KHÁI NIỆM VỀ Y TẾ TRƯỜNG HỌC, CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ TỔ CHỨC QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG Y TẾ TRƯỜNG HỌC | Trường Tiểu học Hồng Quang
1. Khái niệm về Y tế trường học
Y tế trường học là một lĩnh vực thuộc chuyên ngành y tế dự phòng bao gồm một hệ thống các phương pháp, biện pháp can thiệp nhằm bảo vệ, nâng cao sức khoẻ học sinh, biến các kiến thức khoa học thành các kỹ năng thực hành trong mọi hoạt động sống của lứa tuổi học đường.
Y tế trường học là một lĩnh vực thuộc chuyên ngành Y học dự phòng nghiên cứu tác động của điều kiện sống, sinh hoạt và học tập lên cơ thể học sinh, trên cơ sở đó xây dựng và triển khai các biện pháp can thiệp phù hợp nhằm bảo vệ và nâng cao sức khoẻ, đảm bảo các điều kiện thuận lợi cho các em học sinh phát triển một cách toàn diện.
Các lĩnh vực của Y tế trường học bao gồm: Quản lý và chăm sóc sức khoẻ trong trường học, Vệ sinh trường học, Giáo dục sức khoẻ trong trường học…
2. Tầm quan trọng của Y tế trường học
– Học sinh chiếm trên 1/4 dân số cả nước, là tương lai của đất nước. Sức khoẻ học sinh hôm nay quyết định đến khuynh hướng sức khoẻ của dân tộc ta trong tương lai
– Học sinh thuộc lứa tuổi trẻ, đang lớn nhanh và phát triển về mọi mặt. Vì vậy muốn cho thế hệ tương lai khoẻ mạnh phải chú ý từ tuổi này. Trên thực tế, đa số các bệnh ở tuổi trưởng thành đều bắt nguồn từ tuổi đến trường như: suy dinh dưỡng, cận thị, cong vẹo cột sống, bướu cổ, lao, các bệnh tim mạch, tiêu hoá, bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục.
– Môi trường trường học là nơi tập trung đông trẻ em, tạm thời là cơ hội để lan nhanh các bệnh truyền nhiễm trong nhà trường, từ nhà trường tới gia đình và toàn xã hội, nhất là các bệnh truyền nhiễm gây dịch như cúm, sởi, quai bị, ho gà, bạch hầu, sốt xuất huyết, đau mắt đỏ, giun sán…
– Học sinh là cầu nối hữu hiệu giữa 3 môi trường (nhà trường – gia đình – xã hội), nếu các em được chăm sóc, giáo dục tốt về mặt sức khoẻ sẽ có ảnh hưởng tốt tới cả 3 môi trường.
– Trường học là nơi giáo dục toàn diện cho thế hệ trẻ, cho nên làm tốt công tác chăm sóc sức khoẻ cũng có nghĩa là làm tốt các nội dung giáo dục khác như Đức – Trí – Thể – Mỹ – Nghề nghiệp.
Như vậy, Y tế trường học phải là công tác quan trọng hàng đầu trong sự nghiệp chăm sóc sức khoẻ cho thế hệ trẻ và quan trọng ngang với các nội dung khác của nhà trường, nhằm thực hiện tốt khẩu hiệu: “Trẻ em hôm nay – Thế giới ngày mai”, “Tất cả vì tương lai con em chúng ta”, “Tất cả vì học sinh thân yêu”.
3. Nhiệm vụ của Y tế trường học
3.1. Thực hiện công tác vệ sinh môi trường trường học:
– Vệ sinh môi trường trường học (bao gồm vệ sinh quy hoạch, xây dựng trường, vệ sinh phòng học, phòng thí nghiệm, vệ sinh môi trường: các công trình vệ sinh, cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải).
– Vệ sinh chế độ học tập, lao động và sinh hoạt tại nhà trường (thời khoá biểu trong ngày, trong tuần, thời gian và gánh nặng thực hành lao động trong nhà trường)
– Vệ sinh trang thiết bị và đồ dùng học tập (vệ sinh học cụ, bàn ghế, bảng và đồ dùng học tập).
– Dinh dưỡng và Vệ sinh an toàn thực phẩm (vệ sinh nhà ăn, chế độ dinh dưỡng trong nhà trường).
3.2. Quản lý và chăm sóc sức khỏe trong trường học
– Khám và điều trị một số bệnh thông thường: cảm cúm, đau bụng, đau đầu, tiêu chảy, nhiễm trùng ngoài da…
– Tiến hành sơ cấp cứu ban đầu. Nhằm xử lý ngay tại chỗ sớm nhất các tai nạn, các biến chứng do tai nạn gây ra như: chảy máu, gẫy xương, bong gân, sai khớp, ngừng tim, ngừng thở, điện giật, đuối nước, bỏng, ngộ độc, súc vật cắn, dị vật rơi vào mắt, dị ứng, động kinh…
– Khám sức khoẻ định kỳ và phân loại sức khoẻ học sinh.
– Quản lý hồ sơ sức khoẻ học sinh
3.3. Triển khai các chương trình phòng chống bệnh tật và tai nạn thương tích trong trường học:
– Phòng chống các bệnh truyền nhiễm
+ Bệnh truyền qua đường hô hấp (lao, cúm, bạch hầu, ho gà, sởi, sốt ban, thuỷ đậu, đau mắt đỏ, quai bị, viêm màng não, SARS, H5N1).
+ Bệnh truyền qua đường tiêu hoá (tả, lỵ, thương hàn, bại liệt, tiêu chảy cấp, giun sán, viêm gan siêu virus A).
+ Bệnh truyền qua đường máu ( sốt Dangue và sốt xuất huyết dangue, viêm não Nhật bản, viêm gan B, sốt vàng; dịch hạch, sốt rét, giun chỉ).
+ Bệnh truyền qua da và niêm mạc (uốn ván, than, lậu cầu, giang mai, leptospira, dại, mắt hột, HIV/AIDS).
– Phòng chống bệnh tật học đường (cong vẹo cột sống, cận thị).
– Phòng chống tai nạn, thương tích.
– Chương trình chăm sóc sức khoẻ trơng trường học (chăm sóc răng miệng, phòng chống lao, phòng chống sốt rét, phòng chống mắt hột…).
3.4. Giáo dục sức khoẻ:
– Giáo dục vệ sinh cá nhân cho học sinh.
– Nâng cao hiểu biết và kỹ năng phòng chống bệnh tật.
– Giáo dục giới tính.
4. Mô hình tổ chức quản lý hoạt động Y tế trường học
Tại Trung ương:
Tại Bộ Y tế: Cục Y tế dự phòng Việt Nam thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực y tế trường học. Các cán bộ chuyên trách của cục là đầu mối để triển khai thực hiện các quy định, chính sách liên quan đến y tế trường học.
Trực thuộc Bộ Y tế có các Viện nghiên cứu với chức năng nghiên cứu khoa học, tham mưu cho Bộ Y tế về các vấn đề chuyên môn, chỉ đạo chuyên môn đối với tuyến dưới.
Tại Bộ Giáo dục và Đào tạo: Vụ Công tác học sinh, Sinh viên có chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực giáo dục thể chất và chăm sóc sức khoẻ cho học sinh sinh viên trong các trường học.
Tại các tỉnh:
Ở mỗi tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo liên ngành về y tế trường học gồm đại diện lãnh đạo của Sở Y tế, Sở GD&ĐT, Bảo hiểm xã hội tỉnh và các cán bộ theo dõi về YTTH tại các Sở Y tế, Sở GD&ĐT. Ở quận, huyện đã thành lập Ban chỉ đạo YTTH do đồng chí Phó chủ tịch UBND huyện là trưởng Ban, đại diện Trung tâm y tế huyện, Phòng Giáo dục huyện và một số ban ngành khác làm uỷ viên. Tại tuyến xã, Ban chỉ đạo YTTH là đại diện của lãnh đạo UBND xã, Trạm y tế xã, Ban giám Hiệu nhà trường và một số cán bộ chuyên trách khác.
– Tại Sở GD&ĐT: có một cán bộ phụ trách giáo dục thể chất đảm nhiệm công tác YTTH cho toàn ngành, phối hợp với ngành y tế trong quá trình hoạt động.
– Tại Trung tâm YTDP tỉnh có khoa Sức khoẻ Cộng đồng, chịu trách nhiệm quản lý công tác YTTH của ngành y tế tại tỉnh, lập kế hoạch, thực hiện các hoạt động, tập huấn cho cán bộ làm công tác YTTH, hướng dẫn chuyên môn, đồng thời kiểm giám sát các điều kiện đảm bảo vệ sinh học đường trong các trường học thuộc địa bàn tỉnh. Định kỳ báo cáo kết quả hoạt động về Cục Y tế dự phòng Việt Nam.
– Phòng Giáo dục – Đào tạo huyện/thị có thầy giáo phụ trách về YTTH, kết hợp với cán bộ chuyên trách của ngành y tế để thực hiện và giám sát các hoạt động về YTTH.
– Trung tâm YTDP huyện) có cán bộ y tế chuyên trách về YTTH có nhiệm vụ: lập kế hoạch, triển khai các hoạt động, tham gia khám sức khoẻ cho học sinh các trường, phân loại sức khoẻ, tuyên truyền giáo dục về sức khoẻ, báo cáo các kết quả cho Ban chỉ đạo.
– Tại các trường học có cán bộ y tế tham gia các hoạt động tuyên truyền giáo dục về sức khoẻ, sơ cấp cứu ban đầu cho học sinh, phối hợp với cán bộ y tế xã và các đơn vị y tế để khám, phân loại sức khoẻ và quản lý sức khỏe học sinh.
Các cán bộ chuyên trách được tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ y tế trường học để thực hiện tốt các hoạt động về YTTH.
5. Nhiệm vụ của cán bộ y tế tại các trường học
– Xây dựng kế hoạch hoạt động y tế cho năm học, trinh lãnh đạo phê duyệt và tổ chức thực hiện
– Sơ cứu và xử lý ban đầu các bệnh thông thường, quản lý tủ thuốc và y dụng cụ
– Tổ chức thực hiện khám sức khoẻ định kỳ, quản lý hồ sơ sức khoẻ học sinh, giáo viên
– Tổ chức các chương trình y tế được đưa vào trường học
– Tham mưu cho lãnh đạo nhà trường:
+ Chỉ đạo thực hiện các yêu cầu vệ sinh học đường, vệ sinh môi trường trong nhà trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh khu vực nội trú, bán trú theo các quy định đã ban hành của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, nội quy của nhà trường
+ Thực hiện công tác tuyên truyền giáo dục sức khoẻ, phòng bệnh, phòng dịch theo lịch hoạt động của trường và theo yêu cầu của y tế địa phương
– Tham gia các lớp đào tạo bồi dưỡng về y tế trường học do ngành Y tế tổ chức cùng các yêu cầu do y tế học đường cấp quận, huyện đề ra
– Sơ kết, tổng kết công tác y tế trường học, báo cáo thống kê y tế học đường theo quy định