Hướng nghiệp cho học sinh: Giáo viên cần những kỹ năng gì?

Thiều Trang

  –  

Thứ ba, 26/04/2022 17:03 (GMT+7)

Theo nhiều chuyên gia, công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau trung học (gồm cả THCS và THPT) trong những năm gần đây đã góp phần tích cực trong việc phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tiễn vẫn còn nhiều vấn đề bất cập, một trong số đó là cách thực hiện tại các cơ sở giáo dục chưa thực sự khéo léo.

Hướng nghiệp cho học sinh: Giáo viên cần những kỹ năng gì?
Phân luồng học sinh THCS: Làm thế nào để hiệu quả mà không phản cảm? Ảnh: Hải Nguyễn

Ranh giới giữa hướng nghiệp và ép buộc rất mong manh

Dẫn chứng về các vụ việc giáo viên bị phụ huynh tố “ép” học sinh không thi vào lớp 10 gần đây, PGS.TS Chu Cẩm Thơ – Trưởng Ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng, việc giáo viên, nhà trường nói rằng “học sinh không nên thi vào lớp 10” nhưng không chỉ dẫn cho các em cần đi đâu, làm gì tiếp theo hoặc không có sự định hướng rõ ràng thì đó không phải là hoạt động hướng nghiệp.

“Vì lẽ đó, ranh giới giữa hướng nghiệp và ép buộc cũng rất mỏng manh” – PGS Chu Cẩm Thơ nói.

Trưởng Ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cũng cho rằng, hoạt động giáo dục hướng nghiệp không phải là phân luồng. Bởi phân luồng vốn là biện pháp của cơ quan quản lý xã hội, để góp phần đảm bảo cơ cấu nguồn nhân lực trong tương lai. Trong khi đó, hướng nghiệp giống như sứ mệnh của giáo dục, tức đem đến cho con người kiến thức, kỹ năng và cả hành trình trải nghiệm để nhận ra thế mạnh của bản thân. Từ đó biết xã hội cần gì, cơ hội của mình là gì để có thể thích nghi một cách tốt nhất.

Nhấn mạnh chủ trương hướng nghiệp từ bậc THCS là đúng đắn, PGS.TS Chu Cẩm Thơ cho rằng, giáo dục hướng nghiệp không chỉ là trách nhiệm của riêng nhà trường mà cần sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội (bao gồm cả doanh nghiệp, trường nghề). Đặc biệt, việc hướng nghiệp cần phải thực hiện từ sớm, cần phải làm trong cả hành trình giáo dục.

PGS.TS Chu Cẩm Thơ cũng thẳng thắn nhìn nhận, thực tế hiện nay cơ cấu dân số và nhu cầu học tập tại Hà Nội nói riêng và ở các địa phương khác nói chung còn nhiều vấn đề gây khó cho việc phân luồng.

“Chẳng hạn, việc phân bố học sinh ở nội thành rất lớn. Các em thường có nhu cầu học tập đại học, muốn theo học THPT để có thể đạt được nguyện vọng đó của mình. Còn ở vùng ngoại thành, vùng khó khăn thì lại rất khác. Hiện nay, cơ cấu trường nghề, sự phối hợp trong công tác hướng nghiệp cũng chưa được như mong muốn, đang dồn trách nhiệm lên nhà trường, trong khi các trường lại khá thiếu nguồn lực. Đây đều là những cản trở không hề nhỏ trong công tác hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau THCS” – PGS Chu Cẩm Thơ nói.

Giáo viên cần giúp học sinh biết về thế mạnh của mình

Dạn dày kinh nghiệm trong việc dẫn dắt học sinh cấp THCS “vượt cấp”, cô Nguyễn Lan Phương – giáo viên Trường THCS Đông Văn (Thanh Hóa) cho biết, công tác hướng nghiệp học sinh rất quan trọng. Vì vậy, giáo viên phải khéo léo, chân thành trong việc định hướng cho học sinh, không để các em tự ti hay mặc cảm.

“Với những học sinh có học lực không tốt, chúng tôi thường chú ý kèm cặp trong quá trình học tập. Để các em không tự ti và mặc cảm, giáo viên phải rất tế nhị trong việc góp ý, định hướng tương lai. Nguyên tắc lớn nhất là không bêu riếu, trách móc hay chê bai các em trước đám đông, việc trao đổi phải tế nhị và mang tính góp ý.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng kết hợp trao đổi với gia đình trên tinh thần góp ý, cùng phụ huynh vạch ra hướng đi phù hợp nhất cho học sinh. Từ đó, cả cha mẹ và các em đều thoải mái đón nhận” – cô Lan Phương chia sẻ.

Bàn về vấn đề giáo viên cần tư vấn thế nào để học sinh không mặc cảm, PGS.TS Chu Cẩm Thơ cho rằng, giáo viên cần có cách làm chuẩn mới có thể đem lại giá trị và hiệu quả. Trong đó, hướng nghiệp chỉ đạt hiệu quả khi giúp học sinh biết về thế mạnh của mình, khiến các em hiểu được bản thân hợp với cái gì, có thể làm được gì, ai có thể hỗ trợ và xã hội sẽ đón nhận các em như thế nào?

Ngoài ra, việc hướng nghiệp cũng cần phù hợp về năng lực, sở thích của người học; việc dự báo nguồn nhân lực và điều kiện của gia đình, xã hội trong việc hỗ trợ người học ở các bậc tiếp theo.