Kẻ Ái Kỉ Cô Độc: Đi Vào Thế Giới Ẩn Giấu Trong Trái Tim

Chi tiết sản phẩm

Những năm gần đây, ngày càng có nhiều người làm dụng từ “tự luyến” hay “Ái kỉ”, làm giảm đáng kể mức độ quan trọng cũng như ý nghĩa của từ này. Trong một nền văn hóa mê chụp ảnh “tự sướng” và bị truyền thông dắt mũi như hiện nay, “hội chứng Ái kỉ” đã ít nhiều biến tướng thành một khái niệm tương tự với “sự phù phiếm” hay “tính tự phụ”.

Gọi một người là “tự luyến” trở thành một câu phán xét cửa miệng của những nhà thông thái “dởm” và giới truyền thông dành cho những người nổi tiếng lỡ dính phải scandal, hay một chính trị gia vô tình có cách ứng xử không mấy hay ho. Hầu hết mọi người đều sử dụng từ này nhằm công kích hoặc xúc phạm người khác, để hạ thấp họ mỗi khi họ tỏ ra quá coi trọng bản thân. Bất cứ ai cũng có thể trở thành nạn nhân của lời phán xét này, dù giàu hay nghèo, địa vị xã hội cao hay thấp, từ một ngôi sao điện ảnh hành xử không đúng mực trước mặt công chúng, tới một người bạn thường xuyên tự đăng những bức ảnh chỉnh sửa hơi quá đà của mình lên Instagram. Thời nay, dường như ai cũng có chút tự luyến trong mình.

Khi một thuật ngữ áp dụng bừa bãi cho quá nhiều người, ý nghĩa của nó bị đại chúng hóa và mất đi tính khái quát nguyên bản. Giờ đây, “tự luyến” hay “Ái kỉ” trở thành một từ cửa miệng sáo rỗng. Chúng ta sử dụng nó thường xuyên đến nỗi gần như không mấy ai còn nhớ ý nghĩa thực sự của thuật ngữ này.

Cho nên, tôi viết cuốn sách “Kẻ Ái kỉ cô độc – Đi vào thế giới ẩn giấu trong trái tim” để “giải cứu” khái niệm “hội chứng Ái kỉ” khỏi kết cục bị tầm thường hóa qua miệng lưỡi người đời, đồng thời phơi bày trước mắt độc giả bản chất phức tạp của hội chứng này. Đây là một hội chứng tâm lí có biểu hiện trải dài từ những hành vi tự trọng có thể vô hại, cũng có thể tích cực, đến các triệu chứng Ái kỉ Cực đoan mang tính bệnh lí. Ở Chương 1, chúng ta sẽ cùng bàn về những đặc điểm tiêu biểu của hội chứng “Rối loạn Nhân cách Ái kỉ” theo Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kì (một kết quả chẩn đoán lâm sàng chỉ đúng với khoảng 1% dân số hiện nay). Phần lớn nội dung còn lại của cuốn sách xoay quanh nhóm người, tôi mạn phép gọi là “Nhóm Ái kỉ Cực đoan”. Nhóm này chiếm tới 5 % tổng dân số thế giới, một tỉ lệ cao đến đáng kinh ngạc.

Tuy chưa đạt ngưỡng tiêu chuẩn của hội chứng Rối loạn Nhân cách Ái kỉ nhưng vẫn có sự khác biệt nhất định giữa nhóm Ái kỉ Cực đoan và những cá nhân tự luyến phổ biến, coi trọng bản thân hơi thái quá trong xã hội hiện nay. Những người thuộc nhóm Ái kỉ Cực đoan thường khá tự phụ, khó gần và rất nguy hiểm.

Trích Lời giới thiệu
——-
Tác giả PhD Joseph Burgo là nhà trị liệu tâm lí và nhà phân tâm học, đã có tới hơn 30 năm trong nghề. Hiện ông đang sống tại Colorado và trị liệu tâm lí trên một nền tảng trực tuyến an toàn cho bệnh nhân ở khắp nơi trên thế giới

Blog của ông AfterPsychotherapy thu hút hơn 25.000 lượt truy cập mỗi tháng. Joseph cũng đóng góp rất nhiều công sức cho blog Psychology Today nổi tiếng toàn cầu

Ngoài ra, ông còn là một nhà văn và nhà bình luận thường xuyên cho The New York Times, USA Today, The Washington Post, The Atlantic và NPR

Tác phẩm:
The Narcissist You Know: Defending Yourself Against Extreme Narcissists in an All-About-Me World (Touchstone, 2015)

Why Do I Do That? Psychological Defense Mechanisms and the Hidden Ways They Shape Our Lives (2012, bản tiếng Việt sắp ra mắt)