Khái Niệm Quản Trị Doanh Nghiệp Là Gì? Chức Năng Và Nguyên Tắc
Bạn đã nghe nhiều về cụm từ quản trị doanh nghiệp, nhưng thực chất quản trị doanh nghiệp là gì? Vì sao quản trị doanh nghiệp lại quan trọng đến vậy?
Tại sao doanh nghiệp muốn hoạt động và tồn tại lâu dài đều phải có cho mình một hệ thống quản trị doanh nghiệp hiệu quả. Hôm nay Glints Việt Nam sẽ cùng bạn đi tìm hiểu khái niệm này nhé!
Khái niệm quản trị doanh nghiệp là gì?
Về cơ bản, có thể lý giải quản trị doanh nghiệp theo hai khía cạnh sau đây:
Một, quản trị doanh nghiệp là hệ thống tất cả những điều lệ, chính sách giúp điều hành và quản lý doanh nghiệp.
Quản trị doanh nghiệp hướng đến việc cân đối lợi ích của nhiều bên có liên quan như cổ đông, cơ quan của nhà nước, các đối tác kinh doanh, nhân viên, khách hàng, môi trường, cộng đồng và toàn xã hội.
Quản trị doanh nghiệp là gì?
Hai, quản trị doanh nghiệp cũng được xem là một quá trình của sự tác động liên tục và mang tính chất tổ chức, có mục đích từ phía chủ doanh nghiệp tới tập thể những người lao động trong doanh nghiệp đó.
Quá trình này sẽ sử dụng một cách có hiệu quả tiềm năng, cũng như các cơ hội để thực hiện hoạt động sản xuất – kinh doanh trong doanh nghiệp đạt được hiệu quả và những mục tiêu đã được đề ra theo đúng quy định và thông lệ trong xã hội.
Chức năng chính của quản trị doanh nghiệp
Sau khi đã làm rõ khái niệm quản trị doanh nghiệp là gì, vấn đề tiếp theo chúng ta cần giải quyết đó là: chức năng chính của quản trị doanh nghiệp là gì? Trong một doanh nghiệp họ đóng vai trò ra sao? Dưới đây chúng mình xin đưa ra 4 chức năng chính:
Chức năng hoạch định chiến lược
Quản trị doanh nghiệp sẽ chịu trách nhiệm xác định mục tiêu và hoạch định ra chiến lược để đạt tới mục tiêu cho doanh nghiệp.
Chức năng hoạch định đóng vai trò như việc xác định phương hướng phát triển cũng như dự đoán các khả năng có thể xảy ra, đồng thời lên kế hoạch dự trù cho chúng.
Khi thực hiện chức năng hoạch định chiến lược, các nhà quản trị phải:
- Nắm rõ bối cảnh kinh doanh của thị trường bên ngoài doanh nghiệp
- Hiểu được tình hình hoạt động trong doanh nghiệp
- Xây dựng mục tiêu
- Xác định các nguồn lực cần có và trách nhiệm của các bên liên quan
- Chỉ rõ các công việc chi tiết được thực hiện trong phạm vi nguồn lực và thời gian sẵn có và điều kiện để hoàn thành được các mục tiêu đã đặt ra.
Chức năng hoạch định chiến lược quan trọng trong quản trị công ty
Chức năng tổ chức
Chức năng tổ chức thể hiện chủ yếu qua ba mảng sau:
- Tổ chức bộ máy và xây dựng kết cấu doanh nghiệp với các cấp bậc, thứ tự, vị trí; trong đó mô tả rõ ràng quyền hạn, trách nhiệm và phúc lợi của mỗi vị trí.
- Tiến hành phân công nhân sự, phân công công tác và phân bố nguồn lực cho các phòng ban trong công ty. Việc phân bổ này cần diễn ra theo cấp độ từ lớn đến nhỏ: công ty – phòng ban – nhóm – cá nhân.
- Tiến hành xây dựng và ban hành chính sách, các cơ chế phối hợp trong doanh nghiệp để đảm bảo toàn bộ các hoạt động được thực hiện một cách hiệu quả nhất.
Chức năng quản lý, lãnh đạo
Sau khi đã hoàn thành bộ khung sườn để hướng dẫn hành động và công tác. Quản trị doanh nghiệp tiếp tục thực hiện chức năng quản lý và lãnh đạo nhân sự hoạt động theo quy định.
Trong quá trình này, nhà quản trị thực hiện nhiều hoạt động liên quan đến cơ chế, chính sách, hành vi, phong cách làm việc và quản trị nhằm khuyến khích nhân viên nỗ lực làm việc.
Chức năng lãnh đạo và quản lý
Chức năng kiểm soát và điều chỉnh
Người làm quản trị doanh nghiệp thường xuyên kiểm tra và theo sát quá trình hoạt động của doanh nghiệp, nhằm đánh giá khách quan và cập nhật kịp thời tình hình nội bộ công ty.
Trong quá trình này, quản trị công ty sẽ giúp bạn nắm được các điểm mạnh và những điểm bất cập còn tồn tại, từ đó, bạn có thể tiến hành điều chỉnh và cải thiện tốt hơn.
Nguyên tắc quan trọng cần nhớ khi quản trị doanh nghiệp
Chuyên môn hóa/Phân công hóa lao động
Chuyên môn hóa là một hình thức phân công lao động, trong đó cá nhân hoặc nhóm được phân công sẽ tập trung nỗ lực của mình vào một lĩnh vực nhất định.
Trong hệ thống quản trị doanh nghiệp, nguyên tắc chuyên môn hóa giúp tăng năng suất và hiệu quả công việc.
Tập trung hóa
Tập trung hóa là nguyên tắc đem quyền lực tập trung vào tay một hoặc một số người trong quản trị công ty.
Việc tập trung hóa đảm bảo cho tính thống nhất, sự đồng thuận và tính quyết đoán khi cần đưa ra một quyết sách trong doanh nghiệp.
Quyền hành tập trung trong tay một số người điều hành doanh nghiệp
Thống nhất về mệnh lệnh
Nguyên tắc này cần được thực hiện từ hai bên, nhằm tránh sự bối rối trong quá trình triển khai công việc:
- Lãnh đạo chỉ đưa ra các mệnh lệnh dành cho cấp dưới thuộc quyền hạn của mình.
- Nhân viên chỉ làm theo mệnh lệnh của cấp trên của mình.
Thống nhất về đường lối
Các nhóm, các phòng ban, các cá nhân, có thể làm các công việc khác nhau, nhưng cần có sự thống nhất về mục tiêu chung và được định hướng bởi một người đứng đầu. Các công việc, dự án nhỏ thống nhất trong một kế hoạch lớn và phối hợp nhịp nhàng với nhau.
Các thành viên phải cùng hướng về mục đích lớn
Thẩm quyền phải đi kèm với trách nhiệm tương ứng
Quyền và trách nhiệm là hai mặt của một “đồng xu”. Trong quản trị doanh nghiệp, đây là nguyên tắc rất quan trọng.
Người có trách nhiệm lớn cần có thẩm quyền cao để có thể tận dụng các nguồn lực một cách tối đa để hoàn thành công việc. Nhưng đồng thời, người nắm trong tay thẩm quyền cũng phải chịu trách nhiệm với mọi quyết định của mình, nhất là khi để xảy ra các sai phạm.
Lợi ích chung cần đặt lên trên hết
Mục tiêu của chủ doanh nghiệp chính là toàn bộ công ty luôn làm việc và cống hiến dựa trên nguyên tắc đặt lợi ích chung lên lợi ích riêng, nói cụ thể hơn là đặt lợi ích của công ty lên các lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm.
Tuy nhiên, thường thì mâu thuẫn lợi ích sẽ xảy ra và trách nhiệm của quản trị doanh nghiệp chính là hòa giải các mâu thuẫn này, hướng tới kết quả win-win.
“Xích lãnh đạo”
Mối quan hệ giữa lãnh đạo và nhân viên cần có sự cân bằng không quá gần gũi cũng không quá xa cách. Mối quan hệ cần sự rõ ràng và minh bạch, tránh các hành vi lạm dụng chức quyền, chèn ép,…
Các mệnh lệnh đưa ra cần được đảm bảo nguyên tắc rõ ràng, hợp lý, đảm bảo cả hai bên cùng hiểu để vận dụng linh hoạt, không cứng nhắc.
Đọc thêm: 7 Kỹ Năng Lãnh Đạo Nhóm Không Thể Thiếu Của Một Nhóm Trưởng
Trật tự
Quản trị doanh nghiệp cần phải làm tốt việc thiết lập trật tự trong công ty. Đó chính là việc phân phối cho nhân viên vị trí, bổn phận, công việc và trách nhiệm của chính mình một cách rõ ràng.
Việc sắp xếp trật tự cần phù hợp, đúng lý hợp tình, đảm bảo mọi người đều hiểu được ý nghĩa vị trí của mình trong toàn bộ mắt xích của công ty.
Kỷ luật
Kỷ luật bao gồm các tiêu chuẩn thống nhất trong hành động, sự tuân thủ quy tắc và các giá trị. Đây là yếu tố then chốt để một doanh nghiệp hoạt động trơn tru.
Sự công bằng
Sự công bằng là thứ khiến cho con người ta cảm thấy được sự tự do và thỏa mãn khi đứng trong một tổ chức.
Tổ chức quản lý doanh nghiệp đảm bảo được sự công bằng và tính công lý sẽ giúp cho doanh nghiệp vững bền, củng cố được sự trung thành của các thành viên đối với doanh nghiệp
Thù lao
Hãy đảm bảo mức thù lao doanh nghiệp trả cho nhân viên là xứng đáng với những gì nhân viên bỏ ra và nằm trong mức chi trả của chính doanh nghiệp.
Mức thù lao xứng đáng là một điều quan trọng
Ổn định nhiệm vụ
Ổn định là nền tảng cho sự phát triển. Một hệ thống quản trị doanh nghiệp hoạt động hiệu quả khi có thể tạo ra sự ổn định để nhân viên và cả lãnh đạo có thể an tâm thực hiện công việc của mình.
Sáng kiến
Hãy luôn cho phép và khuyến khích các cá nhân thể hiện những sáng kiến cá nhân của mình.
Nhu cầu được thể hiện bản thân là nhu cầu trên đỉnh tháp của mỗi con người, dù là bất kỳ cấp bậc nào trong cơ cấu tổ chức, sự nhiệt huyết cống hiến đều đến từ những người có cơ hội thể hiện năng lực bản thân và được công nhận.
Tinh thần đoàn kết
Sức mạnh lớn nhất đến từ tinh thần đoàn kết của tập thể.
Các nhà quản trị doanh nghiệp luôn phải đảm bảo các chính sách, nguyên tắc quản trị mình đề ra có thể góp phần gắn kết mối quan hệ của nhân viên trong công ty, tạo nên khối đoàn kết trong nội bộ.
Đoàn kết trong doanh nghiệp
Đọc thêm: Ngành Quản Trị Kinh Doanh Là Gì? Định Hướng Học Tập Và Cơ Hội Nghề Nghiệp
Chia sẻ phương pháp 4Ps để quản trị doanh nghiệp hiệu quả
Có thể nói, quản trị công ty/doanh nghiệp là một hoạt động đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Nhưng làm thế nào để quản trị hiệu quả? Bạn chắc chắn sẽ cần đến 4Ps.
Phương pháp 4Ps trong quản trị công ty dùng để chỉ 4 yếu tố, đó là: People (con người), Purpose (Mục đích), Process (Quy trình) và Performance (hiệu suất).
People (con người)
Con người chính là yếu tố trung tâm trong bất kỳ tổ chức nào. Với quản trị doanh nghiệp, con người lại càng là cái cốt yếu và cần được quan tâm nhất.
Máy móc không cần chúng ta quản trị, nhưng con người – dù ở bất kỳ cấp bậc và vị trí nào, từ nhân viên cho tới lãnh đạo, từ khách hàng đến đối tác, từ nhà sáng lập tới thực tập sinh, tất cả đều cần được đặt dưới một hệ thống quản trị doanh nghiệp hiệu quả.
Để đưa ra một chiến lược trong quản trị doanh nghiệp, bạn cần lấy yếu tố con người làm cái đích để đặt ra mục tiêu hướng đến, cách thức và các bước thực hiện, sau đó lại xem xét con người như tiêu chuẩn để đánh giá hiệu quả của công tác quản trị.
Purpose (Mục đích)
Bất kỳ một kế hoạch hay một hành động nào đều cần có một mục đích để hướng tới. Trong quản lý doanh nghiệp, việc xác định tốt mục đích là vô cùng quan trọng và cần thiết.
Có làm được việc này thì kế hoạch mới có tính thống nhất và đồng bộ, việc quản trị mới có định hướng để thực hiện.
Process (Quy trình)
Sau khi xác định rõ mục đích thì cần triển khai hoạt động nhằm đạt được mục đích thông qua một quy trình cụ thể.
Quản trị doanh nghiệp không chỉ đưa ra quy trình mà còn theo dõi, giám sát quy trình này. Thực hiện các điều chỉnh, cải cách sửa đổi nếu phát hiện có vấn đề.
Performance (Hiệu suất)
Hiệu suất là yếu tố trực quan nhất cho thấy quá trình quản trị doanh nghiệp có đạt được hiệu quả hay không, nếu vấn đề xuất hiện thì bắt đầu từ đâu đi tìm nguyên nhân. Thế nên việc phân tích kết quả làm việc là một việc vô cùng quan trọng trong công tác quản trị.
Kết luận
Về cơ bản, trên đây chính là những gì bạn cần biết để trả lời câu hỏi “quản trị doanh nghiệp là gì?”. Qua bài viết này Glints Việt Nam không chỉ giới thiệu với bạn khái niệm quản trị doanh nghiệp, mà còn đưa ra chức năng và các nguyên tắc cơ bản cần nhớ khi thực hiện quản trị công ty.
Với những kiến thức trên, chúng mình hi vọng bạn đã có cái nhìn sâu sắc hơn và cập nhật thêm những thông tin hữu ích về hệ thống quản trị doanh nghiệp tại Việt Nam.
Đọc thêm: Top 9 Các Tập Đoàn Nước Ngoài Tại Việt Nam Tuyển Dụng Nhiều
Bài viết có hữu ích đối với bạn?
Chúng tôi rất buồn khi bài viết không hữu ích với bạn
Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này!
Tác Giả