Hướng dẫn làm thủ tục đăng ký bảo hiểm xã hội tự nguyện
Hướng dẫn làm thủ tục đăng ký bảo hiểm xã hội tự nguyện
Bởi ebh.vn
– 16/05/2022
Nhà nước khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, để làm thủ tục đăng ký bảo hiểm xã hội tự nguyện, người tham gia có thể đăng ký thông qua các điểm, đại lý thu BHXH hoặc đăng ký trực tiếp tại Cơ quan bảo hiểm xã hội và làm theo hướng dẫn.
Thủ tục đăng ký bảo hiểm xã hội tự nguyện mới nhất
1. Lợi ích khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện
Bảo hiểm xã hội tự nguyện là hình thức bảo hiểm xã hội (BHXH) mà người tham gia được lựa chọn mức đóng và phương thức đóng do Nhà nước tổ chức và thực hiện không nhằm mục đích lợi nhuận. Người tham gia BHXH có nhiều lợi ích đặc biệt gồm:
-
Hưởng lương hưu: Khi đủ điều kiện về thời gian tham gia BHXH và đủ tuổi nghỉ hưu, người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được hưởng lương hưu mỗi tháng không phải phụ thuộc quá nhiều vào con cháu. Ngoài ra lương hưu được điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng, không lo khi đồng tiền mất giá.
-
Được cấp thẻ BHYT miễn phí: Khi hưởng lương hưu người tham gia BHXH sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí, giúp giảm đi gánh nặng về chi phí khi đi khám chữa bệnh.
-
Được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí khi tham gia;
-
Được hưởng chế độ BHXH 1 lần: Trong trường hợp không muốn tiếp tục tham gia BHXH người tham gia được quyền hưởng BHXH 1 lần theo quy định.
-
Hưởng chế độ tử tuất: Người thân được hưởng trợ cấp mai táng và trợ cấp tuất theo quy định.
Lưu ý: Mọi công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thì được quyền tham gia BHXH tự nguyện.
2. Thủ tục đăng ký bảo hiểm xã hội tự nguyện
Trong trường hợp người lao động muốn tham gia BHXH tự nguyện (đăng ký lần đầu, đăng ký lại hoặc điều chỉnh đóng BHXH tự nguyện) sẽ phải nộp 01 bộ hồ sơ theo quy định đến đại lý thu hoặc cơ quan BHXH nơi cư trú. Dưới đây là hướng dẫn chi tiết đăng ký bảo hiểm xã hội tự nguyện.
2.1 Hồ sơ mua BHXH tự nguyện
Người đăng ký BHXH tự nguyện chuẩn bị 01 bộ hồ sơ gồm:
-
Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS) do cơ quan BHXH hoặc các đại lý thu cung cấp.
Mẫu tờ khai mới nhất tính đến năm 2022 hiện tại đang là mẫu TK1-TS theo quyết định 505/QĐ-BHXH – https://ebh.vn/nghiep-vu-tong-hop/mau-tk1-ts-theo-quyet-dinh-505-qd-bhxh
Đại lý thu chuẩn bị hồ sơ gồm:
-
Danh sách người tham gia BHXH tự nguyện (Mẫu D05-TS);
Lưu ý: Người tham gia cần xuất trình thêm thẻ căn cước công dân/ chứng minh thư để đối chiếu thông tin.
2.2 Thủ tục đăng ký bảo hiểm xã hội tự nguyện
Để làm thủ tục đăng ký bảo hiểm xã hội tự nguyện người tham gia thực hiện theo trình tự các bước gồm:
Người tham gia đăng ký mua BHXH tự nguyện tại cơ quan BHXH
Bước 1. Lập và nộp hồ sơ đăng ký mua
Hiện nay nhiều người tham gia băn khoăn không biết phải đăng ký mua bảo hiểm xã hội tự nguyện ở đâu? Theo đó, người tham gia có thể lựa chọn lập và nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH hoặc đóng trực tiếp cho Đại lý thu (có thể nộp tại UBND cấp phường/xã/thị trấn).
Trường hợp người tham gia đóng trực tiếp cho cơ quan BHXH:
-
Kê khai Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS) sau đó nộp tại Bộ phận Một cửa của cơ quan BHXH hoặc tại Trung tâm Phục vụ hành chính công các cấp.
-
Người tham gia có thể nộp trực tiếp hoặc nộp qua dịch vụ bưu chính công ích để thuận tiện cho công việc nhất.
Trường hợp người tham gia đóng trực tiếp cho Đại lý thu:
-
Kê khai Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS) nộp cho Đại lý thu.
-
Đại lý thu lập Danh sách người tham gia BHXH tự nguyện (Mẫu D05-TS), Tờ khai Mẫu TK1-TS của người tham gia nộp cho cơ quan BHXH.
Đối với Đại lý thu: Trong trường hợp thực hiện giao dịch điện tử thì Đại lý thu lập hồ sơ bằng phần mềm kê khai bảo hiểm xã hội của BHXH Việt Nam hoặc của Tổ chức I- VAN; Ký điện tử trên hồ sơ và gửi đến Cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam hoặc qua Tổ chức I- VAN.
Bước 2: Nộp phí mua BHXH tự nguyện
Người tham gia có thể lựa một trong các cách đóng tiền sau:
-
Nộp tiền mặt cho cơ quan BHXH (trong trường hợp người tham gia đóng trực tiếp cho cơ quan BHXH);
-
Nộp tiền mặt cho Đại lý thu (trong trường hợp người tham gia đóng trực tiếp cho Đại lý thu);
-
Nộp tiền thông qua tài khoản ngân hàng hoặc hệ thống tiện ích thông minh theo phương thức đăng ký (có thể áp dụng trong mọi trường hợp).
Bước 3: Cơ quan BHXH tiếp nhận hồ sơ và giải quyết theo quy định
Thời gian giải quyết hồ sơ không quá 05 ngày kể từ ngày cơ quan BHXH nhận đủ hồ sơ theo quy định.
Bước 4. Nhận kết quả giải quyết gồm: Sổ BHXH
Người tham gia có thể lựa chọn các phương thức nhận kết quả cụ thể như sau:
-
Người tham gia đóng trực tiếp cho cơ quan BHXH: nhận kết quả tại Bộ phận Một cửa của cơ quan BHXH hoặc tại Trung tâm Phục vụ hành chính công các cấp hoặc qua dịch vụ bưu chính.
-
Người tham gia đóng trực tiếp cho Đại lý thu: nhận kết quả tại Đại lý thu.
-
Trường hợp người tham gia đăng ký thông qua ngân hàng hoặc hệ thống tiện ích thông minh theo phương thức đăng ký nhận kết quả theo hình thức đăng ký.
Sau khi nhận nhận sổ BHXH người lao động cần giữ và bảo quản sổ BHXH cẩn thận. Sổ bảo hiểm xã hội là căn cứ ghi lại thông tin tham gia BHXH của người lao động và là thành phần hồ sơ quan trọng để người lao động hưởng các chế độ BHXH theo quy định.
3. Phương thức đóng tiền BHXH tự nguyện
Người tham gia BHXH tự nguyện được lựa chọn các phương thức đóng phù hợp với thu nhập và tình hình kinh tế của mình. Cụ thể, các phương thức đóng BHXH tự nguyện người mà lao động được lựa chọn như bảng sau:
STT
Phương thức
Thời gian
Cách xác định mức đóng
1
Đóng hàng tháng
Trong tháng
Mức đóng đăng ký mỗi tháng
2
Đóng 3 tháng
Trong quý
Xác định bằng mức đóng hàng tháng nhân với 3 hoặc 6 hoặc 12
3
Đóng 6 tháng
4 tháng đầu
4
Đóng 12 tháng
7 tháng đầu
5
Đóng 1 lần cho nhiều năm, không quá 5 năm một lần
Tại thời điểm đăng ký
Bằng tổng mức đóng của các tháng đóng trước, chiết khấu theo lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân tháng do BHXH Việt Nam công bố của năm trước liền kề với năm đóng;
(Lưu ý: đóng trước từ đủ 02 năm mới được chiết khấu)
6
Đóng 1 lần cho các năm còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng)
Tại thời điểm đăng ký
Bằng tổng mức đóng của các tháng còn thiếu, áp dụng lãi gộp bằng lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân tháng do BHXH Việt Nam công bố của năm trước liền kề với năm đóng.
Lưu ý:
– Người tham gia không đóng BHXH và để quá thời điểm đóng thì coi là tạm dừng đóng BHXH tự nguyện.
– Trường hợp tạm dừng đóng BHXH tự nguyện sau đó muốn tham gia tiếp thì phải đăng ký lại mức thu nhập làm căn cứ đóng và phương thức đóng;
– Người tham gia có nguyện vọng đóng bù cho số tháng chậm đóng trước đó thì số tiền đóng bù được tính bằng tổng mức đóng các tháng chậm đóng áp dụng lãi gộp bằng lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân tháng do BHXH Việt Nam công bố của năm trước liền kề với năm đóng.
Ngoài ra, sau khi đăng ký đóng BHXH tự nguyện thì người tham gia được thay đổi phương thức đóng sau khi đã thực hiện xong phương thức đóng đã chọn trước đó.
4. Mức đóng BHXH tự nguyện và mức hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện
Nhằm khuyến khích người lao động đăng ký bảo hiểm xã hội tự nguyện và tạo điều kiện tối đa cho người lao động có thể tham gia. Nhà nước thực hiện chính sách hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn.
Mức đóng BHXH tự nguyện và mức hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện năm 2022.
4.1 Mức đóng BHXH tự nguyện theo quy định
Theo quy định tại Điều 87 Luật BHXH Việt Nam 2014, mức đóng BHXH tự nguyện hàng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn. Trong đó mức thu nhập tháng của người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn được quy định như sau:
-
Thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ;
-
Cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng.
Người tham gia BHXH tự nguyện không phải đóng mức chênh lệch nếu Chính phủ điều chỉnh mức chuẩn hộ nghèo khi đã đóng theo phương thức đã đăng ký (3, 6, 12 tháng/lần hoặc một lần cho những năm về sau).
4.2 Mức hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện
Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn, cụ thể:
-
Bằng 30% đối với người thuộc hộ nghèo;
-
Bằng 25% đối với người thuộc hộ cận nghèo;
-
Bằng 10% đối với các đối tượng khác.
Theo đó, từ 01/01/2022, người tham gia BHXH tự nguyện từ năm 2022 được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng như sau:
STT
Đối tượng
% hỗ trợ
Chuẩn nghèo
Số tiền hỗ trợ mỗi tháng
1
Hộ nghèo
30%
1.500.000
1.500.000 x 22% x 30% = 99.000đ
2
Hộ cận nghèo
25%
1.500.000
1.500.000 x 22% x 25% = 82.500đ
3
Khác
10%
1.500.000
1.500.000 x 22% x 10% = 33.000đ
Thời gian người tham gia được hỗ trợ tùy thuộc vào thời gian tham gia BHXH tự nguyện thực tế của mỗi người nhưng không quá 10 năm (120 tháng). Người lao động tham gia BHXH tự nguyện từ 20 năm và đủ tuổi nghỉ hưu thì được hưởng lương hưu theo quy định.
Trên đây là hướng dẫn đăng ký bảo hiểm xã hội tự nguyện chi tiết và các thông tin về mức đóng, mức hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện mới nhất. Trong trường hợp người đăng ký tham gia thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, khi làm hồ sơ cần bổ sung các giấy tờ chứng minh khi đăng ký BHXH tự nguyện để được hỗ trợ mức đóng tối đa theo quy định.