên lĩnh vực khoa học sư phạm, Davydov viết: “Các hoạt động dạy- học là các hoạt động cùng nhau của thầy và trò”(3).
Cách hiểu khái niệm hoạt động như trên khi được vận dụng vào giáo dục sẽ giúp ta cắt nghĩa rõ hơn bản chất của hoạt động dạy học.
2. Khái niệm “hoạt động dạy học”
Hoạt động dạy học của giáo viên là một mặt của hoạt động sư phạm (4)
Trước đây, người ta hiểu hoạt động sư phạm chỉ là hoạt động của người thầy. Người thầy đóng vai trò trung tâm trong quá trình dạy và học. Trong hoạt động sư phạm, người thầy chủ động từ việc chuẩn bị nội dung giảng dạy, phương pháp truyền thụ, đến những lời chỉ dẫn, những câu hỏi, v.v. Còn học sinh (HS) tiếp nhận thụ động, học thuộc để “trả bài”. Người thầy giữ “chìa khoá tri thức”, cánh cửa tri thức chỉ có thể mở ra từ phía hoạt động của người thầy. Quan niệm này hiện nay đã lỗi thời, bị vượt qua. Vì rằng, từ góc độ khoa học sư phạm, quan niệm trên chỉ chú trọng hoạt động một mặt, hoạt động của người thầy mà không thấy được mặt kia của hoạt động sư phạm là hoạt động của trò.
Theo quan điểm lý thuyết về dạy học hiện đại, hoạt động dạy học bao gồm hoạt động của thầy và trò. Nhà tâm lý học A.Mentriskaia viết: “Hai hoạt động của thầy và trò là hai mặt của một hoạt động”(5).
Hoạt động dạy học là hoạt động tương tác có tính đặc thù
Hoạt động dạy học là hoạt động được thực hiện theo một chiến lược, chương trình đã được thiết kế, tác động đến người học nhằm hướng tới mục tiêu hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực của người học. Giáo viên (GV) xây dựng, thiết kế hoạt động dạy học một cách đầy đủ và cụ thể bao nhiêu thì công việc dạy học càng hiệu quả bấy nhiêu. Vì hầu hết GV đều mong muốn đạt được thành công chóng vánh trong các giờ dạy nên họ thường bỏ qua việc xây dựng chiến lược hoạt động của thầy một cách lôgic, khoa học và có định hướng. Khi nói về hoạt động dạy của GV, người ta dễ nghĩ đến sự hoàn chỉnh có tính đơn phương của nó. Từ đó, người ta xây dựng những “quy tắc vàng” bắt buộc mỗi GV phải tuân thủ một cách đầy đủ, nghiêm ngặt. Thực tế này dẫn đến tình trạng, nhiều giờ học trở nên nhàm chán, sa vào truyền thụ tri thức một chiều, không đáp ứng được nhu cầu cá nhân người học. Thực chất, vì hoạt động của GV là hoạt động lôi cuốn HS và hòa nhịp với hoạt động của HS nên những “quy tắc vàng” phải đảm bảo tính tương tác. Ý kiến của Davydov: “Các hoạt động dạy- học là các hoạt động cùng nhau của thầy và trò” đã chỉ ra sự tương tác trong hoạt động dạy học mang tính đặc thù. Nói là đặc thù vì, thứ nhất, hoạt động dạy học nằm trong chuỗi hoạt động của con người nhưng là hoạt động nghề nghiệp, không phải là hoạt động của mọi người. Người hoạt động dạy học phải có tiêu chuẩn và năng lực nghề nghiệp mới tham gia được hoạt động này. Thứ hai, hoạt động dạy học là hoạt động tương tác. GV tác động vào HS, HS phát triển, GV căn cứ vào sự thay đổi ở HS để điều chỉnh hoạt động dạy. Như vậy, sự tương tác trong hoạt động dạy học không phải là sự tương tác giữa các cá nhân hay nhóm xã hội với nhau như trong hoạt động kinh tế, chính trị, hay các hoạt động xã hội khác (ở đó sự tương tác giữa các cá nhân hay nhóm xã hội nhiều khi không cùng mục tiêu, thậm chí trái ngược nhau về lợi ích, v.v.). Trong khi đó, hoạt động dạy học là “hoạt động cùng nhau của thầy và trò”. Thầy và trò cùng hướng về một mục tiêu. Năng lực của hoạt động dạy của người thầy và năng lực học của học sinh được thể hiện ở các mức độ đạt được của mục tiêu chương trình giáo dục đề ra. Do vậy, hoạt động dạy có kết quả khi nó tác động cùng hướng với hoạt động học. Hoạt động dạy học có tính tương tác ở chỗ, nó phải bắt nhịp cùng người học, là người tham gia hoạt động học cả về trí tuệ và tình cảm. Thứ ba, hoạt động dạy học nhìn từ phía hoạt động của người thầy trong tương tác với họat động học của trò là hướng dẫn, tổ chức và điều khiển hoạt động học của HS. Trong cuốn Tâm lý học lứa tuổi và tâm lý học sư phạm, các tác giả đã định nghĩa hoạt động dạy học như sau: “Hoạt động dạy là hoạt động của người lớn tổ chức điều khiển hoạt động của trẻ nhằm giúp chúng lĩnh hội nền văn hóa xã hội, tạo ra sự phát triển tâm lý, hình thành nhân cách của chúng”(6).
Như vậy, trong hoạt động dạy học, hoạt động của giáo viên là một khâu quan trọng. Nói rõ hơn về hoạt động của giáo viên trong hoạt động dạy học, 2 tác giả Hoàng Hòa Bình và Nguyễn Minh Thuyết trong công trình Phương pháp dạy học tiếng Việt nhìn từ tiểu học, khi đề cập phương pháp tổ chức hoạt động trong dạy học đã xác định rõ hoạt động của GV là “hệ thống các hành động”(7) nhằm tổ chức hoạt động cho HS.
Hoạt động dạy học ở đây được xem xét trong tương quan giữa hoạt động của người dạy – người lớn, và “hoạt động của trẻ” – người học. Trong tương quan giữa hoạt động của người dạy và hoạt động của người học, hoạt động dạy học của người thầy hướng về mục tiêu của hoạt động dạy học:“… hoạt động dạy và học là nhằm hình thành và phát triển nhân cách ở người học”(8). Định nghĩa của nhóm các tác giả Lê Văn Hồng, Lê Ngọc Lan, Nguyễn Văn Thàng đã chú trọng đến khâu tổ chức và điều khiển của giáo viên trong hoạt động dạy học: “Hoạt động dạy là hoạt động của người lớn tổ chức điều khiển hoạt động của trẻ”.
Lí luận giáo dục hiện đại đã chỉ ra tính đặc thù của hoạt động dạy học. Hoạt động dạy học là hoạt động tương tác. Xem xét hoạt động của thầy đều có liên quan đến hoạt động của trò và ngược lại. Nhìn từ góc độ tính chủ thể của hoạt động sư phạm, để hoạt động dạy của GV và hoạt động học của HS được tiến hành thì không thể thiếu vai trò của chủ thể. Trong hoạt động dạy học, chủ thể hoạt động là người dạy (giáo viên) và người học (học sinh). Người học là chủ thể của hoạt động học, người dạy là chủ thể của hoạt động dạy. Thầy và trò là những chủ thể cùng nhau hoạt động, duy trì, tiếp nối hoạt động. Đối tượng của hoạt động học tập là lĩnh hội các tri thức, kỹ năng, kỹ xảo. Mục tiêu của hoạt động dạy học là hình thành và phát triển nhân cách, năng lực của người học. Chính vì hoạt động dạy và học có chung mục tiêu cho nên hoạt động dạy và học luôn tương tác trong mối quan hệ “cung – cầu”, “nhân – quả”… Không thể nói đơn giản thầy hay trò đóng vai trò “chủ động” hay “thụ động”. Đã là hoạt động thì tính chủ động là thuộc tính của cả hai bên. Thầy tích cực, chủ động trong hoạt động dạy và trò tích cực, chủ động tham gia hoạt động học. Hoạt động dạy học của GV mang ý nghĩa là phương tiện, là công cụ hỗ trợ thúc đẩy hoạt động học của HS đúng hướng và hiệu quả. “Năng lực người giáo viên là khả năng thực hiện các hoạt động dạy học với chất lượng cao” (Trần Bá Hoành).
Hoạt động dạy của GV và hoạt động học của HS có tính độc lập tương đối
Từ việc hiểu đặc trưng của hoạt động dạy học, mối quan hệ của hoạt động dạy và hoạt động học như trên, có thể thấy hoạt động dạy của GV và hoạt động học của HS có tính độc lập tương đối. Trong đó, thầy là chủ thể của hoạt động dạy, trò là chủ thể của hoạt động học. Mặc dù hoạt động dạy và học cùng chung mục tiêu nhưng ở mỗi hoạt động có những yêu cầu, đặc điểm riêng. Ví dụ, trong dạy học, GV có những hoạt động “trụ cột” mà giờ học nào, quy trình dạy học nào GV cũng buộc phải tuân thủ. Những hoạt động này là thước đo năng lực nghề nghiệp của GV. Thực hiện những hoạt động này kết quả đến đâu, một trong các yếu tố mang tính quyết định là “tay nghề” của GV. Năng lực nghề nghiệp của GV góp phần quyết định kết quả đào tạo. Trên thế giới, từ những năm 90 của thế kỷ XX và ngày nay, dạy học định hướng kết quả đầu ra thành xu hướng giáo dục quốc tế.Quá trình dạy học cùng với việc phát huy vài trò trung tâm của người học, năng lực của người thầy rất được chú trọng. Ngay cả John Dewey, nhà giáo dục người Mỹ chủ trương lấy người học làm trung tâm nhưng cũng đòi hỏi rất cao ở người thầy: “Hãy tôn trọng trẻ em, tôn trọng chúng đến cùng, song hãy tôn trọng cả bản thân chúng ta [người lớn] nữa”(9).
Ở Việt Nam, nhận thức về hoạt động của người dạy học như một hoạt động nghề nghiệp xuất phát từ tính đặc thù của hoạt động dạy học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản quy định chuẩn nghề nghiệp dạy học (10). Đây là yêu cầu chung về hoạt động dạy học cho tất cả giáo viên trong dạy các môn học ở trường phổ thông. Về phía người học, căn cứ vào mục tiêu của chương trình giáo dục, có những yêu cầu, chuẩn đánh giá (11) để người học đáp ứng theo các thang, bậc của nền giáo dục, v.v.
Trong xu thế phát triển của khoa học, kỹ thuật trên thế giới ngày nay, nền giáo dục của mỗi quốc gia đều phải được đổi mới, cải cách để đào tạo nguồn nhân lực phù hợp trình độ phát triển kinh tế, văn hóa của quốc gia và quốc tế. Để đáp ứng yêu cầu này, cần thiết phải nghiên cứu hoạt động dạy của GV và hoạt động học của HS xuất phát từ thực tiễn của mỗi quốc gia, dân tộc và xu thế phát triển của thế giới ngày nay.
Với chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI, trong tình hình GV đang lúng túng trong tổ chức các hoạt động dạy học theo định hướng phát triển năng lực, việc nghiên cứu hoạt động dạy của GV quy nó vào các phạm trù dễ nắm bắt là một yêu cầu bức thiết đáp ứng xu thế phát triển của nhà trường phổ thông trong thời kỳ mới của đất nước. Tuy nhiên, nói đến vấn đề hoạt động của GV không có nghĩa là chỉ tập trung đề cao vai trò của GV trong hoạt động dạy và học. Cần phải thấy hoạt động của người thầytrong dạy học là một mặt của hoạt động sư phạm nói chung. Hoạt động dạy học của người thầy là hệ thống các hành động để tổ chức điều khiển hoạt động của HS nhằm hình thành và phát triển năng lực và phẩm chất để hoàn thiện nhân cách ở người học. Nói cách khác, hoạt động dạy cũng bao hàm nội dung cốt lõi là tổ chức các hoạt động học để người học chủ động tiếp nhận tri thức, hình thành và phát triển năng lực một cách phù hợp.
Chú thích và Tài liệu tham khảo
-
Chuyển dẫn từ PGS Lê Văn Hồng (Chủ biên) – PTS Lê Ngọc Lan- PTS Nguyễn Văn Thàng (1995), Tâm lý học lứa tuổi và tâm lý học sư phạm (Tài liệu dùng cho các trường Đại học sư phạm và Cao đẳng sư phạm), Hà Nội, tr.80.
-
Lê Văn Hồng (Chủ biên) (1995), TLĐD, tr .79.
-
Tlđd, tr.84.
-
Trong cuốn Giao tiếp sư phạm (Nxb Giáo dục, Hà Nội,1966), hai tác giả Hoàng Anh – Vũ Kim Thanh có dẫn ý kiến của các nhà nghiên cứu Liên Xô trước đây như D.Z. Dunep, V.I.Đaeviađenxki, A.N.Aisue coi hoạt động sư phạm bao gồm hoạt động dạy và học có quan hệ mật thiết giữa thầy và trò.
-
Hoàng Anh – Vũ Kim Thanh (1966), Giao tiếp sư phạm, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr7.
-
Lê Văn Hồng (Chủ biên) (1995),Tlđd, tr.84.
-
Hoàng Hòa Bình – Nguyễn Minh Thuyết (2012), Phương pháp dạy học tiếng Việt nhìn từ tiểu học, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, tr.87.
-
Lê Văn Hồng (Chủ biên) (1995),Tlđd, tr.84.
-
J.Dewey, Dân chủ và giáo dục, Chương IV, J.Dewey dẫn lời của Emerson. Chuyển dẫn từ: Phạm Anh Tuấn, Lời người dịch,in trong, J.Dewey (Phạm Anh Tuấn dịch) (2010), Dân chủ và giáo dục, NXB Tri thức, Hà Nội, tr.12.
-
Quyết định số 05/2007/ QĐ-BGDĐT, ngày 8 tháng 3 năm 2007, Ban hành quy định về chuẩn nghề nghiệp giáo viên các cấp: tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Ví dụ, chương trình đánh giá học sinh quốc tế của PISA đã đưa ra các mức độ đọc hiểu văn bản mà học sinh đạt được khi làm bài kiểm tra.
Nguyễn Thị Thu Hiền, Sở Giáo dục & Đào tạo TP.Hồ Chí Minh
Nguồn: Tạp chí Đại học Sài Gòn, Bình luận văn học, Niên san 2016