Kế toán doanh nghiệp: mô tả công việc và cơ hội nghề nghiệp hiện nay

Không giống như nhiều vị trí làm việc khác, vị trí kế toán doanh nghiệp mặc dù không trực tiếp tạo ra doanh thu nhưng lại có đóng góp không nhỏ trong quá trình hoạt động và phát triển của các doanh nghiệp. Chính vì vậy, các tiêu chí được đặt ra khi tuyển dụng, chọn lựa ứng viên cho vị trí công việc này nhìn chung khá khắt khe và đòi hỏi trình độ chuyên môn. Trong bài viết này, mình sẽ giải thích kế toán doanh nghiệp là gì và các cơ hội nghề nghiệp hiện nay của vị trí này nhé!

I. Tìm hiểu kế toán doanh nghiệp

1. Kế toán doanh nghiệp là gì?

Đầu tiên, chúng ta cùng xem thử kế toán doanh nghiệp trong kế toán là gì? Kế toán doanh nghiệp là người thực hiện những việc như thu thập, xử lý, kiểm tra, phân tích và cung cấp thông tin kinh tế, tài chính dưới hình thức giá trị, hiện vật và thời gian lao động tại các doanh nghiệp. Kế toán doanh nghiệp đã được chia thành hai bộ phận chính là kế toán thuế và kế toán nội bộ.

– Kế toán thuế chịu trách nhiệm giúp doanh nghiệp vận hành theo đúng quy định, chế tài của pháp luật sở tại hiện hành. Đây là bộ phận đảm bảo cho doanh nghiệp thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ với Nhà nước cũng như có thể tiếp cận kịp thời, chính xác với các chính sách, ưu đãi mà Nhà nước hỗ trợ cho doanh nghiệp.

– Kế toán nội bộ hay kế toán quản trị, là bộ phận có trách nhiệm tập hợp tất cả những phát sinh trong thực tế hoạt động của doanh nghiệp để cho ra số liệu chính xác với quá trình hoạt động thực của doanh nghiệp.

2. Các thành phần chính

Theo pháp luật quy định hiện hành, kế toán doanh nghiệp gồm 3 thành phần chính là kế toán, giao dịch, hạch toán.

Kế toán gồm kế toán hàng hóa, nguyên vật liệu, sản phẩm và kế toán chi phí, hạch toán giá thành.

Giao dịch nghĩa là có giao dịch tiền mặt, tiền gửi, tài sản cố định vô hình, tài sản cố định hữu hình và giao dịch ngoại tệ.

Hạch toán với đối tác, khách hàng, hạch toán tiền lương, hạch toán ngân sách, hạch toán người nhận tạo ứng.

3. Phương pháp hạch toán

– Phương pháp chứng từ kế toán: Là phương pháp đầu tiên được sử dụng trong hệ thống phương pháp hạch toán kế toán. Phương pháp này phản ánh các nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh theo thời gian và địa điểm phát sinh nghiệp vụ kinh tế. Với mục đích cung cấp kịp thời các thông tin cho các cấp quản lý và làm cơ sở pháp lý cho việc ghi sổ kế toán.

– Phương pháp tài khoản kế toán: Là phương pháp đặc thù trong ngành kế toán. Phương pháp này cho phép doanh nghiệp phân loại đối tượng kế toán để theo dõi và phản ánh những biến động để phục vụ cho công tác kế toán và quản lý.

– Phương pháp tính giá: Là phương pháp sử dụng thước đo tiền tệ để đo lường giá trị các đối tượng kế toán theo những nguyên tắc nhất định.

– Phương pháp tổng hợp cân đối kế toán: Dùng để tổng hợp tất cả các số liệu từ tài khoản kế toán nhằm phục vụ cho công tác kế toán và quản lý. Thông qua phương pháp này chủ doanh nghiệp sẽ nhìn thấy được tình hình tài sản và hiệu quả dùng vốn của doanh nghiệp.

4. Vai trò của kế toán doanh nghiệp

Trong doanh nghiệp, kế toán là một phần không thể thiếu, bộ phận này chịu trách nhiệm quản lý và giám sát chặt chẽ mọi hoạt động kinh tế tài chính tại doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, kế toán còn có vai trò cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, trung thực, công khai, minh bạch, đáp ứng yêu cầu chủ doanh nghiệp trong quá trình lên kế hoạch, ra quyết định cũng như trong quá trình thanh kiểm tra của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

5. So sánh sự khác nhau với kế toán công

Sự khác nhau cơ bản nhất giữa kế toán doanh nghiệp và kế toán công đó là đối tượng theo dõi và mục đích theo dõi. Kế toán công có đối tượng theo dõi, phản ánh là tình hình hoạt động của các tổ chức xã hội và không nhắm đến mục đích kiểm tra, theo dõi doanh thu, lợi nhuận của đối tượng được theo dõi.

Trong khi đó, kế toán doanh nghiệp có đối tượng theo dõi chính là tình hình hoạt động của của doanh nghiệp với mục đích phân tích doanh thu, chi phí phát sinh. Từ đó cho ra số liệu chính xác về lợi nhuận để làm cơ sở cho các quyết định, phương án giúp làm tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Việc làm bạn có thể quan tâm tại Thế Giới Di Động:

– Tuyển dụng kế toán

– Tuyển dụng thực tập sinh

II. Những điều kế toán doanh nghiệp cần biết

– Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hay còn gọi là Giấy phép kinh doanh: Là giấy chứng nhận thành lập doanh nghiệp đã được thừa nhận và cấp phép bởi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Nội dung cơ bản được thể hiện trên Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh gồm tên doanh nghiệp, địa chỉ, mã số doanh nghiệp và một số thông tin khác.

– Chứng từ kế toán: Đây là những giấy tờ phản ánh nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh đã hoàn thành và được sử dụng để làm căn cứ ghi vào sổ kế toán. Về cơ bản, có thể phân loại chứng từ kế toán thành các nhóm như sau:

+ Chứng từ liên quan đến tiền mặt: phiếu thu, phiếu chi, giấy đề nghị tạm ứng, giấy đề nghị thanh toán,…

+ Chứng từ liên quan đến Ngân hàng: ủy nhiệm chi, séc, báo nợ, báo có, sổ phụ ngân hàng,…

+ Chứng từ liên quan đến tiền lương: hợp đồng lao động, quy chế doanh nghiệp, bảng chấm công, bảng tính lương, bảng thanh toán lương …

+ Chứng từ liên quan đến mua bán hàng: hợp đồng mua bán, đơn đặt hàng, phiếu giao hàng, hóa đơn giá trị gia tăng mua vào, hóa đơn giá trị gia tăng bán ra, phiếu nhập kho, phiếu xuất kho,…

+ Chứng từ liên quan đến doanh thu – chi phí.

– Hệ thống báo cáo sổ sách, báo cáo thuế: Là những giấy tờ liên quan đến tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nộp cho cơ quan Thuế. Hệ thống báo cáo và sổ sách kế toán được quy định cụ thể trong thông tư 200/2014/TT-BTC và thông tư 133/2016/TT-BTC. Còn báo cáo thuế là hoạt động kê khai tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cho cơ quan Thuế quản lý trực tiếp dựa trên cơ sở là các chứng từ, sổ sách kế toán hợp lý, hợp lệ theo mốc thời gian quy định cụ thể của từng loại báo cáo.

– Các loại thuế quan trọng: Trong quá trình hoạt động, một doanh nghiệp sẽ phải thực hiện nghĩa vụ kê khai và nộp các loại thuế như thuế môn bài, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân (kê khai và nộp thay cho người lao động).

– Báo cáo tài chính năm: Là tập hợp của nhiều báo cáo tổng hợp về tình hình hoạt động kinh doanh, tài sản, vốn chủ sở hữu, nợ phát sinh, thực trạng tài chính cũng như khả năng sinh lời của doanh nghiệp. Một báo cáo năm cơ bản sẽ bao gồm các tờ khai quyết toán thuế năm (thuế TNDN, thuế TNCN), bảng cân đối kế toán, báo cáo lưu chuyển tiền tệ, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và thuyết minh báo cáo tài chính.

III. Công việc của kế toán doanh nghiệp

Nhiệm vụ cơ bản nhất của một kế toán doanh nghiệp là thu thập các chứng từ phát sinh trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Sau đó sẽ tiến hành kiểm tra tính hợp lý, hợp lệ của chúng để làm cơ sở cho việc xử lý, tính toán, đối chiếu, ghi nhận, hạch toán các bút toán kế toán cũng như chi trả và thu hồi tiền cho doanh nghiệp.

Các chứng từ kế toán sau khi kiểm tra, hạch toán, in ấn và trình ký phải được sắp xếp, lưu trữ cẩn thận, khoa học, tuân thủ nguyên tắc kế toán, quy định của cơ quan Thuế. Ngoài ra, kế toán doanh nghiệp còn chịu trách nhiệm lập các báo cáo quản trị, báo cáo tài chính theo định kỳ hoặc theo yêu cầu của lãnh đạo doanh nghiệp để phục vụ cho quá trình lên kế hoạch, ra quyết định của lãnh đạo cũng như để theo dõi, giám sát tình hình hoạt động của doanh nghiệp.

Định kỳ (tháng, quý, năm), tiến hành kê khai, lập các báo cáo thuế, báo cáo kế toán, để nộp cho cơ quan thuế, tiến hành nộp thuế (nếu có phát sinh) vào ngân sách đúng thời gian quy định.

IV. Quy trình công việc kế toán doanh nghiệp sản xuất

– Bước 1: Tổng hợp các nghiệp vụ kinh tế phát sinh

Đây là bước đầu tiên và là bước quan trọng nhất trong quy trình làm việc của kế toán doanh nghiệp. Công việc này nhằm mục đích tập hợp đầy đủ các phát sinh liên quan đến doanh thu, chi phí phát sinh trong kỳ báo cáo tại đơn vị đồng thời kiểm tra tính hợp pháp, hợp lý, hợp lệ của chứng từ kế toán trước khi đưa vào hạch toán.

– Bước 2: Lập các chứng từ kế toán gốc

Chứng từ gốc là những chứng từ được lập trực tiếp khi nghiệp vụ kinh tế phát sinh hay vừa hoàn thành, bao gồm tất cả các loại hóa đơn, phiếu xuất nhập vật tư, lệnh thu chi tiền mặt,… Công tác lập chứng từ gốc chính là dựa trên các chứng từ đã tổng hợp để xây dựng lên một bộ hồ sơ kế toán hoàn chỉnh

– Bước 3: Ghi các sổ kế toán

Căn cứ trên chứng từ gốc đã được kiểm tra, đối chiếu, kế toán sẽ tiến hành hạch toán các bút toán theo đúng nguyên tắc kế toán và quy định hiện hành, hay còn được gọi là ghi sổ kế toán. Ngày nay, công tác này được hỗ trợ rất nhiều bởi sự ra đời của các phần mềm kế toán.

– Bước 4: Thực hiện các bút toán điều chỉnh và kết chuyển

Cuối kỳ, kế toán có trách nhiệm kiểm tra, rà soát lại toàn bộ số liệu đã hạch toán và tiến hành điều chỉnh nếu có sai sót. Tất cả số liệu hoàn chỉnh sau cùng phải được kết chuyển theo đúng nguyên tắc kế toán hiện hành. Đây là công tác không kém phần quan trọng vì nó có ảnh hưởng không nhỏ đến các số liệu được đưa lên báo cáo về sau.

– Bước 5: Lập bảng cân đối số phát sinh

Bảng cân đối số phát sinh là tài liệu vô cùng quan trọng, đây là báo cáo tổng hợp số dư đầu kỳ, số phát sinh và số dư cuối kỳ của tất cả các tài khoản trong kỳ kế toán của một doanh nghiệp. 

Thông qua bảng cân đối số phát sinh sẽ thấy được tổng quát tình hình tăng giảm và hiện có của tài sản, nguồn vốn trong kỳ báo cáo của mỗi doanh nghiệp. Kế toán dựa trên các số liệu được ghi nhận trong kỳ để lập bảng cân đối số phát sinh theo mẫu F01-DNN ban hành theo thông tư số 133/2016/TT-BTC (26/08/2016) hoặc mẫu S06-DN ban hành theo thông tư số 200/2014/TT-BTC (21/12/2014), tùy thuộc vào chế độ kế toán mà doanh nghiệp đã đăng ký với cơ quan chức năng.

– Bước 6: Lập bộ báo cáo tài chính, quyết toán thuế

Định kỳ theo quy định của cơ quan Thuế hoặc theo yêu cầu của lãnh đạo, kế toán có trách nhiệm lập tờ khai thuế, quyết toán thuế và lập báo cáo tài chính theo đúng mẫu đã được ban hành và đang có hiệu lực để cung cấp các số liệu kế toán nhằm mục đích phục vụ cho công tác quản lý của cơ quan Thuế và nhu cầu lập kế hoạch, ra quyết định của lãnh đạo doanh nghiệp.

V. Yêu cầu đối với một kế toán doanh nghiệp

– Nắm vững kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn: Kế toán là một công việc đòi hỏi độ chính xác cao, luôn phải tuân theo các nguyên tắc kế toán cũng như quy định của pháp luật và thuế. Chính vì vậy mà một người kế toán cần phải nắm nắm vững kiến thức cùng với các nghiệp vụ chuyên môn để không mắc phải những sai sót làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp.

– Luôn cập nhật các quy định pháp luật: Vì là công việc có liên quan mật thiết đến pháp luật và phải tuân thủ các quy định, nguyên tắc nên việc cập nhật các quy định pháp luật một cách thường xuyên, cấp thời là điều bắt buộc.

– Nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học văn phòng: Không chỉ vậy, các kỹ năng liên quan đến ngoại ngữ, tin học sẽ là nền tảng vững chắc cho người kế toán trong suốt quá trình làm việc của mình. Ngoại ngữ sẽ giúp người kế toán tiếp cận được nhiều nguồn tài liệu tham khảo cũng như tin học là cánh tay đắc lực trong quá trình xử lý, tính toán số liệu và lập các báo cáo.

– Khả năng phân tích, tư duy logic: Một yêu cầu cũng không kém quan trọng khác đối với một kế toán đó chính là khả năng đọc, hiểu báo cáo. Cùng khả năng phân tích, tư duy logic để có thể biến các số liệu trên các báo cáo kế toán thành thông tin hữu ích trong quá trình cung cấp, tư vấn, góp ý cho chủ doanh nghiệp ra quyết định, xây dựng kế hoạch.

– Rèn luyện kỹ năng giao tiếp và đàm phán: Bên cạnh đó, kỹ năng giao tiếp và đàm phá cũng cần được không ngừng rèn luyện, nâng cao để sử dụng trong quá trình làm việc, thuyết trình số liệu cho lãnh đạo hoặc đưa ra ý kiến đóng góp cho doanh nghiệp.

– Trung thực, cẩn thận và tỉ mỉ: Các thông tin, số liệu, báo cáo kế toán có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình ra quyết định, lập kế hoạch của doanh nghiệp cũng như ảnh hưởng đến việc tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp. Chính vì vậy mà người kế toán cần phải trung thực, cẩn thận và tỉ mỉ trong công việc của mình để không mắc phải những sai sót làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp. 

– Nguyên tắc, có tinh thần kỷ luật: Người kế toán cũng cần làm việc có nguyên tắc, tuân thủ nguyên tắc và có tinh thần kỷ luật cao để đảm bảo hoàn thành công việc đang đảm nhận đúng theo quy định.

– Mở rộng mối quan hệ cả trong lẫn ngoài doanh nghiệp: Đây cũng là một trong những kỹ năng mềm không thể thiếu đối với một kế toán. Nó sẽ giúp kế toán tiếp xúc được nhiều người, được học hỏi thêm kinh nghiệm và áp dụng để nâng cao chất lượng công việc của bản thân.

VI. Cơ hội việc làm của kế toán doanh nghiệp.

Từ trước đến nay, kế toán vẫn được xem là ngành nghề có nhu cầu lao động cao trên thị trường tuyển dụng bởi số lượng doanh nghiệp đang hoạt động rất lớn. Bên cạnh đó, mức thu nhập bình quân của của một sinh viên mới ra trường làm trong lĩnh vực kế toán rơi vào khoảng từ 7 – 9 triệu đồng/ tháng. Đây là những thông tin mang ý nghĩa rất tích cực đối với những bạn đang phân vân chọn lựa nghề nghiệp của bản thân trong tương lai.

Không chỉ vậy, khi đã tích lũy được cho bản thân những kỹ năng, kiến thức chuyên môn sâu rộng trong lĩnh vực kế toán, bạn có thể dễ dàng đạt được những vị trí quan trọng trong bộ máy làm việc của doanh nghiệp. Chính vì vậy, có thể nói, kế toán là một trong những ngành nghề có cơ hội việc làm rất rộng mở tại Việt Nam.

VII. Trường đào tạo chuyên ngành kế toán doanh nghiệp.

Hiện nay, có rất nhiều trường giảng dạy và đào tạo chuyên ngành kế toán. Có thể kể tên một số cơ sở đào tạo uy tín tại Việt Nam hiện nay như:

Tại Hà Nội

– Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU)


Được đánh giá là trường đại học đứng đầu về đào tạo khối ngành kinh tế, kinh doanh, quản lý tại Việt Nam, NEU là trung tâm nghiên cứu kinh tế chuyên sâu, chuyên tư vấn các chính sách vĩ mô cho Nhà nước, chuyển giao và tư vấn công nghệ quản lý và quản trị.

Trường có rất nhiều quan hệ trao đổi, hợp tác nghiên cứu, đào tạo với các đại học, viện nghiên cứu, tổ chức quốc tế nổi tiếng trên thế giới. Sinh viên của trường có cơ hội việc làm rất cao, kể cả ngay khi đang còn trên ghế nhà trường.

Trong năm 2021, trường có 240 chỉ tiêu tuyển sinh đối với khối ngành Kế toán với các tổ hợp xét tuyển A00, A01, D01, D07.

– Trường Đại học Ngoại Thương (FTU)


Là một trong những trường đại học chuyên về khối ngành kinh tế nói chung và ngành kế toán nói riêng với chất lượng đào tạo hàng đầu tại Việt Nam, trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Sinh viên của trường được đào tạo một cách bài bản, chuyên sâu bởi đội ngũ giảng viên nhiều kinh nghiệm và được làm quen với các công việc kế toán thực tế tại các doanh nghiệp liên kết. Chính vì vậy, sau khi ra trường, sinh viên nhận được sự đánh giá cao về trình độ chuyên môn cũng như có được sự quan tâm tuyển dụng của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Năm 2021, trường tuyển sinh 90 chỉ tiêu kế toán tại cơ sở Hà Nội và 45 chỉ tiêu tại cơ sở thành phố Hồ Chí Minh với các tổ hợp xét tuyển A00, A01, D01, D07.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh

– Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH)


Đây là một trong các trường đại học trọng điểm quốc gia và là trụ cột trong hệ thống giáo dục bậc cao. Không chỉ vậy, đây còn là trung tâm nghiên cứu các chính sách kinh tế và quản lý cho Chính phủ, và các doanh nghiệp lớn, trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Sinh viên của trường có nhiều cơ hội được học tập, rèn luyện, cọ xát thực tế trong quá trình học của mình, là môi trường giáo dục tốt giúp sinh viên nâng cao năng lực ứng dụng thực tiễn.

Năm 2021, trường tuyển sinh khóa 47 đại học chính quy với 650 chỉ tiêu kế toán (kế toán công và kế toán doanh nghiệp) với các tổ hợp xét tuyển A00, A01, D01, D07.

– Trường Đại học Ngân hàng TP, Hồ Chí Minh (BUH)


Cũng là một trong những trường đại học đứng đầu về đào tạo nghiên cứu nhóm ngành quản lý, kinh tế, tài chính tín dụng và tiền tệ ngân hàng tại Việt Nam. Trường thuộc nhóm 4 trường đào tạo về kinh tế tốt nhất tại miền Nam Việt Nam.

Với chất lượng đào tạo chuyên sâu, cơ sở vật chất đáp ứng tốt, đội ngũ giảng viên tâm huyết, cơ hội việc làm sau khi ra trường cao, BUH là một trong các trường đại học được nhiều sinh viên chọn lựa theo học cao hằng năm.

Trong năm 2021, trường xây dựng chương trình đào tạo ngành kế toán theo định hướng chuyển đổi số (Digital Accounting) với 240 chỉ tiêu với các tổ hợp xét tuyển A00, A01, D01, D07.

Xem thêm:

– Tổng hợp công việc của kế toán cần phải làm tại doanh nghiệp chi tiết

– Tìm hiểu mức lương kế toán và những yếu tố giúp deal lương cao hơn

– Tổng hợp công việc của kế toán cần phải làm tại doanh nghiệp chi tiết

Hy vọng bài viết đã cung cấp được một số thông tin cơ bản giúp các bạn hiểu thêm về công việc kế toán doanh nghiệp, cũng như tiềm năng của nghề nghiệp này trong tương lai. Chúc bạn thành công hơn nữa trong bất kể mọi công việc!

Nguồn tham khảo:

https://pdf.wondershare.com/accounting/corporate-accounting.html

https://zipbooks.com/blog/corporate-accounting/