Khái Niệm Ảnh Âm Bản Là Gì, Kiến Thức Về Màu, Film Âm Bản Bạn Nên Biết

Dương và âm là lưỡng nghi – hai mặt của cuộc sống, làm nên sự sống và cân bằng mọi sinh hoạt trong triết học Đông phương. Hai mặt ấy đối lập triệt để nhưng lại thống nhất, hài hòa; cấu tạo thành vũ trụ, vạn vật, đời sống con người, chi phối mọi sinh hoạt của sự sống.

Bạn đang xem: Khái niệm ảnh âm bản

Một người cảm sốt đau yếu thì thầy thuốc cho là mất cân bằng âm dương. Hai người chung sống với nhau thì được coi là âm dương hòa hợp. Nóng là dương mà lạnh là âm. Thức ăn có dương, có âm thì mới đủ sức bồi bổ cơ thể…

Đối với dân làm báo, dân nhiếp ảnh, chúng tôi có khái niệm dương bản và âm bản. Dương bản cho ra những bức ảnh rõ ràng, sáng đẹp; âm bản cho ra những bức ảnh chỉ có bóng đen. Cái gì thuộc dương bản thì dễ đọc dễ nhìn. Cái gì thuộc âm bản thì khó đọc, khó nhìn một chút. Đại để, chúng tôi vẫn lấy dương bản làm trọng; đặc biệt lắm mới chơi qua âm bản. Trong 100 trang báo in couchet, có vài trang in négatif là vừa đủ. Nghề của chúng tôi không để cho âm thịnh dương suy trong kỹ thuật in ấn.

Tháng 5.2013, không hiểu sao mà ngành y tế lại nổi lên những điều rất tích cực khiến lòng người cảm động; lại vừa nổi lên những chuyện rất buồn cười khiến mọi người buồn lây. Tôi gọi đó là dương bản và âm bản tháng 5 của ngành y tế.

Ba mươi tám năm rồi, lòng dân chỉ mong được nghe, được thấy những điều tích cực, vui vẻ. Thế nhưng ở nơi này nơi khác, những điều tiêu cực, mất vui lại hiện ra khiến lòng người bâng khuâng.

Xem thêm: Bài Hát Là Một Thằng Con Trai ” Sao Phải Sống Cuộc Sống Của Người Khác

*

Về dương bản, câu chuyện các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM cứu sống một trẻ sơ sinh ở Phú Yên khiến người trong cả nước không ngớt lời ca ngợi. Các vị bác sĩ này có một chuyến khảo sát ở Phú Yên. Theo lịch bố trí của địa phương, họ sẽ có một buổi tham quan cảnh đẹp gành Đá Đĩa ở huyện Tuy An. Thế nhưng khi khảo sát Khoa Sản nhi Bệnh viện Phú Yên, họ gặp một ca trẻ sơ sinh không có hậu môn. Vậy là họ quyết định hủy chuyến tham quan thú vị ấy để bắt tay vào thực hiện ca mổ tạo hậu môn cho cháu.

Thông tin thứ hai cũng rất dương bản là chuyện Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Tổ chức Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã tổ chức cho 5.000 thầy thuốc trẻ đồng loạt khám bệnh, chữa bệnh, cho thuốc 70.000 bà con nghèo ở các tỉnh Nghệ An, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Đồng Nai… Bà con ở vùng sâu, vùng xa; đôi khi miếng ăn còn thiếu nên dù có bệnh tật cũng không đủ điều kiện đi chữa trị. Các thầy thuốc trẻ đã đến với họ, khám bệnh và cho thuốc miễn phí. Thật đẹp thay tình người và y đức người thầy thuốc trẻ!

Trong khi đó, Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng – niềm mơ ước của những bệnh nhân ung thư nghèo ở miền Trung, tính đến ngày 15.5.2013, đã khám và điều trị miễn phí cho 400 bệnh nhân nghèo. Những người về điều trị và thân nhân của họ đi nuôi bệnh cũng đã nhận được 43.150 suất cháo từ bếp ăn từ thiện của bệnh viện.

Phải nói rằng trong vòng 10 năm qua, các nhà hảo tâm đã có những đóng góp tiền của, công sức để làm nên những bếp ăn từ thiện hoặc tặng miễn phí cơm, cháo cho bệnh nhân đều khắp trên cả nước. Đẹp thay tình cảm con người Việt Nam!

Thế nhưng, âm bản trong tháng 5 của ngành y tế cũng rộ lên quá cỡ thợ mộc. Tại điểm tiêm chủng trên đường Nguyễn Chí Thanh thuộc Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội, bà P.H trực tiếp tiêm chủng cho một cháu bé, chỉ dùng một nửa liều thuốc tiêm. Hành vi khuất tất này bị người nhà của cháu bé phát hiện. Vấn đề là người ta không hiểu một nửa liều tiêm chủng còn lại dùng để tiêm cho cháu nào khác và liệu trước nay đã có bao nhiêu cháu “được” chủng ngừa với một nửa liều?

Vụ việc trên chưa phai mờ trong dư luận thì lại nổi lên vụ việc tiêm chủng dịch vụ ở Trung tâm y tế TP.Tuy Hòa (Phú Yên). Cháu P.T.T đi tiêm chủng một loại vắc xin 3 trong 1 ngừa sởi, quai bị và rubella, đã “được” phòng tiêm dịch vụ ở đây tiêm cho một mũi Trivivac quá hạn sử dụng 20 ngày. Mọi việc bị người nhà của cháu phát hiện.

Chuyện đúng sai đã rõ ràng nhưng cách giải thích không mấy thẳng thắn của các vị lãnh đạo trung tâm khiến lòng người không phục. Tại sao lại đi đổ lỗi cho đơn vị bán vắc xin quá hạn mà không nhận về mình cái lỗi thiếu kiểm soát nhân viên cấp dưới, xin lỗi cháu bé và gia đình cháu, động viên gia đình yên tâm. Dư luận có quyền hoài nghi tiêm chủng dịch vụ có trả tiền đã bị đối xử khuất tất như vậy thì tiêm chủng miễn phí sẽ như thế nào.

Thế nhưng, cái âm bản đáng buồn nhất lại diễn ra tại Bệnh viện Gò Vấp – một quận vùng ven thuộc TP.HCM. Một số vị bác sĩ ở đây đã khám và phát thuốc vô tội vạ cho những người khỏe mạnh mượn được thẻ bảo hiểm y tế. Các “bệnh nhân” này lãnh được thuốc ra đem bán lại để kiếm tiền. Có những người ngày khám 4 lần với 4 “căn bệnh” khác nhau với sự hướng dẫn của bác sĩ. “Hôm nay, mày khám cái lưng đi” – câu nói ấy được thu âm và phát lại trên Đài VTV và mọi người đều có thể nghe được sự “tư vấn” của bác sĩ dành cho “bệnh nhân”. Cái đó kêu bằng vẽ đường cho hươu chạy… bậy.

Sự việc lại gây ra cái khó khăn cho ngành bảo hiểm trong kiểm tra, tính toán, chi trả tiền thuốc men cho những người mua bảo hiểm y tế. Làm sao họ phân biệt được những trường hợp nào khuất tất, những trường hợp nào chính đáng đối với những đơn thuốc thường thường bậc trung trên dưới 100.000 đồng? Đây mà họ làm kỹ quá thì bệnh viện sẽ kêu là họ gây khó dễ; còn làm xính xái quá thì những tay bán thuốc còn cười vào nghiệp vụ chuyên môn của họ. Thật là đáng buồn cho những vị bác sĩ ngay thẳng, trong sạch khác của cả ngành.

Bạn có thể nhận xét những tiêu cực đó chỉ là cá biệt, còn hoạt động của ngành y nói chung là tốt. Bốn chữ “nói chung là tốt” xưa đã quá xưa, có từ thời bao cấp, xét ra không còn phù hợp với thời đại của chúng ta nữa. Tôi cũng như bạn, chúng ta đều mong chờ những hoạt động tích cực, tốt đẹp của tất cả mọi ngành, mọi sinh hoạt xã hội. Cho nên, những điều khuất tất, không trong sáng từ các âm bản ấy khiến chúng ta vừa buồn lòng, vừa thương cho các vị từ mẫu khác trong ngành y. Chúng ta tin rằng các bác sĩ, y sĩ, y tá trung thực trong toàn ngành y đều không chấp nhận mấy cái âm bản này.

Một điều may mắn là các âm bản đó không đủ sức phá hoại nét đẹp, nét trong sáng của các dương bản. Xã hội còn tin tưởng, quý trọng ngành y rất nhiều và luôn luôn mong cho ngành y dương bản thịnh, âm bản suy. Tôi thỉnh thoảng cũng là một người bệnh của các vị thầy thuốc. Tôi nhận ra ở họ một y đức giản dị nhưng rực rỡ trong thăm bệnh, khám bệnh và điều trị. Tôi mong mọi bạn đọc của tôi đều được gặp những người thầy thuốc y đức như vậy.

Vũ Đức Sao Biển