Khác biệt giữa ngành Hóa học, Hóa dược và Công nghệ kỹ thuật Hóa học
Hiện nay, Hóa học, Hóa dược và Công nghệ kỹ thuật Hóa học là những ngành có nhu cầu xã hội cao và nhận được nhiều quan tâm của thí sinh yêu thích môn Hóa ở bậc THPT. Tuy nhiên, đứng trước các ngành có tên “na ná” nhau, nhiều thí sinh băn khoăn không biết nên chọn ngành nào.
Về điều này, PGS.TS Nguyễn Minh Ngọc, Trưởng khoa Hóa học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, đây đều là các ngành khá gần nhau, được thiết kế với khối kiến thức cơ bản và cơ sở tương đồng trong khoảng 2,5 – 3 năm đầu, giúp trang bị cho sinh viên nền tảng vững chắc về hóa học. Sự khác nhau chủ yếu thể hiện ở khối kiến thức ngành và chuyên ngành trong năm thứ 3, 4.
PGS.TS Nguyễn Minh Ngọc, Trưởng khoa Hóa học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội
Nhiều điểm khác biệt
Cụ thể, theo PGS.TS Nguyễn Minh Ngọc, ngành Hóa học sẽ được thiết kế với các môn học mang tính cơ bản, định hướng nghiên cứu gồm các hướng chuyên sâu như Hóa vô cơ, Hóa hữu cơ, Hóa phân tích, Hóa lý.
Trong khi đó, ngành Công nghệ kỹ thuật Hóa học thiên về các môn học gắn liền với nghiên cứu và phát triển sản phẩm, quy trình công nghệ ở các lĩnh vực chuyên sâu như Công nghệ vật liệu, Công nghệ hóa sinh thực phẩm, Kỹ thuật quá trình hóa học, Hóa môi trường, Hóa học dầu mỏ.
Ngành Hóa dược lại tập trung vào các môn học phục vụ tìm kiếm các hợp chất có hoạt tính sinh học, các hoạt chất sử dụng làm thuốc, thực phẩm chức năng với các hướng chuyên sâu như: Tổng hợp hóa dược, Hóa học dược liệu, Kiểm nghiệm dược phẩm, mỹ phẩm.
Tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, các ngành Hóa dược và Công nghệ kỹ thuật Hóa học chỉ đào tạo chương trình chất lượng cao. Do đó, ngoài kiến thức chuyên môn, sinh viên sẽ được tăng cường kiến thức về thực tế, định hướng nghề nghiệp, kỹ năng mềm thông qua các hoạt động trải nghiệm ở doanh nghiệp ngay từ năm đầu tiên. Sinh viên được học trên 20% các môn học chuyên ngành bằng tiếng Anh.
Hướng chuyên sâu của từng ngành học cụ thể như sau:
STT
Tên ngành
Hướng chuyên sâu
1
Hóa học
1. Hóa vô cơ (Hợp chất vô cơ; Hợp chất lai kim loại – hữu cơ; Hóa sinh vô cơ; Vật liệu vô cơ)
2. Hóa hữu cơ (Tổng hợp hữu cơ; Hợp chất thiên nhiên; Bán tổng hợp các hợp chất có nguồn gốc thiên nhiên; Tổng hợp nhiên liệu sinh học và chế phẩm sinh học; Các phương pháp phân tích và xác định cấu trúc hợp chất hữu cơ; Phân tích và đánh giá ảnh hưởng của ô nhiễm các hợp chất hữu cơ đối với môi trường và con người; Nghiên cứu xúc tác kim loại chuyển tiếp và xúc tác xanh)
3. Hóa phân tích (Kiểm tra chất lượng sản phẩm/ ISO trong sản xuất; Đảm bảo chất lượng phòng thử nghiệm và hiệu chuẩn; Kiểm nghiệm dược, xét nghiệm y sinh; Phân tích công, nông nghiệp, môi trường, thực phẩm, mỹ phẩm; Phân tích hình sự an ninh, hải quan; Chế tạo thiết bị đo nhanh và kit thử; Truy xuất nguồn gốc sản phẩm)
4. Hóa lý (Hóa tính toán, hóa lượng tử; Vật liệu polyme – polyme composit; Sơn phủ bảo vệ; Hóa học và bề mặt; Vật liệu nguồn – ăn mòn điện hóa; Vật liệu tiên tiến; Nghiên cứu động học – xúc tác, xử lý môi trường nước cấp, nước thải)
2
Công nghệ kỹ thuật hóa học
1. Công nghệ hóa học (Công nghệ vật liệu tiên tiến và ứng dụng; Công nghệ hóa sinh thực phẩm và ứng dụng; Kỹ thuật quá trình hóa học)
2. Hóa môi trường (Quan trắc, phân tích môi trường; Xử lý nước/ nước thải, xử lý khí thải, tái chế chất thải rắn, xử lý và phục hồi các vùng ô nhiễm; Vật liệu tiên tiến ứng dụng trong xử lý môi trường, thu hồi và chuyển hóa CO2)
3. Hóa học dầu mỏ (Chuyển hóa sinh khối thành phụ gia nhiên liệu, nhiên liệu sinh học; Chuyển hóa các hợp chất hydrocarbon nhẹ, hợp chất tự nhiên thành các hợp chất có ứng dụng cao trong lĩnh vực hóa dầu, hóa dược, mỹ phẩm; Tích trữ và chuyển hóa CO2 thành các sản phẩm có giá trị; Xử lý ô nhiễm môi trường hữu cơ bằng xúc tác; Quang phân ly nước, pin mặt trời, pin nhiên liệu)
3
Hóa dược
1. Tổng hợp hóa dược (Nghiên cứu phát triển các tiền chất phục vụ tìm kiếm thuốc mới)
2. Hóa học dược liệu (Tìm kiếm, ứng dụng các hợp chất có nguồn gốc dược liệu trong công nghiệp dược phẩm, mỹ phẩm)
3. Kiểm nghiệm dược phẩm (Đánh giá, kiểm nghiệm chất lượng dược mỹ phẩm)
Cơ hội việc làm lĩnh vực Hóa học
PGS.TS Nguyễn Minh Ngọc cho rằng, quá trình công nghiệp hóa diễn ra mạnh mẽ ở Việt Nam trong những năm vừa qua đã mở ra cơ hội việc làm rộng mở đối với lĩnh vực hóa học.
“Theo khảo sát, trước khi tốt nghiệp, đã có khoảng 20-30% sinh viên được các công ty, doanh nghiệp phỏng vấn và cam kết tuyển dụng. Ba tháng sau tốt nghiệp, có khoảng 75-80% sinh viên có việc làm hoặc tiếp tục học tập. Sau một năm, gần như 100% sinh viên có việc làm hoặc tiếp tục học tập ở bậc thạc sĩ và tiến sĩ ở trong và ngoài nước.
Trên 60% sinh viên làm việc trong các công ty, doanh nghiệp nước ngoài và tư nhân hoặc tự khởi nghiệp. Tỉ lệ này có xu hướng ngày càng tăng. Khoảng 15-20% sinh viên tiếp tục học tập ở bậc cao hơn. Đặc biệt ở các hệ tài năng, tiên tiến có lợi thế về chuyên môn, ngoại ngữ nên có tỷ lệ sinh viên du học cao. Nhiều trong số đó đã trở thành các nhà nghiên cứu, giảng viên các trường đại học ở trong và ngoài nước”, PGS Ngọc cho hay.
Cụ thể, về vị trí việc làm, cử nhân Hóa học có thể làm việc trong lĩnh vực giảng dạy, nghiên cứu, đào tạo, phân tích, giám định,…
Cử nhân Công nghệ Kỹ thuật hóa học có thể làm việc trong lĩnh vực sản xuất, nghiên cứu phát triển/cải tiến quy trình công nghệ.
Cử nhân Hóa dược có thể làm việc trong các các viện nghiên cứu, các công ty, cơ sở sản xuất kinh doanh có liên quan đến lĩnh vực hóa dược và dược phẩm.
“Tuy nhiên, đây chỉ là định hướng chứ không có tính bắt buộc. Trên thực tế, sinh viên ngành Hóa học hoàn toàn có thể làm việc ở các nhà máy xí nghiệp, nhanh chóng cập nhật được các máy móc thiết bị và quy trình sản xuất. Nhiều cựu sinh viên ngành Hóa học đã trở thành chủ doanh nghiệp trong lĩnh vực hóa chất. Ngược lại, cũng có rất nhiều sinh viên ngành Công nghệ Kỹ thuật hóa học và Hóa dược lại trở thành giảng viên đại học, có những công trình khoa học đăng trên các tạp chí khoa học uy tín trên thế giới”, PGS.TS Nguyễn Minh Ngọc nói.
Thúy Nga