Hướng tới Hội khoẻ phù đổng toàn quốc lần thứ VII: Nhớ lời Bác dạy về tinh thần thể dục thể thao

Với lời lẽ ngắn gọn, súc tích, “Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục” của Bác đã chứa đựng tính nhân văn và tính quần chúng vô cùng sâu sắc. Trước hết, Người khẳng định:”…Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khoẻ mới thành công”, “Dân cường thì nước thịnh”. Thể dục là hình thức giáo dục con người bằng sự vận động thân thể, tinh thần một cách khoa học và phù hợp với mọi đối tượng, vì vậy Bác khuyên “… gái trai, già trẻ ai cũng nên làm và ai cũng làm được”. Như vậy, thể dục thể thao chính là môi trường lành mạnh, hữu ích trong việc rèn luyện Đức – Trí – Thể – Mĩ của mỗi cá nhân và sức mạnh toàn diện của cộng đồng xã hội với mục đích hàng đầu là để đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, làm cho dân giàu, nước mạnh, văn minh, tiến bộ. Đó cũng chính là tính nhân văn cao cả của TDTT.

Về tính quần chúng của TDTT, Bác chỉ rõ: đây là một thuộc tính quan trọng và không thể thiếu của nền TDTT cách mạng. Vì thế, đối tượng trong Lời kêu gọi của Người là toàn thể đồng bào các dân tộc Việt Nam, không phân biệt già trẻ, trai gái, thành phần xã hội, ai là người Việt Nam thì cũng phải năng tập thể dục để cho thân thể cường tráng, tinh thần làm việc hăng say và đạt nhiều kết quả. Sau những lời giải thích ngắn gọn nhưng sâu sắc về mục đích, ý nghĩa, tác dụng của luyện tập TDTT, Bác kết luận:” Dân cường thì nước thịnh. Tôi mong đồng bào ai cũng cố gắng tập thể dục”. Lời nói của một vị Chủ tịch Nước thật giản dị nhưng hàm chứa một tình yêu bao la và niềm mong mỏi, tin tưởng đối với tất cả mọi người.

Không chỉ kêu gọi chung chung, Bác Hồ còn là tấm gương sáng về việc rèn luyện  thể dục, thể thao. Câu “Tự tôi ngày nào cũng tập” như một lời hứa trong Lời kêu gọi đã được Người thực hiện trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình. Hồi mới từ nhà tù Tưởng Giới Thạch ra, thân thể gầy yếu, mắt mờ, chân chậm, Bác đã phải tập dần từng bước đi, tập nhìn xa, rồi tập leo núi. Bài thơ “Mới ra tù, tập leo núi” được in trong phần cuối tập “Nhật ký trong tù”, bên cạnh ý nghĩa là một bức thông điệp gửi về nước báo tin Người còn sống, động viên đồng bào, đồng chí giữ vững tinh thần cách mạng còn thể hiện rõ ý chí rèn luyện thân thể của Bác để hồi phục sức khoẻ, tiếp tục lãnh đạo cách mạng. Trong nhiều hồi ký của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước từng được sống gần gũi với Bác cũng như qua những thước phim tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người, chúng ta đều thấy Bác rất năng tập thể dục. Bác tham gia đánh bóng chuyền, tập các bài võ dân tộc với các đồng chí trong đội cảnh vệ. Trên bàn làm việc của Bác luôn có một hòn đá cuội tròn, ngoài việc để chẹn giấy tờ, công văn còn là vật để Người rèn luyện bàn tay thêm rắn chắc. Lao động chân tay cũng là một hình thức thể dục nên tại chiến khu Việt Bắc, hàng ngày, sau giờ làm việc, Bác vẫn cùng các đồng chí trong cơ quan Trung ương và bộ đội xách nước tưới rau vừa để rèn luyện sức khoẻ vừa góp phần cải thiện bữa ăn. Thể dục thường xuyên, ở mọi nơi, mọi lúc đã trở thành nền nếp, thành thói quen trong mọi sinh hoạt của Người. Hình ảnh Bác tươi cười, thoăn thoắt bước lên các bậc đá của Đền Hùng khi về thăm Đất Tổ hoặc cùng bà con nông dân tát nuớc chống hạn năm nào còn ghi mãi trong tâm khảm của các thế hệ cháu con. Thật kính yêu và cảm phục biết bao nhiêu, khi người Cha già của dân tộc ở tuổi sáu mươi vẫn có những vần thơ đầy tinh thần lạc quan, yêu đời:

                     Sáu mươi tuổi hãy còn xuân chán

                     So với ông Bành vẫn thiêú niên

                     Ăn khoẻ, ngủ ngon làm việc khỏe

                     Trần mà như thế kém gì Tiên.

Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về TDTT và tấm gương rèn luyện của Người, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, chỉ đạo và tạo mọi điều kiện thuận lợi để xây dựng và phát triển phong trào TDTT dành cho mọi người như “Khỏe để bảo vệ Tổ quốc, “Khoẻ để lập nghiệp, giữ nước” và nhất là phong trào “Toàn dân rèn luyện sức khỏe theo gương Bác Hồ vĩ đại” được triển khai rộng rãi trên cả nước. Cuộc vận động này đã được thể hiện dưới nhiều hình thức phong phú, sinh động, được các tầng lớp nhân dân sôi nổi hưởng ứng như: Thể dục buổi sáng, thể dục dưỡng sinh, đồng diễn thể dục, chạy tập thể, khôi phục các môn võ cổ truyền dân tộc, tổ chức các hội thi TDTT…Bên cạnh đó là sự đầu tư cho các môn thể thao chuyên nghiệp, thể thao thành tích cao, đưa đất nước ta vững bước tiến vào vũ đài thể thao khu vực và quốc tế.

Trước thềm Hội khoẻ Phù Đổng 2008 dành cho thế hệ trẻ – những chủ nhân tương lai của đất nước, tìm hiểu và suy nghĩ về tư tưởng Hồ Chí Minh về TDTT, chúng ta càng nhận thức sâu sắc hơn về mục đích, ý nghĩa cao cả của kỳ Đại hội mang tính Quốc gia này. Đây cũng là dịp để chúng ta nhìn nhận lại kết quả việc triển khai phương hướng, nhiệm vụ về TDTT mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X đã đề ra là:” Đẩy mạnh các hoạt động thể dục, thể thao cả về quy mô và chất lượng. Khuyến khích và tạo điều kiện để toàn xã hội tham gia hoạt động và phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao. Phát triển mạnh mẽ thể thao quần chúng, thể thao nghiệp dư, trước hết là trong thanh niên, thiếu niên. Làm tốt công tác giáo dục thể chất trong trường học. Mở rộng quá trình chuyên nghiệp hoá thể thao thành tích cao. Đổi mới và tăng cường hệ thống đào tạo vận động viên trẻ”.

Trong niềm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về TDTT, chắc chắn  Hội khoẻ Phù Đổng diễn ra tại Phú Thọ – quê hương Đất Tổ Vua Hùng thân yêu của chúng ta sẽ thành công tốt đẹp./.

Nguyễn Công Hoan (GĐ Thư viện tỉnh Phú Thọ)