Khái lược lịch sử quan hệ quốc tế hiện đại
Hệ thống quan hệ quốc tế là một thuật ngữ miêu tả quyền lực quốc tế trên hành tinh theo trật tự chính trị của các chủ thể (trước hết và cơ bản nhất là các quốc gia – dân tộc), là môi trường quốc tế có luật chơi nhất định buộc các chủ thể muốn tồn tại phải tuân thủ và phối hợp hành động.
Cho đến nay, lịch sử nhân loại đặc biệt lịch sử thế giới hiện đại đã chứng kiến nhiều loại hệ thống quan hệ quốc tế khác nhau thể hiện tính biến động hết sức phức tạp của đời sống quốc tế.
1. Nhận thức chung về hệ thống quan hệ quốc tế
Hiểu một cách đơn giản hệ thống quan hệ quốc tế là tập hợp các chủ thể quan hệ quốc tế và mối quan hệ qua lại giữa chúng khi tham gia vào đời sống quốc tế theo một cấu trúc nhất định. Như vậy, nội hàm của hệ thống quan hệ quốc tế bao gồm: chủ thể và cấu trúc quyền lực thể hiện mối quan hệ giữa các chủ thể. Theo đó, chủ thể của hệ thống quan hệ quốc tế phải là những nhân tố tham gia trực tiếp vào các mối quan hệ quốc tế, có khả năng gánh vác những trách nhiệm pháp lý quốc tế và tác động tới sự phát triển của đời sống quan hệ quốc tế. Do tính phức tạp của quan hệ quốc tế nên các hệ thống khác nhau thì có những chủ thể khác nhau. Nhưng nhìn chung quốc gia – dân tộc là chủ thể cơ bản, đầy đủ và quan trọng nhất trong mọi hệ thống. Còn cấu trúc của hệ thống quan hệ quốc tế được cho là sự phối hợp đồng bộ (sự sắp xếp theo một thứ tự nhất định tạo thành trật tự thế giới) giữa các thành tố (các chủ thể) của hệ thống dựa trên sự phân bổ quyền lực. Xét về bản chất, cấu trúc của hệ thống phụ thuộc vào việc duy trì cân bằng quyền lực giữa các chủ thể chính –những trung tâm quyền lực (gọi là những chủ thể chi phối trật tự) có vai trò như một cực trong cấu trúc hệ thống. ‘‘Cực” ở đây không nên hiểu theo nghĩa “cực” đối kháng, đối đầu theo hướng loại trừ nhau mà hiểu một cách đơn giản đó là vị trí cấu thành nên trật tự cấu trúc của một hệ thống do một trung tâm quyền lực chiếm hữu. Đơn giản hơn, “cực” nghĩa là “trung tâm quyền lực”.
Để tìm hiểu về cấu trúc hệ thống quan hệ quốc tế, có thể tìm hiểu ở hai vấn đề: số lượng cực và mô hình cấu trúc trong hệ thống (cách thức sắp xếp trật tự theo mô hình nhất định).
Số lượng cực của hệ thống
Có nhiều nhà phân tích tin rằng yếu tố quyết định nòng cốt cho sự tồn tại và hoạt động bất kỳ hệ thống nào đó là số lượng cực quyền lực của hệ thống. Tiếp cận một cách truyền thống, một cực của hệ thống phải là một quốc gia đơn độc hoặc một đế chế. Tuy nhiên, trong các hệ thống hiện đại một cực của hệ thống còn được hiểu là một nhóm các quốc gia hình thành một liên minh hay một khối. Đó có thể là một tổ chức liên chính phủ (IGO) toàn cầu như UN hoặc IGO khu vực như EU với điều kiện là các tổ chức này phải có đủ quyền lực và sự phụ thuộc ở mức độ nhất định từ các quốc gia thành viên của chúng.
Trong lịch sử quan hệ quốc tế đã từng tồn tại các loại hình trật tự thế giới với số lượng cực khác nhau sau:
– Trật tự thế giới đơn cực (có một cực) là một trật tự mà ở đó có một siêu cường duy nhất có sức mạnh vượt trội và tự mình có thể quyết định tất cả các vấn đề quốc tế mà các quốc gia còn lại dù có hợp lại cũng không thể ngăn cản được siêu cường đó. Nếu xét trên phương diện khu vực thì trong lịch sử quan hệ quốc tế đã tồn tại trật tự 1 cực đó là thời kỳ đế chế La Mã ở Á – Âu, đó là đế chế Mông Cổ thế kỷ thứ 11 ở Á – Âu, là Trung Quốc ở Đông Á… Nguyên tắc trong trật tự một cực là cực duy nhất chi phối toàn bộ đời sống quốc tế.
– Trật tự thế giới hai cực: là trật tự có hai siêu cường dẫn đầu hai liên minh tranh giành ảnh hưởng đối với các nước trung lập. Trong lịch sử loài người, trật tự trong hệ thống Yanta là ví dụ sống động cho loại trật tự này. Hai cực là Liên Xô và Mỹ với nguyên tắc trong trật tự đó là: cạnh tranh và đối đầu giữa hai cực.
– Trật tự thế giới đa cực: là trật tự có ít nhất từ ba cường quốc trở lên, có sức mạnh tương đương nhau. Nguyên tắc là đấu tranh và hợp tác để giải quyết các vấn đề chung dưới nhiều hình thức khác nhau. Cho đến nay, trật tự thế giới đa cực đã tồn tại ở những thời điểm khác nhau trong đời sống quốc tế. Có thể lấy ví dụ trật tự gần đây nhất là Versaille – Washington được thiết lập sau Thế chiến thứ nhất và tồn tại ngắn ngủi giữa hai cuộc chiến tranh tàn khốc nhất trong lịch sử loài người tính đến năm 2011 (1919 – 1939).
Về mô hình cấu trúc quyền lực
Tương ứng với từng dạng trật tự có số lượng cực khác nhau là các mô hình cấu trúc khác nhau. Đã có nhiều mô hình được đưa ra nhưng có lẽ mô hình cấu trúc quyền lực các hệ thống đã tồn tại trong lịch sử quan hệ quốc tế của John T. Rourke và Mark A. Boyer trong cuốn “World Politics – international politics on the world stage, Brief”, được mô tả một cách đơn giản và hợp lý hơn cả.
Mô hình cấu trúc quyền lực một cực: các luật chơi là (1) Cường quốc (nhân tố) trung tâm thiết lập và thực thi các quy định và thống trị quân đội cùng các công cụ kinh tế. (2) Cường quốc trung tâm giải quyết các tranh chấp giữa các nhân tố phụ, (3) Cường quốc trung tâm chống lại mọi cố gắng của các nhân tố phụ để đạt được sự độc lập hoặc quyền tự trị lớn hơn và có thể cố gắng làm giảm hoặc tiêu diệt quyền tự trị của các nhân tố phụ
Mô hình cấu trúc quyền lực hai cực: Sự thù địch gay gắt giữa hai cực là vấn đề trung tâm của hệ thống hai cực. Vì thế luật chơi là (1) có gắng xóa bỏ khối khác bằng cách làm xói mòn nó hoặc tấn công tùy từng tính huống cụ thể; (2) tăng cường sức mạnh trong tương quan với khối còn lại bằng cách cố gắng kết nạp những thành viên mới vào khối của mình hay cố gắng ngăn chặn các nước khác gia nhập khối thù địch.
Mô hình cấu trúc quyền lực đa cực: Luật chơi là: (1) Chống lại bất cứ một chủ thể nào hoặc liên minh nào có thể có nguy cơ trở thành lãnh đạo. Điều này cũng là nguyên tắc trung tâm của chính trị cân bằng quyền lực. (2) tốt nhất là tăng cường sức mạnh và tối đa việc duy trì sức mạnh có thể bằng cách thương lượng, nhưng cũng có thể bằng cách chiến tranh. (3) nếu xảy ra chiến tranh thì điều kiện là không được ổn định hóa hệ thống bằng cách phá hủy các nhân tố chủ yếu khác.
Những mô hình này[1] là những mô hình thể hiện cơ bản nhất những cấu trúc của các loại hệ thống quan hệ quốc tế. Tuy nhiên trong lịch sử quan hệ quốc tế hiện đại, do tính phức tạp và biến đổi khó lường – vốn là đặc tính cố hữu trong quan hệ quốc tế nên mô hình cấu trúc của các hệ thống quan hệ quốc tế có sự linh hoạt về quy mô và mức độ. Chẳng hạn như cùng là mô hình đa cực nhưng mô hình đa cực trong hệ thống Vienne (sau 1615) khác với mô hình đa cực trong hệ thống Versaille – Washington (từ 1919 – 1939) về tính cân bằng trong sức mạnh của các cực (các trung tâm quyền lực) và tính công bằng trong luật chơi và mức độ tham gia xử lý công việc quốc tế của các chủ thể…
2. Các hệ thống quan hệ quốc tế trong lịch sử hiện đại.
Hệ thống quan hệ quốc tế được biết đến đầu tiên theo đúng nghĩa trong lịch sử hiện đại là Hệ thống Westphalia ra đời gắn liền với Hòa ước Westphalia (1648) và cuộc chiến tranh 30 năm. Cuộc chiến tranh 30 năm là một cuộc chiến được bắt đầu từ trung tâm Châu Âu. Cuộc chiến này đã khuấy động châu Âu trong suốt nửa đầu thế kỷ 17 thể hiện sự mâu thuẫn giữa tôn giáo và phong kiến về việc chia cắt lãnh thổ, ngôn ngữ và sắc tộc. Những ganh đua, cạnh tranh giữa người theo đạo Tin lành và Thiên chúa giáo với những mưu tính của triều đại Hapsburg đã kích động một cuộc chiến tranh ở diện rộng liên quan đến nhiều quốc gia như Pháp, Anh, Scotlen, Hà Lan, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Ý và Đức. Một mặt, các triều đại gia đình Thiên chúa giáo đặc biệt là Hapsburgs (triều đại này thiết lập luật ở hầu những những vùng đất ngày nay là Áo, Séc và Hungary) thiết lập liên minh giữa bản thân nó với Tây Ban Nha và với Đức Giáo hoàng ở Rome. Mặt khác, những ông hoàng theo đạo Tin lành ở Đức lại hình thành liên minh với Anh, Hà Lan và triều đình Pháp theo đạo Tin lành. Xung đột trở thành chiến tranh với sự tàn bạo và nguy hiểm khủng khiếp lớn hơn rất nhiều những cuộc chiến trong thời kỳ phong kiến ở châu Âu trước đó và mức độ hủy diệt cũng sự tàn sát được đánh giá là chỉ kém hai cuộc chiến tranh thế giới của thế kỷ 20 sau đó mà thôi. Hòa ước Westphalia, đã làm cho châu Âu có nhiều đặc điểm mới (cho ra đời một loạt các quốc gia mới – chủ thể quan trọng của quan hệ quốc tế bằng cách tách hoặc sát nhập các quốc gia) và hình thành nên một hệ thống mới trong quan hệ quốc tế. Đó là một hệ thống cân bằng quyền lực giữa các quốc gia. Tồn tại hơn 2 thế kỷ, các triều đại phong kiến hay liên minh tôn giáo hoặc dân tộc của các quốc gia cũ và mới của hệ thống được hình thành và làm xói mòn quyền lực của tôn giáo và phát triển vai trò của quốc gia dân tộc làm cho quốc gia có được quyền lực lớn hơn.
Tuy nhiên, hệ thống Westphalia là hệ thống chứa đựng nhiều cuộc chiến tranh, có thể nói từ 1648 tới kỷ nguyên Napoleon, cuộc chiến tranh ở phần lớn khu vực Tây Âu là cuộc chiến được đặt lên trên cùng trong xã hội. Đó là cuộc cạnh tranh liên quan tới các triều đại phong kiến để đặt cược cái được gọi là đáp ứng những nhu cầu của triều đại (lãnh thổ và cơ hội giành tài sản). Có thể không quá cường điệu khi cho rằng chiến tranh châu Âu trong suốt thời kỳ này được ví như một trò thể thao của các vị vua. Sau nhiều cuộc chiến tranh Châu Âu lại chứng kiến sự lớn mạnh của một chủ thể vốn là một cực trong hệ thống đó là Pháp. Pháp lớn mạnh với sự xuất hiện và lớn mạnh của Napoleon Bonaparte cùng tham vọng thống trị châu Âu và thế giới. Châu Âu một lần nữa chìm trong chiến tranh. Hệ thống bị phá vỡ. Cho đến khi Napoleon Bonaparte bị thua trong trận chiến Waterloo năm 1815. Hệ thống mới được hình thành. Hệ thống Viên gắn liền với Hội nghị tại Viên sau cuộc chiến tranh chống Napoleon. Đó là một hệ thống đa cực hòa hợp quyền lực ở châu Âu giữa các cường quốc châu Âu là Anh, Nga, Đức, Pháp. Trong suốt khoảng một thế kỷ, châu Âu đã luôn thích thú với mục tiêu thống trị toàn cầu. Các quốc gia lãnh đạo châu Âu mở rộng sự kiểm soát của mình đối với hầu hết các khu vực trên thế giới, đạt được sự thống trị về kinh tế và công nghệ và phát triển lực lượng quân sự mạnh nhất.
Trong thập niên của cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, cùng với sự trung tâm hóa sức mạnh quốc gia và sự tăng trưởng mạnh mẽ sức mạnh quân sự và thương mại lại càng được phát triển bởi cách mạng công nghiệp, Châu Âu dường như ở đỉnh cao của thịnh vượng và ảnh hưởng. Nhưng nền tảng cơ bản của sự thay đổi sâu sắc đã đang được hình thành. Điều này tập trung ở Đức. Những vùng đất nói tiếng Đức đã được chia thành rất nhiều các lãnh địa khác nhau. Tuy nhiên, vào năm 1871, Otto von Bismarck, Toàn quyền của Phổ – vùng lãnh thổ có quyền lực lớn nhất và có sức mạnh quân sự lớn nhất trong các khu vực của Đức đã hợp nhất các khu vực nói tiếng Đức (ngoại trừ Áo) của châu Âu lại. Ông ta đã đạt được điều này thông qua sự vận động chính trị khéo léo và một loạt các cuộc chiến tranh hạn chế chống lại Đan Mạch, Áo và Pháp. Bismarck vì thế đã tạo ra được một quốc gia đông dân nhất, có nền kinh tế phát triển và có sức mạnh quân sự lớn nhất ở khu vực Tây và Trung Âu. Từ thời điểm nước Đức thông nhất cho đến khi nổ ra cuộc Chiến tranh thế giới thứ I năm 1914, sức mạnh của Đức nhanh chóng lan rộng đến các nước láng giềng. Ví dụ, dân số của nó tăng từ 40 triệu lên tới 65 triệu người làm cho vị trí của nó đứng cách xa với các cường quốc khác như Áo – Hung, Anh và Pháp[2].
Ảnh hưởng của quyền lực Đức đang lên đã chứng minh sâu sắc sự không ổn định của hệ thống quan hệ quốc tế hiện thời. Vì một điều mà đế chế Đức tìm kiếm lúc này là một vị trí mạnh hơn trên thế giới ít nhất là cân bằng với đối thủ của nó là Anh và Pháp. Sau sự ra đi vào năm 1890 của vị lãnh đạo đầy kỹ năng ngoại giao và khôn ngoan Bismarck, Hoàng đế Wihelm, người cai trị Đức từ gia đình Hehenzollen luôn kiên quyết đòi yêu sách đối với những gì ông ta coi là khu vực hợp pháp của Đức trong cấu trúc quyền lực thế giới. Dưới sự cai trị của Hoàng đế Wihelm II, những chính sách của Đức đã khởi động một cuộc chạy đua vũ trang chủ yếu trong những năm sau năm 1900. Trong quá trình đó, thành tựu và tài sản có được từ công cuộc công nghiệp hóa của châu Âu đã bị ném ngày càng nhiều vào việc thiết kế tàu và thần công. Một sự phân cực sâu sắc về quyền lực ở châu Âu đã bắt đầu hình thành. Sau hàng thế kỷ, châu Âu đã chứng kiến sự cân bằng nhảy vọt giữa các quốc gia có sức mạnh cạnh tranh (có thể so sánh được) một cách mạnh mẽ. Và các liên minh thường xuyên phát triển nhằm đối trọng với bất kỳ quyền lực nào có thể đe dọa nhằm đạt vị trị lãnh đạo lục địa. Từ năm 1905 đến năm 1914, châu Âu đã chứng kiến không chỉ một cuộc chạy đua vũ trang rộng lớn tại lục địa của mình mà còn tham gia vào hàng loạt những khủng hoảng chính trị trên thế giới liên quan đến cuộc chạy đua quyền lực ở Nam Phi đặc biệt là Morocco và ở Balkans. Xung đột ở Balkans đã châm ngòi cho sự biến động lớn của thế giới đó là Chiến tranh thế giới I cùng với nó là sự sụp đổ không ít hơn 4 đế chế (Đức, Áo, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ) và sự hủy hoại trật tự châu Âu. Có khoảng 10 triệu người lính đã bỏ mạng và bản đổ chính trị đã bị xé ra từng mảng. Chiến tranh thúc đẩy sự sụp đổ của hàng loạt chế độ cũ. Điều này đồng nghĩa với chủ thể quan hệ quốc tế có sự thay đổi về chế độ chính trị. Hệ thống quan hệ quốc tế mới được thành lập dựa trên Hội nghị Versaille, đó là một trật tự đa cực mang tính toàn cầu có sự góp mặt của một nước chưa bao giờ tham gia vào công việc quốc tế đó là Mỹ và sự ra đời của tổ chức chính trị – an ninh lớn là Hội Quốc Liên.
Tuy nhiên, sự tham gia không nhiệt tình của Mỹ và sự yếu kém của Hội Quốc Liên trong việc giữ gìn hòa bình an ninh quốc tế cùng với việc ở Đức chế độ Weimar bị sụp đổ thay vào đó là Hitler và Đảng Quốc xã lên nắm quyền lực tháng 1/1933, cộng với việc Anh, Pháp dung túng cho sự tái vũ trang ở Đức, cuối cùng, sau việc đảm bảo an toàn bằng một hiệp ước không xâm lược lẫn nhau với Liên Xô, Hitler đã bắt đầu chiến tranh vào năm 1939 bằng việc tấn công Ba Lan. Châu Âu lại bị chìm đắm trong chiến tranh thế giới lần thứ II, và lần này thì hậu quả lại kinh khủng hơn nhiều.
Chiến tranh thế giới thứ II kết thúc, hệ thống quan hệ quốc tế mới được xác lập dựa trên các hội nghị quốc tế của phe Đồng minh là Hội nghị ngoại trưởng ở Moscow (9/1943), Hội nghị 3 nguyên thủ ở Tehran (10/43), đặc biệt các cuộc đàm phán tại Yalta (2/45) và Posdam (7-8/45). Hệ thống mới đã được đặt tên theo đúng sự sắp xếp quyền lực sau thế chiến thứ hai đó là Hệ thống Yanta – trật tự tồn tại trong hệ thống là hai cực.
Cho đến năm 1991, vì rất nhiều nguyên nhân nên mô hình Xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ – một cực tan ra, hệ thống không còn tồn tại. Thế giới chờ đợi một hệ thống quan hệ quốc tế mới. Hệ thống quan hệ quốc tế mới có cấu trúc như thế nào, mô hình của nó ra sao vẫn đang là đề tài tranh luận mang tính thời sự trong giới nghiên cứu về lý luận quan hệ quốc tế. Thực tế cho thấy vẫn chưa có mô hình cấu trúc nào nhận được sự đồng thuận của hầu hết các học giả trên thế giới. Nhưng có thể khẳng định một điều, hai thập kỷ sau khi Hệ thống Yanta tan rã thì đặc biệt hệ thống quan hệ quốc tế đương đại vẫn đang trong quá trình hình thành và có lẽ đó sẽ là một hệ thống toàn cầu đa cực, đa trung tâm không đồng đều chưa từng tồn tại trong lịch sử quan hệ quốc tế hiện đại.
Ths. Lưu Thúy Hồng
-Khoa Chính trị học
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Vũ Dương Huân, Một số vấn đề quan hệ quốc tế chính sách đối ngoại và ngoại giao Việt Nam Tập 1, Nxb Chính trị – Hành chính, HN – 2009, Tr163,
2. Phạm Thái Việt, Hệ thống các quan hệ quốc tế đương đại: các quan niệm khác nhau, Thông tin Khoa học xã hội, số 5.2001
3. Lại Văn Toàn, Trật tự thế giới sau chiến tranh lạnh: phân tích và dự báo, Thông tin Khoa học xã hội, số 10.2001
4. John T. Rourke and Mark A. Boyer, World Politics – international politics on the world stage, Brief, 4th edition, McGraw-Hill/Dushkin Companies
5. Robert J. Lieber, No common Power – Understanding international relations, Goergetown University 7/1987
6. Walter John Raymond, Ph. D. S.J.D, Dictionary of politics – Selected American and foreign political and legal terms, 7th edition, Brunswick Publishing Corporation.
[1] John T. Rourke and Mark A. Boyer, “World Politics – international politics on the world stage, Brief”, 4th edition, McGraw-Hill/Dushkin Companies p49
[2] Robert J. Lieber, No common Power – Understanding international relations, Goergetown University 7/1987, p21