Hướng dẫn tự làm hộp sáng chụp sản phẩm tại nhà – Sinh Vũ – Never say never

Có rất nhiều loại hình nhiếp ảnh cho phép bạn thực hiện chụp trong nhà, chụp hình sản phẩm là một trong số đó. Nếu như bạn là một người đam mê chụp hình những sản phẩm hay đồ vật của mình, hãy thử tự thiết kế cho mình một chiếc hộp sáng tại nhà để có thể nâng cao chất lượng những bức hình của mình mà không tốn thêm chi phí. Hơn nữa, tự làm hộp sáng cũng rất đơn giản, đồng thời cần rất ít nguyên vật liệu để thực hiện. Về cách thực hiện, bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn cho bạn đọc 2 cách tự làm hộp sáng tại nhà thông dụng và vô cùng hiệu quả.

Trước hết, hộp sáng là gì?

Đây đơn giản chỉ là một chiếc hộp, nơi mà bạn đặt sản phẩm và đồ vật muốn chụp hình vào bên trong và chiếu sáng từ mọi phía sao cho có thể giảm thiểu được bóng đổ của vật thể. Nếu như biết chiếu sáng đúng cách, bạn thậm chí có thể loại bỏ hoàn toàn được bóng của sản phẩm.

Vậy làm thế nào để đạt được điều này?


Để có thể chiếu sáng vật thể từ mọi phía, có 2 cách thông dụng như sau. Cách thứ nhất, bạn có thể chiếu sáng vật thể bằng cách “bắt gọn” ánh sáng trong hộp sử dụng những chất liệu có thể phản chiếu ánh sáng tốt. Cách thứ hai, bạn có thể chiếu sáng cho vật thể xuyên qua thành hộp bằng cách kết hợp sử dụng những vật liệu phù hợp.

Chọn nguồn sáng


Nguồn sáng lý tưởng nhất để sử dụng cho mục đích này là đèn strobe với điều khiển từ xa. Tuy nhiên, cường độ sáng từ loại đèn này thường sẽ hơi gắt. Do đó, bạn nên lưu ý giảm độ sáng của đèn đi một chút khi chụp. Ngoài ra, đèn spotlight với cường độ sáng cao cũng là một lựa chọn không tồi để chụp hình sản phẩm.

Cách làm hộp sáng shoot-thru


Đây là cách làm hộp sáng cực kì phổ biến và dễ làm. Với cách làm này, bạn chỉ cần tạo ra 3 cửa sổ trong một chiếc hộp bìa hoặc carton và sau đó che lại bằng giấy trắng – rất đơn giản phải không nào.

Dưới đây là những nguyên vật liệu cần sử dụng để làm chiếc hộp:

– Một chiếc hộp bằng bìa carton hoặc bìa cứng với kích thước bốn cạnh bằng nhau và lớn hơn một tấm giấy A4.

– 3 tấm giấy trắng đủ to để có thể che các cạnh của hộp

– 1 tấm giấy lớn (thường là A4) để đặt bên trong hộp

– Kéo hoặc dao

– Băng dính

Cách làm:

1. Cắt bỏ phần nắp hộp

2. Dùng dao hoặc kéo để khoét 3 cửa sổ tại hai bên trái, phải và bên trên hộp, đồng thời giữ nguyên phần đáy hộp

3. Sử dụng băng dính để dán 3 tấm giấy che kín 3 lỗ hổng vừa được tạo

4. Cố định tờ giấy lớn nhất ở phía sau hộp sao cho có thể tạo một đường cong về phía đáy hộp để tạo chiều sâu cho bức ảnh

5. Chiếc hộp của bạn đã sẵn sàng để sử dụng. Để chụp hình, bạn chỉ cần chiếu sáng qua 3 ô giấy trên cạnh của hộp.

Cách làm hộp sáng phản quang

Cách làm này thậm chí còn đơn giản hơn cách làm hộp sáng ở trên, tuy rằng bạn sẽ cần phải ra ngoài và mua ván nhựa (foam board). Cách làm này sẽ cho ra kết quả tương tự, hơn nữa lại có lợi hơn cho bạn do kích thước của chiếc hộp này sẽ to hơn, cho phép bạn có thể chụp những đồ vật kích thước lớn.

Dưới đây là những nguyên vật liệu cần sử dụng để làm chiếc hộp:

– 4 tấm ván nhựa với kích thước tùy chọn (ví dụ trong bài sử dụng kích thước 90×60 cm)

– Băng dính để cố định các tấm ván với nhau.

– Kéo hoặc dao

– Một tấm giấy trắng có kích thước tương ứng với kích thước hộp


Cách làm:

1. Xếp 3 tấm ván thẳng hàng với nhau, tiếp xúc tại cạnh ngắn nhất.

2. Sắp xếp sao cho mỗi tấm ván cách nhau khoảng 1 cm

3. Sử dụng băng dính để cố định các tấm ván lại với nhau

4. Lật lại các tấm ván và cố định một lần nữa bằng băng dính tại các khoảng trống

5. Dựng đứng 3 tấm ván để tạo thành hình chữ U

6. Cố định tờ giấy ở phía sau hộp sao cho có thể tạo một đường cong về phía đáy hộp để tạo chiều sâu cho bức ảnh

7. Đặt tấm ván cuối cùng lên trên, tạo thành phần nóc hộp

8. Để chụp hình, bạn chỉ cần đặt nguồn sáng vào bên trong, vậy là chiếc hộp của bạn đã sẵn sàng để sử dụng.


Sử dụng chiếc hộp sáng hand-made của bạn sao cho đúng cách
Khi chụp hình, bạn không nên sử dụng những đồ vật có kích thước quá lớn và nên để một khoảng trống xung quanh vật thể. Điều này sẽ giúp cho vật thể chụp trở thành trung tâm trong bức ảnh, với phần phông nền chính là tờ giấy được uốn cong để tạo độ sâu cho tấm hình.


Những vật thể lý tưởng để chụp bên trong chiếc hộp sẽ là các loại tĩnh vật như một chiếc bát gốm, giày dép hay thậm chí là đồ ăn.

Phần phông nền


Màu sắc mặc định cho tờ giấy sử dụng làm phông nền trong chiếc hộp thường sẽ là màu trắng, bởi bạn sẽ có thể xử lý bức ảnh dễ dàng hơn sau khi chụp, đồng thời thì đây cũng là màu giấy phổ biến và dễ thay thế nhất.

Bên cạnh màu trắng, bạn có thể sử dụng màu đen để làm nền cho chiếc hộp để có thể tạo hiệu ứng nhiếp ảnh tối giản cho bức ảnh. Sau đó, khi đã sử dụng thành thạo chiếc hộp, bạn có thể thử nghiệm với bất kì màu sắc nào mà mình muốn để tạo thêm sự thú vị cho bức ảnh sản phẩm của mình.

NGUỒN:DIGITAL-PHOTOGRAPHY-SCHOOL/DESIGNS.SINHVU/SINHVU.COM