Huyết áp là gì và cách phân biệt huyết áp với nhịp tim

Huyết áp và nhịp tim là những chỉ số quan trọng gắn liền với hoạt động của hệ tim mạch. Thế nhưng điều đó không có nghĩa rằng hai yếu tố này trùng lắp hay có mối liên hệ mật thiết với nhau như nhiều người vẫn lầm tưởng.

Sau đây mời bạn cùng tìm hiểu xem huyết áp là gì, và câu trả lời cho bốn nhầm lẫn thường thấy về huyết áp và nhịp tim.

>> 5 loại thảo mộc giúp điều hòa huyết áp

>> Cai thuốc lá bằng thực phẩm sẵn có trong bếp

Huyết áp là gì và cách phân biệt huyết áp với nhịp tim

Hỏi: Huyết áp và nhịp tim khác nhau như thế nào?

Cùng thể hiện mức độ khỏe mạnh của hệ tim mạch nhưng huyết áp (blood pressure) và nhịp tim (heart rate) lại là hai khái niệm hoàn toàn riêng biệt. Chúng khác nhau cả về định nghĩa, đơn vị đo lẫn các thông số liên quan.

Bảng tóm tắt sau đây sẽ giải thích cho bạn huyết áp là gì, và huyết áp khác nhịp tim như thế nào.

Huyết áp

Nhịp tim

Khái niệm

Áp lực lên thành mạch máu khi tim bơm máu đi khắp cơ thể
Số lần tim co bóp trong vòng 1 phút

Đơn vị đo

mmHg (milimét thủy ngân)
nhịp / phút

Các thông số

Huyết áp luôn thể hiện dưới hai thông số:

– Huyết áp tâm thu: áp lực sinh ra trong động mạch khi tim co bóp

– Huyết áp tâm trương: áp lực trong động mạch khi tim nghỉ ngơi giữa 2 lần co bóp

Có 2 cách thể hiện nhịp tim:

– Nhịp tim nghỉ ngơi: đo khi cơ thể không cử động mạnh

– Nhịp tim mục tiêu: khoảng giá trị khi tim hoạt động tốt nhất

Ví dụ

120/80 mmHg
Nhịp tim nghỉ ngơi: 60 nhịp/phút

Nhịp tim mục tiêu: 100-170 nhịp/phút

Hỏi: Có phải nhịp tim tăng thì huyết áp cũng sẽ tăng?

Mỗi khi hưng phấn hay sợ hãi, huyết áp và nhịp tim của bạn sẽ cùng tăng lên như một phản ứng tự nhiên của cơ thể. Tuy nhiên, ngoài những trường hợp đó thì huyết áp và nhịp tim không có mối liên kết cụ thể nào với nhau.

Khi nhịp tim tăng lên, hệ động mạch của bạn sẽ luôn co giãn theo để máu lưu thông dễ dàng hơn và giữ huyết áp trong ngưỡng phù hợp. Đó cũng là lý do vì sao sau khi chơi thể thao, tim bạn đập nhanh hơn nhưng huyết áp lại tăng không đáng kể.

Phần đông những người bị tăng huyết áp thường có huyết áp vượt ngưỡng 120/80 mmHg nhưng nhịp tim lại rất bình thường, khỏe mạnh.

Cách xác định duy nhất là bạn cần thường xuyên đến cơ sở y tế để được kiểm tra huyết áp và nhịp tim hoặc tiến hành đo huyết áp, nhịp tim tại nhà theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Hỏi: Nhịp tim và huyết áp bao nhiêu thì được gọi là khỏe mạnh?

Hiện không có một chuẩn cố định nào cho huyết áp và nhịp tim. Những thông số như 120/80 mmHg và 60-100 nhịp / phút chỉ mang giá trị tham khảo, tương đối vì huyết áp lẫn nhịp tim của mỗi người lại khác nhau.

Một số người sinh ra đã có huyết áp thấp hơn phần đông dân số dù cơ thể họ hoàn toàn khỏe mạnh. Tương tự, nhịp tim của mỗi người cũng biến đổi khác nhau trước, trong và sau khi chơi thể thao hay vận động mạnh.

Một cơ thể khỏe mạnh không chỉ phụ thuộc vào chỉ số huyết áp, nhịp tim mà còn chịu tác động bởi đặc trưng sinh học riêng của bạn và những triệu chứng, phản ứng trong từng thời điểm.

Chính vì vậy, bạn không nên tự xác định tình trạng sức khỏe của mình tại nhà mà nên thường xuyên đến bác sĩ để được khám, chẩn đoán chính xác nhất.

Hỏi: Điều trị tăng huyết áp (hypertension) có giống với điều trị rối loạn nhịp tim (tachycardia) hay không?

Quá trình điều trị hai căn bệnh trên vừa có điểm giống nhau, vừa có điểm khác nhau. Giống nhau vì biện pháp đầu tiên trong tiến trình điều trị hay phòng ngừa  tăng huyết áp và rối loạn nhịp tim chính là thay đổi lối sống, tập các thói quen sống lành mạnh.

Bác sĩ sẽ luôn khuyên bạn ăn thực phẩm có lợi cho tim, tăng cường vận động thể lực, đồng thời nói không với chất kích thích, gây nghiện, tránh căng thẳng tinh thần kéo dài.

Điểm khác biệt khi điều trị tăng huyết áp và rối loạn nhịp tim là mỗi loại bệnh yêu cầu phương thuốc, cách thức can thiệp khác nhau.

Tùy theo hướng dẫn của bác sĩ, người bị bệnh tăng huyết áp cần dùng kết hợp nhiều loại thuốc điều trị tăng huyết áp (hay còn gọi là thuốc hạ áp) như thuốc lợi tiểu, thuốc ức chế men chuyển…

Trong khi đó, người bị bệnh rối loạn nhịp tim cần uống thuốc chống loạn nhịp hoặc được can thiệp theo nghiệm pháp Vagal, cấy ghép, phẫu thuật nếu bệnh trở nặng.