Kế toán bán hàng là gì? Mô tả công việc của KTBH từ A-Z

Kế toán bán hàng không phải là một thuật ngữ xa lạ đối với người làm nghề kế toán. Tuy nhiên, với những người mới vào nghề, đây là một thuật ngữ khá mới mẻ. Vậy thì kế toán bán hàng là gì, họ làm gì trong doanh nghiệp? Hãy cùng AMIS Kế toán tìm hiểu tại bài viết dưới đây.

MISA AMISMISA AMIS

Kiều Phương Thanh

là một chuyên gia với hơn 10 năm kinh nghiệm trong ngành tài chính kế toán, tác giả của rất nhiều bài viết được đón nhận và chia sẻ trên các diễn đàn kế toán và tài chính Việt Nam. Về tác giả

Bài đã đăng

1. Kế toán bán hàng là gì?

1.1. Bán hàng là gì?

Trước hết, ta cùng tìm hiểu bán hàng là gì? Hiểu đơn giản thì bán hàng chính là việc chuyển quyền sở hữu hàng hóa, dịch vụ gắn liền với lợi ích hoặc rủi ro từ người bán sang người mua.

Hiện nay tồn tại các phương thức bán hàng sau:

Bán buôn:

Đây là khâu đầu tiên trong quá trình đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng. Bán buôn thường bán với khối lượng hàng hóa lớn và được thực hiện bởi hai hình thức sau:

+ Hình thức bán buôn qua kho: hàng hóa được xuất bán cho khách hàng từ kho của doanh nghiệp.

+ Hình thức bán buôn vận chuyển thẳng: bên bán mua hàng của nhà cung cấp để bán cho khách hàng, hàng hóa không qua kho của bên bán.

Bán lẻ:

Là khâu vận chuyển cuối cùng của hàng hóa. Bán lẻ thường bán với khối lượng ít, giá bán thường ổn định.

Trong bán lẻ có các phương thức bán hàng nhỏ như: bán hàng thu tiền trực tiếp, bán hàng thu tiền tập trung, bán hàng theo hình thức khách hàng tự chọn, bán hàng theo phương thức đại lý, bán hàng theo phương thức trả góp, trả chậm,…

Cung cấp dịch vụ:

Cũng được coi là một hình thức bán hàng. Cung cấp dịch vụ là hoạt động thương mại mà theo đó bên cung ứng dịch vụ có nghĩa vụ thực hiện dịch vụ cho một bên khác và nhận thanh toán; bên sử dụng dịch vụ có nghĩa vụ thanh toán cho bên cung ứng dịch vụ và sử dụng dịch vụ theo thỏa thuận.

Cung cấp dịch vụ và bán hàng khác nhau ở đối tượng trao đổi. Đối tượng trao đổi của bán hàng là sản phẩm, hàng hóa có tính chất hữu hình, còn đối tượng trao đổi khi cung cấp dịch vụ là dịch vụ, có tính chất vô hình.

1.2. Kế toán bán hàng là gì?

Kế toán bán hàng (Sales Accountant) là công việc quản lý và ghi chép các nghiệp vụ liên quan đến bán hàng và tiền – hàng trong khâu bán hàng, bao gồm:

  • Xuất hóa đơn cho khách hàng;

  • Căn cứ các chứng từ liên quan đến hoạt động bán hàng để ghi vào sổ sách kế toán như sổ chi tiết doanh thu, chi phí…, đồng thời lập các báo cáo bán hàng và những báo cáo liên quan khác theo yêu cầu quản lý của doanh nghiệp.

2. Công việc của kế toán bán hàng

  • Kế toán bán hàng trong doanh nghiệp cần làm những công việc cụ thể sau:

Thời điểm công việc

Công việc cụ thể

Công việc hàng ngày

  • Tập hợp các chứng từ liên quan như bảng báo giá, đơn đặt hàng của khách hàng, hợp đồng bán hàng, phiếu xuất kho hàng hóa…làm căn cứ ghi nhận vào phần mềm, sổ sách kế toán để quản lý bán hàng theo báo giá, đơn hàng, hợp đồng…

  • Kiểm tra chứng từ, số lượng thực xuất, giá bán sản phẩm và thông tin khác theo quy định đơn vị để lập và gửi hóa đơn cho khách hàng.

  • Phân loại chứng từ theo từng nghiệp vụ kinh tế phát sinh liên quan đến bán hàng và các khoản giảm trừ doanh thu (nếu có) làm căn cứ ghi nhận vào sổ sách liên quan.

  • Quản lý chính sách giá, chính sách bán hàng… để đảm bảo bán hàng theo đúng chính sách và ghi nhận doanh thu phù hợp.

  • Vào bảng kê chi tiết các hóa đơn bán hàng; tính toán chính xác tổng doanh thu, thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ bán ra trong ngày.

  • Kiểm tra, đối chiếu số liệu xuất, tồn kho với thủ kho vào cuối ngày. 

  • Quản lý chứng từ, sổ sách liên quan đến hoạt động bán hàng của doanh nghiệp.

  • Quản lý công nợ, đốc thúc công nợ trong trường hợp doanh nghiệp không có kế toán công nợ riêng.

  • Kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện công tác bán hàng.

  • Hỗ trợ công việc, liên kết số liệu với kế toán phần hành có liên quan. 

Công việc hàng tháng

  • Tính toán giá vốn hàng bán của sản phẩm, dịch vụ đã cung cấp. Trường hợp doanh nghiệp kinh doanh thương mại, phải xác định giá mua thực tế của hàng hóa và phân bổ chi phí thu mua cho hàng hóa đã tiêu thụ.

  • Tính toán chính xác tổng doanh thu, thuế GTGT của từng nhóm hàng, từng đơn vị trực thuộc (cửa hàng, đại lý, chi nhánh).

  • Hỗ trợ lập, kiểm tra bảng kê hàng hóa, dịch vụ bán ra.

  • Lập báo cáo bán hàng, doanh thu, lãi gộp, công nợ phải thu, báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch bán hàng… gửi lên ban giám đốc doanh nghiệp, đảm bảo cho các nhà quản lý đưa ra những quyết định kịp thời cho công tác bán hàng.

Công việc cuối kỳ kế toán

  • Nắm rõ thông tin về tất cả các khoản liên quan đến chi phí bán hàng; tập hợp đầy đủ, chính xác, kịp thời các khoản chi phí này.

  • Cung cấp thông tin kế toán phục vụ cho việc lập báo cáo tài chính của doanh nghiệp.

  • Cung cấp thông tin về bán hàng và doanh số theo yêu cầu của lãnh đạo doanh nghiệp phục vụ cho việc đánh giá kết quả thực hiện và lập kế hoạch kinh doanh cho năm tới.

  • Tham mưu cho ban giám đốc các công tác liên quan đến bán hàng, doanh thu, công nợ…

  • Phối hợp với kế toán kho đối chiếu chéo số lượng, giá trị nhập xuất tồn kho; phối hợp với kế toán thanh toán, thủ quỹ,…chốt số liệu công nợ, tiền mặt, tiền gửi ngân hàng… vào, ra trong ngày, tuần, tháng… để quản lý tiền mặt được hiệu quả nhất là đối với các doanh nghiệp thu tiền mặt nhiều như cửa hàng, siêu thị…

  • Thực hiện các công việc khác theo yêu cầu của cấp trên.

3. Quy trình kế toán bán hàng trong doanh nghiệp

Quy trình của kế toán bán hàng trong doanh nghiệp được thực hiện qua các bước cụ thể như sau:

  • Bước 1:

    Kế toán bán hàng tiếp nhận đơn đặt hàng/hợp đồng từ nhân viên bán hàng hoặc từ phòng kinh doanh của doanh nghiệp.

  • Bước 2:

    Trên cơ sở đơn đặt hàng, kế toán bán hàng kiểm tra lượng tồn kho của hàng hóa tại doanh nghiệp.

+ Nếu số lượng hàng tồn kho không đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng, kế toán bán hàng phải thông báo lại cho bộ phận bán hàng để nhân viên bán hàng (hoặc phòng kinh doanh) tư vấn lại cho khách hàng hoặc hủy đơn hàng.

+ Nếu số lượng hàng tồn kho đủ đáp ứng nhu cầu của khách hàng, kế toán bán hàng lập phiếu yêu cầu xuất kho và chuyển cho thủ kho để làm căn cứ cho thủ kho xuất hàng. Đồng thời, kế toán bán hàng lập hóa đơn, phiếu xuất kho và biên bản giao nhận hàng hóa gửi cho nhân viên bán hàng (hoặc phòng kinh doanh) để giao cho khách hàng.

  • Bước 3:

    Kế toán bán hàng hạch toán nghiệp vụ bán hàng phát sinh vào sổ tổng hợp và sổ chi tiết có liên quan đến nghiệp vụ bán hàng này.

Lưu ý: Đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, sau khi hoàn thành cung cấp dịch vụ được khách hàng thanh toán hoặc chấp nhận thanh toán, kế toán tiến hành lập hóa đơn cho dịch vụ vừa cung cấp. Đồng thời, căn cứ vào các chứng từ có liên quan để hạch toán nghiệp vụ kinh tế phát sinh trên.

>>Xem thêm: Dịch vụ làm báo cáo bán hàng cho cơ sở kinh doanh

4. Chứng từ kế toán bán hàng

Những chứng từ kế toán làm căn cứ ghi nhận vào sổ sách kế toán bao gồm:

  • Hóa đơn giá trị gia tăng;

  • Hóa đơn bán hàng;

  • Phiếu xuất kho;

  • Chứng từ thanh toán: Phiếu thu, giấy báo Nợ, giấy báo Có…;

  • Bảng kê bán lẻ hàng hóa, dịch vụ; bảng kê thanh toán đại lý;

  • Biên bản thừa thiếu hàng, biên bản giảm giá hàng bán, hàng bán bị trả lại…;

    • Biên bản xác nhận hoàn thành dịch vụ;

    • Báo giá, đơn đặt hàng, hợp đồng bán…;

  • Các chứng từ liên quan khác có liên quan đến nghiệp vụ bán hàng.

5. Hệ thống các báo cáo kế toán bán hàng

  • Sổ chi tiết bán hàng, sổ nhật ký bán hàng;

  • Sổ tổng hợp bán hàng;

  • Sổ cái các tài khoản có liên quan như: tiền mặt, tiền gửi ngân hàng, doanh thu, chi phí…;

  • Tình hình thực hiện đơn đặt hàng;

  • Tổng hợp lãi lỗ theo đơn đặt hàng;

  • Chi tiết công nợ phải thu;

  • Tổng hợp công nợ phải thu;

  • Phân tích công nợ phải thu theo hạn nợ;

  • Các sổ sách khác theo nhu cầu quản trị của doanh nghiệp.

6. Trình tự luân chuyển chứng từ kế toán bán hàng

Hàng ngày kế toán bán hàng căn cứ vào hợp đồng bán hàng lập Hóa đơn bán hàng. Hóa đơn bán hàng có 3 liên, trong đó liên 1 lưu lại quyển hóa đơn, liên 2 giao cho khách hàng, liên 3 lưu lại công ty.

Phụ thuộc vào phương thức thanh toán của khách hàng mà trình tự luân chuyển chứng từ sẽ khác nhau:

– Trường hợp khách hàng nợ: kế toán bán hàng lập biên bản giao nhận hàng hóa và xác nhận nợ. Chứng từ cũng được lập thành 3 liên. Trong đó liên 1 sử dụng khi xuất hàng ra khỏi kho, liên 2 giao cho khách hàng, liên 3 lưu lại quyển.

– Trường hợp khách hàng thanh toán bằng tiền mặt: lúc này kế toán phải lập Phiếu thu thành 3 liên. Liên 1 thủ quỹ giữ, liên thứ 2 lưu tại nơi lập phiếu, liên thứ 3 giao cho người nộp tiền.

– Trường hợp khách hàng thanh toán bằng chuyển khoản: doanh nghiệp nhận Giấy báo Có từ ngân hàng xác nhận về số tiền khách hàng đã thanh toán.

7. Hạch toán kế toán bán hàng

Tài khoản kế toán sử dụng

Kế toán sử dụng TK 511 “Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ” để phản ánh doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp trong một kì hạch toán của hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tài khoản này chỉ phản ánh doanh thu của khối lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã cung cấp được xác định là tiêu thụ trong kỳ không phân biệt doanh thu đã thu tiền hay sẽ thu được tiền.”

Trình tự kế toán doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ

Trình tự kế toán doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ được thể hiện ở sơ đồ sau:

Trình tự kế toán doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụTrình tự kế toán doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ

Giải thích sơ đồ:

(1) Thuế GTGT phải nộp (doanh nghiệp tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp).

(2) Ghi nhận doanh thu cung cấp dịch vụ (doanh nghiệp tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp).

(3a) Ghi nhận doanh thu bán hàng (doanh nghiệp tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ).

(3b) Thuế GTGT đầu ra phải nộp.

(4a) Các khoản giảm trừ doanh thu phát sinh trong kỳ.

(4b) Cuối kỳ, kết chuyển các khoản giảm trừ doanh thu sang TK 511 để xác định doanh thu thuần.

(5) Cuối kỳ, kết chuyển doanh thu sang TK 911 để xác định kết quả kinh doanh.

8. Chi tiết hạch toán một số nghiệp vụ cơ bản của kế toán bán hàng

Hạch toán một số nghiệp vụ bán hàngHạch toán một số nghiệp vụ bán hàng

Các nghiệp vụ bán hàng cơ bản liệt kê dưới đây được hạch toán theo chế độ kế toán áp dụng theo Thông tư 200 và doanh nghiệp tính thuế giá trị gia tăng (GTGT) theo phương pháp khấu trừ.

Hướng dẫn hạch toán các nghiệp vụ cơ bản của kế toán bán hàng trong trường hợp Doanh nghiệp thực hiện kế toán hàng tồn kho theo phương pháp kê khai thường xuyên và tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ.

Kế toán bán hàng theo phương thức giao hàng tại kho:

(1) Xác định giá vốn của số thành phẩm, hàng hóa xuất bán đã tiêu thụ:

Nợ TK 632 : Giá vốn hàng bán

Có TK 155, 1561 : Trị giá thành phẩm, hàng hóa xuất bán

(2) Ghi nhận doanh thu bán hàng:

Nợ TK 111, 112, 131 : Tổng giá thanh toán

Có TK 511 : DT bán hàng là giá chưa có thuế GTGT

Có TK 3331 : Thuế GTGT phải nộp đầu ra

Ví dụ 1:

 Ngày 05/03/20XX, công ty ABC có các nghiệp vụ sau: 

  • Xuất hóa đơn bán hàng số 000125 bán hàng qua kho cho khách hàng K

  • Số lượng 1.000 sản phẩm X

  • Đơn giá xuất kho 50.000 đ/sản phẩm

  • Giá bán chưa thuế GTGT 90.000 đ/sản phẩm; Thuế GTGT 10%

  • Tình trạng thanh toán: chưa thu tiền khách hàng

Đáp án: 

Kế toán hạch toán nghiệp vụ kinh tế phát sinh như sau:

  • Ghi tăng doanh thu bán hàng:

Nợ TK 131(K) 99.000.000 đ 

Có TK 511 90.000.000 đ

Có TK 3331 9.000.000 đ

  • Ghi tăng giá vốn hàng bán:

Nợ TK 632 50.000.000 đ

Có TK 156 50.000.000 đ

 

Kế toán bán hàng theo phương thức chuyển hàng:

(1) Xuất hàng gửi bán theo hợp đồng:

Nợ TK 157 : Hàng gửi đi bán

Có TK 155, 1561 : Trị giá thành phẩm, hàng hóa xuất bán

(2) Bên mua chấp nhận thanh toán:

 – Phản ánh giá vốn hàng gửi bán:

Nợ TK 632 : Giá vốn hàng bán

Có TK 157 : Hàng gửi đi bán

– Phản ánh doanh thu:

Nợ TK 111, 112, 131 : Tổng giá thanh toán

              Có TK 511 : DT bán hàng là giá chưa có thuế GTGT

Có TK 3331 : Thuế GTGT phải nộp đầu ra

Ví dụ 2:

Ngày 09/03/20XX, công ty ABC xuất hóa đơn bán hàng số 000130 để chuyển hàng đi bán cho khách hàng T, số lượng 500 sản phẩm X, đơn giá xuất kho 50.000 đ/sản phẩm, giá bán chưa thuế GTGT 92.000 đ/sản phẩm, thuế GTGT 10%. Đến ngày 11/03/20XX, khách hàng T đồng ý nhận hàng và thanh toán bằng hình thức chuyển khoản. 

Đáp án:

Kế toán hạch toán nghiệp vụ kinh tế phát sinh như sau:

  • Ngày 09/03/20XX, ghi nhận hàng gửi đi bán:

Nợ TK 157 25.000.000 đ

Có TK 156 25.000.000 đ

  • Ngày 11/03/20XX, ghi tăng doanh thu bán hàng:

Nợ TK 112 (T) 50.600.000 đ

Có TK 511 46.000.000 đ

Có TK 3331   4.600.000 đ

  • Ngày 11/03/20XX, ghi tăng giá vốn hàng bán:

Nợ TK 632 25.000.000 đ

Có TK 157 25.000.000 đ

Kế toán bán hàng theo phương thức trả chậm, trả góp:

(1) Xác định giá xuất kho của số thành phẩm, hàng hóa đã tiêu thụ:

Nợ TK 632 : Giá vốn hàng bán

Có TK 155, 1561 : Trị giá thành phẩm, hàng hóa xuất bán

(2) Phản ánh tình hình bán hàng 

– Phản ánh doanh thu bán hàng theo giá bán trả tiền ngay:

Nợ TK 111, 112 : Số tiền trả lần đầu

Nợ TK 131 : Số tiền phải thu về bán hàng trả góp, trả chậm

               Có TK 511 : Giá bán trả tiền ngay chưa có thuế GTGT

               Có TK 3387 : Phần lãi trả góp, trả chậm

               Có TK 3331 : Thuế GTGT phải nộp

– Khi thu được tiền bán hàng (gốc + lãi) hoặc thực thu tiền bán hàng lần tiếp theo:

Nợ TK 111, 112 : Số tiền gốc + lãi thu theo định kỳ

              Có TK 131 : Phải thu của khách hàng

– Kết chuyển lãi bán hàng trả chậm trong kỳ tương ứng với kỳ người mua thanh toán:

Nợ TK 3387 : Số lãi trả chậm phân bổ trong kỳ

Có TK 515 : DT hoạt động tài chính

Ví dụ 3:

Công ty ABC xuất 300 sản phẩm A bán trả góp cho khách hàng H, giá xuất kho 50.000 đ/sản phẩm, giá bán trả ngay 90.000 đ/sản phẩm, thuế suất thuế GTGT 10%, giá bán trả góp 32.000.000 đ (bao gồm 10% thuế GTGT). Công ty thu ngay 2.000.000 đ bằng tiền mặt, số còn lại thu đều trong 10 tháng.

Đáp án:

Kế toán hạch toán nghiệp vụ kinh tế phát sinh như sau:

  • Xác định doanh thu trên hóa đơn:

Nợ TK 131 (H) 32.000.000 đ

Có TK 511 27.000.000 đ 

Có TK 3331   2.700.000 đ 

Có TK 3387   2.300.000 đ  (32.000.000 – 27.000.000 – 2.700.000)

  • Thu tiền của khách hàng H:

Nợ TK 111 2.000.000 đ

Có TK 131 (H) 2.000.000 đ

  • Ghi tăng giá vốn hàng bán:

Nợ TK 632 15.000.000 đ

Có TK 156 15.000.000 đ

  • Mỗi tháng khách hàng H trả tiền:

Nợ TK 111 3.000.000 đ (30.000.000/10)

Có TK 131 (H) 3.000.000 đ

  • Cuối tháng kết chuyển doanh thu tài chính theo tiền lãi trả góp hàng tháng:

Nợ TK 3387 230.000 đ (2.300.000/10)

Có TK 515 230.000 đ

 

Kế toán các khoản làm giảm doanh thu bán hàng:

(1) Kế toán chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán thực tế phát sinh trong kỳ:

– Khi phát sinh chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán:

Nợ TK 521 (5211, 5213) : Giá chưa thuế GTGT

Nợ TK 3331   : Ghi giảm thuế GTGT

Có TK 111, 112, 131… : Giá thanh toán

– Cuối kỳ kết chuyển giảm doanh thu

Nợ TK 511 : DT bán hàng và cung cấp dịch vụ

Có TK 5211, 5213 : Các khoản giảm trừ DT

Lưu ý: Kế toán chiết khấu thanh toán khi bán hàng:

– Trường hợp chưa thanh toán tiền mua hàng, khi bên mua thanh toán tiền trước hạn và được hưởng chiết khấu thanh toán:

Nợ TK 111, 112 : Số tiền còn thu được

Nợ TK 635 : Số chiết khấu khách hàng được hưởng

Có TK 131 : Số nợ phải thu khách hàng

– Trường hợp khách hàng đã trả tiền rồi sau đó mới được hưởng chiết khấu :

Nợ TK 635 : Số chiết khấu khách hàng được hưởng

Có TK 111, 112 : Số chiết khấu khách hàng được hưởng

(2) Kế toán hàng bán bị trả lại:

– Trường hợp hàng bị trả lại chưa xác định là tiêu thụ:

Nợ TK 155, 156 : Thành phẩm, hàng hóa bị trả lại

          Có TK 157 : Hàng mua đang đi đường

– Trường hợp hàng bị trả lại đã xác định là tiêu thụ:

   + Khi nhận lại thành phẩm, hàng hóa nhập kho DN:

Nợ TK 155, 156 : Thành phẩm, hàng hóa bị trả lại

Có TK 632 : Giá vốn hàng bán

   + Phản ánh doanh thu của số hàng bán bị trả lại:

Nợ TK 521 (5212) :  Hàng bán bị trả lại (giá bán chưa thuế GTGT)

Nợ TK 3331 :  Ghi giảm thuế GTGT của hàng bị trả lại

Có TK 111, 112, 131… : Giá thanh toán

  + Các chi phí phát sinh có liên quan đến hàng bán bị trả lại được hạch toán vào chi phí bán hàng, ghi:

Nợ TK 641 : Chi phí bán hàng

Nợ TK 133 : Thuế GTGT được khấu trừ

Có TK 111, 112, 131 : Giá thanh toán

– Cuối kỳ kết chuyển giảm doanh thu

Nợ TK 511 : DT bán hàng và cung cấp dịch vụ

Có TK 5212 : Các khoản giảm trừ doanh thu

Ví dụ 4: Trong tháng 03/20XX, công ty ABC có các nghiệp vụ phát sinh liên quan đến các khoản giảm trừ doanh thu như sau:

  • Khách hàng K đề nghị giảm giá 10% trên giá bán (có giảm thuế GTGT) cho 100 sản phẩm lỗi mua ở ví dụ 1, công ty ABC đã đồng ý và trừ lại nợ phải thu cho khách hàng K.

  • Khách hàng T trả lại 50 sản phẩm lỗi mua ở ví dụ 2. Công ty ABC đã chuyển khoản thanh toán lại cho khách hàng T và nhận sản phẩm về nhập kho.

Đáp án:

Kế toán hạch toán các nghiệp vụ kinh tế phát sinh như sau:

  • Ghi nhận khoản giảm giá hàng bán cho khách hàng K:

Nợ TK 5213 900.000 đ (100 x 90.000 x 10%)

Nợ TK 3331   90.000 đ

Có TK 131K 990.000 đ 

  • Ghi nhận phát sinh hàng bán bị khách hàng T trả lại:

+ Doanh thu hàng bán bị trả lại:

Nợ TK 5212 4.600.000 đ (50 x 92.000)

Nợ TK 3331   460.000 đ

Có TK 112 5.060.000 đ 

+ Nhập kho hàng bán bị trả lại:

Nợ TK 156 2.500.000 đ (50 x 50.000)

Có TK 632 2.500.000 đ 

Kế toán bán hàng thông qua đại lý bán đúng giá hưởng hoa hồng

a) Kế toán ở đơn vị giao hàng đại lý:

– Khi xuất kho sản phẩm, hàng hoá giao cho các đại lý phải lập Phiếu xuất kho hàng gửi bán đại lý. Căn cứ vào đó kế toán ghi:

Nợ TK 157: Hàng gửi bán

Có TK 155, 156

– Khi hàng hoá giao cho đại lý đã bán được, căn cứ vào Bảng kê hoá đơn bán ra của hàng hoá đã bán do các bên nhận đại lý hưởng hoa hồng lập gửi về kế toán phản ánh doanh thu bán hàng theo giá bán chưa có thuế GTGT:

Nợ các TK 111, 112, 131, … (tổng giá thanh toán)

Có TK 511: Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ

Có TK 3331: Thuế GTGT phải nộp (33311).

Đồng thời phản ánh giá vốn của hàng bán ra:

Nợ TK 632: Giá vốn hàng bán

Có TK 157: Hàng gửi đi bán.

– Phản ánh số tiền hoa hồng phải trả cho đơn vị nhận bán hàng đại lý hưởng hoa hồng:

Nợ TK 641: Chi phí bán hàng (hoa hồng đại lý chưa có thuế GTGT)

Nợ TK 133: Thuế GTGT được khấu trừ (1331)

Có các TK 111, 112, 131, …

b) Kế toán ở đơn vị nhận đại lý, bán đúng giá hưởng hoa hồng:

– Khi hàng hóa nhận bán đại lý đã bán được, kế toán phản ánh số tiền bán hàng đại lý phải trả cho bên giao hàng:

Nợ các TK 111, 112, 131, …

Có TK 331: Phải trả cho người bán (tổng giá thanh toán).

– Định kỳ, khi xác định doanh thu hoa hồng bán hàng đại lý được hưởng:

Nợ TK 331: Phải trả cho người bán

Có TK 511: Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ

Có TK 3331: Thuế GTGT phải nộp (nếu có)

– Khi trả tiền bán hàng đại lý cho bên giao hàng:

Nợ TK 331: Phải trả cho người bán

Có TK 111, 112

>> Xem thêm: Dịch vụ kế toán trọn gói, chuyên nghiệp

9. Một số kinh nghiệm làm kế toán bán hàng 

  • Kiểm tra và cập nhật thường xuyên các nghiệp vụ mua bán hàng hóa phát sinh; đảm bảo phản ánh đầy đủ nghiệp vụ vào sổ sách kế toán.

  • Sắp xếp, lưu trữ hóa đơn, sổ sách, chứng từ cẩn thận, khoa học; tránh thất thoát tài liệu hoặc không tìm thấy khi cần đối chứng.

  • Theo dõi thường xuyên, tập hợp đầy đủ, chính xác, kịp thời tất cả các khoản phát sinh liên quan đến chi phí bán hàng làm căn cứ xác định kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

  • Thường xuyên theo dõi doanh thu, chi phí, công nợ để nắm được tình hình bán hàng của doanh nghiệp, phân tích, báo cáo và tham mưu kịp thời cho ban giám đốc doanh nghiệp.

  • Biết kiểm tra số liệu và liên kết với các phân hệ kế toán khác để đảm bảo khớp đúng số liệu.

Trên đây là các nội dung công việc liên quan đến kế toán bán hàng trong doanh nghiệp. Muốn trở thành một kế toán bán hàng, bạn cần biết và nắm rõ được các nội dung trên. Mời bạn đọc tham khảo để chủ động trong công việc của mình. Chúc các bạn thành công.

Để giúp giải phóng nhân lực, giảm thiểu khối lượng công việc cho người làm kế toán không chỉ với riêng kế toán thuế mà còn với tất cả các phần hành, MISA đã phát triển phần mềm kế toán online MISA AMIS với lợi ích vượt trội:

  • Tự động hạch toán từ Hóa đơn, Bảng kê ngân hàng… tiết kiệm tối đa thời gian nhập liệu.

  • Đầy đủ các phần hành công nợ, tiền lương, nghiệp vụ kho…Tự động tổng hợp báo cáo thuế, báo cáo tài chính, tự động đối chiếu phát hiện sai sót.

  • Kết nối: Tổng cục thuế, Hệ thống quản trị nhân sự, bán hàng, Ngân hàng, Hóa đơn điện tử, Chữ ký số, Phần mềm bán hàng… tạo thành hệ sinh thái xử lý dữ liệu nhanh, tiện lợi

  • Truy cập làm việc mọi lúc mọi nơi qua Internet, giải quyết bài toán làm việc tại nhà khi có dịch.

Nhận tư vấn MISANhận tư vấn MISA

Tác giả: Hoài Thương

 

 8,490 

Đánh giá bài viết

[Tổng số:

0

Trung bình:

0

]