KHÁI NIỆM NGƯỜI TIÊU DÙNG TRONG LUẬT BẢO VỆ NGƯỜI TIÊU DÙNG

Khái niệm “người tiêu dùng” đã tồn tại khá lâu trong hệ thống pháp luật các nước; tuy nhiên, mỗi nước lại chọn cho mình một quan niệm riêng về vấn đề này. “Người tiêu dùng” được định nghĩa như sau ở một vài quốc gia:

Liên minh châu Âu

Khái niệm người tiêu dùng của Liên minh châu Âu được giải thích trong Chỉ thị số 1999/44/EC ngày 25/5/1999 về việc mua bán hàng hóa tiêu dùng và các bảo đảm có liên quan (Directive 1999/44/EC of the European Parliament and of the Council of 25 May 1999 on certain aspects of the sale of consumer goods and associated guarantees). Chỉ thị này giải thích:“người tiêu dùng là bất cứ tự nhiên nhân (tức là cá nhân) nào … tham gia vào các hợp đồng điều chỉnh trong Chỉ thị này… vì mục đích không liên quan tới hoạt động kinh doanh hoặc nghề nghiệp của mình.”

Trung Quốc

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 1993 của Trung Quốc tuy không có điều khoản riêng giải thích khái niệm người tiêu dùng nhưng tại Điều 2 của Luật này có quy định:“Trường hợp người tiêu dùng, vì nhu cầu cuộc sống, mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ thì các quyền và lợi ích hợp pháp của mình sẽ được bảo vệ theo quy định của Luật này và trường hợp Luật này không quy định thì sẽ được bảo vệ theo các quy định khác có liên quan của pháp luật.”Điều luật này đã ngụ ý rằng người tiêu dùng theo quan niệm của pháp luật Trung Quốc chỉ là cá nhân, tức là những người mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ vì nhu cầu sinh hoạt của mình chứ không phải vì mục đích kinh doanh hoặc hoạt động nghề nghiệp.

Hoa Kỳ

Các quy định về bảo vệ người tiêu dùng ở Hoa Kỳ nằm cả trong pháp luật của liên bang và pháp luật của các bang. Tuy không có một đạo luật chung thống nhất về bảo vệ người tiêu dùng mà trong đó khái niệm người tiêu dùng được giải thích rõ ràng, nhưng theo các chuyên gia pháp luật của Hoa Kỳ, khái niệm người tiêu dùng chỉ được quan niệm là cá nhân người tiêu dùng.

Malaysia

Điều 3 của Luật Bảo vệ người tiêu dùng năm 1999 của Malaysia giải thích: “người tiêu dùng là người mua hoặc sử dụng hàng hóa hoặc dịch vụ cho mục đích sinh hoạt cá nhân hoặc sinh hoạt gia đình… và không gồm việc mua hoặc sử dụng hàng hóa vì mục đích chính để bán lại hoặc đưa vào quá trình sản xuất hàng hóa, dịch vụ khác hoặc để dùng cho việc sửa chữa, gắn thêm vào hàng hóa khác.”

Thái Lan

 Điều 3 Luật Bảo vệ người tiêu dùng Thái Lan năm 1979 giải thích: “người tiêu dùng là người mua hàng hóa hoặc dịch vụ hoặc được chào mua hàng hóa hoặc dịch vụ từ một người kinh doanh, bao gồm người thực sự sử dụng hàng hóa, tiêu thụ dịch vụ có nguồn gốc từ người kinh doanh mặc dù người này không trực tiếp trả tiền cho việc sử dụng hàng hóa, tiêu thụ dịch vụ đó.” Trong khi đó, cũng tại điều khoản này, “người kinh doanh” được giải thích là người bán hàng, nhà sản xuất, nhà nhập khẩu để bán hàng, người mua hàng để bán lại, người cung cấp dịch vụ, người tiến hành việc quảng cáo.” Như vậy có thể hiểu NTD không chỉ là những người sử dụng hàng hóa dịch vụ vào mục đích tiêu dùng mà còn cả những người sử dụng vào mục đích thương mại hoặc sản xuất, NTD theo quy định của Thái Lan không chỉ là các thể nhân mà còn bao gồm pháp nhân.[31]

Tại Việt Nam, Khoản 1 Điều 3 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 quy định: “Người tiêu dùng là người mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức.”[19, Điều 3, Khoản 1]

Từ các khái niệm trên, ta thấy quan niệm của các nước trên thế giới về khái niệm “người tiêu dùng” được chia làm ba hướng đi khác nhau. Cách quy định thứ nhất chỉ quy định người tiêu dùng là thể nhân (hoặc cá nhân), đây là cách quy định của Châu Âu và Quebec. Cách quy định này thể hiện rõ luật bảo vệ người tiêu dùng chỉ bảo vệ đối với cá nhân, còn pháp nhân do có những vị thế và điều kiện tốt hơn so với cá nhân trong quan hệ với nhà cung cấp nên luật bảo vệ người tiêu dùng không cần thiết phải can thiệp vào quan hệ tiêu dùng của họ. Tuy nhiên, cách tiếp cận này cũng có một số điểm hạn chế vì pháp nhân theo quy định của pháp luật không chỉ bao gồm các doanh nghiệp với quan hệ thương mại mà còn bao gồm các cơ quan tổ chức khác trong xã hội. Các cơ quan tổ chức này đôi khi không phải là những người chuyên nghiệp và cũng như người tiêu dùng, họ cũng không có sẵn nguồn lực để đối phó với các hành vi vi phạm từ phía nhà sản xuất và cũng rất cần tới sự bảo vệ của pháp luật bảo vệ người tiêu dùng.

Cách thứ hai là khái niệm người tiêu dùng được quy định bao gồm cả thể nhân và pháp nhân. Quy định này tuy có vẻ hơi rộng và có thể có quan điểm cho rằng nó sẽ làm loãng đi hiệu lực của Luật bảo vệ người tiêu dùng. Tuy nhiên cách quy định này đã khắc phục được hạn chế của cách quy định thứ nhất vì không phải lúc nào pháp nhân cũng có đủ khả năng để đối mặt với các vi phạm từ phía nhà sản xuất kinh doanh. Và hậu quả là nếu Luật bảo vệ người tiêu dùng không bảo vệ họ như đối với các cá nhân tiêu dùng khác thì quyền lợi của một nhóm đối tượng khá lớn trong xã hội sẽ bị xâm phạm, gây thiệt hại chung cho toàn xã hội.

Cách quy định thứ ba là khái niệm người tiêu dùng không nêu rõ chỉ là cá nhân hay gồm cả cá nhân và pháp nhân. Cách quy định này chỉ nói là “người nào” hoặc “những ai”. Cách quy định này có thể dẫn tới nhiều cách hiểu khác nhau và khó có thể được áp dụng trong thực tiễn bởi lẽ nó có thể được hiểu là gồm cả cá nhân và pháp nhân, nhưng cũng có thể giải thích theo hướng chỉ là cá nhân. 

Theo cách quy định của pháp luật Việt Nam thì khái niệm “người tiêu dùng” ở đây rơi vào trường hợp thứ hai. Theo đó, người tiêu dùng không chỉ bao gồm các đối tượng là các cá nhân tiêu dùng riêng lẻ mà còn là tổ chức (như doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội ngành nghề, tổ chức xã hội, đoàn thể,…) tiến hành mua, sử dụng hàng hoá, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình hoặc tổ chức đó. [8] Nói cách khác, các đối tượng này thực hiện việc mua, sử dụng hàng hoá, dịch vụ không nhằm mục đích để bán lại hoặc mục đích sinh lời.

Luật Sư Tập Sự. Bùi Thị Minh Thuý- Công Ty Luật TNHH Unilaw