Hướng dẫn nghiệp vụ – Bài viết
Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, các chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được quy định cụ thể từ Điều 38 đến Điều 51. Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi năm 2020, có hiệu chỉnh tại các Điều 43, 45 và 49 lần lượt với các chức danh như kiểm ngư, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, Kiểm toán nhà nước và các chức danh khác như trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục nghiệp vụ quản lý thị trường (khoản 2 Điều 45), chi cục trưởng chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng thuộc sở khoa học và công nghệ (khoản 2 Điều 46),… Tuy nhiên, sau một thời gian thi hành tồn tại một số vấn đề chưa phù hợp với nhu cầu thực tiễn, cụ thể:
Một là, thẩm quyền xử phạt của Công an tỉnh.
Điểm b khoản 5 Điều 39 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định giám đốc Công an cấp tỉnh có quyền: “Phạt tiền đến 50% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật này nhưng không quá 100.000.000 đồng”. Trong khi đó, điểm b khoản 4 Điều 40 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 quy định Chỉ huy trưởng bộ đội biên phòng cấp tỉnh được phạt tiền đến mức tối đa đối với lĩnh vực tương ứng. Như vậy, nếu điều chỉnh theo hướng giám đốc Công an tỉnh được phạt tiền mức phạt tối đa của khung hình phạt sẽ góp phần lược bỏ những bất cập. Vì vậy, nên gộp khoản 5, khoản 6 Điều 39 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 làm một, điều này đồng nghĩa nên tăng thẩm quyền phạt tiền của giám đốc Công an tỉnh trong xử phạt vi phạm hành chính nhằm tháo gỡ những khó khăn hiện nay.
Hai là, quy định người có thẩm quyền xử phạt có quyền tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, thủ tục hành nghề theo thủ tục hành chính.
Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định về việc tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính. Tuy nhiên, quy định này chưa bao quát trọn vẹn những tình huống có thể xảy ra trên thực tế. Bởi lẽ, quy định này chưa bao hàm các loại giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, chứng minh thư nhân dân, thẻ căn cước, khi gặp những trường hợp này trên thực tế người có thẩm quyền xử phạt thường tỏ ra lúng túng. Ngoài ra, khi thể chế hóa vấn đề liên quan đến các hình thức xử phạt bổ sung được quy định tại Nghị định số 46/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao; Nghị định số 28/2017/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 quy định xử phạt hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan; Nghị định số 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, lại không quy định các cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính được quyền tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong quá trình thi hành nhiệm vụ. Thực trạng này đã gây không ít khó khăn, đặc biệt là đối với cơ quan thanh tra chuyên ngành trong việc bảo đảm việc chấp hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Ba là, quy định thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị giới hạn theo thẩm quyền phạt tiền.
Mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực quản lý nhà nước tại Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành đã tăng lên đáng kể để phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội và mức sống của người dân. Tuy nhiên, theo quy định từ Điều 38 đến Điều 51 Luật này thì trưởng Công an cấp huyện, trưởng phòng cảnh sát giao thông Công an cấp tỉnh được phạt tiền đến 20% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật này nhưng không quá 25 triệu đồng và giám đốc Công an tỉnh phạt tiền đến 50% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng nhưng không quá 50 triệu đồng. Khoản 2 Điều 46 Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng quy định chánh thanh tra sở giao thông vận tải cũng được phạt tiền đến 50% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng nhưng không quá 50 triệu đồng. Điểm b khoản 1 Điều 24 quy định mức phạt tối đa trong lĩnh vực giao thông đường bộ là 40 triệu đồng; có nghĩa là trưởng Công an cấp huyện, trưởng phòng cảnh sát giao thông Công an cấp tỉnh chỉ được xử phạt tới mức tối đa là 08 triệu đồng đối với cá nhân, 16 triệu đồng đối với tổ chức; giám đốc Công an tỉnh, chánh thanh tra sở giao thông vận tải chỉ được xử phạt tới mức tối đa là 20 triệu đồng đối với cá nhân; 40 triệu đồng đối với tổ chức.
Tuy nhiên, trên thực tế các hành vi vi phạm thường xảy ra trong lĩnh vực giao thông theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP có mức phạt rất cao, vượt quá thẩm quyền xử phạt của các chức danh nêu trên, đòi hỏi phải chuyển hồ sơ vi phạm lên cấp có thẩm quyền để ra quyết định xử phạt. Mà theo quy định Luật Xử lý vi phạm hành chính, việc chuyển hồ sơ cho người có thẩm quyền phải thực hiện trogn 24 giờ, phần nào gây khó khăn trong quá trình thực hiện.
Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi, bổ sung năm 2020 mặc dù có những thay đổi nhằm phù hợp với đời sống xã hội, tuy nhiên vẫn có nhiều bất cập nêu trên, do đó, cần nghiên cứu kỹ hơn nữa những vấn đề về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính tránh tình trạng áp dụng pháp luật chưa có sự đồng nhất và xây dựng được các nguyên tắc thực sự khách quan, khoa học và tạo ra sự thống nhất, đồng bộ của pháp luật./.