Khai mạc Lễ hội Áo dài TP Hồ Chí Minh: Chiêm ngưỡng 15 bộ sưu tập | Thời trang | Vietnam+ (VietnamPlus)
Một mẫu thiết kế độc đáo trong bộ sưu tập áo dài ‘Di sản’ trình diễn tại Lễ hội Áo dài Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 8. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN))
Tối 5/3, Sở Du lịch, Hội Liên hiệp Phụ nữ và các sở, ban, ngành, đoàn thể Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức chương trình khai mạc Lễ hội Áo dài Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 8 năm 2022 tại Công viên tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phố đi bộ Nguyễn Huệ (đoạn từ đường Ngô Đức Kế đến đường Mạc Thị Bưởi).
Dự lễ khai mạc có Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi; các nguyên lãnh đạo, lãnh đạo và đại diện các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương.
Với chủ đề “Tôi yêu áo dài Việt Nam” nhằm tôn vinh vẻ đẹp của Áo dài truyền thống, trong chương trình khai mạc, công chúng được chiêm ngưỡng 15 bộ sưu tập nổi bật của các nhà thiết kế nổi tiếng với hơn 300 mẫu áo dài được thể hiện theo 4 chủ đề chính, gồm: Cội nguồn, Thăng hoa, Hội nhập và Thành phố tôi yêu.
Đặc biệt, bộ sưu tập “Thành phố tôi yêu” thể hiện hình ảnh sống động của Thành phố Hồ Chí Minh với những điểm đến du lịch nổi tiếng, công trình kiến trúc mới, công nghệ hiện đại, với sự tham gia trình diễn của hơn 100 văn nghệ sỹ nhằm thể hiện niềm tự hào của thành phố và tình yêu dành cho áo dài Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Lễ hội Áo dài Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 8 năm 2022, bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá từ xưa, áo dài là trang phục truyền thống của người Việt Nam; gắn bó với đời sống, sản xuất, hoạt động văn hóa, luôn được đông đảo người Việt Nam yêu thích và lựa chọn khi tham dự những sự kiện quan trọng.
Lễ hội Áo dài Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những ý tưởng đẹp, sáng tạo của ngành du lịch, cùng ngành văn hóa và Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh, không chỉ nhằm thu hút khách du lịch mà còn góp sức giữ gìn, tôn vinh và lan tỏa niềm tự hào về vẻ đẹp của chiếc Áo dài truyền thống Việt Nam.
Lễ hội Áo dài Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 10 năm tổ chức với nội dung ngày càng phong phú, hình thức ngày càng đa dạng, quy mô lan tỏa đã trở thành sự kiện văn hóa-du lịch đặc trưng và uy tín của Thành phố Hồ Chí Minh trong lòng người dân, du khách trong nước và quốc tế.
Đặc biệt, Lễ hội Áo dài Thành phố Hồ Chí Minh năm nay cũng là một minh chứng sinh động cho nội lực và khẳng định sự trở lại mạnh mẽ và nhanh chóng của ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh.
Lễ hội Áo dài Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 8 năm 2022 diễn ra từ nay đến hết ngày 15/4/2022, chú trọng giới thiệu nét đẹp và sự tiện dụng của áo dài nhằm đưa áo dài trở thành trang phục quen thuộc của mọi người dân, qua đó góp phần gìn giữ và bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.
Lễ hội Áo dài Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 8 năm 2022 có ý nghĩa đặc biệt khi được tổ chức trong bối cảnh cả nước và thành phố đang khôi phục trở lại các hoạt động kinh tế-xã hội, đời sống người dân đang trở lại trạng thái bình thường mới.
Đồng thời, Lễ hội Áo dài Thành phố Hồ Chí Minh là sự kiện góp phần giới thiệu đến du khách trong nước và quốc tế một Thành phố Hồ Chí Minh sống động và hiện đại, một điểm đến hấp dẫn và an toàn, hướng đến xây dựng hình ảnh “đô thị du lịch sống động hàng đầu châu Á.”
[Lễ hội áo dài TP Hồ Chí Minh: Hơn 2.000 người tham gia diễu hành]
Trong khuôn khổ Lễ hội Áo dài Thành phố Hồ Chí Minh năm nay, còn có các chương trình như: diễu hành với Áo dài với chủ đề “Khát vọng hòa bình” với sự tham gia của hơn 2.000 người; chương trình nghệ thuật về Áo dài với chủ đề “Áo dài ơi”; không gian Triển lãm áo dài và điểm đến du lịch; cuộc thi “Duyên dáng áo dài Thành phố Hồ Chí Minh”; cuộc vận động thiết kế mẫu áo dài với chủ đề “Áo dài ra thế giới”…
Hơn thế nữa, nhiều hoạt động “Đồng hành cùng áo dài Việt” diễn ra từ đầu tháng 3/2022 đến hết tháng 4/2022 với những nội dung như phát động thời gian cao điểm mặc áo dài (7-12/3/2022) trong toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang công tác trong các cơ quan nhà nước; học sinh và sinh viên; nhân viên trung tâm thương mại, cơ sở lưu trú, cơ sở ăn uống, công ty hoạt động trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn thành phố…/.