KHÁI QUÁT CHUNG VỀ PHÁ SẢN DOANH NGHIỆP

KHÁI QUÁT CHUNG VỀ PHÁ SẢN DOANH NGHIỆP

Trong bất cứ nền kinh tế nào đều luôn tồn tại một bộ phận quan hệ kinh tế quan trọng và tương ứng với nó có một bộ phận quy phạm pháp luật điều chỉnh Thành lập – Phá sản. Đó là quy luật tất yếu của nền kinh tế, đặc biệt là nền kinh tế thị trường cạnh tranh gay gắt như hiện nay, loại bỏ dần các doanh nghiệp yếu kém và không có chiến lược đúng đắn trong quá trình sản xuất trao đổi sản phẩm, hàng hoá. Pháp luật phá sản quy định cách thức tiến hành thủ tục phá sản, qua đó thẩm phán có thể không áp dụng một trong 2 thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh hoặc thanh lý tài sản của doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản.

I. KHÁI NIỆM PHÁP LUẬT PHÁ SẢN

1. Khái niệm phá sản

Phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán (là doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán) và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản.

Cần lưu ý là doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản và doanh nghiệp bị phá sản có nhiều điểm khác nhau, cụ thể là:

– Doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản là doanh nghiệp đang rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán nợ đến hạn và có thể bị Tòa án tuyên bố phá sản, tuy nhiên nó cũng có cơ hội được phục hồi; trong khi đó doanh nghiệp bị phá sản là doanh nghiệp đã bị Tòa án ra quyết định tuyên bố phá sản (phù hợp với các quy định của pháp luật), nó sẽ không còn cơ hội được phục hồi và phải xóa đăng ký kinh doanh sau khi đã hoàn tất thủ tục thanh toán.

– Doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản chỉ mới bị hạn chế một số quyền nhất định đối với tài sản và một số quyền và lợi ích khác (ví dụ: quyền định đoạt tài sản, quyền ký kết các hợp đồng…); còn doanh nghiệp bị phá sản là doanh nghiệp đã bị tước bỏ toàn bộ quyền hành trên các lĩnh vực hoạt động và tài sản bị thanh toán bắt buộc cho các chủ nợ theo pháp luật.

2. Khái niệm pháp luật phá sản

Pháp luật phá sản là tổng hợp các quy phạm pháp luật do nhà nước ban hành để điều chỉnh những quan hệ phát sinh trong quá trình giải quyết yêu cầu phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã. Pháp luật phá sản là một bộ phận cấu thành nhóm các chế định pháp luật về giải quyết hậu quả của khung pháp lý kinh tế trong nền kinh tế thị trường.

Trong hoạt động kinh tế, thương mại pháp luật về phá sản là một chế định đặc thù, tính đặc thù được biểu hiện ở chỗ trong chế định này vừa chứa đựng các quy phạm pháp luật nội dung vừa chứa đựng các quy phạm pháp luật hình thức.

Pháp luật về phá sản cũng là một chế định không thể thiếu được trong kinh tế thị trường bởi trong nền kinh tế đó (tức kinh tế thị trường) luôn luôn có sự cạnh tranh giữa các chủ thể kinh doanh, do vậy mà có những chủ thể không đứng vững được trong cuộc cạnh tranh khốc liệt đó nên bị phá sản. Do đó, phải có Luật phá sản để giải quyết việc phá sản đó. Trong pháp luật về phá sản thì Luật phá sản là văn bản pháp luật quan trọng nhất. Nó quy định những vấn đề cơ bản trong việc giải quyết phá sản như: lý do phá sản, trình tự thủ tục phá sản, quyền hạn và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân; thủ tục phục hồi, thanh lý tài sản và việc phân chia tài sản của doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản

II. PHÂN LOẠI PHÁ SẢN

a. Trên cơ sở nguyên nhân gây ra phá sản có phá sản trung thực và phá sản gian trá:

– Phá sản trung thực là hậu quả của việc mất khả năng thanh toán do những nguyên nhân khách quan hay những rủi ro bất khả kháng gây ra. Phá sản trung thực cũng có thể từ những nguyên nhân chủ quan nhưng không phải do sự chủ ý nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác. Ví dụ như sự yếu kém về năng lực tổ chức, quản lý hoạt động; sự thiếu khả năng thích ứng với những biến động trên thương trường…

– Phá sản gian trá là hậu quả của những thủ đoạn gian trá, có sắp đặt trước nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác. Ví dụ: có hành vi gian lận trong khi ký hợp đồng, tẩu tán tài sản, cố tình báo cáo sai… để qua đó tạo ra lý do phá sản không đúng sự thật.

KHÁI QUÁT CHUNG VỀ PHÁ SẢN DOANH NGHIỆP

b. Trên cơ sở phát sinh quan hệ pháp lý có phá sản tự nguyện và phá sản bắt buộc: Cụ thể là dựa trên căn cứ ai là người làm đơn yêu cầu phá sản.

– Phá sản tự nguyện là do phía doanh nghiệp mắc nợ tự làm đơn yêu cầu phá sản khi thấy mình mất khả năng thanh toán, không có điều kiện thực hiện nghĩa vụ trả nợ đối với chủ nợ.

– Phá sản bắt buộc là do phía các chủ nợ làm đơn yêu cầu phá sản doanh nghiệp mắc nợ nhằm thu hồi các khoản nợ từ doanh nghiệp mắc nợ.

c. Dựa vào đối tượng bị giải quyết phá sản:

Gồm phá sản cá nhân và phá sản pháp nhân. Tuỳ theo pháp luật ở mỗi nước mà đối tượng bị giải quyết phá sản có quy định khác nhau. Ở nước ta áp dụng cho doanh nghiệp và HTX. Trung Quốc: áp dụng với thành phần kinh tế quốc doanh. Úc : áp dụng với cả cá nhân.

– Phá sản cá nhân: theo quy định này cá nhân bị phá sản phải chịu trách nhiệm vô hạn đối với các khoản nợ.

– Phá sản pháp nhân: đó là phá sản một tổ chức, tổ chức này phải gánh chịu hậu quả của việc phá sản. việc trả nợ cho chủ nợ của pháp nhân dựa trên tài sản của pháp nhân.

Khi cần tư vấn hỗ trợ hãy tìm đến chúng tôi:

Công ty luật TNHH Việt Nga – VALAW

Địa chỉ : Tầng 6 Số 3 Vũ Phạm Hàm, Yên Hòa, Cầu Giấy, TP. Hà Nội

Điện thoại : 09.345.966.36

Email: [email protected]

Website: valaw.vn