Kế toán Doanh thu, Chi phí và Kết quả kinh doanh của Doanh nghiệp
Kế toán Doanh thu, Chi phí và Kết quả kinh doanh của Doanh nghiệp
Trong nền kinh tế thị trường mở cửa hội nhập, mỗi doanh nghiệp (DN) phải lựa chọn chính sách kinh doanh đúng đắn, đáp ứng yêu cầu đa dạng của thị trường để tăng hiệu quả kinh doanh. Công tác kế toán tập hợp chi phí, doanh thu và xác định kết quả kinh doanh (KQKD) là điều kiện cần thiết, để DN hoạt động lâu dài và ngày càng phát triển.
Kế toán doanh thu, chi phí và xác định KQKD có nhiệm vụ tính toán, tập hợp chi phí có liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến quá trình kinh doanh, cũng như việc xác định chính xác doanh thu thực tế phát sinh, làm cơ sở để xác định được kết quả của hoạt động kinh doanh. Xác định chính xác KQKD góp phần cung cấp thông tin, giúp DN nghiên cứu, xây dựng mức giá phù hợp cho từng sản phẩm.
A. Thực trạng kế toán doanh thu, chi phí và KQKD của DN
Những kết quả đã đạt được
Một là, Về tổ chức bộ máy quản lý:
Cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý về cơ bản phù hợp với đặc điểm kinh doanh và quy mô hoạt động của DN. Các phòng ban được quy định rõ chức năng, nhiệm vụ và phục vụ kịp thời các yêu cầu quản lý.
Hai là, Về bộ máy kế toán:
Phần lớn các DN áp dụng hình thức tổ chức bộ máy kế toán theo mô hình tập trung. Mô hình này, giúp DN có được sự chỉ đạo kịp thời trong công tác kế toán, bộ máy kế toán của DN khá gọn nhẹ.
Ba là, Về hình thức kế toán:
Hầu hết, các DN áp dụng hình thức kế toán nhật ký chung, phù hợp đối với tổ chức kế toán, năng lực của đội ngũ chuyên môn. Hình thức này, kết hợp chặt chẽ giữa ghi chép theo thời gian và ghi chép hệ thống, giữa hạch toán tổng hợp và hạch toán chi tiết nên thuận lợi cho công tác kiểm tra đối chiếu và lập báo cáo kế toán.
Với việc áp dụng kế toán máy đã giúp cho công tác quản lý dữ liệu được đảm bảo an toàn, nhằm giảm bớt được khối lượng công việc ghi chép. Đồng thời, với việc đưa vào sử dụng mạng cục bộ trong toàn bộ DN, kết nối các phòng ban chức năng, các bộ phận với nhau giúp cho kế toán nắm bắt các thông tin cần xử lý một cách nhanh chóng, kịp thời.
Bốn là, Về hệ thống chứng từ kế toán:
DN áp dụng hệ thống chứng từ ban hành theo Thông tư 200/2014, của Bộ trưởng Bộ Tài chính và các văn bản luật khác, hướng dẫn việc lập và luân chuyển chứng từ. Hệ thống chứng từ của DN tương đối đầy đủ và phù hợp với đặc điểm hoạt động sản xuất kinh doanh của DN và quy định của Nhà nước.
Phương pháp kế toán mà DN áp dụng là kê khai thường xuyên, phương pháp này phù hợp với đặc điểm kinh doanh của DN khi số lượng chứng từ liên quan đến công tác kế toán là khá nhiều, phát sinh hàng ngày.
Những tồn tại, hạn chế
Thứ nhất, Về cơ cấu tổ chức bộ máy kế toán:
Trong bộ máy kế toán một kế toán vẫn phải đảm nhiệm nhiều phần hành kế toán, điều này có thể dẫn tới những sai sót và nhầm lẫn.
Thứ hai, Về chứng từ kế toán:
Việc kiểm tra tính hợp lý, hợp pháp của chứng từ kế toán chung được thực hiện thường xuyên, có hoá đơn luân chuyển đến khâu cuối cùng còn bị thiếu chữ ký của người nhận hàng hoặc chữ ký của ngành chịu trách nhiệm.
Thứ ba, Về công tác trích lập các khoản dự phòng tài chính
Phần nhiều các DN chưa có quỹ dự phòng đối với các khoản nợ khó đòi, kế toán không lập dự phòng các khoản nợ phải thu khó đòi, mà chỉ đến khi khách hàng không trả được nợ thì trừ thẳng vào lợi nhuận. Điều này là không đúng với nguyên tắc thận trọng trong kế toán.
Thứ tư, Về hệ thống TK doanh thu, chi phí và KQKD:
Việc ghi nhận giá vốn hàng bán, việc phân loại doanh thu theo loại hình sản phẩm xuất bán cũng vô cùng quan trọng. Thực tế, trong DN có 2 loại doanh thu, đó là doanh thu từ bán hàng hóa và doanh thu từ bán hàng thành phẩm. Các DN chỉ sử dụng TK 511 “Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ” để ghi nhận doanh thu cho cả 2 loại như hiện nay là chưa đầy đủ, điều này sẽ ảnh hưởng đến việc phân tích KQKD của nhà quản trị.
Hiện nay, các DN không sử dụng TK 157 “Hàng gửi bán” để phản ánh trị giá hàng gửi đi bán chưa được khách hàng thanh toán. Trong điều kiện hiện nay, các DN không chủ động được việc vận chuyển hàng hóa mà hầu hết đều thuê dịch vụ bên ngoài để chuyển hàng, thời gian vận chuyển thường dài ngày vì máy móc, thiết bị, linh kiện cồng kềnh, phức tạp.
Thứ năm, Về xác định KQKD
Các DN hiện nay kinh doanh khá nhiều mặt hàng C, kể cả sản xuất và thương mại, nhưng chỉ mở TK 911 – XĐ KQKD mà không mở thêm các TK chi tiết, dẫn đến việc không thể theo dõi chính xác được KQKD của từng mặt hàng, dẫn đến việc ra các quyết định quản trị kinh doanh gặp nhiều khó khăn.
Kế toán quản trị (KTQT) là một phần quan trọng không thể thiếu, nhưng phần lớn DN chưa xây dựng để cung cấp thông tin cho nhà quản trị, đặc biệt là các thông tin kế toán doanh thu, chi phí và xác định KQKD mà chỉ mới dừng lại ở việc cung cấp báo cáo nội bộ hàng tháng dưới dạng tổng quát với các chỉ tiêu chung về doanh thu, chi phí và KQKD.
B. Hoàn thiện kế toán doanh thu, chi phí và KQKD tại các DN
Mục tiêu của các DN là tồn tại phát triển và tối đa hóa lợi nhuận. Để đạt được mục tiêu đó, thì các nhà quản trị DN phải kiểm soát được mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của DN trên nền tảng một hệ thống thông tin quản lý chính xác, kịp thời, trung thực, khách quan do kế toán. Trong đó, có thông tin kế toán doanh thu, chi phí và KQKD.
Một số giải pháp để hoàn thiện kế toán doanh thuM, chi phí và xác định KQKD
Thứ nhất, Hoàn thiện tổ chức bộ máy kế toán
Các DN nên tổ chức nhiều hơn các lớp đào tạo, hướng dẫn, nâng cao năng lực trình độ cho đội ngũ nhân viên kế toán, trong đó có kiến thức, kỹ năng sử dụng các phần mềm MISA SME. NET.
Mỗi kế toán viên phải không ngừng học hỏi kinh nghiệm, tìm hiểu các quy định, chế độ kế toán mới ban hành để áp dụng vào công việc một cách tốt nhất.
Thứ hai, Hoàn thiện lập và luân chuyển chứng từ kế toán
Tổ chức tốt việc lập và luân chuyển chứng từ kế toán đảm bảo chính xác, kịp thời trong quá trình nhập liệu trên phần mềm kế toán. Cần có các biện pháp quản lý và kiểm tra chặt chẽ việc ghi chép các chứng từ kế toán theo đúng quy định và đầy đủ nội dung, để tạo điều kiện thuận lợi cho các bước hạch toán tiếp theo. Các chứng từ phải được kiểm tra chặt chẽ về nội dung, tính hợp lý, hợp lệ của chứng từ. Mặt khác, chứng từ phải lưu giữ một cách cẩn thận và khoa học, để thuận lợi cho việc đối chiếu số liệu sau này khi có sai sót xảy ra.
Thứ ba, Tăng cường công tác thu hồi công nợ và trích lập dự phòng tài chính
Dự phòng nợ phải thu khó đòi là dự phòng phần giá trị bị tổn thất của các khoản nợ phải thu quá hạn thanh toán, nợ phải thu chưa quá hạn nhưng không thể đòi được do khách nợ không có khả năng thanh toán.
DN nên thực hiện chính sách lập dự phòng, nhằm hạn chế rủi ro có thể xảy ra và hạch toán trên TK 229 — Dự phòng tổn thất tài sản.
Đồng thời, cần trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho, nhằm giúp DN bù đắp các thiệt hại thực tế xảy ra do hàng hoá tồn kho giảm giá, đồng thời, cũng để phản ánh giá trị thực tế thuần tuý hàng tồn kho của DN, nhằm đưa ra một hình ảnh trung thực về tài sản của DN khi lập báo cáo tài chính vào cuối kỳ hạch toán.
Số dự phòng giảm giá hàng tồn kho được phản ánh trên TK chi tiết TK 2294 – Dự phòng giảm giá hàng tồn kho.
Thứ tư, Hoàn thiện về hệ thống TK doanh thu, chi phí và KQKD
Về Doanh thu
Cần phân loại doanh thu theo nội dung của doanh thu như sau:
– Doanh thu bán hàng hóa: Là khoản doanh thu ghi nhận khi xuất bán máy móc nhập khẩu nguyên chiếc cho khách hàng
– Doanh thu bán thành phẩm: Là khoản doanh thu ghi nhận khi xuất bán thành phẩm hoàn thành nhập kho
Về Chi phí
Bên cạnh việc phân loại theo nội dung và công dụng như hiện nay, thì chi phí của DN nên được phân loại theo yếu tố để giúp cho việc xây dựng các phương án điều chỉnh và tiết kiệm chi phí. Ngoài ra, để đáp ứng được yêu cầu lập kế hoạch, kiểm tra và ra quyết định thì ngoài phân loại chi phí như hiện nay, DN cần kết hợp phân loại chi phí theo mối quan hệ chi phí với mức độ hoạt động thành chi phí khả biến, chi phí bất biến và chi phí hỗn hợp, đặc biệt là nhóm chi phí sản xuất kinh doanh. Cách phân loại chi phí này, giúp DN xác định được giá thành sản xuất và giá thành toàn bộ theo biến phí, nhằm cung cấp thông tin cho việc ra quyết định điều hành sản xuất của nhà quản trị DN.
Về TK kế toán
TK 632 phản ánh giá vốn hàng bán nên mở thêm các TK chi tiết cho từng hoạt động đem lại doanh thu và mở chi tiết cho từng loại sản phẩm. Cách mở các TK chi tiết giá vốn tương ứng với từng loại doanh thu tương tự như mở TK chi tiết đối với TK 511.
Ngoài ra, DN nên sử dụng TK 157 “Hàng gửi bán” để phản ánh trị giá hàng gửi đi bán chưa được khách hàng thanh toán để theo dõi, quản lý hàng hóa chặt chẽ hơn, hạn chế thất thoát hàng hóa trong suốt quá trình từ khi xuất hàng cho đến khi khách hàng chấp nhận thanh toán.
Về KQKD
DN hiện kinh doanh khá nhiều mặt hàng, kể cả sản xuất và thương mại, nhưng chỉ mở TK 911 – XĐ KQKD mà không mở thêm các TK chi tiết, dẫn đến việc không thể theo dõi chính xác được KQKD của từng mặt hàng, dẫn đến việc ra các quyết định quản trị kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Cần bổ sung một số TK chi tiết của TK 911, theo từng mặt hàng kinh doanh.
Thứ năm, Hoàn thiện kế toán quản trị trong DN
Trong kế toán quản trị, hiểu biết về sự biến đổi của chi phí là chìa khóa để ra các quyết định đúng đắn. Phần lớn, quá trình lập kế hoạch và ra quyết định phụ thuộc vào việc phân loại chi phí theo cách ứng xử của chi phí với mức độ hoạt động. Theo cách phân loại này, toàn bộ chi phí được phân thành biến phí, định phí và chi phí hỗn hợp. Đối với chi phí hỗn hợp có thể sử dụng các phương pháp, để phân tích thành biến phí và định phí.
Thứ sáu, Hoàn thiện hệ thống kiểm soát chi phí
Việc kiểm soát chặt chẽ từng yếu tố chi phí không những tiết kiệm cho DN mà còn làm tăng thêm độ chính xác của thông tin kế toánV, nhất là những thông tin về chi phí. Cần chú ý đến nội dung cụ thể sau để hoàn thiện hệ thống kiểm soát chi phí:
– Xây dựng và hoàn thiện hệ thống định mức các loại chi phí: Hiện nay, DN đã có định mức chi phí điện thoại, định mức xăng dầu cho ô tô, DN cần tiến tới xây dựng định mức cho các loại chi phí khác như định mức nguyên vật liệu, định mức tỷ lệ vật liệu hỏng… Đây không chỉ là cơ sở cần thiết cho việc lập kế hoạch chi phí mà hệ thống định mức, còn là phương tiện hữu hiệu cho kế toán thực hiện việc kiểm soát thường xuyên sự phát sinh và biến động của từng yếu tố, từng khoản mục chi phí.
– Thiết lập hệ thống chứng từ ban đầu, chứng từ quản trị nội bộ phù hợp với việc thu thập và xử lý từng yếu tố chi phí. Hệ thống chứng từ này sẽ được áp dụng thống nhất trong DN, mọi địa điểm phát sinh chi phí.
– Kiểm soát giá cả của các yếu tố đầu vào nhằm quản trị chi phí: Giá đầu vào là nhân tố quan trọng làm tăng hay giảm chi phí. DN cần xây dựng các kênh khác nhau để thu thập thông tin giá cả trên thị trường, phục vụ công tác xây dựng giá đầu vào hợp lý đối với từng loại nguyên liệu, vật tư, dịch vụ được cung cấp từ các đối tác khác nhau. /.
Theo Tạp chí Kế toán & Kiểm toán của Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam – Bài của Trần Diệu Linh * Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội
Xem thêm