Kết quả giám định sẽ là căn cứ để xử lý hành vi đánh người

Kết quả giám định sẽ là căn cứ để xử lý hành vi đánh người

(ĐCSVN) – Theo luật sư, hành vi của cảnh sát trong trường hợp này là sai và có thể bị xử lý về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo Điều 134 Chương XIV Bộ luật Hình sự năm 2015 hoặc Tội gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác khi thi hành công vụ theo Điều 137 Chương XIV Bộ luật Hình sự năm 2015.

Ngày 28/9, mạng xã hội lan truyền clip dài hơn 5 phút có nội dung một cảnh sát giao thông (CSGT) và một cảnh sát trật tự dùng dùi cui đánh 2 thiếu niên đi xe máy. Sau khi đánh gãy dùi cui, nam cảnh sát trật tự đã dùng tay đánh và đá vào người một trong 2 học sinh. Một lúc sau, thêm 2 cảnh sát trật tự chạy môtô đến. Một trong 2 cảnh sát này đã đánh nam sinh.

Theo báo cáo ban đầu, Đại úy cảnh sát trật tự C.M.T. (Đội Cảnh sát giao thông – Trật tự và Cơ động Công an thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) cho biết vụ việc xảy ra chiều 25/9. Khi đó, Đại úy này ngồi sau môtô do một Thượng úy CSGT cầm lái.

leftcenterrightdel

Hai chiến sĩ công an dùng chân, tay đánh tới tấp thiếu niên điều khiển xe máy được camera của nhà kho ghi lại (Ảnh: Thanh Phong)

Khi phát hiện 2 nam sinh đi xe trên 100 cm3, nên ra lệnh dừng phương tiện để kiểm tra giấy tờ. Nam sinh cầm lái đã tăng tốc bỏ chạy trên đường Nam Sông Hậu, từ phường Vĩnh Phước đến xã Vĩnh Hải thì dừng lại trước nhà kho. Camera của nhà kho đã quay lại sự việc.

“Người chạy xe máy đã chèn ép môtô của CSGT. Tuy nhiên, dù thế nào đi nữa thì mình đã sai, để có báo cáo, tường trình rõ vụ việc mới tính được. Nếu đúng như diễn ra trong clip thì sẽ xử lý nghiêm những cán bộ vi phạm”, Đại tá Lâm Thành Sol, Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng khẳng định.

Hiện 4 cán bộ, chiến sĩ nói trên đã bị đình chỉ công tác 2 tháng.

Hai người đi xe máy bị hành hung được xác định là N.H.Đ (16 tuổi, người điều khiển phương tiện) và người ngồi sau xe là L.T.L (15 tuổi, cùng trú tại xã Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu).

Bước đầu làm việc, 2 thiếu niên này thừa nhận các hành vi vi phạm gồm: Không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người kiểm soát giao thông; không chấp hành hiệu lệnh tín hiệu đèn giao thông; điều khiển xe lạng lách trên đường ngoài đô thị; không có giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới; người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi mà điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh trên 100 cm3…, qua đó bị xử phạt vi phạm hành chính hơn 6 triệu đồng.

Xét về góc độ pháp lý, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật sư Trương Anh Tuấn, đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết: Cảnh sát chỉ được dùng vũ lực với 2 nam sinh trong trường hợp để ngăn chặn nếu 2 người này tiếp tục chạy xe ẩu, lạng lách và có thể gây nguy hiểm với những người xung quanh. Trong clip, 2 nam sinh đã dừng xe và không gây tổn hại gì, cảnh sát chỉ được quyền xử phạt tại chỗ hoặc tạm giữ phương tiện.

Trường hợp cảnh sát gây thương tích khi đang thi hành công vụ phải chứng minh được mình đang thi hành công vụ. Họ được chỉ đạo từ cấp trên hay lịch trực công tác. Trường hợp không thi hành công vụ, cảnh sát sẽ bị xử lý về Tội cố ý gây thương tích. Trong cả 2 trường hợp, kết quả giám định thương tật sẽ là căn cứ để xử phạt.

Cụ thể, Điều 134 Chương XIV Bộ luật Hình sự năm 2015 nêu rõ:

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn gây nguy hại cho từ 02 người trở lên;

b) Dùng a-xít sunfuric (H2SO4) hoặc hóa chất nguy hiểm khác gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác;

c) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;

d) Phạm tội 02 lần trở lên;

đ) Phạm tội đối với 02 người trở lên;

e) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

g) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng mình, thầy giáo, cô giáo của mình;

h) Có tổ chức;

i) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

k) Phạm tội trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

l) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe do được thuê;

m) Có tính chất côn đồ;

n) Tái phạm nguy hiểm;

o) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các Điểm a, b, d, đ, e, g, h, i, k, l, m, n và o Khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.

3. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, thì bị phạt tù từ 04 năm đến 07 năm.

4. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các Điểm a, b, d, đ, e, g, h, i, k, l, m, n và o Khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm.

5. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điểm c Khoản 6 Điều này hoặc dẫn đến chết người, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.

6. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Làm chết 02 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

c) Gây thương tích vào vùng mặt của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.

Trong khi đó, Điều 137 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: Người nào trong khi thi hành công vụ dùng vũ lực ngoài những trường hợp pháp luật cho phép gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Đối với 02 người trở lên, mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ./.

 

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

  • Tắt đèn xi nhan sớm khi tham gia giao thông bị xử phạt thế nào?
  • Lái xe đạp nhầm chân ga gây tai nạn có được bồi thường?
  • Cây xanh bật gốc và trách nhiệm bồi thường?
  • Cần xử nghiêm đối tượng xúi giục trẻ em sử dụng ma túy
  • Chở người bằng xe chuyên dùng có vi phạm pháp luật?
  • Ngâm cây thuốc phiện uống để chữa bệnh có vi phạm pháp luật?
  • Quy định của pháp luật về việc tạm giữ hình sự?