Khái Niệm Du Lịch Và Các Loại Hình Du Lịch Phổ Biến Ở Việt Nam
Ngày nay, du lịch đã trở thành một nhu cầu rất lớn của con người. Các loại hình du lịch vì thế mà cũng phát triển ngày một đa dạng và phong phú. Để đáp ứng được nhu cầu của khách hàng cũng như phát triển ngành du lịch hiệu quả, mỗi quốc gia cần khai thác được điểm mạnh của đất nước mình.
Trong bài viết dưới đây, Tri Thức Cộng Đồng sẽ cùng các bạn tìm hiểu về chủ đề du lịch cũng như các hình thức, loại hình du lịch phổ biến hiện nay tại Việt Nam.
1. Khái niệm du lịch là gì?
Nói một cách đơn giản, du lịch là các hoạt động gắn liền với các chuyến đi của con người đến những địa điểm mà họ không thường xuyên lưu trú. Những nơi mà con người cư trú dưới một năm với mục đích vui chơi, giải trí, thư giãn được gọi là địa điểm du lịch.
Hiện nay, du lịch cũng xuất hiện dưới những hình thức khác như khám phá tài nguyên thiên nhiên, trải nghiệm cuộc sống bản địa. Đồng thời, du lịch cũng có thể kết hợp với những mục đích hợp pháp khác.
Tham quan du lịch không chỉ đơn thuần là thư giãn, giải trí, nghỉ dưỡng, nó còn đáp ứng những nhu cầu tìm hiểu, học tập và nghiên cứu về vùng đất, con người, văn hóa, lịch sử của địa phương.
Du lịch hiện nay đã trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, có đóng góp rất lớn vào GDP hàng năm của Việt Nam. Nước ta cũng đang có hướng chuyển dịch cơ cấu sang tập trung chú trọng vào việc phát triển du lịch, không chỉ với du khách trong nước mà còn là với du khách nước ngoài.
2. Các loại hình du lịch ở Việt Nam
2.1. Căn cứ vào mục đích chuyến đi
Mục đích chuyến đi là động lực thúc đẩy hoạt động nhằm thỏa mãn nhu cầu du lịch của con người. Các loại hình du lịch chia theo mục đích chuyến đi bao gồm:
-
Du lịch thiên nhiên:
Những năm trở lại đây, du lịch thiên nhiên đã lấy lại được sức hút vốn có của nó. Loại hình này thu hút khách du lịch là những người có hứng thú với cảnh quan thiên nhiên, phong cảnh hữu tình hay đời sống thực vật hoang sơ.
Không khí ngoài trời trong lành, cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ sẽ là điểm cộng rất lớn cho các địa điểm du lịch. Loại hình du lịch này rất được ưa chuộng bởi du khách nước ngoài, những người lớn tuổi hoặc những người trẻ đam mê khám phá.
-
Du lịch văn hóa:
Với những người đam mê tìm hiểu lịch sử, văn hóa truyền thống hay phong tục tập quán thì đây chính là loại hình du lịch không thể lý tưởng hơn. Đối tượng khách du lịch của loại hình này hầu hết là những người muốn tìm đến vẻ đẹp nhuốm màu thời gian, những sản phẩm văn hóa đã ăn sâu vào tư tưởng, vào nếp sống của từng địa phương.
-
Du lịch xã hội:
Loại hình du lịch này hấp dẫn với những người thích giao lưu, tiếp xúc với mọi người. Sự năng động, hòa nhập với dân cư địa phương sẽ đem lại những trải nghiệm mới lạ mà không một loại hình du lịch nào có thể đem lại.
-
Du lịch hoạt động:
Là loại hình du lịch mà du khách sẽ được tham gia vào chuỗi các hoạt động, thử thách đã được lên kế hoạch trước. Đây sẽ là những trải nghiệm quý giá đem đến cho du khách những bài học mà qua đó họ có thể trau dồi thêm các kỹ năng hoặc đơn giản là thử sức mình với những thử thách mới.
-
Du lịch giải trí:
Là loại hình phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng, thư giãn để phục hồi tinh thần, sức khỏe hoặc lấy lại năng lượng cho chuỗi ngày học tập và làm việc mệt mỏi. Đây là loại hình được yêu thích nhất bởi khách du lịch chỉ cần đơn thuần hưởng thụ kỳ nghỉ một cách trọn vẹn bên những người yêu thương tại các địa điểm với bờ biển dài hay núi non hùng vĩ.
-
Du lịch thể thao:
Với những người đam mê thể thao thì loại hình này chính là lựa chọn không thể tuyệt vời hơn. Việc tham gia vào các hoạt động tăng cường sức khỏe như quần vợt, bóng đá, bóng chuyền hay các môn thể thao như lướt sóng, đua xe đường trường… sẽ đem đến những trải nghiệm cực kỳ đáng nhớ, tràn ngập nhiệt huyết và năng nổ.
-
Du lịch chuyên đề:
Loại hình này có quy mô nhỏ hơn, thuộc về những nhóm du khách có cùng chung một niềm đam mê hoặc một mối quan tâm đặc biệt. Với những người đam mê máy móc, họ có thể cùng nhau đến một nhà máy thăm dây chuyền sản xuất robot…
-
Du lịch tôn giáo:
Điển hình của loại hình này chính là việc tổ chức các cuộc hành hương đến những nơi có ý nghĩa tâm linh hay những địa điểm tôn giáo được tôn kính. Đây là loại hình du lịch lâu đời nhất và vẫn còn phổ biến đến ngày nay.
2.2. Căn cứ vào phạm vi lãnh thổ
-
Du lịch quốc tế:
Là loại hình du lịch mà trong đó các chuyến đi và sự di chuyển vượt ra khỏi phạm vi lãnh thổ của một quốc gia để đến một vùng lãnh thổ, khu vực khác.
Đặc điểm của loại hình này đó là du khách sẽ được trải nghiệm những nền văn hóa mới, ẩm thực mới,… Tuy nhiên họ cũng sẽ phải đối mặt với những rào cản về ngôn ngữ, thủ tịch, giấy tờ lưu nhập cảnh. Du lịch quốc tế tạo ra dòng chảy ngoại tệ và là cơ sở, nền tảng để thúc đầy nền kinh tế du lịch.
Loại hình du lịch này được phân chia thành hai loại nhỏ:
-
Du lịch quốc tế đến: là chuyến viếng thăm của những người từ các quốc gia khác.
-
Du lịch ra nước ngoài: là chuyến đi của cư dân trong nước đến một nước khác.
-
Du lịch trong nước: Là những chuyến đi của cư dân chỉ trong phạm vi quốc gia của họ.
-
Du lịch nội địa: Bao gồm du lịch trong nước và du lịch quốc tế đến.
-
Du lịch quốc gia: bao gồm du lịch nội địa và du lịch ra nước ngoài.
2.3. Căn cứ vào sự tương tác của du khách đối với điểm đến du lịch
-
Du lịch thám hiểm:
Loại hình dành cho những nhà nghiên cứu, học giả, những nhà thám hiểm. Đặc điểm của loại hình này là khách du lịch hầu như không tiêu thụ bất cứ sản phẩm du lịch nào, họ sử dụng tất cả đồ đạc của chính mình. Do đó mà du lịch thám hiểm hầu như không đóng góp nhiều vào kinh tế.
-
Du lịch thượng lưu:
Đây là loại hình du lịch dành cho giới thượng lưu đến những địa điểm sang chảnh và độc đáo bậc nhất để trải nghiệm sự mới lạ. Dịch vụ du lịch thượng lưu rất đắt đỏ, do đó mà tệp khách hàng không lớn. Tuy nhiên, chuyến du lịch của họ có thể dẫn tới những hoạt động đầu tư sau này có lợi cho điểm đến.
-
Du lịch thuê bao:
Đây là loại hình du lịch phát triển rộng rãi, thị trường phát triển đến các tầng lớp có nhu cầu trung bình và thấp nên có dung lượng lớn. Với số lượng lớn, dòng khách ồ ạt, chi tiêu của du khách tạo ra nguồn thu nhập lớn đối với cơ sở kinh doanh và khu vực điểm đến.
2.4. Các cách phân loại khác
-
Căn cứ vào đặc điểm địa lý của điểm đến du lịch
-
Căn cứ vào phương tiện giao thông
-
Căn cứ vào phương tiện lưu trú
-
Căn cứ vào thời gian du lịch
-
Căn cứ vào lứa tuổi
-
Căn cứ vào hình thức tổ chức du lịch
-
Căn cứ vào phương thức hợp đồng
Bài viết trên đây đã chia sẻ sẻ đến bạn các loại hình du lịch phổ biến nhất hiện nay. Đẩy mạnh khai thác được các loại hình du lịch thế mạnh sẽ giúp Việt Nam có thể phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của đất nước.
Mong rằng với những chia sẻ này, bạn đã có thể thu nạp được thêm những kiến thức hữu ích nhất cho mình. Nếu bạn vẫn còn bất cứ thắc mắc hay khó khăn nào cần giúp đỡ, hãy liên hệ ngay với Tri Thức Cộng Đồng thông qua SĐT: 0946 88 33 50 hoặc Email: [email protected] để được giúp đỡ.
Nguồn: Tri Thức Cộng Đồng