IMC và trách nhiệm xã hội

Khái niệm về trách nhiệm xã hội

Thực tế Trách nhiệm Xã hội của Doanh nghiệp – Corporate Social Responsibility (CSR) không phải là một khái niệm mới trên thế giới. Bắt đầu được biết đến từ cuối thập kỷ 60 đầu 70, CSR còn được biết đến như lương tâm doanh nghiệp là một hình thức tự điều chỉnh trong doanh nghiệp gắn liền với mô hình kinh doanh một cách thiện nguyện (pháp luật không điều phối). Có 3 cách thực hiện các chính sách về trách nhiệm xã hội nhằm tạo ra giá trị cho doanh nghiệp căn bản[1] như sau:

  1. Cấp thấp nhất: “Từ thiện”
    1. Các nội dung thực hiện: hỗ trợ tài chính, tài trợ, hoạt động thiện nguyện v.v…
    2. Mức độ gắn kết thấp tới các chiến lược và hoạt động chung.
    3. Các tác động:
      1. Nhận diện thương hiệu thông qua các tài trợ, từ thiện;
      2. Các lợi ích ngắn hạn tuy nhiên thông thường khó bền vững;
      3. Thực tế các nguồn tài chính có hạn;
      4. Các tác động bị suy giảm do phân bổ ngân sách cho nhiều hoạt động;
      5. Lợi thế cạnh tranh và các nguồn lực khác của chính doanh nghiệp chưa được tận dụng tối ưu;
      6. Nguy cơ không tương đồng giữa trách nhiệm kinh doanh và trách nhiệm xã hội;
      7. Hiệu quả thấp về xã hội và kinh doanh cho các chương trình trách nhiệm xã hội.
  2. Cấp trung: : “CSR như một công cụ quản trị rủi ro”
    1. Mục tiêu: tuân thủ chủ động các quy định, yêu cầu hiện tại hoặc trong tương lai.
    2. Gắn kết cao với các chiến lược và hoạt động của tổ chức.
    3. Các lợi ích:
      1. Làm giảm các rủi ro trong hoạt động;
      2. Hỗ trợ các quan hệ ngoài doanh nghiệp.
  3. Cấp cao: CSR đem lại các giá trị gia tăng
    1. Mục tiêu: Mang tính sáng tạo và khuyến khích mô hình kinh doanh bền vững;
    2. Tạo các tác động mang tính căn bản và lâu dài lên chiến lược và hoạt động của doanh nghiệp;
    3. Lợi ích:
      1. Làm nổi bật các giá trị chung giữa doanh nghiệp và cộng đồng;
      2. Khuyến khích năng lực cạnh tranh và sáng tạo;
      3. Khuyến khích mô hình kinh doanh mang tính bền vững;
      4. Gắn kết doanh nghiệp vào cộng đồng;
      5. Phát triển nguồn nhân lực (cực kỳ quan trọng đối với các tổ chức đang phát triển như hệ thống IMC);
      6. Gắn liền với các chiến lược kinh doanh.

Cần hiểu rằng CSR trong mức độ cao nhất (cấp 3) sẽ đem lại những lợi ích to lớn và cụ thể cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có thêm cơ hội được cộng đồng tin và yêu. Chiến lược gia hàng đầu thế giới về cạnh tranh Michael Porter đã có phân tích trong bài “Strategy & Society: The Link between Competitive Advantage and Corporate Social Responsibility” phân tích lợi thế cạnh tranh có được một khi doanh nghiệp thực hiện các trách nhiệm xã hội.

Không nên quan niệm khi nào thừa tiền thì mới thực hiện trách nhiệm xã hội hoặc làm để đánh bóng thương hiệu mà nó phải xuất phát từ tấm lòng. Đầu tư vào CSR đồng nghĩa với việc nâng cao khả năng cạnh tranh và sự trường tồn của doanh nghiệp.[2]

Trách nhiệm xã hội, trach nhiem xã hội Lần đầu tiên nước sạch đã về với các em

IMC và trách nhiệm xã hội

Thực tế thực hiện trách nhiệm xã hội luôn được hệ thống IMC quan tâm và mong muốn thực hiện ngày một tốt hơn. Phân tích theo 3 cấp độ thực hiện trách nhiệm xã hội, có thể thấy rằng:

  1. Ở cấp thấp: Các hoạt động trách nhiệm xã hội đang được thể hiện phổ biến nhất dưới các hình thức như tài trợ xã hội, từ thiện, tặng quà, học bổng, cứu trợ, nhà tình thương (ví dụ: Nồi cháo yêu thương, Tài trợ các gia đình liệt sỹ và có công với cách mạng, tặng quà, tham gia các chương trình cứu trợ…). Các hoạt động này với những tác động phân tích ở trên, thực tế chưa rõ nét về các lợi ích đem lại cho nên việc thực hiện cũng không thường đạt hiệu quả mong muốn.
  2. Ở cấp trung: hệ thống IMC đang thực hiện một loạt các hành động và chương trình cụ thể như
    1. Thực hiện việc bảo hiểm gia tăng, khám sức khỏe thường niên cho nguồn nhân lực. Công ty đã thực hiện nghiêm túc công tác vệ sinh, an toàn và bảo hộ lao động. Mỗi cán bộ, công nhân đều được tổ chức khám sức khoẻ định kỳ hàng năm, được phân phát các vật dụng bảo hộ khác. Việc thực hiện tốt công tác vệ sinh, bảo hộ lao động sẽ dẫn tới việc cán bộ, công nhân không mắc các bệnh nghề nghiệp, có sức khoẻ tốt để sản xuất, từ đó nâng cao năng suất lao động và thêm gắn bó với công ty. Sản phẩm làm ra cũng đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.
    2. Không những triệt để tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành liên quan đến ngành nghề kinh doanh, hệ thống IMC còn tiên phong gánh vác trách nhiệm của nhà sản xuất hàng đầu Việt Nam để chủ động, tự nguyện thực hiện Thực hành sản xuất tốt TPCN (GMP – HS) theo bản thảo thứ 7 của ASEAN.
    3. Phát triển các vùng Dược liệu một cách chủ động và tự nguyện với mong muốn đem tới người tiêu dùng những sản phẩm có chất lượng ổn định và độ an toàn cao.
    4. Tham gia các hoạt động phi lợi nhuận, đầu tư lâu dài mang tính xây dựng hành lang pháp lý và minh bạch hóa môi trường kinh doanh như VADS, VIDS và ASEAN v.v…
    5. Thực hiện các nguyên tắc quản trị chất lượng theo hệ thống quản lý chất lượng ISO.
  3. Cấp cao: Các giá trị cốt lõi của hệ thống IMC (có thể ngầm hiểu chính là “Hiến pháp” của hệ thống) thể hiện rõ trách nhiệm này trong điều 05[3]: “Có trách nhiệm cao với cộng đồng và môi trường”. Đây là một giá trị cốt lõi thể hiện rõ ràng sự cam kết cũng như là kim chỉ nam hành động luôn có trách nhiệm cao không những đối với bản thân, với tổ chức, với sản phẩm an toàn, chất lượng mà còn bao trùm tất cả các hoạt động khác từ khâu nghiên cứu và phát triển sản phẩm, sản xuất, đảm bảo chất lượng cũng như tất cả các hoạt động khác đưa đến tay người tiêu dùng sản phẩm của hệ thống IMC (bao gồm các hoạt động tiếp thị, bán hàng, phân phối, hậu mãi v.v…).

Hệ thống IMC đã và đang vận hành theo nguyên tắc thực tế điều khiển, điều này đã góp phần lớn vào sự thành công có được ngày hôm nay. Việc này cần được tiếp tục kiên trì thực hiện hiểu rằng thực tế đang yêu cầu doanh nghiệp nếu muốn thành công một cách vững bền thì cần thực hiện các trách nhiệm xã hội của mình một cách quyết liệt không kém các mục tiêu khác về kinh tế và môi trường. Cần hiểu đúng và đủ trách nhiệm cao đồng nghĩa với việc từng cá nhân nói riêng và hệ thống IMC nói chung cần thực hiện các trách nhiệm xã hội tốt hơn trong phạm vi cho phép hơn việc so sánh với mặt bằng chung tránh tư tưởng “thị trường như vậy thì mình làm như vậy là ổn rồi…” Đối với từng cá nhân nâng cao tinh thần triệt để tiết kiệm, cương quyết nói không với các lãng phí. Nâng cao chất lượng hoạt động và hiệu quả của hệ thống. Quán triệt tư tưởng việc thực hiện các trách nhiệm với cộng đồng chính là việc thể hiện văn hóa của từng cá nhân và tổ chức. Tự đào tạo và rèn luyện để vượt qua cạm bẫy tư tưởng hành động rằng cứ lo cho bản thân/công ty trước sau đó mới nghĩ tới người khác/cộng đồng hiểu quy luật rằng là quyền lợi cá nhân và cộng đồng luôn phải song hành để có thể bền vững.

Đề xuất giải pháp nâng cao trác nhiệm xã hội

Ba mục tiêu mà các doanh nghiệp muốn phát triển bền vững cần hướng tới

Lưu ý thứ tự không thể hiện ưu tiên hoặc quan hệ trước/sau

  • Profit: Mục tiêu về kinh tế
  • People: Mục tiêu về xã hội (CSR)
  • Planet: Mục tiêu về môi trường

Thực tiễn Việt Nam là một đất nước đáng phát triển, các doanh nghiệp đang trong giai đoạn đầu (dưới 15 năm gần đây) của việc tích lũy tư bản. Tuy nhiên nếu chỉ chú tâm đến tiền và thành công (Profit) sẽ dẫn đến những hệ lụy mà thực tế sẽ mất không phải chỉ một mà nhiều thế hệ để có thể giải quyết. Một dẫn chứng cụ thể về Hàn Quốc (nền kinh tế lớn thứ 12 về GDP trên Thế giới) mặc dù đạt những thành công không thể phủ nhận, hiện tại có mức tự tử trung bình 40 người ngày (tương đương số tử vong hàng ngày tại Việt Nam vì tai nạn giao thông) mà theo lý giải của nhà tâm lý học TS. Kang-ee Hong là trong hơn 40 năm qua, các bậc cha mẹ Hàn Quốc đã bỏ qua các giá trị truyền thống để theo đuổi một mục tiêu đơn lẻ: “Ngay từ thời thơ ấu, tầm quan trọng của tiền và thành công đã được các bậc phụ huynh chú trọng, vì vậy, họ cảm thấy nếu không đạt điểm cao ở các bậc học và kiếm được việc làm tốt hay vào trường đại học danh tiếng có nghĩa là người con không thành đạt, và các ông bố bà mẹ cư xử như thể đó không phải là con họ”, chính vì vậy ngay từ khi còn nhỏ, trẻ em đã phải nỗ lực từ sáng sớm tới tối mịt, và thậm chí cả cuối tuần, để được vào trường đại học tốt nhất và cuối cùng là có được một việc làm lương cao. Áp lực đó cực kỳ lớn và triền miên, kéo dài nhiều năm liền[4].

Việc thực hiện các trách nhiệm xã hội, theo người viết, là hệ quả của các giá trị, chuẩn mực, chi phối hành vi và thể hiện Văn hóa của một cá nhân hoặc tổ chức. Vì vậy không chỉ các hình thức như trên mà còn nhiều hình thức rất đơn giản mà mỗi cá nhân chúng ta có thể thực hiện nhằm thể hiện và khẳng định văn hóa chính là hiểu và thực hiện văn hóa ứng xử “Nhân, Trí, Tín, Lễ, Nghĩa”, lưu tâm là mục tiêu/kết quả cuối cùng là tối quan trọng tuy nhiên cách thức chúng ta đạt được/đi đến đó cũng quan trọng không kém. Vai trò của Chi bộ IMC trong việc định hướng và lãnh đạo công tác thực hiện trách nhiệm xã hội được chỉ rõ:

  • Quan điểm về xây dựng văn hóa của Đảng ta tại Hội nghị 5, khóa VIII trong đó:
    • Xây dựng và phát triển VH là sự nghiệp của toàn dân, do Đảng lãnh đạo, trong đó đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng.
    • Văn hóa là một mặt trận; xây dựng và phát triển văn hóa là một sự nghiệp cách mạng lâu dài, đòi hỏi phải có ý chí cách mạng và sự kiên trì thận trọng.
  • Kết luận các kỳ Đại hội VIII và X của Đảng ta: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của Xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển Kinh tế và Xã hội”

Chi bộ Công ty cần thấm nhuần trong vai trò của mình thực hiện tốt vai trò lãnh đạo của mình trong việc định hướng hoạt động của Công ty đảm bảo các mục tiêu về Xã hội và Môi trường (bên cạnh mục tiêu về kinh tế). Định hướng thực hiện trách nhiệm xã hội như một phần gắn liền không thể tách rời với các chiến lược kinh doanh sẽ là mục đích cần đạt và mục đích này cần được hiểu, thấm nhuần và thực hiện đồng bộ tại tất cả các cá nhân, tập thể trong hệ thống IMC.

Kết luận

Thực hiện kiên trì và cao nhất giá trị cốt lõi của tập thể IMC “Có trách nhiệm cao với cộng đồng và môi trường” chính là một con đường lựa chọn tất yếu để Hệ thống IMC nói riêng và Việt Nam nói chung có một tương lai tốt hơn,  cảm đảm vượt qua những cám dỗ trước mắt hoặc chấp nhận hy sinh cái riêng vì cái chung để có thể có một cơ hội vượt qua vòng luẩn quẩn mà theo nhận định của Thiếu tướng Lê Văn Cương (nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an) rằng: “Việt Nam không phải nước đang phát triển, đã phát triển hay chậm phát triển; mà là khó phát triển”[5].

Và để kết lại, người viết xin trích dẫn lời nói của Ông Vũ Văn Chầm (Chủ tịch Hội Da giày TPHCM, Chủ tịch HĐQT Công ty Giày Việt): Những phương án thực dụng “một ngày một bữa” hòng “trụ lại và lai dắt con thuyền doanh nghiệp qua thời kỳ khó khăn…”, thực ra chỉ là cái cớ. Không nên đổ lỗi cho hoàn cảnh làm hư mình mà hãy tự rèn luyện bản thân để trở thành người có chính khí trên con đường kinh doanh. Hẳn cũng có một bộ phận doanh nhân tự cho rằng tôi làm ra của cải thì tôi có quyền hưởng thụ theo cách mà tôi thích, thậm chí là một cuộc sống phóng dật. Đó chính là lúc các bạn đã đánh mất sự căn bản của hạnh phúc, mất thăng bằng trong cuộc sống… Một doanh nhân có tư cách đạo đức và bản lĩnh sẽ biết cách “né” những cám dỗ trong cuộc sống, để không bị biến thành kẻ nô lệ vật chất hay tội đồ trong mắt cộng đồng, và luôn hiểu rằng việc rèn giũa để trở thành một doanh nhân bản lĩnh, sống tử tế thì khó khăn và mất thời gian hơn rất nhiều so với làm một doanh nhân kiếm ra tiền và hưởng thụ vô độ.[6]

Ngạn ngữ Châu Phi có nói “Nếu muốn tiến nhanh, hãy đi một mình. Nếu muốn tiến xa, hãy cùng đi”. Với những mục tiêu thật sự thách thức cho đến năm 2018 của toàn bộ hệ thống IMC, thiết nghĩ việc thiết lập các mục tiêu và triển khai các hành động liên quan thách thức không kém liên quan đến việc thực hiện trách nhiệm xã hội là một điều hết sức cần thiết nhằm tạo điều kiện cho sự phát triển nhanh nhưng bền vững của hệ thống. Việc tích hợp trách nhiệm xã hội trong các chiến lược kinh doanh sẽ giúp cộng đồng và xã hội ngày càng thêm “yêu” hệ thống IMC, đúng kỳ vọng và mục tiêu mà tập thể IMC đang hướng tới./.

 

ThS. Đỗ Ngọc Thạch

[1] http://en.wikipedia.org/wiki/Corporate_social_responsibility
[2] http://dddn.com.vn/20090402104855599cat147/csr-va-su-truong-ton-cua-doanh-nghiep.htm
[3] http://imc.net.vn/nghien-cuu-san-xuat-thuc-pham-chuc-nang/gioi-thieu-chung
[4] http://vietnamnet.vn/vn/quoc-te/47435/vi-sao-co-toi-40-nguoi-han-tu-tu-moi-ngay-.html
[5] http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-10-26-tuong-le-van-cuong-binh-ve-hien-tuong-dinh-la-thang-
[6] http://www.thesaigontimes.vn/Home/xahoi/doisong/64840/