KHẢO CỨU ĐẶC TRƯNG CỦA ĐIỂN CỐ TRONG VĂN HỌC NÔM
Văn học Việt Nam trung đại
KHẢO CỨU ĐẶC TRƯNG CỦA ĐIỂN CỐ TRONG VĂN HỌC NÔM
KHẢO CỨU ĐẶC TRƯNG CỦA ĐIỂN CỐ TRONG VĂN HỌC NÔM
TS. LÃ MINH HẰNG
Viện Nghiên cứu Hán Nôm
Mở đầu
Dùng điển là một trong những thủ pháp nghệ thuật đặc thù được sử dụng khá phổ biến trong văn học trung đại Việt Nam. Do ảnh hưởng của triết học và mĩ học phương Đông, đặc biệt là của Trung Hoa, dụng điển không chỉ là biện pháp tu từ mà còn là một dạng thức độc đáo để thể hiện tư tưởng tình cảm và xây dựng hình tượng nghệ thuật. Muốn hiểu được thấu đáo ý tứ sâu xa của từng câu chữ trong các tác phẩm văn học cổ nói chung và văn học Nôm nói riêng, người đọc người nghiên cứu buộc phải am tường về những điển tích, điển cố được trích dẫn từ những tác phẩm văn học Trung Hoa, từ những câu thành ngữ tục ngữ, từ những câu chuyện trong lịch sử Việt Nam.
Với số lượng thư tịch Nôm khá lớn hiện còn (khoảng 1500 tác phẩm Nôm, trong đó có tới hàng trăm tác phẩm thơ phú, truyện thơ Nôm, diễn ca lịch sử…) cho thấy sự cần thiết phải nắm vững điển cố, điển tích để từ đó đi sâu tìm hiểu, nghiên cứu các tác phẩm văn học Nôm. Trong bài khảo cứu này, chúng tôi sẽ khảo cứu về đặc trưng hình thức và nội dung của điển cố, khảo cứu về việc sử dụng điển cố trong văn học Nôm.
1. Đặc điểm hình thức của điển cố
Trong văn học Nôm, điển cố có cách thể hiện khá đa dạng và linh động, đặc tính này có thể thấy rõ ở các trường hợp biến thể của điển cố gốc Hán. Có thể xem xét đặc điểm hình thức của điển cố ở các khía cạnh sau
a. Về phương diện ngữ pháp và từ pháp:
a1. Điển cố là một từ, điển cố loại này chiếm số lượng không nhiều, xét về mặt hình thức, điển loại này có 2 dạng thức:
– Mượn nguyên xi từ 01 điển cố Hán, như các điển Ca đào, Kim cải, Đằng các, Giai lão, Nguyệt hạ lão nhân, Cửu trùng…
– Thay đổi trật tự từ trong điển gốc Hán, ví dụ vừa có điển Kim cải vừa có điển Cải kim, vừa có điển Đằng các lại có cả điển Các đằng.
a2. Điển cố là một ngữ, điển nguyên (điển gốc Hán) chủ yếu được cấu tạo bằng 1 từ (thường là từ song tiết). Các điển gốc Hán, nhiều trường hợp không thể dùng trong các văn bản văn xuôi thuần Việt, đặc biệt trong các văn bản thơ lục bát và song thất lục bát. Để đảm bảo sự trong sáng của tiếng Việt cũng như để hiệp vần thơ, các điển gốc Hán đã có sự chỉnh sửa bằng cách cho thêm các yếu tố cấu tạo ngữ, cấu tạo câu. Đa phần các điển cố sử dụng trong văn bản Nôm được cấu tạo từ một ngữ. Cấu tạo hình thức của điển loại này có thể gồm các dạng: ① Điển là 01 ngữ danh từ, gồm có 2 tiểu loại: loại có cấu trúc chính phụ, như các điển: Cánh bằng, Bến Ngân, Cây cù, Cảnh Bồng hồ, Nơi tăm cá, Bóng bạch câu, Chỉ đỏ… và loại danh ngữ có cấu trúc song song, như: Hồ Việt, Cầm sắt, Bấc chì, Cơm áo (điển về Hàn Tín khi còn cơ hàn được Phiếu mẫu nuôi); ② Điển là 01 ngữ động từ, như: Đổ nước (kết cấu động từ – bổ ngữ, điển gốc: “khuynh quốc khuynh thành”), Bể nam bay bụi (kết cấu trạng – động – bổ, điển gốc: “Bãi bể nương dâu”), Nâng gối chiếu (kết cấu động – bổ, điển gốc: “Sửa túi nâng khăn”); ③ Điển là 01 ngữ tính từ, như: Đều già (phụ từ – tính từ, điển gốc: “Bách niên giai lão”); ④ Điển là 01 trạng ngữ chỉ địa điểm, như Dưới trăng (điển gốc: “Nguyệt hạ lão nhân”) và ⑤Điển là kết cấu số + lượng từ, như: Chín lần và Chín tầng (điển gốc: “Cửu trùng”), điển Chín sông và Chín suối (điển gốc: “Cửu tuyền”). Dưới đây là một vài ví dụ về trường hợp điển cố là 01 ngữ:
“Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”
(ĐTTT)
Bể dâu là một biến thể của điển cố nguyên gốc “thương hải tang điền”, chỉ sự thay đổi của cuộc đời. Điển này được mượn từ sách Liệt tiên truyện. Trong văn bản Nôm, đã thấy có sự kết hợp “bể dâu” (dịch nghĩa của “tang điền”) với yếu tố cấu tạo danh ngữ “cuộc” tạo thành kết cấu danh ngữ “cuộc bể dâu”. Đây là một dạng biến thể của điển cố được dùng trong văn học Nôm. Một số điển ngữ khác lại được hình thành do tóm lược nội dung của điển Hán, trích lấy những từ ngữ chính trong tích chuyện gốc Hán, ví dụ điểnNôm Án họ Mạnh vốn được lấy từ điển Hán “tề mi” hay “cử án tề mi” trong sách Hậu Hán thư. Câu chuyện nói về tình cảm và sự tôn trọng của nàng Mạnh Quang đối với người chồng. Xét về hình thức đây là điển danh ngữ.
a3. Điển cố là một câu, trong câu Cáo đội oai hùm mà nát chúng, Ruồi nương đuôi ngựa luống khoe người (BV, 20a5), điển Cáo đội oai hùm được cấu trúc thành 01 câu hoàn chỉnh về nghĩa. Điển này vốn mượn từ ngữ Hồ giả hổ uy “cáo mượn oai hổ” được ghi trong Chiến quốc sách – Sở sách nhất. Thuộc vào loại này còn có các điển khác như: Cung tên là chí (điển gốc: “tang bồng hồ thỉ”), Chim xanh rao lời hay Chim xanh đưa tin (điển gốc: “thanh điểu”), Ngựa qua cửa sổ (điển gốc: “bạch câu quá khích”), Cá đưa tin (điển gốc: “ngư thư”), Cá nhảy vũ cửa (điển gốc: “cá vượt vũ môn”)… đều được cấu trúc thành 01 câu hoàn chỉnh về nghĩa.
a4. Điển cố là một khổ thơ (một đôi câu lục bát): trong một số văn bản Nôm, điển cố chưa được rút gọn đến mức thấp nhất. Điều đó có nghĩa: ở những điển cố loại này chưa đảm bảo được tính lắng đọng từ ngữ (như tiêu chuẩn về điển cố của học giả Trung Quốc đề ra). Những điển cố loại này được hình thành do sự tóm lược nội dung của câu chuyện trong văn học cổ (Trung Hoa hoặc Việt Nam).
“Trước sau nào thấy bóng người
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông”
(ĐTTT)
Cả 2 câu thơ nêu trên đã dùng hình thức tóm lược nội dung bài Nhân diện đào hoa của nhà thơ Thôi Hộ thời Đường.
Hiện tượng tóm lược nội dung của các bài thơ như nêu trên được thể hiện khá tập trung trong Mao thi ngâm vịnh thực lục. Xét về hình thức rất giống với cách dụng điển nêu trên. Từ ngữ trong 2 câu thơ tóm lược chính là lời điển (điển ngữ) và các nhân tố của điển. Sau này, văn học cổ thường dùng các yếu tố này làm lời điển. Ví dụ bài Bảo vũ trong tập Kinh Thi – Đường phong đã nói lên khát vọng của nhân dân về một cuộc sống hòa bình, phản đối chiến tranh phi nghĩa. Bằng biện pháp tu từ tinh xảo, tác giả khúc ngâm đã giới thiệu:
“Thấy con bảo vũ trên cành
Thêm phiền đi việc tòng chinh lâu về”
(Mao thi)
Các yếu tố “hoa đào”, “gió đông” và “bảo vũ” đều là các nhân tố của điển. Trong hoạt động sáng tác thơ ca sau này, các thi nhân Trung đại đều dùng chúng với tư cách là lời điển (điển ngữ) độc lập.
b. Xem xét số lượng âm tiết (ngữ âm) được sử dụng trong điển cố, thấy: Các điển cố sử dụng trong văn bản Nôm phần nhiều có nguồn gốc từ điển cố Trung Quốc và đều được đọc theo âm đọc Hán Việt. Đa phần điển cố được sử dụng trong văn bản Nôm có từ 2 – 4 chữ, điển cố 2 chữ được sử dụng với tần số nhiều nhất. Do yêu cầu sử dụng trong các văn bản truyện thơ Nôm (được làm theo thể thơ truyền thống của Việt Nam là lục bát và song thất lục bát), một số điển cố Hán đã có sự chỉnh sửa (chủ yếu là tăng thêm) về số chữ trong mỗi điển để đảm bảo số chữ trong câu thơ, và cũng để đảm bảo luật thơ.
Ví dụ 1: Ngữ “thương hải tang điền” trong văn học cổ Trung Quốc dùng để nói về sự biến đổi thăng trầm của cuộc đời. Trong tác phẩm phú của Việt Nam, để đảm bảo sự cân đối về ngữ âm cũng như sự đăng đối về ý nghĩa, điển “thương hải tang điền” đã có sự thay đổi về số chữ như sau
“Đã ngậm ngùi bãi bể biến nương dâu, Thêm thắc mắc lửa thành lay bóng cá” (QA.phú, 31b3);
Thêm động từ biến vào để có sự đăng đối về ý với động từ lay ở vế sau.
Ví dụ 2: “Bách nhị sơn hà” hay “Bách nhị” trong văn học cổ Trung Quốc là 1 điển cố nói về địa thế núi non hiểm trở. Khi sử dụng điển cố này trong văn học Nôm, trường hợp dùng trong tác phẩm văn xuôi như Truyền kì mạn lục, để sáng rõ hơnnghĩa, điển cố nguyên gốc “Bách nhị” đã có sự gia tăng về số chữ, đồng thời chuyển ghi bằng ngôn ngữ văn tự dân tộc: từ Bách nhị → Hai địch trăm. Điển cố này được dùng trong văn bản Nôm như sau:
“Trong sông núi hai địch trăm, dấy mũi nhọn cùng đánh, Dắt đem chúng con em vào đất Quan Trung” (TKML, q1,2a);
2. Đặc điểm về nội dung ngữ nghĩa của điển cố
Điển cố bao giờ cũng có 2 nghĩa: nghĩa đen và nghĩa bóng. Nghĩa đen được hiểu là nghĩa của điển ngữ, ghi lại hình ảnh, cụ thể, sinh động về sự vật. Nghĩa bóng là nghĩa được dùng trong điển cố, mang tính khái quát, trừu tượng, có khi dùng để ám chỉ một sự vật, một tính chất, một hành động. Bởi vậy nghĩa bóng thường rất đa dạng, nhiều màu sắc biểu cảm. Sử dụng điển cố một cách hữu hiệu chính là vận dụng hài hòa, thống nhất giữa nghĩa đen và nghĩa bóng. Xét về nội dung ngữ nghĩa, điển cố có các đặc trưng sau
a. Tính khái quát
Điển cố được thể hiện cô đọng trong một vài chữ, nhưng lại mang tính khái quát cao, giàu hình tượng. Thông qua một từ ngữ ngắn gọn, điển cố dẫn người đọc vào thế giới cổ xưa, đi đến một ý nghĩa chung, khái quát cho hình ảnh đấy.
Ví dụ 1: điển Hán Tam hòe 三槐 (Nôm dùng Ba hòe) dẫn người đọc đi đến câu chuyện thời xưa khi bá quan đến chầu Thiên tử thường đứng hướng mặt về phía có trồng ba cây hòe. Từ hình ảnh về một trường hợp cụ thể, các tác phẩm văn học cổ Trung Quốc nhân đó dùng “Tam hòe” để chỉ Tam công. Sách Chu lễ, mục Thu quan, phần Triều sĩ có câu: “Mặt hướng về ba cây hòe, đó là địa vị của Tam công vậy”. Vương Hữu đời Tống từng tự tay trồng ba cây hòe ở sân và bảo rằng: “Con cháu của ta ắt sẽ có người làm đến chức Tam công.” Về sau con của ông quả là vào triều làm tướng, thiên hạ gọi là “Tam hòe Vương thị”. Văn học Nôm cũng đã sử dụng điển cố này để chỉ Tam công, và về sau dùng để chỉ quan lại nói chung:
“Xưa chồi cành ba hòe năm quế
Dòng phúc dài sông bể tuôn đưa”
(QA phú, 17a9)
Ví dụ 2: điển Bẻ quế xuất phát từ một câu chuyện Vũ Đế khi tiệc hội ở Đông đường có hỏi Sằn rằng: ‘Khanh tự thấy thế nào?’ Sằn đáp rằng: ‘thần thi đối sách hiền lương, là người đứng đầu trong thiên hạ, cũng như một cành quế thơm, hay phiến ngọc ở Côn Sơn.’ Sau này người ta nhân đó dùng “bẻ quế” để chỉ người đỗ đạt. (Tấn thư – Khích Sằn truyện). Nhà thơ Đỗ Phủ thời Đường cũng đã mượn câu chuyện trên trong bài Đồng đậu Lô phong tri tự vận:梦兰他日应,折桂早年知Mộng lan tha nhật ứng, Chiết quế tảo niên tri (Giấc mộng hoa lan ngày nào đã ứng nghiệm, Sớm biết tuổi trẻ bẻ cành quế). Văn học cổ Trung Quốc và văn học trung đại Việt Nam đều dùng “bẻ quế” để nói về chí hướng thi đỗ lập công danh:
Từ khi: bẻ quế tay cầm, Lá dương cung bắn (QA.phú, 1a5).
Tính khái quát của điển cố còn thể hiện ở việc một điển cố còn có thể mang nhiều ý nghĩa, khái quát cho những tính chất và hình tượng khác nhau có mối liên quan gần gũi. Ví dụ chuyện về ngọc bích Biện Hòa được các văn nhân thể hiện dưới các dạng khác nhau, như Hòa thị, Biện Hòa, Sở nhân, Sở sơn, Kinh nhân, Kinh sơn… với nhiều nội dung và ý nghĩa khác nhau: Hòa thị chi phác (ngọc họ Hòa) dùng để nói về cái đẹp; phẩm chất của con người được ví với hòa ngọc (chỉ phẩm chất thuần hậu); chỉ cái hay cái đẹp của trước tác dùng từ lâm chi hòa bích (“…được xem là nhân tài quý hiếm (là viên ngọc họ Hòa) về sáng tác thơ ca”); dùng Kinh Sơn bích để chỉ mặt trăng, mặt trăng sáng như viên ngọc ở Kinh Sơn… Câu chuyện họ Hoà dâng ngọc quý cho vua đã trở thành một điển cố điển hình trong văn học cổ. Có thể thấy, từ một sự kiện, một điển cố, các tác giả đã đứng từ nhiều góc độ khác nhau, khai thác các ý nghĩa khác nhau. Mỗi góc độ điển cố mang tính khái quát cao, biểu hiện một nội hàm ý nghĩa cụ thể dưới nhiều hình thức đa dạng.
b. Tính hình tượng
Lối so sánh của điển cố vừa gần lại vừa xa, vừa kín đáo vừa sinh động nhưng lại có sức biểu cảm mạnh mẽ, giúp cho người đọc có thể cảm thụ được sâu sắc hơn. Sự tác động đó có được là do ngoài tính biểu cảm, điển cố còn biểu hiện rõ tính hình tượng. Ví dụ Truyện Kiều có câu “Dập dìu lá gió cành chim, Sớm đưa Tống Ngọc tối tìm Tràng Khanh”, ngữ “lá gió cành chim” vốn được mượn câu thơ của nàng Tiết Đào thời Đường. Qua điển cố này, người đọc có thể hình dung hình ảnh lá đưa đẩy vì gió, cành cây có chim đậu, từ “dập dìu” dùng để chỉ cảnh người đi qua lại đông đúc…
c. Tính liên tưởng
Dụng điển là nghệ thuật xây dựng hình tượng bằng ngôn ngữ, kích thích sự tưởng tượng và liên tưởng. Khi điển cố nằm trong một ngữ cảnh nhất định, từ hình tượng, người đọc nhanh chóng tái hiện một sự liên tưởng trong đầu óc của mình, tái hiện lại hình ảnh về câu chuyện trong thư tịch cổ. Nội dung của điển cố lập tức được lĩnh hội với tư cách là những hình ảnh cụ thể, sinh động, gợi cảm và hấp dẫn. Sự liên tưởng, so sánh trong quá trình tư duy của người đọc là chất xúc tác kết hợp nghĩa trực tiếp của điển cố với hiện thực văn cảnh, từ đó tạo nên đặc trưng của điển cố. Có thể hình dung quá trình này như sau: lấy điển Bãi bể nương dâu làm ví dụ. Điển này được dịch từ điển cố Hán “Thương hải tang điền”, chỉ sự biến đổi của cuộc đời. Người đọc từ hình ảnh cụ thể (bãi bể biến thành nương dâu) mà liên tưởng đến một sự thay đổi lớn trong xã hội, trong cuộc đời:
“Khóc vì nỗi thiết tha sự thế, Ai bày trò bãi bể nương dâu” (C.oán, 3b6).
d. Tính cô đọng, hàm súc
Điển cố hàm chứa nội dung, ý nghĩa sâu sắc nhưng lại được thể hiện dưới một hình thức tiết kiệm lời đến mức thấp nhất. Có thể nói, đây là yêu cầu quan trọng của việc dùng điển: điển càng cô đọng, hàm súc, lời ít ý nhiều thì càng đạt, đạt yêu cầu của quá trình sáng tác thơ ca (đảm bảo niêm luật). Điển cố đạt chuẩn là điển cô đọng, hàm súc, nhưng lại vừa đảm bảo mục đích là kích thích óc liên tưởng của độc giả; lại vừa thể hiện trình độ dụng điển của tác giả.
Ví dụ: khi muốn trình bày về việc có những nhận định chủ quan khi nhìn nhận đánh giá sự việc và con người, “yêu ai yêu cả đường đi lối về” như người xưa thường nói, văn học cổ đã dùng điển “ái ốc cập ô” của Trung Quốc. Điển “ái ốc cập ô” có xuất xứ từ Thượng thư đại truyện, nói về việc: khi yêu người nào thì yêu luôn cả con quạ đậu trên nóc nhà người ấy. Thủy Hử kí, Đầu giao của Hứa Tự Xương đời Minh đã ghi “Họ đều là những người quen biết, anh cớ sao không lấy tình ‘ái ốc cập ô’ mà cư xử với họ”. Trong văn học Nôm của Việt Nam, tác phẩm Đinh Lưu Tú diễn ca cũng ghi “Vì anh tôi nên phải gia công”, Chữ “ái ốc cập ô” phải vậy (ĐLT, 33a4). Có thể thấy, ái ốc cập ô mang tính cô đọng, hàm súc lớn. Cho nên, tuy sử dụng tiết kiệm lời đến mức thấp nhất, nhưng vẫn đảm bảo chuyển tải được tất cả những gì tác giả muốn truyền đạt.
Để nói về người có tài văn chương, trong Đinh Lưu Tú diễn ca có câu Võ sáu thao trải biết, Văn bảy bước vừa thông (ĐLT, 2a7). “Văn bảy bước” là điển được mượn từ bài thơ do Tào Thực nước Ngụy thời Tam quốc làm. Tương truyền Ngụy Văn Đế là Tào Phi muốn hại em mình là Tào Thực, liền sai ông ta trong vòng bảy bước chân làm được một bài thơ, nếu không sẽ xử tử. Tào thực lập tức làm thành bài thơ rằng: 煮豆持作羹,漉豉以为汁。萁在釜下燃,豆在釜中泣。本是同根生,相煎何太急- Chử đậu trì tác canh, Lộc thị dĩ vi trấp, Cơ tại phủ há nhiên, Đậu tại phủ trung khấp. Bản thị đồng căn sinh, Tương tiễn hà thái cấp (Nấu đậu để làm canh, Hạt bỏ vào nồi nấu, Cành ở dưới mà đun, Đậu ở trong nồi khóc, Sinh ra cùng một gốc, Sao nỡ đốt thiêu nhau!). Tào Phi nghe xong hổ thẹn, tha cho Tào Thực.
3. Việc sử dụng điển cố ở Việt Nam
3.1. Mục đích, tác dụng của việc sử dụng điển cố
* Các nhà nho Việt Nam rất hay dùng điển trong sáng tác thơ văn, xem điển cố là phương thức đặc biệt để xây dựng câu thơ, câu văn. Do đặc điểm cấu tạo của điển cố là chỉ gói gọn trong một vài từ, nhưng vẫn có thể biểu đạt một nội dung phong phú, dẫn đến tính chất của điển cố là gợi mở và kích thích sự liên tưởng của độc giả. Từ ngữ cô đọng của điển cố có thể khắc hoạ được hình tượng cụ thể, sinh động, phản ánh mọi sinh hoạt văn hoá, biểu đạt tư tưởng tình cảm của tác giả và góp phần làm cho câu văn, câu thơ không bị khô khan. Mượn điển cố nhằm các mục đích sau:
– Dùng để xây dựng hình tượng nhân vật: để khắc hoạ hình ảnh, đạo đức người phụ nữ dưới chế độ phong kiến, khi mà các tiêu chuẩn đánh giá người phụ nữ xưa là phải tuân theo đạo tam tòng tứ đức, văn học cổ đã dùng điển “án họ Mạnh”, “bưng mâm tày mày”. Điển này có xuất xứ từ câu chuyện kể về nàng Mạnh Quang mỗi khi dâng cơm cho chồng đều dâng cao ngang mày để tỏ lòng kính trọng:
“Án họ Mạnh những ngang mày cứ mực, Ấm êm đành hương lửa bén duyên” (Lệ ngữ, 7a4);
“Bưng mâm tày mày, chửa biết chưng phép thói nàng Mạnh Quang” (TKML, q3, 48b).
– Dùng để miêu tả hoàn cảnh chính trị, xã hội đương thời, ví dụ: điển “Gạo châu củi quế” xuất phát từ Sử kí của Tư Mã Thiên. Nguyên ngữ Châu mễ quế tân珠米桂薪, muốn nói đến thời buổi mà gạo thì đắt đỏ ngang với châu ngọc, củi đắt ngang với quế. Nhà thơ Quy Hữu Quang đời Minh trong bài thơ thứ ba của chùm thơ Dữ Chu Điến Sơn có viết: Bắc địa cực hàn, Châu mễ quế tân, đãi bất năng độ nhật nghĩa là “Phương bắc đang rất lạnh, gạo đắt như châu ngọc, củi đắt như quế, sợ rằng không thể nào qua được nạn này”. Văn học cổ thường dùng điển này để nói đến thời buổi giá cả đắt đỏ khiến cho cuộc sống dân chúng vô cùng khó khăn, vất vả. Điển này được ghi trong Truyền kì mạn lục: “Phương chi đất Kẻ chợ nấu gạo châu thổi củi quế, khôn chưng nghỉ đủ” (q3, 52b).
– Dùng để miêu tả hoàn cảnh tự nhiên: Chinh phụ ngâm đã miêu tả hoàn cảnh tự nhiên qua câu “Đoái trông theo đã cách ngăn. Tuôn màu mây biếc, trải ngần núi xanh”. Câu thơ “Tuôn màu mây biếc, trải ngần núi xanh” lấy ý từ câu thơ của Mạnh Hạo Nhiên đời Đường: “Quân vọng bạch văn khứ, dư vọng thanh sơn quy” (chàng trông mấy trắng khi ra đi, Thiếp trông núi xanh khi trở về).
* Điển cố được dùng để bộc lộ chí hướng, để diễn đạt tâm tình, thể hiện thái độ, ý nguyện của tác giả. Ví dụ điển “Bằng cánh” dùng để nói về chí lớn của đấng nam nhi. Điển này vốn dẫn trong Trang tử, thiên Tiêu dao du rằng: “Ở bể Bắc có con cá, tên là cá côn… hóa thành con chim, tên là chim bằng.” Sau này người ta dùng “Bằng côn” hoặc “Côn bằng” để ví von người có đủ hùng tài đại lược giúp nước, cứu đời. Trong bài Lâm chung thi của Cố Hoan nước Tề thời Nam triều có câu: “Côn bằng thích đại hải, Điêu cưu chi tang chá” (Côn bằng gặp biển lớn, ve sầu trên cây dâu.) Đoạn trường tân thanh cũng chép:
“Quyết lời dứt áo ra đi,
Gió đưa bằng cánh đã lìa dặm khơi”
(ĐTTT, 64b6).
– Điển Bạng duật tương trì vốn được dẫn từ Chiến quốc sách – Yên sách nhị “Nay thần đi qua Dịch thủy thấy con trai vừa ra phơi mình thì bị con cò mổ thịt, con trai hợp lại, kẹp chặt miệng. Con cò nói: ‘Hôm nay không mưa, ngày mai không mưa, ắt là có con trai chết.’ Con trai cũng bảo với con cò rằng: ‘Hôm nay không ra, ngày mai không ra, ắt sẽ có con cò chết’”. Hai con vật không thể hợp nhau, người đánh cá nhìn thấy, bắt cả hai con. Về sau người ta dùng “bạng duật tương trì” để ví với việc hai bên tranh nhau, hai bên cùng thua thiệt, thương tổn, làm cho kẻ thứ ba được hưởng lợi. Trong Biên phòng trung, Tần Quan đời Tống có viết: “Trời chán ghét người Khương, nội loạn nổi lên liên tục, quyền thần chuyên quyền, ‘bạng duật tương trì’”. Hồng Đức quốc âm đã dùng điển này để thể hiện tâm trạng của tác giả trước thời cuộc:
“Ngư hà song viết ngày thường đủ,
Bạng duật đôi co thế ngại nhòm”
(HĐQÂ, 34a4).
– Văn học cổ đã dùng điển bóng thừa để biểu thị sự biết ơn đối với người đã giúp đỡ mình. Bóng thừa dịch nghĩa của “Dư quang”, nghĩađen “ánh sáng nhiều, ánh sáng thừa”. Sử kí – Xư Lí tử Cam Mậu liệt truyện có chép: “Thần nghe chuyện con gái nhà nghèo và con gái nhà giàu cùng xe sợi, con gái nhà nghèo nói rằng: ‘Tôi không có tiền để mua đuốc, nhưng ánh sáng từ đuốc của chị may mà có thừa, chị có thể chia bóng thừa cho tôi, không làm giảm bớt ánh sáng của chị, lại vừa được một cái tiện đó’. Nay thần gặp khốn khó nhưng vì nhà vua sai đi sứ nước Tần mà tôi lên đường. Vợ con của Mậu còn ở đó, mong nhà vua ban ít ánh sáng thừa cứu giúp họ”. Sau dùng để tán dương ân huệ, phúc trạch mà người khác ban cho mình.
“Chút trong buổi mới láng giềng,
Gần soi may được nhờ riêng bóng thừa”
(H.Tiên, 7a2).
3.2. Cách khai thác điển cố trong văn học Nôm, phần này sẽ tìm hiểu cách khai thác điển cố ở 2 khía cạnh: ý nghĩa và nguồn gốc xuất xứ của điển.
* Xét về ý nghĩa, có các hướng khai thác điển cố như sau: (1)Mượn tên người, ví dụ các điển: Họ Lý, Chàng Vương, Tây Thi, Hằng Nga, Nghiêu Thuấn, Mãi Thần…, (2) Mượn tên đất, ví dụ các điển: Mạn Khê, Cầu Thước, Mộng Nam Kha, Sông Ngô bể Sở(3)Mượn tên triều đại, ví dụ các điển: Vạc Hán, xe Đường(4)Mượn tên cung điện, đền đài, ví dụ các điển: Điện Tô, Cung Quảng, Quỳnh Uyển(5)Mượn tên chức quan, ví dụ điển: Quan trong (chức quan hoạn, phục vụ trong cung vua) (6)Mượn tên đồ vật, ví dụ các điển: Can tương, Rèm tương (từ điển “màn Tương”: Rèm làm bằng trúc sông Tương, rèm tình yêu); điển Sắt cầm (đàn sắt đàn cầm, chỉ tình vợ chồng thắm thiết), (7)Mượn tên khúc hát, ví dụ điển: Khúc Nghê Thường, (8)Mượn tên sách, ví dụ điển: Quy khứ lai vốn là tên một bài thơ, được dùng làm điển trong bài thơ Côn Sơn ca, (9) Mượn tục lệ thói quen: điển Gia quan, lễ gia quan dành cho con trai đến tuổi 20, điển này được dùng trong bài Tụng Tây hồ phú, (10) Mượn các thuật ngữ, ví dụ: điển Giao phù được lấy trong Kinh Dịch, chỉ những người có cùng chí hướng mà không nghi kị nhau; điển Quan quan là từ đầu tiên trong Kinh Thi – Quan thư, dùng để nói về việc quân tử, thục nữ đẹp đôi; điển Quỳnh cư vốn là từ được dùng trong Thi kinh – Vệ phong – Mộc qua dùng nói về sự tặng đáp…, (11) Mượn từ ngữ: điển Mùi chi lan chỉ mùi thơm của cỏ chi cỏ lan, mùi hương sực nức, hương thơm của nó hòa hợp với nhau. Văn học cổ dùng điển này để nói về tình anh em bạn bè tốt, ví dụ “Bạn đèn sách một hai tri thức, Mùi chi lan sực nức một nhà”.
* Xét về xuất xứ, chủ yếu có 02 hướng khai thác như sau:
– Mượn điển cố Trung hoa: đại đa số điển cố trong văn học Nôm đều được lấy từ các nguồn ngữ liệu của điển cố Trung Hoa.
– Dùng điển của Việt Nam: số điển có nguồn gốc từ các tác phẩm thơ ca, truyện, truyền thuyết lịch sử, tục ngữ ca dao của Việt Nam… không nhiều. Điển loại này được hình thành trên cơ sở “tập cổ”, nghĩa là học tập cách thức dụng điển truyền thống của Trung Hoa vào trường hợp Việt Nam. Ví dụ điển Cầu kiều có nguồn gốc từ câu ca dao của Việt Nam “muốn sang thì bắc cầu Kiều, muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”. Các điển khác như Mạt cưa mướp đắng (chỉ những phường gian dối gặp phải nhau), Quýt làm cam chịu (chỉ việc người này gây lỗi để người khác phải gánh chịu hậu quả), Ống thẳng bầu tròn (chỉ việc ở đâu thì phải theo phong tục ở đó, lựa theo hoàn cảnh mà cư xử cho phù hợp)… đều có nguồn gốc từ các thành ngữ, tục ngữ của Việt Nam.
* Việc sử dụng điển cố về đại thể có những cách chủ yếu sau: jDẫn dụng trực tiếp (điển Ba quyển vũ kinh, vốn xuất phát từ điển Hán “tam lược lục thao” gọi tắt “tam lược”: tên gọi các bộ sách quân sự, sau dùng phiếm chỉ tài quân sự), k Phản dụng (mượn theo nghĩa trái ngược, ví dụ trong văn bản Việt sử diễn âm có dùng điển Ải tắt khói lang khi nói đến cảnh thái bình thịnh trị. Điển này vốn được mượn của điển Hán “khói lang” dùng để chỉ đất nước có chiến tranh), l Tá dụng (điển Chử đậu, nguyên ngữ Chử đậu nhiên ky “nấu đậu đun bằng dây đậu”. Mượn hình ảnh dùng dây đậu làm củi đun để nấu canh đậu. Bằng hình ảnh này, tác giả muốn nói đến cảnh cốt nhục tương tàn, chuyện được chép trong Thế thuyết tân ngữ -Văn học của Lưu Nghĩa Khánh đời Tống. Chử đậu về sau đã trở thành điển cố và được dùng nhiều trong văn học cổ) m Nhất điển đa dụng (một điển nhiều cách dùng khác nhau) ví dụ điển Côn ngọc có thể dùng trong 2 trường hợp: chỉ “người có chí ý cao khiết” vàcòn là “từ để gọi anh em trai của người khác”; điển Cung quế có 3 nghĩa: “tên cung thành”, chỉ “cung trăng” và chỉ “hoàng cung, triều đình”; điển Đan tiêu dùng chỉ “bầu trời” và dùng chỉ “nơi vua ở” và n ám dụng (điển Bóng dâu, Bóng ngả cành dâu vốn xuất phát từ từ Hán Tang du “cây tang và cây du”. Đây là giống cây đó do cha mẹ trồng. Về sau văn học cổ còn dùng điển này để chỉ cha mẹ, lại còn dùng ám chỉ quê hương, vì nơi đó có cha mẹ sinh sống.
3.3. Sự phát triển của điển cố
Chế độ khoa cử đòi hỏi sĩ tử phải am hiểu luật thơ, thông thuộc Tứ thư, Ngũ kinh, thông thuộc thơ văn của tiền nhân cũng như các điển cố được ghi chép trong đó. Việc dùng điển ở Việt Nam không hoàn toàn là việc bắt chước, rập khuôn của việc dùng điển cố trong văn học Trung Quốc. Điển cố được các nhà nho Việt Nam tiếp thu có chọn lọc và sáng tạo.
Quan niệm về điển cố và sử dụng điển cố ở Việt Nam có nhiều điểm giống với ở Trung Quốc. Quá trình sử dụng điển cố trong văn học Việt Nam có thể nói diễn ra song song với quá trình người Việt Nam sử dụng chữ Hán: điển cố xuất hiện ngay từ trong những văn bản chữ Hán đầu tiên. Điều này có nguyên do: khi các nhà văn Việt Nam sáng tác ra các tác phẩm chữ Hán và chữ Nôm thì văn học Trung Quốc đã có hàng ngàn năm lịch sử với kho tàng điển cố rất phong phú.
– Điển cố Hán đọc theo âm Hán Việt: Sử dụng điển cố được xem như là một đặc trưng cơ bản của văn học trung đại, thể hiện đầy đủ quan niệm thẩm mĩ và triết học cổ của người phương Đông. Khi chữ Nôm chưa hình thành, văn học chữ Hán của Việt Nam phần lớn mượn dùng các điển gốc Hán, đọc theo âm đọc Hán Việt.
– Điển cố Hán được Việt hoá được tính từ khi Việt Nam giành quyền tự chủ. Đây là giai đoạn đánh dấu sự hình thành và phát triển văn hóa dân tộc, là thời kì mà công cuộc dân tộc hóa ngôn ngữ được tiến hành rộng khắp và đạt được nhiều thành tựu. Hoàn cảnh này tất yếu tác động mạnh mẽ đến việc sử dụng điển cố. Khi chữ Nôm hình thành, điển cố tồn tại dưới 2 hình thức: điển Hán Việt và điển thuần Việt. Điển cố âm Hán Việt thể hiện sự sáng tạo của nhà văn. Điển cố thuần Việt thể hiện sự mềm mại, gần gụi hơn nhiều so với điển âm Hán Việt. Với việc dùng điển cố thuần Việt cho thấy tiếng Việt đã sánh ngang hàng với chữ Hán ở trình độ cao. Thế kỷ XIX, khi chữ Nôm phát triển đến cực thịnh, điển cố thuần Việt có số lượng tăng lên đáng kể. Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, điển cố đã được Việt hóa thành công, điều này thể hiện rõ ở số lượng điển cố thuần Việt trong tác phẩm có số lượng vượt hơn so với điển cố âm Hán Việt.
– Giai đoạn chữ Quốc ngữ hình thành: khi chữ Hán và chữ Nôm không còn được sử dụng nữa, số phận của điển cố cũng không thoát khỏi cái thế chung như chữ Hán, chữ Nôm. Đây là giai đoạn suy tàn của điển cố. Với sự xuất hiện của nền quốc văn mới, lối văn cũ, nhất là điển cố, thiên về hoa mĩ, chứa nhiều hàm ý trở thành lạc hậu không còn cần thiết cho lối văn, thể thơ mới. Thế Lữ đã phê bình gay gắt lối thơ cũ “Các ông khen âm điệu thơ cũ thánh thót, âm thầm như tiếng đàn năm cung. Không ai cãi lại hai ông, nhưng tiếc rằng khi nghĩ đến đàn, các ông lại nghĩ đến tính tình của người khác, xúc động bằng tâm hồn của người khác, vì trong lòng các ông không có một cảm xúc riêng nào… Chỉ quanh quẩn những điển tích mà đã mấy nghìn lần người ta nhắc đến, nghe quen tai quá”.
Thay lời kết
Trong văn học cổ Việt Nam và Trung Quốc, điển cố là một thủ pháp nghệ thuật đặc thù được sử dụng rất lâu đời. Điển cố là những từ ngữ về chuyện xưa, tích cũ, hoặc mượn ý mượn lời từ thơ ca xưa được tác giả dùng làm phương tiện để diễn đạt ý tưởng một cách ngắn gọn, hàm súc. Điển cố có nhiều hình thức biến thể rất đa dạng, được sắp xếp ngắn gọn trong một từ hoặc một nhóm từ, chứa đựng ý nghĩa sâu sắc, khác với phép ẩn dụ và hoán dụ thông thường. Vì vậy, để hiểu được điển cố người đọc cần có trình độ văn hóa cao. Xét về góc độ tu từ học: điển cố không chỉ có tính khái quát cao mà còn có các đặc tính chung như tính hình tượng, liên tưởng, cô đọng hàm súc, đa dạng và linh động.
Nguồn gốc điển cố trong văn học cổ Việt Nam rất phong phú, phương thức khai thác điển cố khá đa dạng. Người xưa dùng điển cố không ngoài lí do làm cho câu thơ câu văn thêm sâu sắc, tinh tế, thanh nhã, sinh động, nhiều màu sắc và uyên bác. Với việc sử dụng điển cố, nhà thơ, nhà văn của Việt Nam từ xưa đã khẳng định khả năng sáng tạo và tính độc lập của mình (về tư tưởng, về nghệ thuật) trong hoạt động sáng tác. Có thể nói, lịch sử sử dụng điển cố trong văn học Việt Nam diễn ra đồng thời với lịch sử phát triển của tiếng Việt. Đó là quá trình ông cha ta từng bước khẳng định sự phong phú của tiếng Việt, Việt hóa những gì vay mượn của nước ngoài để làm giàu, làm đẹp khả năng diễn đạt của ngôn ngữ dân tộc.*
Chú thích:
* Trân trọng cảm ơn quý Phát triển khoa học & công nghệ quốc gia (NAOSTED) đã giúp tôi thực hiện bài viết này.
Bài viết có sử dụng cứ liệu (các câu trích dẫn từ các văn bản Nôm) của đề tài cấp Bộ Điển cố trong văn học Nôm. Nhân đây xin chân thành cảm ơn nhóm tư liệu của đề tài.
(1) Đọc theo phiên thiết là “săn”. Từ này cho phép đọc săn, sằn hoặc sân. Chúng tôi phiên theo âm đọc đã được người Việt chấp nhận (Hán Việt từ điển đọc sằn).
(2) Chữ鼓có 2 âm đọc là “cổ” và “thị”: đậu thị, đầu muối với muối gọi là “hàm thị”.
– 漉âm “lộc” nghĩa là hết, kiệt.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN VÀ THAM KHẢO
1. Quan âm thị kính (viết tắt: QATK), kí hiệu AB.639, Viện Nghiên cứu Hán Nôm (VNCHN).
2. Đoạn trường tân thanh (viết tắt: ĐTTT), kí hiệu AB.12, VNCHN.
3. Lệ ngữ văn tập (viết tắt: Lệ ngữ), kí hiệu AB.166, VNCHN.
4. Bạch Vân quốc ngữ thi tập (viết tắt: BV), kí hiệu AB.157, VNCHN.
5. Mao thi ngâm vịnh thực lục (viết tắt: Mao thi), kí hiệu AB.314, VNCHN.
6. Quốc âm phú (viết tắt: QA. phú), kí hiệu AB.184, VNCHN.
7. Tân biên truyền kì mạn lục tăng bổ giải âm tập chú (viết tắt: TKML), kí hiệu VHv.1491, VNCHN.
8. Đinh Lưu Tú diễn ca (viết tắt: ĐLT), kí hiệu AB.375, VNCHN.
9. Hồng Đức quốc âm thi tập (viết tắt: HĐQA), kí hiệu AB.292, VNCHN.
10. Hoa Tiên nhuận chính (viết tắt: H. Tiên), kí hiệu VNb.72, VNCHN.
11. Cung oán ngâm khúc (viết tắt: C.oán), kí hiệu AB.392, VNCHN.
12. Đinh Gia Khánh: Điển cố văn học, Nxb. KHXH, H. 1977.
13. Nguyễn Thạch Giang: Điển nghĩa văn học Nôm Việt Nam, Nxb. Từ điển Bách khoa, H. 2002.
14. Trung Quốc điển cố đại từ điển, Hán ngữ Đại từ điển xuất bản xã, Bắc Kinh 2005.
15. Nguyễn Ngọc San: Từ điển điển cố văn học trong nhà trường, Nxb. Giáo dục, H. 1998.
(16) Lã Minh Hằng: Bước đầu khảo cứu “Mao thi ngâm vịnh thực lục”. In trong Thông báo Hán Nôm học năm 2008, Nxb. KHXH, H. 2009./.
Nguồn: Tạp chí Hán Nôm; Số 2 (111) 2012; Tr.40-50
Post by: admin
Related
(12/04/2023 12:00)
(11/04/2023 12:00)
(04/04/2023 12:00)
(04/04/2023 12:00)
(04/04/2023 12:00)
In category
“CHÍ NAM NHI” TRONG BÀI THƠ ‘THUẬT HOÀI’ CỦA PHẠM NGŨ LÃO
(09/03/2023 12:00)
TIẾNG CƯỜI NGHỊCH DỊ – PHỒN THỰC TRONG THƠ NÔM HỒ XUÂN HƯƠNG
(06/02/2023 12:00)
“HIỆN TƯỢNG HỒ XUÂN HƯƠNG” NHÌN TỪ LÍ THUYẾT NHÓM NGƯỜI DÂN GIAN
(01/02/2023 12:00)
NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU – TỪ NAM BỘ RA TOÀN QUỐC VÀ THẾ GIỚI
(01/02/2023 12:00)
Tìm hiểu tư tưởng của Phạm Quý Thích qua thơ văn
(01/02/2023 12:00)
Copyright 2023 by Khoa Ngữ văn – Trường Đại học Sư phạm Hà Nội