KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC BƠ – Minh bạch tạo uy tín

Kỹ thuật trồng và chăm sóc bơ không chỉ phụ thuộc vào yếu tố tự nhiên mà con người cũng là nhân tố quan trọng. Để bơ đạt mùa vụ tốt, những yếu tố như chọn lực giống cây, phân bón hay thời vụ đều quan trọng không kém. Sau đây Nông Nghiệp Hoàng Minh xin chia sẻ cùng quý bà con các kỹ thuật trồng và chăm sóc bơ. 

PHẠM VI ỨNG DỤNG

Quy trình kỹ thuật này áp dụng cho các vùng trồng bơ (Persea americana) khu vực miền Đông Nam bộ, Tây Nguyên và những nơi có điều kiện sinh thái tương tự.

I. YÊU CẦU SINH THÁI 

  1. Đất trồng

Cây bơ (Persea americana) có thể trồng được ở nhiều loại đất khác nhau. Nhưng thích hợp nhất là đất đỏ bazan và đất phù sa pha cát. Có tầng canh tác sâu và ít bị bạc màu. Cây bơ thích hợp với đất có độ dày tầng đất trên 1,2 m và độ pH đất từ 5,5 – 6,5. Đất phải cao ráo, thoát nước tốt, tránh bị nước đọng, ngập hay nước tràn qua vườn. Địa hình dốc vừa phải hoặc dạng bát úp là thích hợp nhất cho việc thiết lập vườn bơ. Đất có hàm lượng chất hữu cơ cao rất tốt cho cây bơ. Cây bơ chịu chua và chịu mặn kém.

  1. Nhiệt độ và cao độ địa hình

Cây bơ yêu cầu về nhiệt độ khác nhau tùy theo từng chủng và giống bơ. Chủng Tây Ấn (West Indians) thích hợp hơn với điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, có mùa khô rõ rệt, độ cao 100-700m. Nhiệt độ thích hợp cho các giống bơ nhóm này từ 23-280C. Đối với các chủng Mexican, Guatemalan hay con lai giữa 2 chủng này, trong năm cần khoảng thời gian có nhiệt độ thấp để phân hóa mầm hoa. Nhiệt độ ban đêm khoảng 10- 15oC và nhiệt độ ban ngày dao động từ 20-30oC là thích hợp cho nhiều giống bơ để phân hóa mầm hoa.

  1. Độ ẩm không khí và lượng mưa

– Độ ẩm không khí thích hợp 65 – 85 %. Không khí ẩm liên tục sẽ tạo điều kiện cho sâu bệnh trên lá, hoa và quả phát sinh gây hại.

– Nhìn chung cây bơ có khả năng thích nghi rộng về lượng mưa trong năm. Lượng mưa thích hợp từ 1.000 – 2.000 mm/ năm. Lượng mưa nhiều và số ngày cao có thể làm ẩm độ đất. Không khí cao khiến cây dễ bị nhiễm bệnh lá, bệnh do các ký sinh lây lan qua đất. Mưa lớn liên tục, ẩm độ cao và thoát nước kém sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh Phytophthora, bệnh sẹo, bệnh thán thư gây hại.

Cần tưới bổ sung trong mùa khô hay khi trời không mưa kéo dài. Giai đoạn quả phát triển, ra chồi và phát triển chồi cây cần nhiều nước hơn. Để đảm bảo năng suất và chất lượng quả.

  1. Gió

Gió nhẹ có lợi cho sinh trưởng và thụ phấn của cây bơ. Cây bơ có thân cành yếu, không chịu được gió mạnh. Dẫn đến rất dễ bị tét cành, bật gốc, đổ ngã khi có gió mạnh. Đặc biệt là giai đoạn cây mang quả. Gió mạnh khiến quả non dễ rụng, làm quả bị xây xát gây sẹo trên vỏ quả; làm tăng sự thoát hơi nước, rất dễ làm khô héo lá, cành non, có thể làm khô héo hoa và không đậu quả. Gió khô nóng trong giai đoạn ra hoa có thể làm hoa khô héo hoặc rụng sớm. Hạt phấn khó nẩy mầm dẫn đến tỷ lệ đậu quả thấp.

  1. Ánh sáng

Cây bơ cần trên 2.000 giờ nắng/năm nhưng giai đoạn cây con cần tránh nắng gắt chiếu trực tiếp. Vì cây dễ bị phỏng nắng, ảnh hưởng đến sức sống của cây con. Nắng to cũng dễ gây nám quả, bỏng cành, cháy lá trên cây trưởng thành.

  1. Yếu tố khác

Vùng có nhiều sương mù có thể làm bệnh trên lá trở nên trầm trọng. Ngoài ra, mưa đá có thể gây hỏng tán cây, rụng quả hoặc tổn thương quả.

II. KỸ THUẬT CHỌN GIỐNG VÀ CÁC GIỐNG TRỒNG PHỔ BIẾN

  1. Tiêu chuẩn cây giống

– Cây giống bơ phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đúng giống, cây khỏe mạnh, thân cây thẳng và vững chắc, lá thành thục xanh tốt, vết ghép liền mạch, không có mô sẹo to, không bị nhiễm sâu bệnh. Vị trí vết ghép cách mặt bầu từ 15-35 cm; có từ 4 – 8 lá, đường kính thân 0,6 -1,5 cm, cây cao từ 40 – 80 cm (tính từ mặt bầu); tuổi cây từ 3 – 8 tháng sau khi ghép. Tùy điều kiện thực tế sản xuất mà chọn tiêu chuẩn cây giống cho phù hợp. Có thể tham khảo “Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9301:2013 – Cây giống bơ – yêu cầu kỹ thuật” để chọn quy cách theo mong muốn.

Cũng có thể trồng cây gốc ghép từ hạt trước trên vườn, sau đó ghép chuyển đổi giống với mắt ghép là giống mong muốn trên gốc ghép trồng trước này. Cách làm này phù hợp cho vườn quy mô không lớn.

  1. Cơ cấu giống

Một số giống bơ có thể trồng riêng lẻ vẫn đậu quả và cho năng suất cao trong điều kiện nhiệt đới. Một số giống cần hỗ trợ thụ phấn qua trồng xen lẫn nhau trong một vườn hay một khu vực trồng: Các giống bơ thuộc nhóm A nên được trồng xen với các giống nhóm B như để tăng tỷ lệ thụ phấn và đậu quả.

Các giống có kiểu ra hoa thuộc nhóm A như Hass, Reed, Pinkerton, Gwen, Lamb Hass, Gem, MD2, TA1. Các giống có kiểu ra hoa thuộc nhóm B như Ettinger, Zutano, Bacon, Sharwill, Fuerte, Sherpard, Booth 7, Booth 8, Sherpard, Bơ 034. Tùy điều kiện thực tế sản xuất mà chọn cặp thích hợp hoặc tư vấn chuyên môn nếu cần.

Nếu diện tích trồng lớn cho thể chọn các cặp giống có các thời điểm thu hoạch sớm muộn khác nhau để mở rộng thời gian thu hoạch.

  1. Giới thiệu một số giống bơ

-Giống Booth 7: Vỏ quả xanh; dạng gần tròn; năng suất 100-200 kg/cây; 400-450 g/quả; thời gian thu hoạch tháng 10-12. Chịu nóng khá, thích hợp cho khu vực Tây Nguyên và Đông Nam bộ.

-Giống 034: Vỏ quả màu xanh; dạng quả giống như quả dưa chuột dài; quả dài, từ 25-35 cm; 100-250 kg/cây/năm; 300-800 g/quả; mau cho quả. Thích nghi khu vực Tây Nguyên và vùng cao của Đông Nam bộ.

Hình 1: Quả và đặc điểm nhận dạng quả một số giống bơ

-Giống TA1: Vỏ quả xanh; dạng quả lê kéo dài; vỏ quả hơi sần sùi. Năng suất 70-150kg/cây/năm. Mùa thu hoạch quả từ tháng 7- 9. Thích nghi ở khu vực Tây Nguyên.

-Giống MĐ2: Nguồn gốc ở Bà Rịa Vũng Tàu, được Viện cây ăn quả miền Nam tuyển chọn và đề xuất công nhận cây đầu dòng. Vỏ quả xanh, bóng láng; dạng quả lê; cân đối và đẹp; chịu nóng tốt; dễ chăm sóc. Năng suất quả 100-250 kg/cây; 200-350 g/quả; mùa thu hoạch từ tháng 3-5. Chịu nóng tốt, thích nghi khu vực Đông Nam bộ, trồng được vùng gần biển.

III. KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC

A. Kỹ thuật thiết kế vườn

  1. Lựa chọn vị trí trồng

Đất trồng phải không bị úng ngập, thoát nước tốt hoặc có thể được cải tạo để thoát nước tốt. Đất có độ dốc vừa phải là tốt nhất; đất không bị nhiễm phèn mặn, ít bị ảnh hưởng của gió mạnh, có đủ nguồn nước tưới trong mùa khô. Vườn bơ nên được nằm trong vùng quy hoạch sản xuất bơ tập trung của địa phương.

  1. Thiết kế vườn

Trên đất có địa hình dốc trên 15o và lượng mưa cao. Tập trung, cần được trồng trên đường đồng mức với các đường thoát nước chính. Chúng được thiết kế vuông góc với đường đồng mức. Các đường thoát nước phụ dọc theo các đường đồng mức. Để hạn chế xói mòn, cần kết hợp với việc trồng xen cây che phủ đất như cây lạc dại (Arachis pintoi), cỏ Vetiver (Vetiveria zizanioides L.,), cỏ sả (Panicum maxinum) cỏ cúc xuyến chi (Wedelia trilobata) và các cây thích hợp khác.

Vùng thường xuyên có gió mạnh, cần thiết kế hàng cây chắn gió. Vườn lớn cần được phân lô, mỗi lô có đường di chuyển và hàng cây chắn gió bao quanh. Tùy tốc độ gió mà xác định chiều cao. Loại cây và khoảng cách trồng sao cho đảm bảo ngăn gió mạnh hiệu quả. Một số cây thường được sử dụng như cây muồng đen (Cassia siamea), cây keo lá tràm (Acacia auriculiformis), cây mít (Artocarpus heterophyllus), cây thùy dương (Casuarina equisetifolia). Giữa các hàng bơ có thể bổ sung hàng cây chắn gió tạm thời khi cây còn nhỏ. Có thể sử dụng các cây như đậu triều (Cajanus cajan), cây đậu đào (Gliricidia maculata), cốt khí (Tephrosia candida), so đũa (Sesbania grandiflora L.) và một số cây khác.

Cắt tỉa khống chế cây phủ đất để giảm sự cạnh tranh với cây bơ khi cần và sử dụng tàn dư của chúng sau khi cắt để phủ đất, khi hoai mục là chất hữu cơ trả lại cho đất, bồi bổ đất.

Đất độ dốc thấp thì nên làm luống hay mô trồng, cao từ 0,5-0,8 m so với mặt đất, hoặc làm mô trồng đường kính 0,8 – 1,5 m. Nếu trồng trên mô, mô cần được bồi rộng dần theo tán cây và dần dần kết nối nhau tạo thành luống trồng.

  1. Khoảng cách – mật độ khoảng cách

Khoảng cách trồng tùy thuộc vào giống, đất đai, địa hình, phương thức canh tác và điều kiện thực tế sản xuất mà xác định khoảng cách thích hợp. Trên đất đỏ bazan, khoảng cách trồng là 6 x 8 m (210 cây/ ha) hoặc 4 x 8 m (312 cây/ha); đối với đất khác, khoảng cách trồng là 4 x 6 m (416 cây/ ha) đến 6 x 6 m (270 cây/ha). Lưu ý là trồng mật độ cao hơn đòi hỏi tỉa cành tạo tán nhiều hơn. Nếu trồng xen bơ trong vườn cây khác (thí dụ cà phê) có thể sử dụng khoảng cách trồng là 9 x 12 m (90 cây/ ha) hoặc 12 x 12 m (70 cây/ ha).

B. Kỹ thuật trồng và chăm sóc

  1. Thời vụ trồng

Trong điều kiện Tây Nguyên và Đông Nam bộ, cây bơ có thể trồng được quanh năm nếu chủ động được việc tưới nước và điều kiện sản xuất. Trồng vào đầu mùa mưa (tháng 5-6) có thể tận dụng độ ẩm từ nước mưa giảm được nhu cầu nước và chi phí tưới.

  1. Kỹ thuật chuẩn bị đất, đào hố và bón lót

Mục Lục

– Xử lý đất mặt trước trồng:

Cần thu dọn thực bì (thực hiện ít nhất 1 tháng trước trồng) để loại bỏ gốc và rễ lớn, tàn dư cây trồng vụ trước nhằm giảm nguy cơ bị nhiễm các bệnh lây lan qua đất. Tùy độ chua của đất, rải đều trên mặt 1- 3 tấn/ha vôi bột trước khi cày dọn đất nhằm cải thiện độ pH đất. Sau đó san lấp tạo mặt bằng và độ dốc nếu cần.

– Đào hố:

Hố hình tròn hay vuông, kích thước từ 50 x 50 x 50 cm trở lên cho vườn trồng thuần và ít nhất là 80 x 80 x 80 cm cho trường hợp trồng xen. Nói chung đất xấu, đất có lẫn nhiều đá sỏi nên đào hố trồng to và sâu hơn. Lớp đất mặt sau khi đào lên nên để riêng để trộn với phân bón lót trong hố. Nếu làm mô trồng cao, nên để lớp đất này nằm phía trên. Thực hiện trước khi trồng một tháng.

– Bón lót:

Bón mỗi hố 10 – 30 kg phân chuồng hoai mục (nếu không đủ, có thể thay bằng phân phân hữu cơ vi sinh 2 – 5 kg/hố) + 0,5 -1,0 kg phân lân nung chảy + 0,1-0,2 kg NPK 16-16-8. Lượng phân bón lót tăng giảm tùy theo điều kiện đất đai, giống, khoảng cách trồng và phương thức canh tác.

Trường hợp trồng xen với vườn đã có sẵn, các hố trồng cần được chuẩn bị và xử lý ít nhất 1,5 tháng trước khi trồng (thu tàn dư cây trồng, vệ sinh đồng ruộng, đào hố- làm mô đủ cao tránh ngập úng cục bộ vào mùa mưa, xử lý đất với vôi bột 1 – 4 kg/hố. Tỉa dọn cành lá để đảm bảo cây con không bị thiếu sáng và ẩm độ quá cao khiến cây dễ bị nhiễm bệnh.

– Đối với những nơi có nhiều mối, kiến và sâu đất, xử lý đất bằng thuốc hóa học có hoạt chất như như Diazinon, Alpha-cypermethrin, Fipronil và một số thuốc khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Chỉ sử dụng các thuốc hoặc sản phẩm sinh học nằm trong danh mục được phép sử dụng.

  1. Kỹ thuật trồng

– Đào một hố nhỏ trên mô/luống trồng, có kích thước sao cho vừa để đặt bầu cây. Dùng dao rạch tạo mép dùng tay (để hạn chế tổn thương rễ do dao rạch) xé túi bầu dọc theo chiều dài. Đặt túi bầu vào hố sao cho mặt bầu ngang bằng mặt mô/luống. Rút bỏ túi bầu ra và lấp hố, dùng tay nén đất theo hướng từ ngoài vào, cho đến khi đủ chặt, tránh gây tổn thương rễ.

– Cố định cây và che mát cho cây: Dùng 1 cọc cắm chéo và buộc dây cố định vào cọc để cố định cây. Dùng dây mềm và tự hủy sau 2-3 tháng để buộc. Tránh buộc quá chặt gây tổn thương hay để sẹo trên thân non. Có thể thay 1 cọc chéo bằng 2-3 cọc cắm quanh gốc, chụm chéo vào phía trên, dùng lưới che mát quấn quanh để che mát và bảo vệ cây con nếu cần. Cây con chống chịu yếu với nắng gắt, đặc biệt nếu có kèm gió mạnh và khô.

– Trồng dặm: Sau trồng một tháng, kiểm tra phát hiện cây chết để trồng dặm. Lặp lại định kỳ hàng tháng trong năm đầu tiên.

  1. Kỹ thuật tưới nước và tiêu nước

– Tưới nước: Cần tưới nước bổ sung ngay sau trồng nếu đất khô, trời không mưa kéo dài. Cây còn nhỏ, rễ chưa phát triển mạnh nên cần quan sát và tưới thường xuyên hơn. Lượng nước tưới tùy phương pháp tưới và điều kiện thực tế. Tưới 10-20 lít/lần cho kiểu tưới bồn với quảng 2-4 ngày/lần. Tuy nhiên nên lắp đặt hệ thống tưới cố định dùng vòi phun nhỏ hay tưới nhỏ giọt giúp tiết kiệm nước, chi phí và tăng hiệu quả tưới nước. Sửa lại cây bơ mới trồng nếu cây bị nghiêng, lệch do đất sụp sau trồng.

– Nguồn nước tưới: Có thể sử dụng từ giếng hay nguồn nước mặt như sông, suối, hồ, giếng. Nước tưới phải loại trừ nguy cơ bị ô nhiễm, nhiễm mặn hay phèn và đảm bảo tiêu chuẩn nước tưới sử dụng cho trồng trọt. Nước tưới không có nguy cơ nhiễm Phytophthora, tác nhân gây bệnh thối rễ và thối thân nguy hiểm trên cây bơ.

– Phương pháp tưới: Có thể sử dụng biện pháp tưới bồn, tưới phun mưa, tuy nhiên, tùy vào khả năng đầu tư, nên áp dụng hệ thống tưới cố định sử dụng cách tưới nhỏ giọt hoặc tưới bằng vòi phun dưới tán. Khi cây còn nhỏ dùng ít vòi tưới, khi cây lớn có thể bổ sung thêm vòi tưới hoặc sử dụng vòi tưới có công suất lớn hơn tùy theo sự phát triển của diện tích tán.

– Lượng nước và chu kỳ tưới: Tưới nước bổ sung là rất quan trọng cho cây trong mùa khô (tháng 11 – 4) để cây sinh trưởng tốt. Tùy thuộc vào hệ thống tưới, độ ẩm đất, điều kiện thời tiết, đất đai, mật độ khoảng cách trồng, kích thước tán cây mà chọn chu kỳ tưới, lượng nước tưới và thời gian tưới phù hợp cho cây bơ vào giai đoạn mùa khô.

Cây sau trồng và khi còn nhỏ cần lượng nước tưới ít hơn nhưng cần tưới thường xuyên hơn để giúp cây hồi phục nhanh và tăng trưởng tốt. Có thể tưới 2-3 ngày/lần, lượng nước 10- 20 lít/cây/tuần; sau đó lượng nước tăng lên dần 20-40 lít/cây/tuần cho đến 50-100 lít/cây/tuần; theo nguyên tác là kích thước tán cây càng lớn lượng nước tưới cần nhiều hơn.

Khi cây ở giai đoạn kinh doanh (> 3 năm), thường lượng nước tưới cần ít nhất là 200 lít/cây/tuần trong những tháng mùa khô tăng dần theo kích thước tán cho đến khi đường kính ổn định. Từ 5-7 năm tuổi, mức tưới có thể áp dụng từ 600 – 1.200 lít/cây/tuần tuy nhiên gia giảm tùy điều kiện thời tiết và giai đoạn phát triển của cây. Cây cần nhiều nước giai đoạn chồi non phát triển, giai đoạn tăng trưởng của quả, cần ít nước khi cây sắp thu hoạch, trước ra hoa (tạo khô hạn cho cây ra hoa). Kiểm tra độ ẩm đất để tưới cho phù hợp và hiệu quả bằng sử dụng thiết bị đo độ ẩm đất. Không nên tưới quá nhiều nước làm cho độ ẩm đất luôn cao vượt mức. Tư vấn chuyên môn để giúp xác định mức tưới và chu kỳ tưới thích hợp và hiệu quả cho vườn cây.

– Tiêu thoát nước: vườn cây phải có hệ thống tiêu thoát nước tốt không để vườn cây bị đọng nước quá lâu, bị nước tràn qua hay bị ngập. Đây là biện pháp canh tác thiết yếu trong quản lý bệnh Phytophthora cho những vùng bị nhiễm bệnh. Nên bố trí vườn cây với hàng cây trồng trên luống, tạo mái dốc kết hợp với mương cạn giữa hai hàng cây giúp nước không bị đọng hay độ ẩm cao kéo dài trong mùa mưa. Khi cần, nên thiết kế đê bao quanh ngăn nước tràn vào vườn, mương thoát nước để lấy nước dư ra khỏi vườn khi có mưa to kéo dài.

  1. Kỹ thuật làm cỏ
Phủ đất mặt mô/luống trồng:

Tủ gốc để hạn chế xói mòn, sạt lở mô/luống trồng và hạn chế đất bị đóng váng. Phủ một lớp lên trên mặt đất quanh gốc, cách gốc 15-20 cm, rộng cho đến 1 hay 1,5 m. Sử dụng các nguyên liệu có sẵn địa phương như rơm, thân cành cây, cỏ khô. Mùa khô tủ dày để giữ ẩm, giảm bốc thoát hơi nước, mùa mưa tủ mỏng để hạn chế độ ẩm quá cao.

Cũng có thể trồng cây phủ đất và cắt khống chế định kỳ để che phủ đất. Có thể sử dụng cây lạc dại (Arachis pintoi) làm cây trồng phủ đất, hạn chế xói mòn.

Ở giai đoạn kiến thiết cơ bản:

Cần thường xuyên làm sạch cỏ phần đất dưới tán, hoặc làm cỏ theo băng dọc theo hàng cây, phần đất dưới tán. Phần đất còn lại nên duy trì cỏ và khống chế bằng cắt cỏ bằng máy định kỳ.

Có thể trồng cây phủ đất cho phần đất ngoài tán cây, có thể dùng cây lạc dại (A. pintoi), cỏ sục sạc (Crotalaria sp.) để trồng. Nếu đất dốc áp dụng trồng cây phủ đất (xem phần thiết kế vườn cây).

Nếu không có điều kiện trồng xen:

có thể giữ cỏ tự nhiên trong vườn. Kỹ thuật làm cỏ dưới tán cây bơ và duy trì cỏ ngoài tán. Cắt khống chế cây phủ đất hoặc cỏ giữ tự nhiên để giảm sự cạnh tranh với cây bơ khi cần và sử dụng tàn dư của chúng sau khi cắt để phủ đất, khi hoai mục là chất hữu cơ trả lại cho đất, bồi bổ lại cho đất.

Nếu không trồng cây phủ đất hoặc giữ cỏ tự nhiên, có thể trồng xen các loại cây ngắn ngày khác như cây đậu, rau và một số cây màu thích hợp khác.

  1. Kỹ thuật tỉa cành- tạo tán

Định kỳ hàng tháng kiểm tra và cắt chồi vượt (chồi dại) mọc phía dưới vị trí ghép; kỹ thuật tỉa cành sát mặt đất, giữ không cho cành nào chạm đất. Tỉa bỏ các chồi mọc thẳng, chừa các cành mọc ngang. Tỉa dần các chồi mọc thấp từ dưới lên trên. Đảm bảo các cành có độ cao ≥ 70 cm so với mặt đất khi tán cây định hình.

-Ở thời kỳ kiến thiết cơ bản:

Tiến hành kỹ thuật tạo tán dần cho cây bơ. Sao cho cây có một thân mọc thẳng, tán hình cầu, các cành ngang mọc phân bố đều các hướng ở các độ cao khác nhau trên thân.

Để thuận tiện cho chăm sóc, thu hoạch và giảm thiệt hại do gió mạnh. Cây thường được kỹ thuật hãm ngọn duy trì độ cao từ 2,5 đến 3,5 m trong điều kiện trồng thâm canh. Tuy nhiên, tùy điều kiện sản xuất, có thể duy trì độ cao thân cây 4 – 6 m.

-Thời kỳ kinh doanh:

Tỉa cành kỹ thuật ngay sau thu hoạch, cắt tỉa tất cả những cành bị sâu bệnh hại nặng, cành chết khô, cành bị gãy, cành yếu, cành mọc dày trong tán, cành xà xuống thấp, cành mọc đứng, cành mọc song song với thân.

Tỉa cành sớm và đồng loạt là kỹ thuật giúp cây ra chồi tập trung tạo điều kiện cho cây ra hoa tập trung. Tỉa các cành giao nhau giữa các cây. Tỉa các cành mọc vượt ra ngoài để duy trì bộ tán dạng hình cầu. Tất cả các cành bị sâu bệnh hại được cắt tỉa cần được tiêu hủy để tránh lây lan.

Việc tỉa cành tạo tán có thể lặp lại sau đó mỗi 3-6 tháng, đặc biệt là tỉa những cành có nguồn sâu bệnh hại để giảm mật độ của chúng trên cây.

  1. Kỹ thuật bón phân 
  2. a. Bón phân thời kỳ kiến thiết cơ bản

– Lượng bón

+ Phân hữu cơ:

Có thể sử dụng phân chuồng hoai mục, lượng bón cho cây từ năm 1-3 tuổi là 15-50 kg/cây năm, tăng dần theo tuổi cây. Nếu không có đủ phân hữu cơ có thể thay thế bằng phân hữu cơ sinh học hay phân hữu cơ vi sinh từ 3-15 kg/cây/năm, lượng bón tăng dần theo từng năm theo đường kính tán và tuổi cây.

+ Phân vô cơ:

Liều lượng phân được tính quy ra phân đơn là Urea (46%), phân lân dạng lân nung chảy hay super lân (15% P2O5) và phân kali (KCl hoặc K2SO4, với 60% K2O). Lượng phân tính theo kg/cây/năm:

-Năm thứ nhất: Urea 0,3-0,5; phân lân 0,9-1,5, phân kali 0,2-0,3.

-Năm thứ hai: Urea 0,5-1,0; phân lân 1,5-3,0, phân kali 0,4-0,8.

-Năm thứ ba: Urea 0,7-1,5; phân lân 2,0-3,5, phân kali 0,5-2,0.

+ Phân vôi:

Vôi bột bón 1-5 kg/cây/năm, bón tăng dần theo từng năm.

+ Phân bón lá:

Phân bón lá chứa các dinh dưỡng trung vi lượng (Zn, Bo, Mg…) tùy theo đất đai và thực tế sản xuất; liều lượng và cách sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

– Phương pháp kỹ thuật bón

+ Phân hữu cơ: Bón 1-2 lần/năm vào đầu và cuối mùa mưa. Rải phân thành băng trong tán dọc theo đường hình chiếu của tán lá. Cách gốc ít nhất 40 cm và trộn hay lấp nhẹ phân bằng lớp đất mỏng.

+ Phân vô cơ: Nên chia nhỏ thành nhiều lần (4-12 lần/năm) bón phân để có hiệu lực cao nhất. Hoặc bón qua hệ thống tưới hay pha phân vào nước để tưới (quanh gốc dưới tán) cho các loại phân tan. Nếu bón qua đất, cách bón như đối với phân hữu cơ.

+ Phân bón lá: Có thể sử dụng 3-6 lần mỗi năm; liều lượng và cách sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

b. Thời kỳ kinh doanh

– Lượng bón: Tùy điều kiện đất đai, sinh trưởng, tuổi cây, khoảng cách trồng, năng suất mong muốn mà lựa chọn mức bón cho phù hợp. Theo nguyên tắc đất xấu bón lượng nhiều hơn đất tốt, cây có tán nhỏ bón ít hơn cây có tán to. Dưới đây là một số gợi ý (Bảng 2).

Nên sử dụng phân chuồng hoai mục là thích hợp nhất. Nếu có đủ phân chuồng, có thể thay thế bằng phân hữu cơ sinh học hay phân hữu cơ vi sinh.

+ Phân hữu cơ: Phân chuồng ủ hoai bón chia làm 1-2 lần vào đầu và cuối mùa mưa. Rải phân thành băng trong tán dọc theo đường hình chiếu của tán lá, cách gốc 80 cm; trộn nhẹ phân vào đất hay lấp phân bằng lớp đất mỏng. Trong trường hợp thiếu phân chuồng có thể thay thế bằng phân hữu cơ vi sinh hay hữu cơ sinh học nhưng không nên kéo dài.

+ Phân vôi: Bón với 1-6 kg/cây/năm tùy theo độ pH của đất. Bón rãi đều quanh gốc dưới tán, có thể bón 1-2 lần vào đầu và cuối mùa mưa; cách thởi điểm bón các phân khác từ 15 – 20 ngày.

Bảng 2. Kỹ thuật định lượng phân bón cho cây bơ thời kỳ kinh doanh

 

Cuối thời điểm mùa khô có thể dùng vôi bột hòa với nước nồng độ 2 % hoặc dùng hỗn hợp Bordeaux 1% quét vào thân cây từ mặt đất lên đến hết phần thân- cành đã rụng lá hoặc lên cao đến 1-1,2 m để hạn chế sâu bệnh hại và cũng góp phần bổ sung vôi cho đất sau đó.

+ Phân lân:

Bón 1 lần vào đầu mùa mưa, khi đất đủ ẩm. Đào rãnh sâu từ 5 – 10 cm theo hình chiếu của tán lá, rải phân đều và vùi lấp phân bằng một lớp đất mỏng.

+ Phân đạm:

Sau thu hoạch và ra chồi non bón 50% giai đoạn nuôi quả bón 50% lượng phân.

+ Phân Kali:

Sau thu hoạch bón 25%; trước ra hoa bón 25%, giai đoạn nuôi quả bón 25% và trước thu hoạch 1,5 tháng bón 25% lượng phân kali.

+ Phân bón lá: Sử dụng nhằm chủ yếu bổ sung các dinh dưỡng trung vi lượng cho cây (các loại phân chứa Zn, Mg, B và một số nguyên tố) khi cần. Có thể sử dụng 2-5 lần/năm. Cách sử dụng tham khảo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Sử dụng CanxiBo Gel Sữa Vàng giúp cây khỏe tăng khả năng ra hoa, dai cuống và đậu trái. Thời khi đậu trái sử dụng sản phẩm KaliBo giúp trái lớn nhanh, căng nở ba chiều tăng giá trị thương phẩm. Liều dùng theo khuyến cáo

(Bộ sản phẩm ưu việt cho cây bơ)

IV. SÂU, BỆNH HẠI CHÍNH VÀ BIỆN PHÁP KỸ THUẬT QUẢN LÝ

Trên cây bơ có nhiều bệnh hại. Quan trọng nhất là bệnh thối rễ và thối thân chảy nhựa (Phytophthora spp.). Một bệnh phổ biến và quan trọng khác là bệnh sẹo (Sphaceloma perseae). Ngoài ra còn một số bệnh ít phổ biến hơn gồm bệnh thán thư (Colletotrichum sp.). Bệnh đốm rong đỏ (Cephaleuros virescens). Bệnh nấm hồng (Erythricium salmonicolor) và một số bệnh ít phổ biến khác.

  1. Bệnh thối rễ, thối thân chảy nhựa

Là bệnh nguy hiểm nhất trên cây bơ và phổ biến ở Việt Nam. Cây bị bệnh thối rễ có thể có các triệu chứng trên cây như: Lá trở nên nhỏ đi, có màu xanh tối đến màu vàng; có thể bị héo và có chót lá màu nâu, sau đó bị chết dần. Tán lá thưa thớt và sinh trưởng cây chửng lại, hiếm khi có dấu hiệu tăng trưởng mới.

  • Tác nhân gây bệnh: Phytophthora được xem là nguyên nhân gây bệnh thối rễ và thối thân hại cây bơ. Thối rễ, thối gốc được xác định do loài nấm thủy sinh Phytophthora cinnamomi gây bệnh.
  • Điều kiện pháp sinh phát triển: Phát triển mạnh ở những vườn có độ ẩm đất dư thừa và thoát nước kém. Đặc biệt trên vườn cây trải qua nhiều đợt bởi ngập nước rồi khô hạn. Cây có thể bị nhiễm bệnh ở bất kỳ độ tuổi nào. Bệnh có thể lây lan qua cây giống, qua thiết bị, giày dép, dụng cụ có dính đất trồng, qua hạt bị nhiễm bệnh và hoạt động của con người hoặc động vật.
  • Kỹ thuật phòng trừ bệnh

Cần áp dụng biện pháp kỹ thuật phòng trừ tổng hợp IPM để quản lý bệnh. Bệnh cần được phát hiện sớm để kịp thời đối phó. Trong chiến lược phòng trừ bệnh, phòng bệnh là chính. Một số biện pháp chính gồm:

– Chọn vùng trồng thích hợp:

Tránh trồng ở vùng đất thoát nước kém, đất chua mặn, hoặc đất đã bị nhiễm bệnh. Nên trồng trên đất thoát nước tốt hoặc qua cải tạo có khả năng thoát nước tốt.Trên vườn, cần quản lý độ ẩm đất thật tốt để tránh vượt mức.

– Sử dụng cây giống sạch bệnh:

Chỉ sử dụng cây giống sạch bệnh từ vườn ươm uy tín. Trên vườn ươm, cần có biện pháp để quản lý bệnh xâm nhập và lây lan.

– Tỉa cành tạo tán:

Tạo cho tán cây và vườn cây thông thoáng giúp giảm ẩm độ không khí và độ ẩm đất trong vườn kết hợp với tiêu hủy nguồn bệnh.

– Sử dụng tính kháng:

Một số giống gốc ghép có tính chống chịu cao đối với bệnh như Dusa, Latas, Barr Duke, Duke 7 và Duke 9 hay Uzi và Zentmyer. Cây gốc ghép chống chịu bệnh được nhân giống vô tính. Hiện nay các gốc ghép đang được thử nghiệm để chuyển giao cho sản xuất.

– Ngăn ngừa bệnh xâm nhập và lây lan vào vườn:

Nguồn bệnh có thể lây lan qua phương tiện vận chuyển, thiết bị dụng cụ chăm sóc, qua cây giống nhiễm bệnh, qua con người và động vật, qua nguồn nước chảy vào, chảy qua vườn và chảy qua các cây trong vườn. Cách ly vườn cây bằng rào và hạn chế xâm nhập, ngăn ngừa các nguồn lây lan. Vệ sinh dụng cụ kéo cắt cành, dao, cưa trước khi sử dụng cho mỗi cây. Sử dụng nước tưới sạch bệnh, nếu nghi ngờ nguồn nước tưới nhiễm bệnh, cần tư vấn với nhà chuyên môn để xử lý nước tưới trước khi tưới.

– Bón phân hữu cơ và bón vôi đầy đủ:

Giúp vừa cải tạo đất về mặt sinh học, hóa và lý học, giúp tăng cường sức khỏe cây, có lợi cho ngăn ngừa bệnh. Trên đất chua, bón vôi cung cấp dinh dưỡng và giảm độ chua của đất. Nên bón phân cân đối và vừa đủ. Bón đạm ở mức vừa phải thúc đẩy tăng trưởng cây bơ, giúp cây chịu đựng tốt hơn đối với bệnh. Tránh bón tập trung một lần một lượng phân quá nhiều mà có thể gây tổn thương rễ.

– Phòng trừ sinh học:

Sử dụng các vi sinh vật như là tác nhân sinh học để phòng trừ bệnh. Các chế phẩm chứa tác nhân sinh học như Trichoderma, Streptomyces sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

– Phòng trừ bằng biện pháp hóa học:

Một số thuốc phổ biến là các thuốc thuộc nhóm phosphonate, dimethomorph và nhóm thuốc gốc đồng. Tùy theo đăng ký của sản phẩm từng nơi mà sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Có thể dùng thuốc gốc đồng, thuốc hóa học nhóm phosphonate gồm Fosetyl-Al và potassium phosphonate (phosphite-Agrifos 400), áp dụng qua phun tán/tưới gốc 3-6 lần mỗi năm tùy áp lực bệnh cao hay thấp. Nên sử dụng luân phiên các gốc thuốc để hạn chế nguy cơ phát triền tính kháng. Sử dụng thuốc theo ‘bốn đúng’ và tuân thủ theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Tiêm thân là phương pháp phổ biến và hiệu quả; đặc biệt khi điều trị các cây bị bệnh. Có thể sử dụng ống tiêm Chemjet 20 mL để tiêm thân với phosphonate (như thuốc Agri-fos 400). Khoan lỗ với mũi khoan 4-5 mm, sâu 3-5 cm tùy đường kính thân. Lỗ khoan hơi hướng xuống, dưới các cành lớn. Nồng độ tiêm 20%. Mỗi lần 2-4 lỗ tiêm, tùy kích cỡ tán cây (cây trên 5 năm tuổi). Vết tiêm có thể sử dụng dầu nhờn đặc (mỡ bò) để bôi phủ lên. Áp dụng cho cây có đường kính >5 cm.

  1. Bệnh sẹo

Bệnh sẹo khá phổ biến và nghiêm trọng ở những vùng trồng bơ có khí hậu ẩm ướt như ở khu vực châu Mỹ Latin, Ma-rốc, Philipine, Nam phi và khu vực trồng bơ ở Floria (Mỹ). Bệnh cũng khá phổ biến ở nước ta. Bệnh làm quả rụng sớm và ảnh hưởng đến chất lượng ngoài của những quả không rụng ảnh hưởng đến giá bán của quả.

  • Triệu chứng

Bệnh gây hại một số bộ phận nhưng phổ biến và nguy hiểm nhất là trên quả. Ban đầu là đốm nhỏ trên quả có hình bầu dục hay bất định, có màu nâu đến nâu tím, hơi nhô lên khiến bề mặt vỏ quả như giấy nhám. Sau đó vết bệnh mở rộng dần và có thể liên kết với nhau thành mảng lớn.

Vết bệnh trên lá khó phát hiện và do đó ít được lưu ý do ở trên cao. Ban đầu có đường kính dưới 3,5 mm, màu nâu đến đen do mô bị chết hoại. Vết bệnh thường tập trung dọc theo gân lá, làm cho lá kém phát triển, nhăn nheo, méo mó.

Trên cành, vết bệnh có hình bầu dục đến thon dài, hóa bần, nhám và hơi nhô lên. Cuống quả cũng có thể bị bệnh với triệu chứng tương tự.

Vết bệnh trên cành lá là nguồn bệnh ban đầu lây lan lên quả.

  • Tác nhân gây bệnh

Bệnh gây bởi nấm Sphaceloma perseae.

  • Đặc điểm phát sinh phát triển

Bào tử nấm hình thành nhiều trên vết bệnh trên lá, cành hay quả khi điều kiện thích hợp. Phát tán nhờ gió, mưa và côn trùng. Bệnh phát triển thích hợp trong thời tiết ẩm ướt và mát. Bệnh sẽ nghiêm trọng khi trời mưa nhiều, có sương mù và lúc các bộ phận của cây ở giai đoạn còn non. Tổn thương gây ra bởi côn trùng tạo đường xâm nhiễm làm cho bệnh trầm trọng hơn.

  •  Biện pháp kỹ thuật phòng trừ

– Những quả nhiễm bệnh trên cây là nguồn bệnh chính lây lan cho mùa sau, cần thu và tiêu hủy.

– Tán cây cần được tỉa thường xuyên để tạo thông thoáng và tăng cường chiếu sáng trong tán.

– Thuốc gốc đồng như Epolist 85WP có hiệu quả trong phòng trừ bệnh, được phun khi nụ hoa xuất hiện, giai đoạn hoa nở và 3-4 tuần sau. Nhiều lần phun hơn được đòi hỏi nếu trời mưa nhiều hoặc sương mù.

– Phòng trừ côn trùng gây vết thương (phun ngừa bằng Alexander 777) sẽ hạn chế sự xâm nhiễm của nấm, giúp phòng trừ bệnh sẹo hiệu quả hơn.

  1. Bệnh thán thư

Bệnh được ghi nhận trên nhiều vùng trồng bơ trên thế giới cũng như ở nước ta. Bệnh gây hại khá phổ biến và nguy hiểm trên quả nhưng cũng có thể tấn công trên lá và chồi non khi có điều kiện thích hợp. Nấm tấn công gây bệnh sau thu hoạch gây hư hỏng quả bơ trong suốt thời gian bảo quản, vận chuyển và bày bán, là yếu tố giới hạn thương mại quốc tế quả bơ.

Hình 4: Triệu chứng bệnh thán thư trên quả bơ giai đoạn trước thu hoạch (hình trái) sau thu hoạch (hình phải)

  • Triệu chứng

Trên quả trước thu hoạch, các vết bệnh nhỏ, đường kính <5 mm trên vỏ quả. Các vết thương này có thể làm giảm chất lượng quả và gây quả rụng sớm. Vết bệnh sẽ to và mở rộng nhanh từ những vết thương (do côn trùng hay gió gây ra). Vết bệnh có thể tiềm ẩn chờ quả chín để phát triển và lây lan.

Ở giai đoạn sau thu hoạch, bệnh xảy ra trong suốt thời gian bảo quản, vận chuyển. Vết bệnh là những đốm nhỏ màu nâu, hơi lõm, mở rộng nhanh. Hình thành những đốm vòng tròn màu đen. Chúng có thể liên kết lại thành mảng lớn. Cho đến khi chiếm một phần lớn hay toàn bộ bề mặt quả. Phần thịt bên trong cũng bị ảnh hưởng. Trong điều kiện môi trường ẩm, những đám bào tử màu hồng hơi nhớt nhô lên trên bề mặt vỏ quả.

Bệnh cũng gây hại trên một vài bộ phận khác khi gặp điều kiện rất thuận lợi. Trên lá, vết bệnh là những đốm màu nâu, mô bệnh bị chết, các đốm bệnh liên kết lại tạo thành một mảng lớn. Tuy nhiên, bệnh ít khi nghiêm trọng để gây rụng lá. Trên chồi non, vết bệnh màu nâu đến nâu tối, đôi khi có thể gây chết ngọn. Vết bệnh hiềm khi xảy ra trên chùm hoa, trường hợp nặng cả phát hoa bị thui.

  • Tác nhân gây bệnh

Bệnh gây ra bởi loài nấm Colletotrichum sp.

  •  Điều kiện phát sinh phát triển

Bệnh có thể xâm nhập qua lỗ hở tự nhiên vào vỏ quả tuy nhiên các vết thương cũng giúp cho bào tử nấm xâm nhập thuận lợi, đặc biệt ở giai đoạn sau thu hoạch. Bệnh lây lan qua gió mưa, giọt nước mưa bắn lên và có thể xâm nhiễm quả non, quả đang lớn và các phần trên mặt đất của cây. Xâm nhiễm vào quả có thể xảy ra bất kỳ giai đoạn phát triển nào của quả, từ đậu quả đến thu hoạch.

  • Biện pháp kỹ thuật phòng trừ

Sự kết hợp của giống chống chịu, biện pháp canh tác ngoài đồng, xử lý thuốc trừ nấm trước và sau thu hoạch, điều chỉnh điều kiện bảo quản quả thích hợp và bán sản phẩm nhanh (giảm thời gian tồn trữ) sẽ giúp quản lý bệnh hiệu quả.

– Tỉa cành tạo tán tạo thông thoáng, giảm độ ẩm trong tán; tỉa tiêu hủy bộ phận nhiễm bệnh nặng, cành lá và quả chết giúp giảm nguồn bệnh.

– Bởi vì nấm thường xâm nhập và có sẵn trong biểu bì của quả chưa chín, việc kết hợp phun thuốc trừ nấm trước thu hoạch giúp ngăn chặn bệnh thối quả sau thu hoạch.
Có thể áp dụng thuốc gốc đồng, thuốc nhóm triadimefon, dithiocarbamates, sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Những loại thuốc áp dụng: Aconeb 70WP, Supercook 85WP, Tracomix, Cythala 75WP

– Một vài giống như Fuerte, Rincon và Wurtz khá nhạy cảm với bệnh so với Hass.

  • Phòng trừ sinh học

Được áp dụng với một vài vi khuẩn và nấm men (yeasts) và có thể thay thế cho việc xử lý thuốc sau thu hoạch.

– Sau mưa lớn hoặc mưa kéo dài nên trì hoãn việc thu hoạch quả 48 giờ hoặc chờ quả khô hoàn toàn trước khi thu hoạch. Ngừng việc thu hoạch nếu gặp trời mưa.

– Bệnh trở nên nghiêm trọng khi quả được bảo quản ở nhiệt độ trên 24°C. Nên bảo quản lạnh ngay sau khi thu hoạch. Tồn trữ ở nhiệt độ 5-18°C sẽ giảm sự phát triển của bệnh (nhưng quả sẽ khó chín). Sau khi để quả đã chín, có thể giữ ở 2-5°C.

  1. Bệnh đốm rong

Vết bệnh là những đốm màu nâu đỏ mọc nhô cao trên mặt trên của lá. Các đốm nhỏ có thể liên kết nhau thành những mảng lớn. Khi về già, đôi khi vết bệnh chuyển sang màu xám xanh, tựa như các đốm do địa y (lichens) gây hại.

Sự ký sinh của loài rong này kiến phiến lá bên dưới vị trí nhiễm bị hư hại mà có thể thấy từ mặt dưới lá. Bệnh gây ảnh hưởng đến sinh trưởng và làm cho lá rụng sớm nếu bị nhiễm nặng.

Bệnh xuất hiện chủ yếu trong mùa mưa, ẩm độ không khí cao và kéo dài, trên cây có tán thưa, sinh trưởng kém, sức khỏe yếu.

Biên pháp kỹ thuật phòng trừ

– Tỉa cành tạo tán tạo vườn cây thông thoáng

– Chăm bón cho cây tốt, bón phân đầy đủ và cân đối, tưới đủ nước cho cây trong mùa khô, tỉa bớt quả nếu cây quá sai quả.

– Tỉa và tiêu hủy các lá nhiễm nặng.

– Có thể phun các loại thuốc gốc đồng như Supercook 85WP nếu tỷ lệ nhiễm đạt 5% hoặc Physan 20SL

  1. Bệnh nấm hồng

Đầu tiên trên vỏ cây vết bệnh là những đám có màu trắng xám với lớp khuẩn ty phát triển và bao phủ vỏ cây. Sau đó tơ nấm chuyển sang màu hồng. Che phủ cả thân, cành cây, vỏ cây chuyển sang màu sậm đến đen, cuối cùng vỏ bị khô và nứt ra, cành chết. Đôi khi không thấy được lớp tơ nấm màu hồng. Mà chỉ thấy được những gai màu hồng nhô lên từ chỗ nứt của vỏ thân.

Bệnh thường gây hại trong mùa mưa ẩm kéo dài, vườn ẩm thấp, thiếu thông thoáng. Vị trí thường ở chảng ba của cây. Vì ở nơi này nước thường đọng lại và lâu khô. Tạo điều kiện thuận lợi cho nấm phát triển và gây hại.

Nguyên nhân gây bệnh: Do nấm Corticium salmonicolor (Erythricium salmonicolor) gây ra. Bào tử nấm thường phóng thích nhiều vào không khí sau những cơn mưa và nhờ gió phát tán, sẵn sáng tìm chờ cơ hội lây lan.

– Biện pháp kỹ thuật phòng trừ:

+ Trồng cây đúng khoảng cách;

+ Cắt cành, tiêu hủy cành bệnh, xén tỉa bớt cành lá bên trong tán, tạo điều kiện thông thoáng cho cây;

+ Dùng thuốc gốc đồng như Supercook, Epolist  quét lên thân cây 2 lần/năm vào đầu và cuối mùa mưa ngừa được bệnh này rất hiệu quả.

+ Khi cây bị bệnh dùng thuốc Validacin, Rovral, Anvil, Benomyl để phun.

6. Bệnh nấm gốc thối gỗ (Ganoderma sp.)

          Nấm mọc bên trong phần gỗ, thường gần mặt đất, làm cho gỗ bị thối và mục dần. Bệnh có thể xảy ra và kéo dài vài tháng đến cả năm. Lá chuyển sang màu xanh nhợt rồi vàng và rụng dần; cây mất dần phần lớn lá. Bệnh làm cho cây suy tàn dần có thể đến chết nếu bệnh tiến triển kéo dài. Bệnh khó phát hiện sớm mãi cho đến khi thấy tai nấm mọc ra phía bên ngoài mô gỗ. Bệnh thường xảy ra ở những phần vườn cây ẩm ướt, đất bị ngập nước hay thoát nước kém. Nấm gây bệnh lây lan qua bào tử bay trong không khí khi có gió, xâm nhập vào vết thương trên mô gỗ.

Phòng trừ:

– Không có thuốc trừ nấm thích hợp để trừ nấm bệnh này. Quét dung dịch hỗn hợp gồm Supercook và Physan quanh gốc có thể tạo lớp bảo vệt hạn chế sự xâm nhập của nấm.

– Tạo điều kiện môi trường sinh trưởng thuận lợi và giảm thiểu các nguyên nhân gây sốc cây sẽ giúp cho cây khỏe, tăng khả năng chống chịu hạn chế gây vết thương trên cây.

– Có biện pháp xử lý bề mặt vết thương ngăn ngừa nấm bệnh xâm nhập.

– Thoát nước tốt cho vườn cây, bón phân cân đối, bón đủ phân hữu cơ và bổ sung đủ vôi nếu đất chua.

7. Bệnh chết khô cành (do nấm Verticillium sp.):

          Cây bị bệnh héo và chết từng cành, lá chết khô và vẫn dính trên cành. Phòng ngừa bệnh bằng việc xử lý đất trước khi trồng, cải thiện tình trạng dinh dưỡng đất, đất tơi xốp, vệ sinh vườn, tăng sức đề kháng của cây, không để cây bị stress, không cắt cành tạo tán lúc trời mưa, quét vết thương hở bằng dung dịch 50% sơn nước + 5% bordeaux, cắt bỏ tiêu hủy cành bệnh.

8. Bệnh nấm gốc gây chết đột ngột (do nấm Phellinus noxius)

Cây bệnh có thể bị héo rũ toàn cây trong 1-2 ngày. Toàn cây chết từ 7-10 ngày sau khi héo, lá chết khô và vẫn dính trên cành. Cần chú ý phòng bệnh bằng việc xử lý đất trước khi trồng. Loại bỏ hết các thân/rễ/cành có đường kính hơn 1 cm.Cải thiện tình trạng dinh dưỡng đất, đất tơi xốp, vệ sinh vườn. Đồng thời tăng sức đề kháng của cây, không để cây bị stress. Không cắt cành tạo tán lúc trời mưa, quét vết thương hở bằng dung dịch bordeaux 1%. Tiêu hủy đốt bỏ cây bệnh và cây chưa có triệu chứng kế bên nếu rễ của 2 cây này giao nhau.

9. Bọ xít muỗi (Helopeltis spp.)

          Gây hại quanh năm, nhưng thường phát sinh mạnh và gây hại nặng trong mùa mưa. Vườn rậm rạp, ẩm thấp, cây quá dày. Các bộ phận chồi non, lá non, cành non, cuống hoa bị bọ xít muỗi chích hút nhựa gây héo khô đen. Quả bị chích có nhiều vết thâm và phát triển dị dạng. Nấm bệnh dễ dàng xâm nhập từ vết chích gây nên bệnh ghẻ vỏ quả bơ.

Thường xuyên thăm vườn vào chiều tối hoặc sáng sớm để kịp thời phát hiện bọ xít muỗi. Đặc biệt vào thời gian cây bơ ra đọt non và mang quả non. Bọ xít muỗi là đối tượng khó phòng trừ, đặc biệt khi các cây là ký chủ (thức ăn của chúng). Cây được trồng trong cùng một khu vực rộng. Cần áp dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp IPM để khống chế bọ xít muỗi.

Kỹ thuật phòng trừ:

– Vệ sinh dọn dẹp cỏ dại, cắt tỉa cành thông thoáng sau thu hoạch và trong mùa mưa, tỉa bỏ cách cành non ra lệch đợt bị hại nặng.

– Không trồng xen trồng gần với những cây là ký chủ ưa thích của bọ xít muỗi bao gồm cây điều, cây ca cao, cây chè.

– Tạo điều kiện để cây ra chồi ra hoa tập trung thuận lợi cho quản lý chúng. Tỉa các chồi mọc lệch đợt để giảm nguồn thức ăn cho chúng giữa hai đợt ra chồi

– Biện pháp sinh học: Nuôi kiến vàng, bảo vệ các thiên địch bắt mồi, sử dụng nấm trắng, xanh, tím thuộc các chế phẩm đăng ký phòng trừ bọ xít muỗi.

– Biện pháp hóa học: Nếu thấy xuất hiện các vết chích trên quả, trên chồi và bọ xít muỗi xuất hiện nhiều trong vườn bơ. Cần xem xét và sử dụng một trong các loại thuốc trừ sâu. Có các hoạt chất Abamectin, Abamectin + Azadirachtin. Alpha-cypermethrin; Chlorpyrifos ethyl + Imidacloprid; Thiamethoxam; Thiamethoxam + Lamda-Cyhalothrin.
Chọn các loại thuốc nằm trong danh mục được phép sử dụng: Acelant 4EC,  Alexander 777, Binova 45WP
Liều lượng và nồng độ phun theo chỉ dẫn của nhà sản xuất. Phun kỹ, tập trung vào chồi non, quả. Có thể phun lặp lại sau đó 10 – 12 ngày nếu còn thấy xuất hiện các vết chích mới và bọ xít muỗi trên cây.

10. Bọ trĩ 

Bọ trĩ là dịch hại phổ biến trên cây bơ. Chúng thường tấn công chồi lá non, chùm hoa và đặc biệt quan trọng trên quả non.

Bọ trĩ xuất hiện nhiều và có mật độ rất cao khi trổ bông, đậu quả và quả non. Chích hút trên các bộ phận non đặc biệt trên phát hoa và quả non; làm cho bộ phận nhiễm kém phát triển, biến dạng hoặc để lại sẹo. Trên quả vết chích gây vết thương tạo điều kiện cho nấm bệnh xâm nhập, để lại sẹo trên quả làm quả xấu, giãm giá trị thương mãi.

Để phòng trừ, có thể áp dụng các biện pháp sau

– Thường xuyên thăm vườn để phát hiện sớm và có biện pháp đối phó kịp thời.

– Phun nước: Có thể kết hợp với tưới nước trong mùa khô nhằm tạo môi trường ẩm ước. Nhằm để khống chế chúng. Có thể lắp các vòi phun mưa nhỏ trên tán để tưới phun mưa cho cây bơ trong mùa khô.

– Chăm sóc cây tốt giúp tăng tính chống chịu của cây.

– Sử dụng những giống ít mẩn cảm với bọ trĩ.

– Việc phòng trừ một số côn trùng hại bộ phận non cũng có tác dụng hạn chế bọ trĩ.

– Phun thuốc hóa học: Trong trường hợp mật số nhện cao và tăng nhanh. Có thể dùng thuốc hóa học để phun. Một số loại thuốc trừ bệnh và trừ sâu khác cũng góp phần khống chế mật độ bọ trĩ. Phun Supercook 85WP nồng độ 0,25%. Dầu khoáng sinh học cũng có tác dụng khống chế hoạt động của bọ trĩ.

Một số loại thuốc chứa có các hoạt chất được sử dụng để phòng trừ bọ trĩ, Gồm Spinetoram, Thiamethoxam, Thiosultap-sodium, Trichlorfon (Chlorophos), Citrus oil, Imidacloprid và một số khác. Sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Chọn và chỉ sử dụng các loại thuốc trong danh mục cho phép sử dụng đăng ký sử dụng cho bọ trĩ. Tư vấn chuyên ngành khi cần để sử dụng hiệu quả và phù hợp từng cho thị trường.
Khuyến cáo sử dụng Conphai 10WP hoặc Alexander 777 và luân phiên bổ sung diệt trứng cùng Dầu Khoáng

  1. Nhện hại

Có một vài loài được ghi nhận hại cây bơ trong đó phổ biến nhất là nhện đỏ (Tetranychus urticae). Nhện đỏ tấn công các bộ phận non trên cây bơ. Bao gồm chồi lá non, chùm hoa và trái non. Nhện chích hút trên mô non tạo ra những vết thâm có màu xám, nâu nhạt hay nâu tối, ảnh hưởng đến tăng trưởng của bộ phận bị hại. Làm chúng không phát triển bình thường hay bị biến dạng. Tấn công trên chùm hoa khiến hoa rụng sớm, tỷ lệ đậu kém. Đồng thời gây hại trên quả kiến quả bị sẹo hoặc rụng sớm. Mã quả xấu khó tiêu thụ, giảm giá bán.

Nhện đỏ là loài đa ký chủ. Chúng tấn công trên nhiều cây trồng khác nhau. Bao gồm cây hoa màu, cây công nghiệp và cây ăn quả. Chúng phổ biến trên cây ăn quả có múi, cũng tấn công trên cây sầu riêng, mãng cầu ta. Trên cây bơ, nhện đỏ là loài gây hại phồ biến và quan trọng.

Nhện đỏ của các giai đoạn phát triển gồm trứng – con non –hai giai đoạn ấu trùng theo sau –thành trùng. Thời gian từ giai đoạn trứng đến trưởng thành thay đổi tùy theo nhiệt độ và nguồn thức ăn. Trong điều kiện nhiệt độ thích hợp. Xấp xỉ 27-280C thởi gian này thay đổi từ 5-20 ngày. Có nhiều thế hệ nhện chồng lắp nhau trong năm. Con cái có thể sống từ 2-4 tuần và đẻ hàng trăm trứng trong suốt cuộc đời của chúng.

Nhện phát triển mạnh trong mùa khô dù có thể gây hại trong cả năm. Nhện gây hại nặng từ đầu mùa khô đến đầu mùa mưa, tập trung vào các đợt chồi non, giai đoạn ra hoa đậu quả và quả non.

Kỹ thuật phòng trừ:

– Thường xuyên thăm vườn để phát hiện sớm và có biện pháp đối phó kịp thời.

– Có nhiều loài ăn thịt là thiên địch của nhện đỏ trong tự nhiên. Các loài nhện ăn thịt nhện đỏ, bọ rùa Stethorus, bọ xít bắt mồi Orius, bọ mắt vàng Chrysopa và kiến Tapinoma. Cần tạo điều kiện để phát huy vai trò của thiên địch trong tự nhiên giúp khống chệ nhện. Giảm sự dụng thuốc hóa học, đặc biệt các thuốc độc với thiên địch.

– Phun nước: Có thể kết hợp với tưới nước trong mùa khô nhằm tạo môi trường ẩm ước để khống chế nhện. Có thể lắp các vòi phun mưa nhỏ trên tán để tưới phun mưa cho cây bơ trong mùa khô.

– Chăm sóc cây tốt giúp tăng tính chống chịu của cây.

– Sử dụng những giống ít mẩn cảm với nhện. Bơ Hass là một trong những giống mẫn cảm với nhện hại.

– Phun thuốc hóa học: Trong trường hợp mật số nhện cao và tăng nhanh, có thể dùng thuốc hóa học để phun. Một số loại thuốc trừ bệnh và trừ sâu khác cũng góp phần khống chế mật độ nhện. Phun dung dịch bordeaux 1%, dầu khoáng nông nghiệp, nước vôi 1% cũng có tác dụng khống chế hoạt động của nhện.

Một số loại thuốc chứa có các hoạt chất được sử dụng để phòng trừ nhện. Chúng bao gồm Propargite, Abamectin, Diafenthiuron, Emamectin benzoate, Emamectin benzoate, Fenbutatin oxide, Fenpropathrin, Fenpyroximate, Hexythiazox, Matrine, Petroleum spray oil, Rotenone, Sulfur, Citrus oil và một số khác. Chọn và chỉ sử dụng các loại thuốc trong danh mục cho phép sử dụng đăng ký sử dụng cho nhện đỏ hại cây trồng. Tư vấn chuyên ngành khi cần để sử dụng hiệu quả và phù hợp từng cho thị trường.

(Sản phẩm trị nhện tốt nhất thị trường hiện tại, không bị kháng thuốc)
Hiện nay sản phẩm Sạch Nhện đã được công ty khảo nghiệm kỹ thuật và đông đảo nhà vườn lựa chọn. Phun theo liều lượng 240ml thuốc cho 200 lít nước.

  1. Rệp dính, rệp vảy, rệp mai

Gây hại rất phổ biến trên cây bơ. Có nhiều loài rệp dính đã được ghi nhận trên cây bơ. Chúng thường sống ở mặt dưới của lá, chích hút chất dinh dưỡng là làm lá kém phát triển, cháy, khô và rụng sớm. Trên một lá có thể có nhiều thế hệ rệp cùng chung sống. Lá sẽ rụng sớm, cây phát triển kém nếu chúng không được quản lý tốt.

Rệp dính là đối tượng khó phòng trừ. Việc phun thuốc hóa học trừ bệnh thường có hiệu lực không cao và đòi hỏi phải phun lặp lại vài lần.

Kỹ thuật phòng trừ

– Thường xuyên thăm vườn để kịp thời phát hiện rệp xâm nhập vào vườn. Một khi thấy chúng chúng hiện, khi còn ở mật độ thấp, giết chúng bằng biện pháp thủ công hay tỉa và tiêu hủy bộ phận nhiễm để ngăn ngừa lây lan.

– Chăm sóc cây tốt giúp tăng tính chống chịu của cây.

– Phun nước: Tham khảo phần nhện hại.

– Sử dụng những giống ít mẩn cảm với rệp dính.

– Phun thuốc hóa học: Trong trường hợp mật số nhện cao và tăng nhanh, có thể dùng thuốc hóa học để phun.

Chỉ sử dụng các loại thuốc trong danh mục cho phép sử dụng đăng ký sử dụng cho nhện đỏ hại cây trồng.
Sử dụng Alfacua 10EC kết hợp Dầu Khoáng theo liều lượng khuyến cáo

  1. Rệp sáp

Các loại rệp sáp có đặc điểm chung là cơ thể tiết ra một lớp sáp trắng để che chở bảo vệ cơ thể. Chiều dài thân từ 2 mm đến 4 mm tùy loài. Các loài rệp sáp đều có chu kỳ sinh trưởng ngắn, khả năng sinh sản cao. Nhiều thế hệ chồng nhau trên cây trong năm.

Một vài loài rệp sáp đã được ghi nhận gây hại trên cây bơ, bao gồm loài Pseudococcus sp. và Planococcus sp.

Rệp sáp gây hại ở hầu hết các bộ phận trên cây như trên đọt non, cành non, trên thân, trên quả bằng cách chích hút. Chích hút nhựa làm lá bị quăn vàng, cây phát triển kém. Trên quả non, nếu rệp sáp hiện diện với mật số cao, quả không phát triển và có thể bị rụng sớm. Bên cạnh đó rệp sáp tiết ra mật tạo điều kiện cho nấm bồ hóng phát triển làm ảnh hưởng đến khả năng quang hợp. Ngoài ra, rệp sáp tấn công cả rễ cây làm cho cây bị héo và chết.

Rệp sáp xuất hiện quanh năm, nhưng thường gây hại mạnh trong mùa khô, trời không mưa kéo dài.

– Biện pháp phòng trừ:

+ Phun nước (có thể kết hợp với tưới nước trong mùa khô) vào tán cây bằng vòi áp lực cao để rửa trôi rệp sáp.

+Tỉa bỏ các bộ phận có nhiều rệp sáp để giảm bớt mật độ rệp sáp trong vườn.

+ Bảo vệ thiên địch (ong ký sinh trên rệp sáp) để góp phần khống chế mật độ rệp sáp trong tự nhiên.

+ Hạn chế trồng xen với những cây thường bị nhiễm rệp sáp như đu đủ, mãng cầu, ổi và một số cây khác.

+ Nếu bị rệp sáp gây hại nặng dùng các loại thuốc hóa học để phun. Biện pháp hóa học trong phòng trừ nhện cũng góp phần hạn chế rệp sáp.

Một số thuốc chứa các hoạt chất như Abamectin, Buprofezin, Acetamiprid, Carbosulfan, Azadirachtin, Chlorpyrifos Ethyl, Rotenone đã được đăng ký để phòng trừ rệp sáp. Chọn các loại thuốc đăng ký sử dụng trừ rệp sáp và nằm trong danh mục thuốc được phép sử dụng: Serpal Super 600EC,  Alexander 777 Cần phối với Dầu Khoáng Sinh Học để tránh tình trạng rệp sáp quen thuốc.

14. Một số sâu hại khác

Ngoài ra trên cây bơ còn có nhiều loại sâu hại ít quan trọng khác như rệp nâu/rệp muội, sâu đục vỏ thân, sâu đục cành, mọt đục thân cành, sâu ăn lá non, sâu róm, sâu ăn tạp, sâu kèn và một số đối tượng khác. Phòng trừ các sâu và nhện hại khác cũng góp phần khống chế các đối tượng gây hại này. Tư vấn chuyên ngành kỹ thuật khi gặp các đối tượng gây hại mới.

  1. Thiệt hại quả do gió

          Gió làm quả bị xây xát, gây vết thương sau đó tạo sẹo trên quả. Cần có hàng cây chắn gió để hạn chế ảnh hưởng của gió mạnh và cũng giảm quả bị xây xát. Tỉa bớt những quả bị xây xát kết hợp với tỉa thưa quả.

V. Kỹ thuật Thu hoạch

  1. Xác định thời điểm thu hoạch

Khi quả trên cây bắt đầu già, nó thường mất đi một phần bóng láng và đổi màu. Các đốm nhỏ màu nâu gỉ có thể phát triển ở mặt vỏ quả. Trên một số giống và quả có thể trông hơi xỉn màu hơn. Bên trong, vỏ hạt chuyển từ màu ngà sang màu nâu sẫm khi đủ độ già.

Có nhiều cách để xác định độ chín của quả:

Thu quả mẫu đề chín thử

– Chọn 5-10 quả bơ to hơn, đại diện cho lứa quả muốn xác định để thu hoạch. Mẫu quả thu được không có vết nứt vỏ, không có vết sâu bệnh hại.

 Để quả chín tự nhiên ở nhiệt độ phòng, nếm thử quả khi đã có thể ăn được, sau đó ăn để đánh giá. Quả đủ độ già thường chín trong vòng 7-12 ngày, mềm đồng nhất, không dai hay chai cứng và không bị đắng, quả không tóp lại và ăn ngon, hương vị ngon.

– Những quả còn lại sau đó có thể được hái trên cây khi cần.

Xác định thời điểm thu hoạch dựa vào quan sát quả

– Khi thấy cuống quả chuyển màu vàng hơn.

– Quả chuyển từ màu xanh sang màu tía (hay vệt tím nhạt) đối với giống vỏ màu đen khi chín.

– Đối với giống vỏ màu xanh khi chín. Vỏ quả chuyển từ màu xanh đậm sang nhạt hơn, bóng mượt hơn.

– Khi cắt quả và lấy hạt ra khỏi thịt quả thì vỏ hạt khô, có màu nâu sẫm và không dính với thịt quả.

– Một số giống có thể cầm lắc nhẹ quả nghe tiếng va đập của hạt là thu được.

Thông qua kiểm tra hàm lượng chất khô

Thường được áp dụng trong nghiên cứu kỹ thuật hay sản xuất quy mô lớn. Được thực hiện trong điều kiện phòng thí nghiệm.

Thông qua kiểm tra hàm lượng chất khô

Thường được áp dụng trong nghiên cứu hay sản xuất quy mô lớn. Được thực hiện trong điều kiện phòng thí nghiệm.

  1. Thu hoạch và vận chuyển quả

Nên đeo găng tay vải khi thu hoạch bơ. Không làm rơi quả; không để bị xây xát, bị tiếp xúc trực tiếp với nền đất. Sử dụng dụng cụ cắt chuyên dụng để hái quả tránh xây xát. Cắt cuống nhưng chừa ít nhất 0,5cm cuống quả, không được làm tổn thương đến phần thịt quả. Phân loại quả theo từng chất lượng. Không chất quá nhiều quả vào trong sọt, sẽ chèn ép làm hư quả phía dưới. Không để quả thu hoạch tiếp xúc ánh sáng trực tiếp, nên để trong bóng râm. Vận chuyển ngay sau khi thu hoạch tới địa điểm để rửa, phân loại, đóng gói, bảo quản.

– Quả bơ sau khi thu hoạch phải được vận chuyển sớm và đúng kỹ thuật về nơi sơ chế, bảo quản. Nếu sản lượng lớn nên có kho lạnh bảo quản. Nơi bảo quản tạm thời phải đảm bảo thoáng mát, khô ráo, không bị ảnh hưởng của mưa, nắng. Phải phân loại quả theo kích cỡ ngay sau khi thu hái. Và không bảo quản lẫn với các quả nứt vỡ, quả quá chín, quả bệnh. Phương tiện vận chuyển, dụng cụ và nơi bảo quản quả phải sạch, không bị nhiễm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và hóa chất độc hại khác.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2013) Giáo trình mô đun chuẩn bị trồng và trồng mới, trong Nghề trồng cây bơ, 79 trang.
  2. Gary S. Bender, John A. Menge, Ben A. Faber, Rex E. Marsh, Joseph G. Morse, Akif Eskalen, Mark Hoddle, R. G. Platt, Terrell P. Salmon (2012) Avocado production in California, A cultural Handbook for Growers, Book two – Cultural Care, Gary S. Bender, Second Edition.
  3. Mary Lu Arpaia, Gary S. Bender, Len Francis, John A. Menge, John S. Shepherd, Victor W. Smothers (2012) Avocado production in California, A cultural Handbook for Growers, Book one – Background Information, Gari S. Bender, Second Edition.
  4. Menge JA, Ploetz RC (2003) Diseases of avocado. In: Ploetz RC (ed) Diseases of tropical fruit crops. CABI Publishing, Wallingford, pp 35–72.
  5. Newett, S., McCarthy, A., Dirou, J., Miller, J., Hofman, P., Ireland, G., Pegg, K., Kernot, I., Searle, C., Ledger, S., Waite, G. and Vock, N. (2001) Avocado Information Kit. Agrilink, your growing guide to better farming guide. Agrilink Series QAL9906. Department of Primary Industries, Queensland Horticulture Institute. Brisbane, Queensland.
  6. Scot Nelson (2008) Diseases of avocaodo. Plant Disease Nov. 2008 PD-58. CTAHR, University of Hawaii.
  7. Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (2013) Cây giống bơ – Yêu cầu kỹ thuật. Tiêu chuẩn quốc gia, TCVN 9301:2013, 3 trang.
  8. Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (2015) Quy trình kỹ thuật thâm canh giống bơ TA1 và Booth 7.
  9. Whiley A.W. (1999) Avocado production in Australia. In Avocado production in Asia and the pacific, Bangkok, Thailand, 27-29 April, 1999. FAO/RAP, Thailand, pp. 5-14.
  10. Wolstenholme (eds). 2002. The avocado—botany, production and uses. CABI Publishing, New York. 416 p.
  11. Zentmyer, G.A. (1980) Phytophthora cinnamomi and the diseases it causes. Monograph 10, American Phytopathological Society, St Paul, Minnesota.
  12. Một số trang web gồm:

Avocado Types and Varieties

http://ucavo.ucr.edu/avocadovarieties/AvocadoVarieties.html

https://plantvillage.psu.edu/topics/avocado/infos

https://plantdiseasehandbook.tamu.edu/food-crops/fruit-crops/avocado/

http://cnas-re.uog.edu/wp-content/uploads/2017/04/Phellinus-noxius-Avocado.pdf

Công ty Nông Nghiệp Hoàng Minh
Địa chỉ: 170 Sư Vạn Hạnh, P.Hội Thương, Tp.Pleiku, Gia Lai
Điện thoai: 02693.820.823    –    Fax: 02693.820.823
Website: goldsunvn.com – nongnghiephoangminh.com
Email:[email protected] – [email protected]