KHÁI NIỆM TỔ CHỨC KINH TẾ THEO PHÁP LUẬT VỀ ĐẤT ĐAI

[vc_row][vc_column][vc_column_text]

Hiện nay, không có một văn bản quy phạm pháp luật định nghĩa cụ thể về tổ chức kinh tế, tuy nhiên nó được hiểu là đơn vị thực hiện chức năng sản xuất kinh doanh, dịch vụ nhằm mục đích tạo ra lợi nhuận, của cải vật chất duy trì sự tồn tại của chúng và góp phần thúc đẩy nền kinh tế – xã hội. Dù không có định nghĩa, nhưng thuật ngữ “tổ chức kinh tế” đã được nhắc đến trong một số quy định pháp luật về doanh nghiệp, hợp tác xã và đầu tư.

Luật Doanh nghiệp 2005 quy định “Doanh nghiệp là tổ chức kinh tế có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch ổn định, được đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật nhằm mục đích thực hiện các hoạt động kinh doanh”. Theo đó, tổ chức kinh tế được hiểu là doanh nghiệp thực hiện chức năng kinh doanh, có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch ổn định và được đăng ký kinh doanh theo quy định và chịu sự điều chỉnh của pháp luật.

Cũng nhắc đến tổ chức kinh tế, Luật Hợp tác xã 2012 quy định: “Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 07 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã”. Theo đó, hợp tác xã cũng là một loại hình tổ chức kinh tế, tuy cũng hoạt động kinh doanh, nhưng hướng đến mục đích chủ yếu là hợp tác, tương trợ lẫn nhau giữa các thành viên của hợp tác xã.

Nếu dựa trên Luật Doanh nghiệp và Luật Hợp tác xã thì có thể hiểu tổ chức kinh tế là thuật ngữ hay tên gọi chung để chỉ loại hình chủ thể kinh doanh bao gồm doanh nghiệp và hợp tác xã. Trong nghiên cứu này, đối tượng nghiên cứu mà chúng tôi hướng đến là các tổ chức kinh tế hoạt động kinh doanh với mục tiêu chính là lợi nhuận. Vì vậy, đối với hợp tác xã, với mục tiêu chính là tương trợ, hợp tác trong tập thể xã viên, mục tiêu lợi nhuận là thứ yếu, tác giả sẽ không xếp hợp tác xã vào loại tổ chức kinh tế mà trong bài nghiên cứu này đề cập. Tổ chức kinh tế ở đây sẽ là các doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp.

Vấn đề đặt ra là tổ chức kinh tế là doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp có phải là tổ chức kinh tế trong nước hay không? Luật Doanh nghiệp xác định rõ: quốc tịch của doanh nghiệp là quốc tịch của nước, vùng lãnh thổ nơi doanh nghiệp thành lập, đăng ký kinh doanh. Nghĩa là một doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam sẽ được xác định là doanh nghiệp Việt Nam, dù nguồn vốn hay chủ thể góp vốn thành lập doanh nghiệp đó là tổ chức nước ngoài, hoặc cá nhân nước ngoài. Theo đó, doanh nghiệp trong quy định của Luật Doanh nghiệp có thể là doanh nghiệp (hoặc tổ chức kinh tế) có vốn đầu tư trong nước, cũng có thể là doanh nghiệp (hoặc tổ chức kinh tế) có vốn đầu tư nước ngoài, miễn là các doanh nghiệp này thành lập và hoạt động tại Việt Nam theo pháp luật Việt Nam, và được xác định chung là doanh nghiệp Việt Nam. Điều này cũng phù hợp với pháp luật đầu tư bởi nhà đầu tư theo Luật Đầu tư 2005 bao gồm cả tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Thuật ngữ “tổ chức kinh tế” cũng được nhắc đến trong pháp luật đầu tư khi cho phép nhà đầu tư được thành lập tổ chức kinh tế hoạt động dưới các loại hình doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp.

Như vậy, với cách xác định quốc tịch của doanh nghiệp dựa trên quốc tịch của quốc gia nơi doanh nghiệp được thành lập thì tổ chức kinh tế theo pháp luật doanh nghiệp và pháp luật đầu tư sẽ được xem là tổ chức kinh tế Việt Nam hay tổ chức kinh tế trong nước, không phân biệt nguồn vốn thành lập là trong nước hay nước ngoài.

Cũng không đưa ra định nghĩa về tổ chức kinh tế, dù quy định tổ chức kinh tế là một trong những chủ thể sử dụng đất, nhưng pháp luật đất đai lại xác định tổ chức kinh tế theo một hướng khác, không thống nhất với Luật Doanh nghiệp.

Luật Đất đai 2003 quy định: “Tổ chức trong nước bao gồm cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức kinh tế – xã hội, tổ chức sự nghiệp công, đơn vị vũ trang nhân dân và các tổ chức khác theo quy định của Chính phủ (sau đây gọi chung là tổ chức) được Nhà nước giao đất, cho thuê đất hoặc công nhận quyền sử dụng đất; tổ chức kinh tế nhận chuyển quyền sử dụng đất”. Theo đó, tổ chức kinh tế được xác định là một trong số các tổ chức trong nước. Trong khi đó, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài là chủ thể sử dụng đất tại Việt Nam được xác định là chủ thể sử dụng đất riêng, có thể sử dụng đất cho quan hệ ngoại giao, hoặc sử dụng đất cho hoạt động đầu tư. Cụ thể, “Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao gồm cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện khác của nước ngoài có chức năng ngoại giao được Chính phủ Việt Nam thừa nhận; cơ quan đại diện của tổ chức thuộc Liên hợp quốc, cơ quan hoặc tổ chức liên chính phủ, cơ quan đại diện của tổ chức liên chính phủ được Nhà nước Việt Nam cho thuê đất” và “Tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư vào Việt Nam theo pháp luật về đầu tư được Nhà nước Việt Nam cho thuê đất”.

Sự phân biệt này tiếp tục được thể hiện trong quy định về chủ thể sử dụng đất của Luật Đất đai 2013. Tổ chức kinh tế vẫn là một trong số các tổ chức trong nước: “Tổ chức trong nước gồm cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức sự nghiệp công lập và tổ chức khác theo quy định của pháp luật về dân sự (sau đây gọi chung là tổ chức)”. Tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài vẫn là những chủ thể sử dụng đất riêng cho quan hệ ngoại giao hoặc cho hoạt động đầu tư. Điểm khác biệt là đối với chủ thể nước ngoài sử dụng đất để đầu tư tại Việt Nam, Luật Đất đai 2013 không gọi tên là “tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư vào Việt Nam” như Luật Đất đai 2003, mà xác định theo một tên gọi phù hợp hơn là “doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài” và xác định rõ bao gồm “doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp Việt Nam mà nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, sáp nhập, mua lại theo quy định của pháp luật về đầu tư”.

Có thể thấy, tổ chức kinh tế theo xác định của Luật Đất đai 2003, hay hiện nay là Luật Đất đai 2013, đều chỉ là doanh nghiệp có nguồn vốn đầu tư hoàn toàn trong nước, không bao gồm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, dù doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài này thành lập, hoạt động tại Việt Nam theo pháp luật Việt Nam. Cách xác định này là dựa trên cơ sở nguồn vốn hình thành doanh nghiệp, chứ không phải nơi doanh nghiệp được thành lập như Luật Doanh nghiệp. Đây cũng chính là một trong những nội dung chưa thống nhất giữa pháp luật đất đai và pháp luật doanh nghiệp, dù hai ngành luật này có liên quan khá mật thiết với nhau, khi mà quyền sử dụng đất của doanh nghiệp không chỉ là cơ sở hạ tầng, mà còn là nguồn vốn, là tài sản có giá trị cao của doanh nghiệp. Lẽ tất nhiên, khi nghiên cứu tổ chức kinh tế với tư cách là một chủ thể sử dụng đất, tác giả phải xác định tư cách chủ thể, quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật đất đai.

Như vậy, tổ chức kinh tế trong nước (hay tổ chức kinh tế) theo pháp luật đất đai là một loại chủ thể sử dụng đất hoặc một doanh nghiệp sử dụng đất được hình thành từ nguồn vốn của các tổ chức, cá nhân trong nước, không bao gồm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Pháp luật đất đai định danh chủ thể sử dụng đất là tổ chức kinh tế, dù có hay không cụm từ “trong nước” đi kèm sau đó, chính là đề cập đến tổ chức kinh tế trong nước. Vì vậy, trong bài nghiên cứu này, việc tác giả sử dụng thuật ngữ “tổ chức kinh tế” cũng chính là đề cập đến “tổ chức kinh tế trong nước”, hoặc ngược lại.

 [/vc_column_text][/vc_column][/vc_row]