Khắc phục bất cập trong cải cách hành chính

Quá trình xây dựng và phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, công tác cải cách hành chính là một trong những nội dung trọng tâm luôn được Thành phố quan tâm thực hiện.

Công tác này có tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế-xã hội không chỉ của Thành phố mà còn đối với cả nước. Tuy nhiên, từ thực tế cho thấy, công tác cải cách hành chính còn tồn tại nhiều bất cập, vướng mắc cần khắc phục, tháo gỡ.

Tận dụng những thế mạnh của công nghệ thông tin, công tác cải cách hành chính vẫn được Thành phố đẩy mạnh thực hiện cho dù nhiều thời điểm Thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội do dịch Covid-19.

Người dân và doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh.

Ghi nhận những nỗ lực

Năm 2021, do tác động mạnh mẽ của dịch Covid-19 khiến Thành phố Hồ Chí Minh gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động phát triển kinh tế, xã hội và nhiều lĩnh vực công tác khác. Vượt qua những khó khăn trong điều kiện dịch bệnh, Thành phố có nhiều cách làm hay, sáng tạo để đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp, trong đó, công tác cải cách hành chính với trọng tâm là ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số đã hỗ trợ rất nhiều cho quá trình vận hành của bộ máy các cơ quan, đơn vị. Giám đốc Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh Huỳnh Thanh Nhân cho biết: Dù một số hoạt động phải tạm dừng, tiến độ giải quyết công việc với người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhất định, song kết quả về thực hiện công tác cải cách hành chính trong năm 2021 vẫn đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, các sở, ban, ngành, UBND các địa phương của Thành phố tiếp nhận hơn 17,8 triệu hồ sơ, trong đó, các đơn vị giải quyết hơn 17,4 triệu hồ sơ. Trong số này có 99,81% hồ sơ giải quyết đúng hạn, tăng 0,9% so với cùng kỳ. Đối với hơn 32.200 hồ sơ trễ hạn, lãnh đạo các đơn vị, địa phương đều có thư xin lỗi gửi đến người dân, đơn vị, doanh nghiệp (đạt 97,02%). Đáng chú ý, lượng hồ sơ được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 là gần 3,3 triệu hồ sơ. Hiện, có 805/1.746 thủ tục hành chính đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Trong số nhiều đơn vị, địa phương tham gia công tác cải cách hành chính, một số đơn vị đã có nhiều cách làm hiệu quả, góp phần nâng mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính. Đơn cử, Sở Tài nguyên và Môi trường đã triển khai đề án giữa cơ quan văn phòng đăng ký đất đai và cơ quan thuế giúp người dân tiết kiệm thời gian đi lại. Với thay đổi này, nếu như trước đây người dân phải đi lại tám lần để thực hiện thủ tục thì nay người dân chỉ phải thực hiện từ một đến hai lần giao dịch. Tại UBND Quận 3, kể từ khi xảy ra dịch Covid-19 đến nay, địa phương này đã chủ động áp dụng giải quyết hồ sơ hành chính trực tuyến nhằm hạn chế tiếp xúc trực tiếp; giảm khối lượng công việc cho cán bộ, công chức tại các phòng, ban. Đánh giá về công tác cải cách hành chính của thành phố trong năm 2021, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết: với sự tác động của dịch Covid-19, những kết quả đạt được trong công tác cải cách hành chính của Thành phố là rất đáng ghi nhận và cần được phát huy hơn nữa. Đó là, sự nỗ lực rất lớn đội ngũ cán bộ, công chức đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao để cùng thành phố vượt qua giai đoạn khó khăn vừa qua.

Khắc phục những hạn chế

Với vai trò giám sát, phản biện đối với công tác cải cách hành chính, năm 2021, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố đã có cuộc khảo sát độc lập khi thực hiện gần 17.000 cuộc gọi lấy ý kiến của người dân, doanh nghiệp về sự hài lòng đối với công tác cải cách hành chính trên địa bàn Thành phố. Đánh giá của cuộc khảo sát này cho thấy, mức độ hài lòng chung của các sở, ngành, địa phương trên địa bàn Thành phố đều tăng so với năm 2020. Nhiều ý kiến phản hồi cũng ghi nhận sự thay đổi tích cực của các cơ quan công quyền, đánh giá về công chức có thái độ tốt (nhiệt tình, niềm nở, không hạch sách, vòi vĩnh, nhũng nhiễu); công chức có chuyên môn tốt (hướng dẫn rõ ràng, chi tiết). Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND Thành phố, là một thành phố phát triển năng động, ứng dụng công nghệ mạnh mẽ nhưng qua đại dịch cho thấy, công tác này vẫn bộc lộ nhiều hạn chế về mô hình, quy trình hoạt động, cơ sở dữ liệu hạ tầng, khung pháp lý để vận hành thông suốt trên nền tảng số mà Thành phố đang hướng tới. Thực tế là, sở, ngành, địa phương nào cũng cập nhật dữ liệu rất đầy đủ nhưng lại thiếu đi sự kết nối, đồng bộ để tạo ra những dữ liệu chung nhằm phục vụ cho công tác dự báo, đề ra phương hướng phát triển của Thành phố.

Năm 2022, Thành phố đặt ra 10 chỉ tiêu quan trọng về thực hiện công tác cải cách hành chính như: Chỉ số cải cách hành chính của Thành phố thuộc nhóm 15 địa phương dẫn đầu cả nước; tăng 10% tỷ lệ hồ sơ được xử lý trực tuyến trên tổng số hồ sơ được giải quyết so với năm 2021; tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn đạt từ 98% trở lên (trừ lĩnh vực đất đai và lĩnh vực đầu tư, khiếu nại, tố cáo); mức độ hài lòng của cá nhân và doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt 95% trở lên; số hóa kết quả và hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính đang còn hiệu lực và có giá trị sử dụng thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ngành Thành phố, cấp huyện, cấp xã đạt tỷ lệ tối thiểu tương ứng là 30%, 20%, 15%. Theo Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, để đạt được các chỉ tiêu này, các đơn vị, địa phương cần có giải pháp khắc phục các bất cập nhằm phát huy hơn nữa các dư địa mà Thành phố đang có để đẩy nhanh tốc độ phục hồi kinh tế; đồng thời, đưa Thành phố có những bước đi nhanh và bền vững trong thời gian tới. Ngoài ra, UBND Thành phố cũng yêu cầu về sự phối hợp đồng bộ, nhuần nhuyễn hơn nữa giữa các cơ quan chuyên môn, các cấp, các ngành để công tác cải cách hành chính thật sự đạt được những kết quả tích cực hơn nữa. Các đơn vị, sở, ngành cũng cần rà soát, tháo gỡ những vướng mắc về pháp lý để tính liên thông, đồng bộ giữa thủ tục hành chính của các đơn vị có sự kết nối nhanh và tinh gọn hơn./.

 

Theo: https://tcnn.vn/