Hướng dẫn kỹ thuật nuôi lươn không bùn
Hiện nay, ở nước ta đã áp dụng nhiều hình thức nuôi nuôi lươn mang lại hiệu quả, như: nuôi lươn trong ao đất, nuôi lươn trong bể xi-măng,… Sau đây, xin giới thiệu đến bà con kỹ thuật nuôi lươn không bùn trong bể không cần nhiều diện tích, dễ nuôi và cho thu nhập cao.
Mục Lục
1. Chọn địa điểm, xây dựng bể nuôi lươn không bùn
1.1. Chọn địa điểm
– Chọn vị trí yên tĩnh, ít người qua lại, có bóng mát.
– Nơi có địa thế hơi cao, quang đãng, tránh bão, lụt; nơi có nhiều loại đất khác nhau như đất thịt, đất cát,…
– Nguồn nước phong phú, thuận tiện, chất nước tốt, có độ chênh nhất định để tháo nước.
1.2. Xây dựng bể nuôi
Hình dáng kích thước bể tùy theo qui mô nuôi mà quyết định. Bể nhỏ diện tích từ 10 – 30 m2 là thích hợp, độ sâu 0,7 – 1 m, bể nổi hoặc bể xi măng chìm đều được, chỉ cần nắm vững nguyên tắc không cho lươn bò ra ngoài, dễ đánh bắt, lấy nước và tháo nước dễ.
Có 2 kiểu bể nuôi lươn chủ yếu sau:
Bể lót bạt
– Bể bạt được lót trên nền đất bằng phẳng, đổ cát san đều trước khi trải bạt tránh hư hỏng; bờ phải vững chắc, làm bằng đất hoặc bằng gạch.
– Bể hình chữ nhật là thích hợp nhất, chiều cao thành bể so với mực nước trong bể từ 40 – 60 cm.
– Bờ bể đắp cao có gờ hoặc lưới giăng để tránh lươn vượt bò đi mất, nhất là khi trời mưa.
– Các ống cấp, thoát nước độc lập, nên có ống xả tràn, các ống phải có lưới chắn.
– Nguồn nước được lấy vào bể nuôi phải qua túi lọc.
– Trong bể để giá thể cho lươn trú ẩn, giá thể làm bằng dây nilon, chà (cây bắp, cỏ, cây đậu xanh được phơi khô,…) hoặc bằng các phênh tre, ống nhựa,… Lớp giá thể cao 20 – 30 cm, mực nước trong bể cao bằng lớp giá thể.
– Phía trên bể dùng lưới phong lan che bớt ánh sáng.
Bể xi măng
Có thể tận dụng bể chứa nước, chuồng heo sửa chữa lại để làm bể nuôi lươn. Nếu xây dựng bể nuôi mới thì nên xây nữa nổi, nữa chìm với chiều cao khoảng 0,6 – 1 m, diện tích từ 6 – 20 m2. Bể có dạng hình chữ nhật, chiều rộng 2 – 4 m để dễ dàng chăm sóc.
– Các ống cấp, thoát nước độc lập, nên có ống xả tràn, các ống phải có lưới chắn.
– Nguồn nước được lấy vào bể nuôi phải qua túi lọc.
– Trong bể để giá thể cho lươn trú ẩn, giá thể làm bằng dây nilon, chà (cây bắp, cỏ, cây đậu xanh được phơi khô,…) hoặc bằng các phênh tre, ống nhựa,… Lớp giá thể cao 20 – 30 cm, mực nước trong bể cao bằng lớp giá thể.
– Phía trên bể dùng lưới phong lan che bớt ánh sáng.
2. Chuẩn bị bể nuôi lươn không bùn
Các bước chuẩn bị bao gồm:
– Tháo cạn:
+ Trường hợp bể mới nuôi lần đầu (bể mới xây) cần đưa nước vào vài lần để rửa và kiểm tra nồng độ pH của nước (đối với bể xây phải rửa thật sạch, có thể dùng cây chuối cắt thành khúc nhỏ để ngâm bể cho hết mùi xi măng).
+ Trường hợp bể đã nuôi trước đó thì tiến hành tháo cạn nước, rửa sạch bể.
– Tạc đều vôi bột nơi thành và đáy bể (1 kg vôi bột + 10 lít nước) hoặc chlorin 10 ppm (1 gam trong 1 m3 nước) để diệt mầm bệnh và điều chỉnh độ pH.
– Phơi nắng 1 – 2 ngày, đưa nước vào đầy bể và ngâm 4 – 5 tiếng, sau đó tháo cạn nước để cấp nước mới vào thả giống.
– Dẫn nước: trước khi thả lươn 2 ngày, cho nước vào bể nuôi đúng mức nước quy định và kiểm tra các điều kiện môi trường đạt yêu cầu mới thả lươn.
+ Nhiệt độ nước: 25 – 270C.
+ pH: 7 – 8 là thích hợp
+ Oxy hòa tan: 2 – 4 mg/lít.
3. Chọn và thả giống trong nuôi lươn không bùn
Hiện nay đã có một số cơ sở cho sinh sản nhân tạo lươn thành công, tuy nhiên số lượng còn hạn chế, không đủ cung cấp cho thị trường. Do đó, nguồn lươn giống chủ yếu vẫn là thu từ tự nhiên.
3.1. Chọn giống
– Lươn kích cỡ đồng đều, màu sắc tươi sáng (lưng có màu vàng sẫm, có chấm đen), vận động linh hoạt, không xây xát, thương tổn, mất nhớt.
– Những con lươn có màu nhợt nhạt, có màu vàng xanh hoặc xám tro thì yếu và khó nuôi, tăng trưởng chậm.
– Chất lượng con giống phải thật tốt, kích cỡ giống dao động từ 30 – 40 con/kg hoặc 50 – 60 con/kg.
– Lưu ý, khi để lươn vào chậu có nước:
+ Lươn yếu thường ngôi đầu lên cao, mang phình to, thường bị mất nhớt.
+ Lươn rà điện thì ít vận động, lờ đờ, chuyển màu.
+ Lươn bị nhiễm thuốc mồi thì xung quanh hậu môn và nắp mang bị xuất huyết.
Lươn giống. Ảnh – NTN
3.2. Mật độ thả
– Thời gian nuôi thích hợp nhất từ tháng 4 đến tháng 9.
– Mật độ thả nuôi dao động từ 50 – 80 con/m2.
– Trước khi thả giống nên tiến hành sát trùng lươn bằng dung dịch muối có nồng độ 20 – 30‰ trong thời gian 5 – 10 phút hoặc thuốc tím 10 – 20 g/m3 trong 15 – 30 phút để loại trừ kí sinh và sát trùng vết thương do xây xát trong quá trình đánh bắt và vận chuyển.
3.3. Thuần dưỡng trước khi thả
Giống nuôi chủ yếu được khai thác từ nguồn giống tự nhiên nên cần có bể để thuần dưỡng, phân cỡ và phòng trị bệnh trước khi đưa vào nuôi thương phẩm. Quá trình thuần dưỡng được tiến hành theo các bước sau:
– Bể thuần dưỡng để nơi thoáng mát và yên tĩnh, tránh ánh nắng trực tiếp.
– Tránh gây chấn động trong thời gian thuần dưỡng.
– Trong 2 – 3 ngày đầu, không cho lươn ăn tạo điều kiện thích nghi với môi trường nuôi nhốt. Mật độ thuần dưỡng 2 – 4 kg/m2.
– Thay nước 1 – 2 lần/ngày.
– Điều kiện môi trường thích hợp: nhiệt độ từ 23 – 280C; pH từ 6.5 – 8.0.
– Theo dõi hoạt động và mức độ ăn mồi của lươn để phòng trị bệnh kịp thời, loại bỏ những con bệnh, con yếu, tuyệt đối không sử dụng những con có dấu hiệu bệnh làm con giống để nuôi thương phẩm.
– Sau 10 – 15 ngày, cho lươn vào bể nuôi thương phẩm.
4. Chăm sóc và quản lý
4.1. Cho ăn
– Thức ăn của lươn chủ yếu là xác động vật, giun, ốc, cá, tép vụn, phế phẩm lò mổ,…thức ăn có thể tươi sống hoặc nấu chín, vừa với cỡ miệng của lươn.
– Ngoài ra, lươn còn ăn được thức ăn chế biến phối trộn từ nguồn đạm động vật, thực vật và cả thức ăn viên, kết hợp với một số chất bổ sung như premix khoáng, vitamin,…
– Thức ăn phải tươi, không bị ươn thối, có thể tận dụng ốc bươu vàng làm thức ăn cho lươn đem lại hiệu quả kinh tế cao.
– Thức ăn là cá tạp, trước khi cho ăn nên sát trùng bằng muối ăn (0,5 kg muối/3 lít nước) trong thời gian 30 phút.
– Sau khi thả giống 3 – 5 ngày rồi mới bắt đầu cho ăn. Lươn có tính lựa chọn thức ăn rất cao. Vì vậy, trong giai đoạn đầu cần phải thuần dưỡng, cho ăn các loại thức ăn dễ kiếm, giá rẻ, tăng trọng nhanh.
– Sau khi cho ăn khoảng 1 đến 2 giờ, kiểm tra sàn ăn để xem khả năng ăn mồi của lươn, qua đó điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp, rửa sạch sàn mỗi lần cho ăn thức ăn mới.
– Vị trí đặt sàn ăn gần với cống thoát nước, khi lươn ăn xong sẽ rút ngay nước dơ bẩn và thay nước mới.
– Những lúc trời mưa hoặc nắng nóng kéo dài nên tạm ngừng cho ăn.
– Khẩu phần thức ăn cho lươn (tỷ lệ thức ăn hằng ngày theo trọng lượng thân):
+ Thức ăn tươi sống (cá tạp, ốc, cua,…): 3 – 7%.
+ Thức ăn chế biến: 5 – 10%.
Khi cho lươn ăn phải nắm vững nguyên tắc “4 định”:
– Ðịnh chất: thức ăn phải luôn tươi sống, tuyệt đối không cho ăn thức ăn cũ, ôi thiu.
– Định lượng: vừa đủ no, không để thức ăn thừa (lươn rất tham ăn nên dễ bị bội thực).
– Ðịnh thời gian: cho lươn ăn đúng thời gian, 1 lần/ngày vào buổi chiều mát.
– Ðịnh vị: là chỗ cho ăn phải cố định, sàn cho ăn bằng gỗ hoặc tre, đáy sàn làm bằng lưới săm. Kích thước sàn 0,8 x 1 m, được đặt dưới mặt nước 10 – 20 cm.
Bể nuôi lươn thương phẩm. Ảnh: NTN
4.2. Quản lý bể nuôi lươn không bùn
4.2.1. Quản lý môi trường nước
– Mực nước trung bình trong bể nuôi từ 20 – 30 cm là thích hợp.
– Thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường như pH, oxy hòa tan,…
– Ðịnh kỳ thay nước 2 – 3 ngày/lần, lượng nước thay tối đa 70% lượng nước nuôi. Mùa hè nhiệt độ cao, thời gian thay nước ngắn hơn (1 ngày/lần).
– Mỗi ngày cần gom chất thải, thức ăn thừa lắng ở đáy ao và xả ra ngoài.
– Khi thời tiết nắng nóng kéo dài, cần có biện pháp che mát cho bể nuôi. Khi mưa lớn cần để ống xả tràn phòng khi nước trong bể dâng cao.
– Vào ban đêm nhất là mùa khô nóng, trong bể có thể thiếu oxy hòa tan thì tiến hành thay nước kết hợp với chạy máy sục khí.
4.2.2. Quản lý hoạt động và sức khỏe lươn
– Hàng ngày quan sát hoạt động của lươn để có biện pháp xử lý kịp thời khi xảy ra sự cố.
– Vớt xác lươn chết và những con có dấu hiệu bị bệnh, bơi lội chậm chạp, hay ngôi đầu lên mặt nước.
– Kiểm tra tăng trưởng của lươn: định kỳ 30 ngày/lần, bắt 30 con đo chiều dài và khối lượng để có căn cứ tính toán lượng thức ăn trong giai đoạn tiếp theo.
– Kiểm tra sức khỏe của lươn: khi phát hiện những dấu hiệu bất thường tiến hành bắt lươn lên kiểm tra, nhận biết các dấu hiệu thay đổi trên cơ thể. Sau đó có thể mổ xem xét nội tạng để chẩn đoán tình trạng bệnh tật của lươn và có biện pháp phòng trị.
5. Phòng bệnh khi nuôi lươn không bùn
Trong điều kiện nuôi nhân tạo, lươn hay mắc bệnh ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng và tỷ lệ sống. Vì vậy, công tác phòng bệnh phải đặt lên hàng đầu.
Một số vấn đề cần phải lưu ý trong công tác phòng bệnh:
– Không nuôi lươn bị thương, bị mồi thuốc: chủ yếu tìm hiểu trong khu bắt con giống tự nhiên, người đánh bắt không sử dụng các dụng cụ dễ làm lươn bị thương (câu, thiết bị rà điện, mồi nhử thuốc,…). Nuôi mật độ hợp lý, không quá cao.
– Cần phải khử trùng lươn giống, thức ăn và dụng cụ nuôi lươn:
+ Trước khi thả giống, tắm cho lươn bằng dung dịch muối có nồng độ 20 – 30‰ trong thời gian 5 – 10 phút hoặc thuốc tím 10 – 20 g/m3 trong 15 – 30 phút.
+ Thức ăn phải được làm sạch, không cho ăn thức ăn hôi thối.
+ Rửa sạch sàn ăn sau mỗi lần cho ăn, khử trùng dụng cụ nuôi và thay nước, theo dõi khả năng bắt mồi của lươn và dọn sạch thức ăn dư thừa.
– Thường xuyên theo dõi thời tiết, kiểm tra nhiệt độ, chất lượng nước, đảm bảo nước nuôi sạch. Phát hiện kịp thời lươn có dấu hiệu bệnh hoặc biểu hiện bất thường, nổi đầu để kịp thời xử lý và chữa trị.
6. Thu hoạch
Tùy theo kích thước lươn giống khi thả mà quyết định thời gian thu hoạch hợp lý. Thông thường, cỡ lươn giống thả thích hợp từ 40 – 60 con/kg; sau 6 tháng nuôi lươn đạt được 300 g/con.
Cách tiến hành thu hoạch như sau:
– Chọn thời điểm thu hoạch lươn vào sáng sớm hay chiều mát.
– Nên bắt từng mẻ và thu gọn, vận chuyển nhanh.
– Không chuyển lươn với mật độ quá cao làm cho lớp lươn bên dưới bị đè bẹp, dễ bị ngạt và chết.