Hủy hoại tài sản của người khác bị xử lý thế nào? | Luật Hùng Thắng

Tội hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng, đập phá tài sản của người khác là hành vi trái pháp luật. Nhiều thắc mắc đặt ra của không ít người về mức phạt với hành vi này được quy định ra sao?

Căn cứ pháp lý

 –  Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017

 –  Nghị định 167/2013/NĐ-CP

Nội dung tư vấn

Hành vi hủy hoại tài sản của người khác là hành vi vi phạm pháp luật. Tuy vào tính chất, mức độ của hành vi mà có thể bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự theo quy định pháp luật. Cụ thể như sau:

1. Xử lý hành chính

Hành vi hủy hoại tài sản chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị xử lý hành chính theo quy định tại Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, với mức phạt tiền cao nhất lên đến 5.000.000 đồng, ngoài ra còn bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Cụ thể:

“Điều 15. Vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của người khác

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác;
b) Gây mất mát, hư hỏng hoặc làm thiệt hại tài sản của Nhà nước được giao trực tiếp quản lý;
c) Dùng thủ đoạn hoặc tạo ra hoàn cảnh để buộc người khác đưa tiền, tài sản;
d) Gian lận hoặc lừa đảo trong việc môi giới, hướng dẫn giới thiệu dịch vụ mua, bán nhà, đất hoặc các tài sản khác;
đ) Mua, bán, cất giữ hoặc sử dụng tài sản của người khác mà biết rõ tài sản đó do vi phạm pháp luật mà có;
e) Chiếm giữ trái phép tài sản của người khác.
3. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại Điểm a, b, c Khoản 1; Điểm c, đ, e Khoản 2 Điều này.
4. Người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này, thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất khỏi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

2. Xử lý hình sự

Nếu có đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, thì người có hành vi hủy hoại tài sản sẽ bị xử lý hình sự về Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo quy định tại Điều 178 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017, với hình phạt tù cao nhất lên đến 20 năm tù. Cụ thể:

“Điều 178. Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản
1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
đ) Tài sản là di vật, cổ vật.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
c) Tài sản là bảo vật quốc gia;
d) Dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
đ) Để che giấu tội phạm khác;
e) Vì lý do công vụ của người bị hại;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
4. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm”.

Trên đây là toàn bộ tư vấn của Luật Hùng Thắng về tư vấn Hủy hoại tài sản của người khác bị xử lý thế nào? Chúng tôi luôn sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ Quý khách hàng những thông tin cần thiết.
Vui lòng liên hệ chúng tôi qua số hotline 19000185 hoặc gửi yêu cầu đến địa chỉ email: [email protected] nếu bạn còn những vướng mắc chưa rõ hoặc cần tư vấn pháp lý tại lĩnh vực khác.

Có thể bạn quan tâm: