IMC làm chủ công nghệ sản xuất chế phẩm sinh học quy mô công nghiệp
Khó khăn về nguồn nguyên liệu công nghệ sinh học
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và những nghiên cứu dịch tễ học ở Việt Nam đều cho thấy, những năm gần đây, dưới tác động của ô nhiễm môi trường, sự tiến công của các chủng vi-rút, việc sử dụng kháng sinh, áp lực công việc, chế độ dinh dưỡng… đã gây ra một số căn bệnh như: tim mạch, huyết áp, đột quỵ, suy giảm miễn dịch, ung thư; các bệnh về đường tiêu hóa… Do đó, nhiều nước trên thế giới có nền y học phát triển như Mỹ, Nga, Pháp, Nhật Bản… đã nghiên cứu và sản xuất nguyên liệu từ công nghệ sinh học: Probiotics, enzyme, protein (từ vách tế bào vi khuẩn) để sử dụng với nhiều dạng bào chế khác nhau, tăng cường sức khỏe cho người dân.
Dược sĩ Nguyễn Xuân Hoàng – Chủ nhiệm Dự án báo cáo kết quả thực hiện Dự án.
Theo Dược sĩ Nguyễn Xuân Hoàng – Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty TNHH Tư vấn Y dược quốc tế, tại Việt Nam, từ năm 2000, thực phẩm chức năng (TPCN) đã và đang phát triển rất mạnh mẽ. Năm 2005, trên cả nước mới chỉ có 143 cơ sở kinh doanh thực phẩm chức năng (TPCN) với 300 sản phẩm chủ yếu là nhập khẩu thì tới năm 2010 đã tăng lên 1.600 cơ sở kinh doanh cùng 3.700 sản phẩm. Tổng giá trị năm 2017 đạt gần 5 tỷ USD (Số liệu Hiệp hội TPCN Việt Nam – VAFF) trong đó có các nguyên liệu như vitamin, khoáng chất, dược liệu và hoạt chất sinh học. Hầu hết các hoạt chất phải nhập khẩu, đặc biệt là hoạt chất sinh học. Việc nghiên cứu, sản xuất phụ thuộc vào nguyên liệu ngoại nhập ảnh hưởng rất nhiều đến việc sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất TPCN vì chi phí nhập khẩu cao và trong điều kiện khí hậu ở Việt Nam hoạt lực của các dòng chế phẩm sinh học đó rất dễ giảm.
Bởi vậy, vấn đề tự chủ nguồn nguyên liệu công nghệ sinh học có chất lượng ổn định trong nước là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết. Để khắc phục khó khăn về nguồn nguyên liệu công nghệ sinh học, các doanh nghiệp sản xuất thực TPCN thường tìm cách sau khi nuôi cấy vi khuẩn bao lại bằng các hoạt chất đặc biệt để vi khuẩn có thể sống sót ở môi trường khắc nghiệt hơn, giúp vi khuẩn có thể sống được khi xuống tới ruột non. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cũng mua các chế phẩm sinh học của một số viện nghiên cứu nhưng số lượng không nhiều.
Để góp phần khắc phục các khó khăn trong thực tế, Bộ Khoa học và Công nghệ đã giao Công ty IMC thực hiện Dự án “Nghiên cứu phát triển và làm chủ công nghệ sản xuất quy mô công nghiệp một số chế phẩm vi sinh, enzym và protein”. Dự án thuộc sự quản lý của Văn phòng các Chương trình KH&CN Quốc gia, Vụ Công nghệ cao và Ban Chủ nhiệm Chương trình Nghiên cứu, Đào tạo và xây dựng hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao. IMC là doanh nghiệp có thế mạnh về nghiên cứu, sản xuất thực phẩm chức năng có nguồn gốc thiên nhiên và là một trong những doanh nghiệp tiên phong đầu tư nghiên cứu, sản xuất TPCN chất lượng cao phục vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Chủ động nguồn nguyên liệu công nghệ sinh học
Theo Dược sĩ Nguyễn Xuân Hoàng – Chủ nhiệm Dự án, Dự án được triển khai từ tháng 10/2013 đến tháng 9/2019 với nhiệm vụ nghiên cứu làm chủ công nghệ sản xuất nguyên liệu vi sinh (probiotic), enzym, protein (vách tế bào vi sinh vật) trên qui mô công nghiệp; ứng dụng nguyên liệu CNSH, kết hợp với chiết xuất từ dược liệu để sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe; xây dựng nhà máy sản xuất nguyên liệu CNSH và nhà máy sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Triển khai Dự án này, IMC đã làm chủ công nghệ sản xuất 9 nguyên liệu và 8 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe quy mô công nghiệp: nghiên cứu và ứng dụng CNSH đặc biệt là công nghệ lên men, công nghệ enzym, công nghệ protein, công nghệ đông khô…; nghiên cứu và ứng dụng công nghệ chiết xuất dược liệu, công nghệ sản xuất cao khô, công nghệ bào chế các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có kết hợp nhiều thành phần nhằm cung cấp cho thị trường các sản phẩm có nguồn gốc sinh học, nguồn gốc tự nhiên có chất lượng ổn định, dùng trong điều trị và hỗ trợ điều trị các bệnh do suy giảm miễn dịch hay bệnh đường tiêu hóa như Deltaimnune, Immunegamma, probiotic,…
Một số sản phẩm là kết quả của Dự án.
Đồng thời, chủ động nguồn nguyên liệu trong nước, không phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, ổn định được quá trình sản xuất các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe tạo nguồn cung cho thị trường ổn định. IMC đã nghiên cứu và làm chủ quy trình sản xuất protein có tác dụng tăng miễn dịch nguyên liệu deltaimnune, immunegamma quy mô 100 kg/lô; quy trình công nghệ sản xuất enzym: nguyên liệu nattotinase quy mô 100kg/lô; quy trình lên men và công nghệ sản xuất 6 nguyên liệu vi sinh vật: Bacillus coagulans, Bacillus subtilis, Lactobacillus acidophilus, Lactobacillus rhamnosus, Lactobacillus paracasei, Lactobacillus fermentum quy mô 200kg/lô; quy trình công nghệ bào chế 8 sản phẩm thực phẩm chức năng từ các nguyên liệu trên ở quy mô 300.000 đơn vị/lô. Đặc biệt, IMC đã sản xuất được 13.728.354 đơn vị sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có chất lượng ổn định, hỗ trợ điều trị và phòng ngừa bệnh. Tạo ra dịch vụ công nghệ cao, chủ động cung cấp cho thị trường trong nước tiến tới xuất khẩu các nguyên liệu có nguồn gốc sinh học deltaimnune, immunegamma, probiotic, nattotinase và các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có chất lượng, phòng ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh với thương hiệu “Made in Vietnam” chất lượng tương đương so với nhập ngoại.
Việc triển khai Dự án cũng đã giúp IMC xây dựng được 2 nhà máy mới là nhà máy sản xuất nguyên liệu và nhà máy sản xuất thành phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Điều này giúp IMC hướng tới xuất khẩu nguyên liệu và sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe ra nước ngoài. Quá trình thực hiện dự án đã góp phần phát triển thương hiệu và doanh thu của Công ty từ năm 2013 đạt 94 tỷ đồng lên 299 tỷ đồng năm 2018.
Ngoài 8 sản phẩm là nhiệm vụ của Dự án, IMC đã nghiên cứu thêm một số sản phẩm chứa 9 nguyên liệu từ kết quả của Dự án, tạo việc làm và chăm lo đời sống cho nhân viên của công ty ngày một cải thiện.
Dược sĩ Nguyễn Xuân Hoàng cho rằng, một trong những kết quả lớn nhất với IMC sau khi thực hiện Dự án đó là đã đào tạo được đội ngũ nghiên cứu và sản xuất có trình độ kỹ thuật cao, giúp nâng cao năng lực tự chủ trong nghiên cứu và sản xuất của doanh nghiệp.
Toàn cảnh buổi họp Hội đồng đánh giá, nghiệm thu cấp Nhà nước chiều ngày 17/9.
Tại buổi họp Hội đồng đánh giá nghiệm thu cấp Nhà nước do Bộ KH&CN tổ chức ngày 17/9 mới đây, các thành viên Hội đồng đều đánh giá cao những kết quả IMC đạt được. Theo ông Trịnh Văn Quỳ – Chủ tịch Hội đồng, IMC đã hoàn thành các sản phẩm của Dự án theo đặt hàng, trong đó có nhiều sản phẩm đã vượt về số lượng, khối lượng. Chất lượng sản phẩm tương đương với sản phẩm nhập ngoại và được thương mại hóa trên thị trường. Đặc biệt, Dự án đã tạo ra các nguyên liệu công nghệ sinh học mà trước đây chúng ta phải nhập nhẩu với giá thành rẻ hơn và chất lượng tương đương sản phẩm nhập ngoại.
Hoạt động sản xuất thực phẩm chức năng tại IMC.
Theo các chuyên gia, Dự án thành công đã góp phần tạo nền tảng trong nghiên cứu CNSH và công nghệ chiết xuất, bào chế TPCN có chất lượng cao, phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của cộng đồng; tạo thế cạnh tranh cho các đơn vị sản xuất TPCN, chủ động trong nghiên cứu và phát triển sản phẩm chăm sóc sức khỏe; tạo điều kiện và động lực cho doanh nghiệp phát triển nghiên cứu, ứng dụng KH&CN, đặc biệt là công nghệ cao để sản xuất các thực phẩm bảo vệ sức khỏe.