Hướng dẫn trồng rau thủy canh đơn giản, dễ thành công
Hiện nay nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch rất được chú trọng. Nhiều gia đình để tự cung tự cấp nguồn thực phẩm sạch cho gia đình tại nhà, trong đó có việc trồng rau xanh sạch bằng phương pháp thủy canh. Cách trồng này thường được áp dụng tại các khu đô thị, các hộ gia đình thường tận dụng ban công, sân thượng để làm nơi trồng. Vậy trồng rau thủy canh có khó không? Cần chú ý nguyên tắc gì hãy cùng MobiAgri tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây.
Ưu nhược điểm của cách trồng rau thủy canh
Ưu điểm của cách trồng rau thủy canh
Rau thủy canh là phương pháp trồng rau mà cây hoàn toàn phát triển trong môi trường nước, không cần sử dụng đất. Dung dịch nước được sử dụng để trồng rau trong phương pháp thủy canh được gọi là dung dịch dinh dưỡng, trong đó có đầy đủ các dưỡng chất cần thiết để nuôi cây phát triển, giống như đất. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng rau trồng thủy canh hấp thụ dinh dưỡng nhanh hơn nhiều so với rau trồng trong đất.
Trồng rau thủy canh có nhiều ưu điểm, bao gồm không cần tốn diện tích đất trồng, đặc biệt là đối với các khu chung cư và khu nhà phố, giúp tiết kiệm không gian tối đa. Hiệu quả của cây trồng cũng cao hơn nhờ khả năng hấp thụ dinh dưỡng tốt và giảm tình trạng sâu bệnh. Phương pháp này không tốn nhiều thời gian và công sức để chăm sóc, vì không có sự xuất hiện của cỏ dại và giảm khả năng phát sinh mầm bệnh. Ngoài ra, phương pháp trồng này cũng giúp tiết kiệm nước, do dung dịch dinh dưỡng được lưu giữ trong các bể chứa để hạn chế sự thoát hơi nước. Cây rau cũng ít bị tác động bởi môi trường bên ngoài, vì chúng được bảo vệ bởi mái che và đảm bảo chất lượng dung dịch dinh dưỡng. Vì không bị ảnh hưởng bởi đất ô nhiễm và không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, rau thủy canh thực sự xanh, ngon và sạch.
Hạn chế của cách trồng rau thủy canh
Hạn chế về giống cây trồng, vì không phải tất cả loại cây hay loại rau đều phù hợp với việc trồng thủy canh. Vấn đề về sâu bệnh: nếu phát sinh, sâu bệnh thường lây lan rất nhanh trong hệ thống thủy canh, đặc biệt là trong bể chứa dung dịch dinh dưỡng.
Nếu sử dụng thùng xốp được làm từ hạt nhựa EPS khó phân hủy có thể gây hại cho môi trường. Ánh nắng làm nóng thùng xốp, ống nhựa, thùng nhựa dẫn đến nhiệt độ trong thùng tăng có thể gây thối rễ, thối gốc.
Các mô hình trồng rau thủy canh phổ biến
Hiện nay, có nhiều loại mô hình thủy canh được sử dụng. Mô hình đầu tiên là hệ thống thủy canh dạng bấc, đây là mô hình đơn giản và được sử dụng ở một số nơi để trồng vài loại cây dài ngày. Nguyên lý hoạt động của mô hình này giống như đèn dầu, sử dụng sợi bấc để cung cấp dưỡng chất cho cây. Cây được trồng trong giá thể, đặt trên bồn chứa dung dịch dinh dưỡng. Một sợi đầu bấc có nhiệm vụ hút dinh dưỡng và nước để nuôi cây con. Nguyên liệu để làm bấc thường là vải hoặc cotton.
Mô hình thủy canh tĩnh thích hợp cho một số loại cây ngắn ngày. Trong các bình, khay, thùng, bể phía dưới dung dịch trồng cây đã được đổ sẵn. Phần để giữ cây được làm bằng chất liệu nhẹ, thường bằng giá thể nhựa nhẹ hoặc xốp được gọi là bệ nổi. Trong các bình chứa dung dịch thường có một hệ thống sục oxy, mục đích giúp tạo đột thông thoáng phát triển tốt hơn.
Mô hình thủy canh hồi lưu khác với mô hình thủy canh tĩnh bằng cách sử dụng máy bơm điều khiển dung dịch dinh dưỡng tới rễ cây theo chu kỳ nhất định. Nhờ đó, rễ cây luôn được thông thoáng tránh được tình trạng ngập úng và lượng dinh dưỡng được kiểm soát tốt hơn.
Mô hình thủy canh nhỏ giọt có hệ thống máy bơm tự động bơm dung dịch dinh dưỡng lên tưới trực tiếp vào gốc cây. Hệ thống tưới nước nhỏ giọt, chậm và theo chu kỳ, như vậy phần dinh dưỡng dư sẽ được lọc và tái sử dụng trong bể chứa.
Cách trồng rau thủy canh theo quy trình
Hướng dẫn trồng rau thủy canh trong thùng xốp như sau:
Bước 1: Tiến hành ngâm ủ hạt giống và pha dung dịch
Ngâm hạt giống trong nước để loại bỏ các hạt nổi trên mặt nước, giữ lại các hạt chìm dưới nước. Ngâm hạt trong nước có nhiệt độ 40 – 50 độ C trong 4 – 5 giờ. Hạt có vỏ khá cứng cần ngâm thêm 1 – 2 tiếng. Đặt hạt giống lên khăn mềm hoặc khay để ráo nước. Pha dung dịch thủy canh bằng 3 – 5 lít nước lọc và 1 nắp dung dịch thủy canh.
Bước 2: Tiến hành gieo hạt giống và chăm sóc
Trộn giá thể gồm 1/2 trấu và 1/2 xơ dừa rồi cho vào hũ nhựa đã đục lỗ trước đó. Phun giá thể ẩm bằng dung dịch đã pha sẵn rồi cho hạt vào giá thể. Đặt chai nhựa vào các lỗ đã khoan trên bề mặt của miếng xốp và đặt chúng lên bề mặt của hộp đựng dung dịch. Lót lưới thô để tránh giá thể rơi vào dung dịch. Nên để rau tiếp xúc với ánh sáng nhẹ khoảng 5-6 tiếng, tuy nhiên tránh ánh nắng trực tiếp hoặc mưa lớn. Theo dõi sự phát triển của cây hàng ngày, để kịp thời tưới ẩm hoặc xử lý khi bị sâu bệnh.
Bước 3: Thu hoạch rau canh thủy
Nhấc khay xốp lên để kiểm tra dung dịch và bổ sung nước nếu cần. Trồng lại những cây con khác đối với những hạt không phát triển. Thu hoạch rau sau khoảng 15 ngày và cắt sát gốc để lại phần rễ và lá úa để tạo dinh dưỡng cho cây rau vụ sau.
Như vậy MobiAgri đã chia sẻ tới bạn cách trồng rau bằng thủy canh. Đây là một cách trồng hiệu quả trong việc sản xuất các loại rau sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm. Với ưu điểm nhỏ gọn, dễ chăm sóc, và cây phát triển nhờ vào nguồn dung dịch hòa tan trong nước, phương pháp này đang được áp dụng rộng rãi tại các đô thị lớn. Chính vì vậy, nếu bạn đang muốn trồng rau sạch tại nhà hoặc tại các khu đô thị, hãy cân nhắc đến phương pháp trồng rau thủy canh để đảm bảo được chất lượng sản phẩm và bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình.
Đánh giá bài viết