Huyện Ngọc Hiển (Cà Mau): Khởi sắc Làng Văn hoá Du lịch – Tổng cục Du lịch
Với tiềm năng, thế mạnh về phát triển du lịch, huyện Ngọc Hiển (tỉnh Cà Mau) đã xây dựng Làng Văn hoá Du lịch tại ấp Cồn Mũi, xã Đất Mũi nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị văn hoá truyền thống của người dân vùng cực Nam Tổ quốc. Đồng thời, bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho các hộ dân, hướng đến phát triển kinh tế bền vững.
Ông Lê Chí Thắng, Trưởng phòng Văn hoá, Thông tin huyện Ngọc Hiển, chia sẻ: “Chủ tịch UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án Làng Văn hoá Du lịch Đất Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến 2030. Đây là lợi thế để huyện Ngọc Hiển phát huy những giá trị truyền thống văn hoá, tạo nét đặc sắc riêng cho Đất Mũi phát triển tiềm năng kinh tế, du lịch”.
Đến với Làng Văn hoá Du lịch Đất Mũi, du khách sẽ được khám phá nét đặc trưng văn hoá của người dân miền sông nước Cà Mau từ nếp sống, sinh hoạt cho đến sản xuất. Một trong những nét văn hoá đặc trưng được gìn giữ bao đời nay là những ngôi nhà không cửa. Nhà không cửa thể hiện tấm lòng chất phác, hiền hoà của những người dân nơi xóm Mũi, mọi người cùng thi đua sản xuất, tình lành nghĩa xóm được thắt chặt, tối lửa tắt đèn có nhau, an ninh trật tự xóm ấp được giữ vững. Đến nay, những ngôi nhà không cửa đã được tân trang, phát triển để phù hợp với xã nông thôn mới.
Để hấp dẫn du khách, người dân ở Làng Văn hoá Du lịch tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị như: giăng cá, đặt lọp cua, soi ba khía, xổ vuông… và những món ăn đặc sản tươi ngon mang đậm hương vị biển.
Du khách ngoại tỉnh rất thích thú khi được trải nghiệm trên những chiếc cầu cây bắc trên sông, nét đặc sắc vùng sông nước Đất Mũi, Cà Mau
Ngoài cảnh thiên nhiên sông nước hữu tình, lưu giữ nhiều giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc của người dân nơi cuối trời Tổ quốc, các hộ dân còn liên kết, hợp tác với nhau để làm du lịch, xây dựng hình ảnh con người nơi đây thân thiện, hiền hoà và mến khách.
Ông Quách Văn Ngãi, hộ dân Làng Văn hoá Du lịch, chia sẻ: “Được công nhận Làng Văn hoá Du lịch, tôi rất tự hào. Gia đình tôi đã trồng hoa, cây xanh dọc theo tuyến lộ giao thông nông thôn; phát triển thêm các mô hình du lịch sinh thái trải nghiệm như hoạt động mò sò, bắt ốc, xổ vuông tôm… Phương châm của gia đình là tạo sự cởi mở, chân tình, hiếu khách, để xây dựng được bản sắc của Làng Văn hoá Du lịch vùng đất cực Nam Tổ quốc”.
Giăng lưới, trải nghiệm thú vị cho du khách thập phương khi một lần đến vùng Đất Mũi
Là hộ đầu tiên làm du lịch sinh thái cộng đồng, khi Làng Văn hoá Du lịch Đất Mũi được công nhận, ông Nguyễn Văn Nhuần (ấp Cồn Mũi, xã Đất Mũi) rất phấn khởi khi du lịch địa phương được quan tâm đầu tư về kết cấu hạ tầng, giao thông nông thôn. Để tạo điểm nhấn cho Làng Văn hoá Du lịch, ông Nhuần trồng thêm nhiều loài hoa, cây kiểng với màu sắc bắt mắt để tô đẹp cho khung cảnh thiên nhiên, đường làng ngõ xóm khang trang, sạch sẽ, ngày càng thu hút đông đảo du khách thập phương. Bên cạnh đó, ông Nhuần còn xây dựng nhiều hoạt động vui chơi, trải nghiệm cho du khách lựa chọn và được tìm hiểu nét đẹp bản sắc văn hoá, phong tục tập quán, cuộc sống người dân địa phương.
Ông Nhuần cho biết, từ khi được công nhận Làng Văn hoá Du lịch và dịch Covid-19 được kiểm soát, hầu hết các điểm du lịch sinh thái cộng đồng ở xã Đất Mũi có nhiều khởi sắc. Nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm và rất ấn tượng bởi cảnh quan môi trường trong lành, mát mẻ, đồ ăn tươi ngon, hợp khẩu vị…
“Chúng tôi luôn gìn giữ và phát huy những giá trị, bản sắc riêng của người dân vùng sông nước Cà Mau. Mọi người cùng đoàn kết, chia sẻ kinh nghiệm về kinh doanh du lịch, cùng gìn giữ cảnh quan môi trường sạch, đẹp”, ông Nhuần bày tỏ.
Ông Tiết Minh Thành, Phó chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển, cho rằng, Làng Văn hoá Du lịch được phê duyệt đã làm đổi thay đáng kể bộ mặt nông thôn, nhận thức và đời sống của bà con được nâng cao, góp phần rất lớn vào việc phát triển kinh tế – xã hội của xã Đất Mũi. Đây cũng là đòn bẩy để ngành du lịch của huyện Ngọc Hiển ngày càng phát triển./.
Hồng My – Chí Hiểu