Ít sữa sau sinh do nguyên nhân nào?
Khi rơi vào tình trạng ít sữa sau sinh, nhiều mẹ thường luống cuống không biết phải làm gì, không biết nguyên nhân ít sữa do đâu và làm cách nào để sữa về nhiều? Hãy cùng nhau tìm hiểu nhé.
Dấu hiệu ít sữa sau sinh
Nhận biết sớm các dấu hiệu ít sữa sau sinh sẽ giúp mẹ có giải pháp gọi sữa về nhanh hơn.
Mẹ sẽ mất dần sữa nếu để tình trạng ít sữa kéo dài. Vậy làm cách nào để nhận biết sớm ít sữa sau sinh?
Sau 3 ngày sinh con, bầu vú thay đổi rất ít hoặc không thay đổi
Cơ thể mẹ đã nhận biết được và tiết sữa ngày một nhiều hơn ngay từ lần đầu tiên con ngậm ti mẹ. Trường hợp sau 3 ngày mà sữa vẫn không về nhiều, bầu ngực không lớn hơn, sờ thấy nhão thì chứng tỏ mẹ ít sữa cho con bú.
Mẹ cố nặn cũng không ra sữa
Để kích sữa, nhiều mẹ dùng cách cố nặn hoặc hút sữa nhưng lượng sữa tiết ra vẫn không cải thiện được, nặn không ra sữa cũng bởi vì mẹ ít sữa.
Bé bú dưới 5 phút thì hết sữa, bụng không no
Trẻ sơ sinh thường bú chậm do kỹ năng bú mẹ của trẻ còn kém nhưng trong trường hợp trẻ bú dưới 5 phút đã ngừng, bụng không no căng thì nguyên nhân có thể xuất phát từ việc mẹ bị thiếu sữa hoặc quá ít sữa, bé bú không thấy sữa nên mới ngừng.
Bé đi tiểu dưới 6 lần/ngày
Sữa mẹ có thành phần chủ yếu là nước nên khi bé bú đủ sẽ đi tiểu nhiều lần trong ngày. Khi thấy bé đi tiểu quá ít rất có thể là do mẹ bị ít sữa.
10 nguyên nhân ít sữa sau sinh
Tinh thần căng thẳng, stress gây ức chế tuyến sữa
Cơ thể của mẹ tiết sữa từ tuyến sữa, sữa theo các ống dẫn sữa ra lối thoát ở đầu vú. Có hai loại hormone chính gây ảnh hưởng tới sự tiết sữa là Prolacin và Oxytocin.
Hai loại hormone này sẽ giảm xuống khi người mẹ bị stress, căng thẳng kéo dài dẫ đến sữa mẹ ít dần đi, nếu tình trạng này kéo dài sẽ gây mất sữa.
Thực tế chứng minh rằng căng thẳng, stress là nguyên nhân gây ít sữa sau sinh thường gặp nhưng thường bị bỏ qua.
Nguyên nhân ít sữa do mắc bệnh liên quan đến tuyến vú
Viêm tuyến vú và áp xe vú do tắc sữa lâu ngày không được chữa khỏi là bệnh tuyến vú phổ biến nhất mà phụ nữ sau sinh dễ mắc phải.
Bên cạnh đó, các bệnh liên quan đến tuyến vú như thiếu sản tuyến vú, phẫu thuật ngực, bao gồm nâng ngực (sử dụng đường mổ dưới quầng vú) sẽ ảnh hưởng tới sự tiết sữa của tuyến vú sau này.
Chế độ dinh dưỡng không đúng, không đủ
Để kích sữa, các mẹ sau sinh thường được các bà các mẹ khuyến khích ăn móng giò nhưng không có nghĩa là ăn càng nhiều móng giò càng tốt mà bỏ qua các món ăn dinh dưỡng khác dẫn đến thiếu hụt các vitamin và khoáng chất từ hoa quả rau xanh.
Cơ thể mẹ cũng bị suy nhược nếu không được cung cấp dinh dưỡng đầy đủ từ đó lượng tiết sữa tiết ra cũng sẽ giảm dần.
Có một số thực phẩm mẹ cũng nên kiêng vì chúng có thể là nguyên nhân ít sữa như lá lốt, rau mùi tây, rau bạc hà, măng chua, đồ uống có cồn, cà phê, mỳ tôm, thức ăn nhiều dầu mỡ, ớt, tỏi.
Cho con dùng sữa công thức sớm và lạm dụng ti giả gây ít sữa sau sinh
Chất dinh dưỡng và vị ngọt trong sữa công thức nhiều hơn sữa mẹ nên nếu con bú nhiều sữa công thức sẽ dẫn đến chán sữa mẹ và bỏ ti. Nếu con không chịu bú sữa mẹ nữa thì sữa mẹ sẽ ít dần cho đến khi mất hẳn.
Đồng thời việc sử dụng ti giả và núm vú giả ở bầu sữa sẽ làm bé quen với ti giả mà bỏ bú mẹ.
Mẹ sinh non, sinh mổ
Mẹ sinh non cũng bị ít sữa do cơ chế sản xuất sữa chưa hoàn thiện, những cơn đau sau phẫu thuật cùng với thuốc kháng viêm, thuốc giảm đau cản trở rất lớn sự hoạt động của tuyến sữa. Nên mẹ sinh non hoặc sinh mổ gặp phải tình trạng ít sữa hơn so với các mẹ sinh thường.
Dùng máy hút sữa sai cách
Thường xuyên hút sữa khi bầu sữa chưa đầy, lực hút quá mạnh làm tổn thương đầu ngực hoặc quên mất việc cho con bú dẫn tới sữa ít dần do phụ thuộc hoàn toàn vào máy hút sữa.
Ăn những thực phẩm gây ít sữa sau sinh
Bên cạnh những thực phẩm lợi sữa cho mẹ sau sinh còn có những thực phẩm gây ít sữa mà các bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ cần tránh đó là lá lốt, rau mùi tây, rau bạc hà, đồ uống có cồn, cà phê, măng chua, mỳ tôm, đồ ăn nhiều dầu mỡ, ớt, tỏi…
Sót rau là nguyên nhân mẹ ít sữa
Hiện tượng một phần hoặc tất cả nhau thai còn bám lại trong cổ tử cung của phụ nữ sau sinh được gọi là sót rau. Tình trạng này khá hiếm gặp nhưng sẽ khiến mẹ sau sinh bị đau do những cơn co bóp tử cung, ít sữa sau sinh do lượng hormone progesterone không giảm xuống, ngăn cản quá trình tiết sữa dẫn đến ít sữa sau sinh.
Mẹ sau sinh mắc các bệnh lý khác
Các bệnh lý như rối loạn nội tiết, thiếu máu sẽ dẫn đến rối loạn hormone, bao gồm cả hormone sản xuất sữa đồng thời khiến mẹ luôn bị mệt mỏi, ảnh hưởng tới lượng sữa cho con bú.
Trẻ bú lắt nhắt, bú ít trong mỗi cứ khiến mẹ ít sữa sau sinh
Dạ dày của trẻ (khoảng dưới 3 tháng tuổi) còn nhỏ dẫn đến việc trẻ bú lắt nhắt, bú ít. Việc này khiến sữa mẹ không xuống đều, cơ thể mẹ lầm tưởng nhu cầu sữa của trẻ ít dẫn đến hạn chế tiết sữa.
Cách tăng tiết sữa cho mẹ ít sữa sau sinh
Không phải các mẹ đều có lượng sữa giống nhau, người nhiều sữa vắt đi không hết, người lại không đủ sữa cho con bú. Vậy nên áp dụng cách nào để mẹ có và duy trì sữa nhiều cho con?
Các phương pháp cơ bản
-
Bé tiếp xúc da kề da với mẹ sau khi sinh càng sớm thì phản xạ tìm ti mẹ của bé càng nhanh, sữa mẹ càng tiết ra sớm hơn.
-
Sau khi sinh cho bé bú ngay sữa mẹ thì khi đói bé sẽ tìm đến mẹ. Trước đây, sữa non thường bị vắt bỏ do nhiều người nghĩ rằng đây là sữa loãng, ít dưỡng chất.
-
Nhưng hiện nay, quan niệm này đã được chứng minh là sai lầm, sữa non là nguồn sữa quý giá cho bé và còn kích thích hoạt động tuyến sữa của mẹ.
-
Trong ngày nên cho bé bú nhiều lần, tín hiệu tốt nhất cho mẹ là bé chăm bú vì sữa mẹ sẽ sản sinh theo nhu cầu bú của bé, bé bú càng nhiều thì mẹ càng nhiều sữa và ngược lại.
-
Mẹ cũng nên cho bé bú đều hai bên vú để lượng sữa cung cấp đều hơn đồng thời giúp mẹ không bị lệch sai vú về sau này.
-
Mẹ cũng nên sử dụng máy hút sữa thường xuyên, khi ra ngoài hay đi làm để nguồn sữa được duy trì ổn định.
-
Nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc: mẹ hãy tranh thủ nghỉ ngơi và ngủ đúng giấc vì lúc bạn ngủ là thời điểm tuyến sữa hoạt động tốt nhất.
-
Mẹ lưu ý luôn giữ tinh thần vui vẻ, lạc quan để sữa về và không làm cạn dần nguồn sữa cho bé.
Thiết lập chế độ ăn uống dinh dưỡng
Chế độ dinh dưỡng của mẹ cần đầy đủ dinh dưỡng, đa dạng các loại thực phẩm để giúp tăng tiết sữa, sữa về nhiều cho mẹ, phòng tránh tình trạng ít sữa sau sinh:
-
Trứng gà, thịt nạc, móng giò, các loại cá giàu omega-3 như cá hồi…
-
Các loại rau xanh đều rất tốt cho mẹ sau sinh, đặc biệt là rau ngót, rau đay, rau khoai lang, rau má, bông cải xanh, rau chân vịt…
-
Quả sung, quả vả, đu đủ xanh, chuối sứ, các loại quả giàu vitamin A (thường có màu cam, màu đỏ như cà chua, gấc, xoài…) và các loại quả nhiều nước, lượng vitamin dồi dào (như cam, quyết, bưởi…).
-
Các loại hạt như mè đen, đậu nành, đậu xanh, đậu đen, hạt sen, hạt bí, lạc…và ngũ cốc nguyên hạt (yến mạch, gạo lứt, lúa mạch…).
-
Để đảm bảo nguồn năng lượng trong cơ thể và lượng sữa tiết ra đều đặn trong thời gian cho con bú thì mẹ sau sinh cần phải uống đủ 2 lít nước mỗi ngày. Nên nhớ đừng đợi đến khi khát khô mới uống nước vì khi đó cơ thể đã bị mất nước.
Với những phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ, thay vì tìm cách điều trị ít sữa sau sinh, mẹ hãy phòng ngừa ít sữa ngay từ khi mang bầu bằng việc thay đổi chế độ ăn, tránh xa những thực phẩm gây ít sữa sau sinh và sinh hoạt điều độ. Nếu tình trạng ít sữa không được cải thiện, mẹ sau sinh nên đến cơ sở y tế để hỏi ý kiến bác sĩ để áp dụng giải pháp phù hợp nhằm tăng tiết sữa.
** Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc là một trong những bệnh viện tiên phong tại miền Bắc áp dụng triệt để phương pháp da kề da sau sinh và khuyến khích sản phụ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn ngay từ khi trẻ chào đời. 100% ca sinh tại Hồng Ngọc bao gồm cả sinh thường và sinh mổ sẽ được thực hiện da kề da theo đúng quy trình chuẩn của Bộ Y tế và khuyến cáo của WHO, đảm bảo an toàn và khoa học. Việc được da kề da ngay sau sinh đúng cách cũng góp phần “gọi sữa về” nhanh hơn, để trẻ sớm được đón nhận những giọt sữa non quý giá của mẹ.
**Lưu ý: Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh không được tự ý mua thuốc để điều trị. Để biết chính xác tình trạng bệnh lý, người bệnh cần tới các bệnh viện để được bác sĩ thăm khám trực tiếp, chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị hợp lý.
Theo dõi fanpage của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc để biết thêm thông tin bổ ích khác: https://www.facebook.com/BenhvienHongNgoc/