KHÁI NIỆM VÀ ĐẶC TRƯNG CỦA TOÀN CẦU HÓA
1. Khái niệm “toàn cầu hóa”
Toàn cầu hóa là một xu thế phát triển lớn của thế giới ngày nay. Nó là thuật ngữ thông dụng mà các học giả, các chính trị gia dùng để miêu tả đặc trưng của thời đại. Vậy toàn cầu hóa là gì? Và đâu là nội dung cơ bản mà khái niệm toàn cầu hóa hàm chứa? Để trả lời cho những câu hỏi này, có nhiều cách lý giải khác nhau đã được đưa ra:
(1) Toàn cầu hóa là một quá trình phức tạp, thể hiện và dưới dạng những dòng tư tưởng, tư bản, kỹ thuật, và hàng hóa ở quy mô lớn, đang tăng tốc và khuếch trương trên toàn thế giới và gây ra những biến đổi căn bản trong xã hội của chúng ta[1].
(2) Toàn cầu hóa được hiểu như cách thức diễn đại một cách ngắn gọn cái quá trình mở rộng phổ của các quan hệ sản xuất, giao tiếp và công nghệ ra khắp thế giới. Quá trình này đã làm cho các hoạt động kinh tế và văn hóa đan bện vào nhau[2].
(3) Toàn cầu hóa như một quá trình (hoặc một tập hợp gồm nhiều quá trình) làm biến dạng kết cấu không gian của các quan hệ và giao dịch xã hội. Quá trình này làm nảy sinh các dòng chảy xuyên lục địa hoặc liên khu vực và làm xuất hiện các mạng lưới hoạt động, tương tác giữa các quyền lực[3].
(4) Toàn cầu hóa là một quá trình không thể đảo ngược và là sự hợp nhất giữa các khuynh hướng như: quá trình quốc tế hóa toàn bộ đời sống xã hội, sự phụ thuộc lẫn nhau xuyên quốc gia của các công ty, sự phối hợp hành động của các tổ chức quốc tế khác nhau, và kèm theo đó là quá trình tự do hóa các hình thức giao dịch kinh tế và xã hội hết sức đa dạng. Toàn cầu hóa không chỉ mở ra các kênh mới của quá trình lưu chuyển các nguồn tài chính, trí tuệ, con người và vật chất một cách tự do xuyên biên giới; mà đồng thời còn tạo ra những biến đổi sâu sắc mang tính bản chất đối với đời sống cũng như hoạt động của mỗi quốc gia (nói riêng) và các dân tộc (nói chung)[4].
(5) Toàn cầu hóa hay quốc tế hóa (Internationalization) là một quá trình được các nhà nước kiến tạo một cách chủ động để buôn bán hàng hóa, dịch vụ của mình sang các nước khác[5].
(6) Toàn cầu hóa là phương Tây hóa (đặc biệt là Mỹ hoá) hay hiện đại hóa. Nó là cơ chế hủy diệt những nền văn hóa và những thể chế tự trị hiện hành, để thay vào đó bằng một cấu trúc xã hội nhất (dạng chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa duy lý, chủ nghĩa công nghiệp)[6].
(7) Toàn cầu hóa là quá trình phân rã lãnh thổ nhà nước dân tộc để tạo ra một không gian siêu lãnh thổ. Nói cách khác, nó đang cơ cấu lại không gian xã hội vốn trước đó vẫn dựa vào địa lý, khiến cho những sự kiện mang tính địa phương có ảnh hưởng đến toàn thế giới, và ngược lại, nó làm nảy sinh những dòng chảy và mạng lưới hoạt động xuyên lục địa, liên khu vực[7].
(8) Toàn cầu hóa là sự “thu nhỏ” địa cầu bởi tốc độ giao tiếp, bởi sự xuyên thấu vào nhau cũng như tương thuộc lẫn nhau về thông tin, bởi quá trình “Internet hóa” nhiều mặt trong đời sống hiện đại – với tư cách là hệ quả rút ra từ “sự tiến bộ như vũ bão của khoa học kỹ thuật”[8].
(9) Toàn cầu hóa là sự hình thành nên một trật tự thế giới tùy thuộc lẫn nhau của các quan hệ siêu quốc tế và xuyên quốc gia. Những mối liên hệ này đang chuyển hóa mạnh mẽ các cơ chế giải quyết vấn đề nội bộ sang một cơ chế thống nhất chung cho toàn nhân loại[9].
(10) Toàn cầu hóa là dự án chiến lược, được hiện thực hóa bởi toàn nhân loại, nhằm tác động một cách có ý thức và có chủ đích đến các quá trình tự phát của sự phát triển toàn cầu để tạo ra một tương lai mong muốn và thịnh vượng cho con người, bằng cách dựa vào các nguồn phát triển bền vững[10].
Những thống kê bước đầu đã cho thấy, ý niệm về toàn cầu hóa còn quá phân tán và khác biệt, Cũng có thể nhận ra đặc điểm này qua hội thảo quốc tế về toàn cầu hóa trong những năm gần đây.
Bởi vậy cần phải triển khai phương án tìm kiếm những điểm chung mà các hệ phái đó ít nhiều đã thừa nhận. Dưới đây là những thừa nhận chung của các nhà nghiên cứu về toàn cầu hóa[11]:
(1) Toàn cầu hóa làm gia tăng mức độ phụ thuộc lẫn nhau giữa các nước và giữa các dân tộc trên thế giới,
(2) Toàn cầu hóa hình thành nên các thị trường tài chính, hàng hóa và dịch vụ ở cấp độ toàn thế giới, hay là một nền kinh tế thế giới thống nhất.
(3) Toàn cầu hóa làm nảy sinh không gian thông tin toàn cầu, theo đó, hoạt động giao tiếp giữa các chủ thể không còn lệ thuộc nhiều vào không gian địa lý và thời gian vật lý.
(4) Toàn cầu hóa chuyển hóa tri thức thành các đơn vị cơ bản tài sản xã hội, và do đó, tiến đến thay thế loại hình lao động truyền thống bằng lao động sáng tạo.
(5) Toàn cầu hóa làm cho các giá trị tự do, dân chủ (trước hết là các giá trị gắn với nhân quyền) thẩm thấu một cách mạnh mẽ vào thực tiễn quan hệ quốc tế, cũng như vào đời sống chính trị trong nước.
Với những nhận thức trên, có thể đi đến một cách hiểu chung nhất về toàn cầu hóa là: Toàn cầu hóa được hiểu như cách thức diễn đạt ngắn gọn cho quá trình mở rộng phổ biến và các mối liên hệ sản xuất, của giao tiếp và của công nghệ – ra khắp thế giới. Quá trình mở rộng như vậy đã làm cho các hoạt động kinh tế và văn hóa đơn bện vào nhau[12].
Trên nền tảng của những đánh giá chung như vậy, chúng ta sẽ có cơ sở để bàn về các đặc trưng của toàn cầu hóa, để từ đó, đi đến nhận diện quá trình phức tạp và mới mẻ này.
2. Các đặc trưng của toàn cầu hóa
Mặc dù toàn cầu hóa đang còn là đối tượng gây nhiều tranh luận, nhưng vẫn tồn tại một số dấu hiệu đặc trưng để nhận biết về hiện tượng này, đó là:
“1. Công nghệ mới: Cuộc cách mạng công nghệ hiện nay đang giúp con người rút ngắn thời gian và khoảng cách một cách đáng kể trên nhiều bình diện của đời sống xã hội. Và thành tựu đó, đến lượt mình, đã tạo ra những chuyển biến về chất trong quan niệm về không – thời gian xã hội và không – thời gian nhân cách.
2. Sự tập trung thông tin cho phép thực hiện liên lạc trực tiếp: Có thể gọi kỷ nguyên hiện nay là kỷ nguyên của sự chuyển giao thông tin hay “thời đại thông tin”. Số lượng máy tính trên toàn cầu gia tăng theo cấp số nhân. Mạng thông tin, viễn thông, Internet, các hãng truyền thông xuyên quốc gia… đang làm cho thông tin luân chuyển trên khắp bề mặt địa cầu và chi phí liên lạc giảm không ngừng.
3. Sự gia tăng xu hướng chuẩn hóa các sản phẩm kinh tế và xã hội: Nhu cầu về các chuẩn mực đánh giá chung, các tiêu chí phổ biến, các bộ phận có thể hoán đổi cho nhau và các biểu tượng giống nhau đang tăng lên trong điều kiện toàn cầu hóa. Những đồng tiền chung, các thủ tục chung, các trang thiết bị điện tử hoặc cơ khí dù được sản xuất ở đâu vẫn tương thích với nhau đang xuất hiện ngày một nhiều và trở nên phổ biến.
4, Gia tăng hội nhập xuyên quốc gia: Toàn cầu hóa đang mở rộng phổ giao tiếp giữa các nhà nước, các địa phương và các hoạt động xã hội trên khắp thế giới. Có thể thấy những biểu hiện này thông qua xu hướng gia tăng con số các tổ chức đa phương, các hiệp ước khu vực. Các nhà nước, các địa phương, các tổ chức phi chính phủ và người lao động ngày càng vượt qua những ranh giới của không gian sống truyền thống. Xu thế này đang tạo ra một xã hội đa văn hóa, đa cực và mở rộng hơn, hay nói cách khác, là một “không gian văn hóa xuyên quốc gia”, mà trong đó, ngôn ngữ, thói quen và truyền thống được bảo tồn, bất chấp khoảng cách địa lý… Toàn cầu hóa đang mở rộng tầm với cho các hoạt động xã hội, chính trị và kinh tế vượt khỏi khuôn khổ biên giới nhà nước, khu vực và châu lục.
5. Tính dễ làm tổn thương lẫn nhau do sự phụ thuộc vào nhau tăng lên: Một cách tất yếu, sự hội nhập làm cho tính phụ thuộc lẫn nhau tăng lên. Đi kèm theo đó là tình trạng: những sự kiện diễn ra ở nơi này lại có một ý nghĩa lớn lao đối với những nơi xa xôi khác. Những phát triển tưởng chừng như mang tính địa phương nhất lại có thể gây ra những hậu quả mang tính toàn cầu. Theo đó, ranh giới giữa những vấn đề đối nội (trong nước), với những sự vụ bên ngoài đang càng ngày càng mờ đi. Khả năng gây thương tổn lẫn nhau giữa các quốc gia, khu vực và châu lục là rất cao”[13].
Hệ quả là tính cố kết của xã hội trong lòng nhà nước dân tộc ngày càng trở nên yếu ớt và dễ lâm vào khủng hoảng. Trong khoảng thời gian được tính bằng phút, những rối loạn của một ngân hàng lớn có thể gây ra sự sụp đổ tài chính khác ở tận cùng ngõ ngách trên thế giới… Du lịch thuận tiện, thông tin liên lạc tức thời, và sự lưu chuyển tiền mặt dễ dàng đang tạo điều kiện thuận lợi cho sự khẳng định sức mạnh của các cá nhân và các phần tử phi nhà nước[14].
Xét một cách toàn diện, con người chịu ảnh hưởng và tương tác bởi tất cả các tác nhân từ xã hội, từ kinh tế, chính trị, thể chế, văn hóa, tôn giáo, pháp luật, đạo đức, các thiết chế xã hội… Trong xu thế toàn cầu hóa, các tác nhân này không chỉ gia tăng phạm vi, tốc độ, mức độ tương tác giữa chúng mà còn chịu sự tương thuộc với các tác nhân bên ngoài, như bệnh dịch, môi sinh, khủng bố, di dân…
Những đặc trưng nói trên của toàn cầu hóa đang tác động mạnh đến mọi cộng đồng trên thế giới, đe dọa nghiêm trọng an ninh con người. Tóm lại, có thể coi toàn cầu hóa như những liên kết đang không ngừng mở rộng, gia tăng tốc độ; và gây ảnh hưởng ở cấp độ toàn thế giới. Trong quá trình tương tác với toàn cầu hóa, phẩm chất của các tác nhân tham dự vào tiến trình toàn cầu cũng bị (hoặc buộc phải) thay đổi. Điều đó lý giải tại sao các mô hình nhà nước, các tổ chức xã hội nói chung đã và đang có bước chuyển dịch rõ rệt trong phương thức quản trị.
Tài liệu tham khảo
1. Phạm Thái Việt, Toàn cầu hóa – Những biến đổi lớn Anh đã sang chính trị quốc tế và văn hóa, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2006.
2. Smith M. K. and Smith M.: ” Globalization: The Encyclopedia of Informal Education “, 2002, http://www.infed.org/biblio/ globalization.htm
3. David Herbert: Religion and Civil Society, Ashgate Publishing, 2005.
4. Hirst P. & Thomson. G: ” Globalization in Question: the International Economy and the possibilities of Governance “, Cambridge Mass, 1996.
5. Xem UNDP: Human Development Report 1994, New York, 1994.
[1] Xem Pha Thái Việt, Toàn cầu hóa – Những biến đổi lớn Anh đã sang chính trị quốc tế và văn hóa, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2006 tr 21.
[2] Smith M. K. and Smith M.: ” Globalization: The Encyclopedia of Informal Education “, 2002, http://www.infed.org/biblio/ globalization.htm
[3] Xem David Herbert: Religion and Civil Society, Ashgate Publishing, 2005.
[4] Xem Phạm Thái Việt: Toàn cầu hóa – Những biến đổi lớn trong đời sống chính trị quốc tế và văn hóa, Sđd, tr.122.
[5] Xem Hirst.p & Thomson. G: ” Globalization in Question: the International Economy and the possibilities of Governance “, Cambridge Mass, 1996, pp.8-10
[6] Xem UNDP: Human Development Report 1994, New York, 1994, pp.24-25.
[7] Xem Phạm Thái Việt: Toàn cầu hóa – Những biến đổi lớn trong đời sống chính trị quốc tế và văn hóa, Sđd, tr.24, 24, 26, 26
[8] Xem Phạm Thái Việt: Toàn cầu hóa – Những biến đổi lớn trong đời sống chính trị quốc tế và văn hóa, Sđd, tr.24, 24, 26, 26
[9] Xem Phạm Thái Việt: Toàn cầu hóa – Những biến đổi lớn trong đời sống chính trị quốc tế và văn hóa, Sđd, tr.24, 24, 26, 26
[10] Xem Phạm Thái Việt: Toàn cầu hóa – Những biến đổi lớn trong đời sống chính trị quốc tế và văn hóa, Sđd, tr.24, 24, 26, 26
[11]Xem Phạm Thái Việt: Toàn cầu hóa – Những biến đổi lớn trong đời sống chính trị quốc tế và văn hóa, Sđd, tr.26
[12] Xem Phạm Thái Việt; Toàn cầu hóa – Những biến đổi lớn trong đời sống chính trị quốc tế và văn hóa, Sđd, tr.21
[13] Phạm Thái Việt: Toàn cầu hóa – Những biến đổi lớn trong đời sống chính trị quốc tế và văn hóa, Sđd, tr.32-34
[14] Xem Phạm Thái Việt: Toàn cầu hóa – Những biến đổi lớn trong đời sống chính trị quốc tế và văn hóa, Sđd, tr.32-34