Kế toán doanh thu và các khoản giảm trừ doanh thu theo Thông tư 200/2014/TT-BTC

Lượt xem: 2627

Khi phát sinh doanh thu bán hàng, cung cấp dịch vụ hay các tình huống phát sinh như chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán, hàng bán bị trả lại,… thì kế toán ghi sổ những nghiệp vụ này như thế nào theo Thông tư 200/2014/TT-BTC cho chính xác nhất? Xin mời các bạn tham khảo bài viết của Kế toán ACP dưới đây.

Văn bản áp dụng:

Thông tư 200/2014/TT-BTC

I. Kế toán doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ

Theo Thông tư 200/2014/TT-BTC Tài khoản 511 có 6 tài khoản cấp 2: 

Tài khoản 5111 – Doanh thu bán hàng hoá
Tài khoản 5112 – Doanh thu bán các thành phẩm
Tài khoản 5113 – Doanh thu cung cấp dịch vụ
Tài khoản 5114 – Doanh thu trợ cấp, trợ giá
Tài khoản 5117 – Doanh thu kinh doanh bất động sản đầu tư
Tài khoản 5118 – Doanh thu khác

Các nghiệp vụ chủ yếu liên quan đến doanh thu như:

– Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ phát sinh trong kỳ:

Nợ TK 131, 111, 112,…(Tổng giá thanh toán)
Có TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (giá chưa có thuế)
Có TK 333 – Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước.

Đồng thời ghi nhận giá vốn hàng bán:

Nợ TK 632: Giá vốn hàng bán
Có TK 155, 156

–  Trường hợp không tách ngay được các khoản thuế phải nộp, kế toán ghi nhận doanh thu bao gồm cả thuế phải nộp. Định kỳ kế toán xác định nghĩa vụ thuế phải nộp và ghi giảm doanh thu, ghi:

Nợ TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ
Có TK 333 – Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước.

– Khi bán hàng hoá theo phương thức trả chậm, trả góp:

  •  Khi bán hàng trả chậm, trả góp, kế toán phản ánh doanh thu bán hàng theo giá bán trả tiền ngay chưa có thuế, ghi :

Nợ TK 131 – Phải thu của khách hàng
Có TK 511- Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (giá bán trả tiền ngay chưa có thuế)
Có TK 333 – Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước (3331, 3332).
Có TK 3387 – Doanh thu chưa thực hiện (chênh lệch giữa tổng số tiền theo giá bán trả chậm, trả góp với giá bán trả tiền ngay).

  • Định kỳ, ghi nhận doanh thu tiền lãi bán hàng trả chậm, trả góp trong kỳ, ghi:

Nợ TK 3387 – Doanh thu chưa thực hiện
Có TK 515 – Doanh thu hoạt động tài chính (lãi trả chậm, trả góp).

– Cuối kỳ kế toán, kết chuyển doanh thu thuần sang TK 911 “Xác định kết quả kinh doanh”, ghi:

Nợ TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ
Có TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh.

II. Kế toán các khoản giảm trừ doanh thu

Tài khoản 521 có 3 tài khoản cấp 2 (Theo Thông tư 200/2014/TT-BTC):

Tài khoản 5211 – Chiết khấu thương mại
Tài khoản 5212 – Hàng bán bị trả lại
Tài khoản 5213 – Giảm giá hàng bán

Các bút toán hạch toán chủ yếu liên quan đến các khoản giảm trừ doanh thu:

– Trường hợp sản phẩm, hàng hoá đã bán phải giảm giá, chiết khấu thương mại cho người mua thuộc đối tượng chịu thuế GTGT tính theo phương pháp khấu trừ, và doanh nghiệp tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, ghi:

Nợ TK 521 – Các khoản giảm trừ doanh thu (5211, 5213)
Nợ TK 3331 – Thuế GTGT phải nộp (thuế GTGT đầu ra được giảm)
Có các TK 111,112,131,…

– Trường hợp sản phẩm, hàng hoá đã bán phải giảm giá, chiết khấu thương mại cho người mua không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT hoặc thuộc đối tượng chịu thuế GTGT tính theo phương pháp trực tiếp thì khoản giảm giá hàng bán cho người mua, ghi:

Nợ TK 521 – Các khoản giảm trừ doanh thu (5211, 5213)
Có các TK 111, 112, 131,…

– Khi doanh nghiệp nhận lại sản phẩm, hàng hóa bị trả lại, kế toán phản ánh giá vốn của hàng bán bị trả lại trong trường hợp kế toán hàng tồn kho theo phương pháp kê khai thường xuyên, ghi:

Nợ TK 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang
Nợ TK 155 – Thành phẩm
Nợ TK 156 – Hàng hóa
Có TK 632 – Giá vốn hàng bán.

– Khi doanh nghiệp nhận lại sản phẩm, hàng hóa bị trả lại, kế toán phản ánh giá vốn của hàng bán bị trả lại trong trường hợp hạch toán hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ, ghi:

Nợ TK 611 – Mua hàng (đối với hàng hóa)
Nợ TK 631 – Giá thành sản xuất (đối với sản phẩm)
Có TK 632 – Giá vốn hàng bán.

– Thanh toán với người mua hàng về số tiền của hàng bán bị trả lại đối với sản phẩm, hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế GTGT tính theo phương pháp khấu trừ và doanh nghiệp nộp thuế GTGT tính theo phương pháp khấu trừ, ghi:

Nợ TK 5212 – Hàng bán bị trả lại (giá bán chưa có thuế GTGT)
Nợ TK 3331- Thuế GTGT phải nộp (33311) (thuế GTGT hàng bị trả lại)
Có các TK 111, 112, 131,…

– Thanh toán với người mua hàng về số tiền của hàng bán bị trả lại Đối với sản phẩm, hàng hóa không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT hoặc thuộc đối tượng chịu thuế GTGT tính theo phương pháp trực tiếp, số tiền thanh toán với người mua về hàng bán bị trả lại, ghi:

Nợ TK 5212 – Hàng bán bị trả lại
Có các TK 111, 112, 131,…

– Các chi phí phát sinh liên quan đến hàng bán bị trả lại (nếu có), ghi:

Nợ TK 641 – Chi phí bán hàng
Có các TK 111, 112, 141, 334,…

– Cuối kỳ kế toán, kết chuyển tổng số giảm trừ doanh thu phát sinh trong kỳ sang tài khoản 511 – “Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ”, ghi:

Nợ TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ
Có TK 521 – Các khoản giảm trừ doanh thu.

Ta có sơ đồ hạch toán các khoản giảm trừ doanh thu như sau: 

Kế toán ACP chúc các bạn thành công!