Hướng dẫn kỹ thuật canh tác cây nhãn theo tiêu chuẩn VIETGAP – Hafiquacen

        Cây nhãn là loại cây trồng lấy quả có giá trị kinh tế cao, có ý nghĩa quan trọng trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đa dạng hóa nông nghiệp, góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Nhằm giúp bà con canh tác cây nhãn thành công, đạt năng suất vượt trội, Hafiquacen xin gửi tới bộ thông tin hướng dẫn kỹ thuật canh tác cây nhãn theo tiêu chuẩn VIETGAP dưới đây.

Phân bố vùng trồng chính cây nhãn

        Cây nhãn là một trong những loại cây ăn quả chủ lực của nước ta. Diện tích trồng nhãn trên cả nước hiện nay đã đạt đến trên 79 ngàn ha, sản lượng trên 500 ngàn tấn. Đặc biệt, một số vùng có sản lượng cao và trồng nhãn nổi tiếng như:

  • Sơn La có diện tích nhãn lớn nhất cả nước với diện tích toàn tỉnh đạt gần 16.700ha, sản lượng trên 60 ngàn tấn một năm. Trong đó, diện tích nhãn được cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu sang các nước Mỹ, Úc,… là 92 mã số với diện tích 2.415,03 ha

  • Hưng Yên nổi tiếng với vùng nhãn đặc sản có từ lâu đời với diện tích đạt trên 4.800 ha, sản lượng đạt trên 50 ngàn tấn/ năm.

  • Tiền Giang với diện tích hiện có khoảng 7.000 ha, năng suất bình quân 16 tấn/ha, sản lượng ước tính 114.000 tấn.

  • Đồng Tháp, tổng diện tích nhãn hiện tại vào khoảng hơn 5.200ha với năng suất trung bình xấp xỉ 10 tấn/ha, tổng sản lượng đạt gần 50 ngàn tấn, tập trung với diện tích lớn tại huyện Châu Thành.

Canh tác cây nhãn

Kỹ thuật canh tác nhãn theo tiêu chuẩn VIETGAP 

1 – Lựa chọn khu vực sản xuất

Yêu cầu điều kiện sinh thái

  • Nhiệt độ: Nhiệt độ thích hợp cho nhãn sinh trưởng và phát triển là từ 21-27 độ C; mùa hoa nở cần nhiệt độ cao từ 25-31 độ C; mùa đông cần một thời gian nhiệt độ thấp để phân hóa mầm hoa.

  • Ánh sáng: Nhãn cần nhiều ánh sáng. Ánh sáng chiếu được vào bên trong tán giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt.

  • Lượng mưa và độ ẩm: Nhãn là cây ưa ẩm nhưng không chịu được úng và rất nhạy cảm với việc ngập nước kéo dài bởi vậy lượng mưa thích hợp cho nhãn từ 1.200 đến 1.600 mm. Bên cạnh đó, nếu nhãn gặp khô hạn trong thời gian dài sẽ làm cho cây sinh trưởng chậm, ra hoa và đậu trái khó khăn.

  • Gió: Cây nhãn có sức chống chịu gió bão tốt nhưng trong thời gian quả phát triển gió to sẽ làm quả bị rụng, gãy cành đổ cây hoặc một số nơi có gió Tây khô hạn sẽ làm ảnh hưởng đến sinh trưởng của quả. Bởi vậy, khi thiết kế chọn vườn cần có biện pháp bảo vệ vườn cây như che chắn, chống giữ cây, cắt tỉa cành lá thường xuyên.

  • Đất: đất trồng nhãn thích hợp nhất là đất cát, cát pha, cát giồng, đất cồn và phù sa ven sông, đất có độ pH từ 5,5 – 6,5. Nhãn không thích hợp trên đất sét nặng và quá ẩm ướt.

Vùng và quản lý đất trồng

       Vùng trồng nhãn có thể chịu ảnh hưởng của nhiều loại mối nguy như vi sinh vật, thuốc BVTV, kim loại nặng và các chất ô nhiễm. Vì vậy, cần phải đánh giá kỹ lưỡng về lịch sử cũng như các mối nguy sinh học, hoá học của vùng đất trước khi trồng cây.

2 – Thiết kế vườn trồng

Đối với cây trồng trên các sườn đồi dốc, để tránh xói mòn đất, cần thiết kế trồng cây trên đường đồng mức. 

  • Đất dốc vừa phải (dưới 100) không cần làm thành băng theo đường đồng mức mà chỉ cần trồng những hàng cây xen với hàng nhãn hoặc tạo các bờ bao thấp dọc theo các hàng cây.

  • Đất dốc lớn (từ 100 – 300), tùy theo độ dốc, cần san, gạt thành các băng có độ rộng 3 – 6m theo đường đồng mức, bên cạnh giáp với taluy âm, mà gờ cao khoảng 20 – 30cm hoặc trồng các loại cây bụi như cốt khí, dứa, hương bài,… để ngăn dòng chảy khi có mưa lớn.

Thiết kế vườn trồng nhãn

        Đặc biệt, đối với những nơi trũng như đất chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng nhãn cần phải đắp ụ hoặc đào mương, lên liếp. Đồng thời, thiết kế hệ thống tưới tiêu nước tốt trong mùa mưa bão.

3 – Giống trồng

        Giống trồng phải có nguồn gốc rõ ràng, được Bộ Nông nghiệp và PTNT cho phép sản xuất/ lưu hành. Tuy nhiên, để tránh áp lực về lao động trong thời vụ thu hái cũng như áp lực trong tiêu thụ sản phẩm, đồng thời, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, cần bố trí các giống có tính thời vụ.

4 – Kỹ thuật trồng

Chuẩn bị hố trồng

  • Đào hố trồng phải dựa trên nguyên tắc: đất xấu đào hố to, đất tốt đào hố nhỏ. Thông thường kích thước hố: dài x rộng x sâu là: 0,8cm x 0,80m x 0,6cm, vùng đồi đất xấu cần đào hố to hơn, kích thước tương ứng là: 1m x 1m x 0,8m.

  • Bón lót: lượng phân bón lót cho 1 hố: 30-50 kg phân chuồng; 0,7-1,0 kg supe lân; 0,5 kg vôi bột. Toàn bộ lượng phân này được trộn đều với lớp đất đào từ hố lên rồi sau đó lấp lại xuống hố trồng. Công việc chuẩn bị hố trồng, bón lót được tiến hành trước khi trồng 1 tháng.

Mật độ và khoảng cách trồng cây

        Đối với cây nhãn trưởng thành, đường kính tác có thể lên tới hàng chục mét. Tuy nhiên, trong điều kiện thâm canh, việc khống chế cho bộ tán nhãn có kích thước vừa phải giúp cho việc chăm sóc, thu hái trở lên thuận tiện. Cụ thể mật độ và khoảng cách trồng cây như sau:

  • Đối với vườn có quy mô lớn, để cây nhãn có năng suất hợp lý và đảm bảo thuận lợi cho chăm sóc, thu hái và có thể cơ giới hóa được, khoảng cách trồng khuyến cáo là  5 x 6m đến 6 x6m (mật độ 277 đến 330 cây/ha).

  • Đối với vườn có quy mô vừa phải, trong điều kiện thâm canh cao có thể trồng với mật độ 400 cây/ ha (khoảng cách trồng 5 x 5 m).

Thời vụ trồng

        Đối với các tỉnh phía Nam, thời vụ tốt nhất để trồng nhãn là khi mùa mưa ổn định, thường từ tháng 6 – 7 (ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên)  và trồng vào đầu mùa mưa, thường vào tháng 8 – 9 (ở vùng Duyên Hải Nam Trung Bộ).

        Đối với các tỉnh miền Bắc, để đỡ công chăm sóc sau trồng và thuận với thời gian sinh trưởng của cây, thời điểm trồng thích hợp là vụ xuân tháng 2 – 4 và vụ thu tháng 8 – 10 dương lịch.

Cách trồng

        Khơi một hố nhỏ chính giữa hố đào, xé bỏ túi bầu và nhẹ nhàng đặt bầu cây giống vào sao cho mặt bầu bằng hoặc thấp hơn mặt đất 2 – 3cm, lấp đất và dùng tay nén chặt xung quanh gốc. Cắm cọc và dùng dây mềm buộc cố định cây để tránh gió lay đứt rễ.  Dùng đất mặt xung quanh hố trồng vun vào xung quanh gốc cây tạo thành ụ hình lòng chảo, có đường kính khoảng 1m, gờ xung quanh cao cao khoảng 20 – 25cm so với mặt vườn.

Chăm sóc sau trồng

        Sau khi trồng xong, cắm cọc giữ cho gió khỏi lay gốc và tưới đẫm nước, tủ gốc nhằm giữ ẩm cho cây và hạn chế cỏ dại bằng rơm rạ hoặc cỏ khô. Trong tháng đầu tiên, cứ 2 ngày tưới nước bổ sung một lần. Các tháng tiếp theo, chu kỳ tưới thưa dần và phụ thuộc vào thời tiết. Nếu nắng trời nắng to cần phải tưới liên tục và có biện pháp che nắng cho cây.

Chăm sóc sau trồng cây nhãn

5 – Quản lý phân bón và kỹ thuật bón phân

Yêu cầu về quản lý phân bón, hóa chất

  • Lựa chọn phân bón và các chất phụ gia nhằm giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm lên quả. Chỉ sử dụng các loại phân bón có trong danh mục được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.

  • Kho chứa phân, nơi ủ phân phải riêng rẽ và không gây ô nhiễm cho đất, nguồn nước, cây trồng và môi trường.

  • Phân bón nhất là phân hữu cơ cần phải xử lý (ủ đúng kỹ thuật, hợp vệ sinh) trước khi sử dụng dùng để gieo hạt hoặc sản xuất cây giống.

  • Các dụng cụ để bón phân sau khi sử dụng phải được vệ sinh và phải được bảo dưỡng thường xuyên.

  • Lưu giữ hồ sơ khi sử dụng phân bón và chất phụ gia (ghi rõ thời gian bón, tên phân bón, địa điểm, liều lượng, phương pháp bón phân và tên người bón).

Kỹ thuật bón phân

   Tỷ lệ và liều lượng bón phân

       Để vườn nhãn cho năng suất cao, chất lượng quả tốt, cần cung cấp một lượng phân bón đầy đủ với tỷ lệ cân đối giữa các loại phân. Tỷ lệ các chủng loại phân bón N, P, K sử dụng cho hiệu quả tốt nhất đối với nhãn là: 1:0.5:1 hoặc 1:1:2

        Tùy theo độ tuổi, tình trạng sinh trưởng của cây, sản lượng quả cho thu hoạch của năm trước để xác định liều lượng bón thích hợp. Với vườn nhãn trưởng thành, cứ 100 kg quả tươi được thu hoạch cần trả lại cho đất 2 kg N + 1 kg P­2O5 + 2 kg K2O (tương đương với 4,2 kg Ure + 5,5 kg Supe lân + 4 kg Kali Clorua).

  • Lượng phân bón cho nhãn theo tuổi cây ở thời kỳ mang quả (kg/cây/năm)

  • Cây 4-6 năm tuổi:  Phân chuồng: 30 – 50kg, Urê: 0,3 – 0,5 kg, supe lân: 0,7 – 1 kg, kali clorua: 0,5 – 0,7 kg.

  • Cây 7-10 năm tuổi: Phân chuồng: 50 – 70kg, Urê: 0,8 – 1 kg, supe lân: 1,5 – 1,7 kg, kali clorua: 1 – 1,2 kg.

  • Cây trên 10 năm tuổi: Phân chuồng: 70 – 100kg, Urê: 1,2 – 1,5 kg, supe lân: 2 – 3 kg, kali clorua: 1,2 – 2 kg.

   Số lần bón phân:

       Số lần bón trong năm phụ thuộc vào độ tuổi cây, điều kiện đất đai và nhân lực của gia đình. Tốt nhất, bón 4 lần trong một năm, vào một số thời điểm quan trọng:

  • Lần 1: Bón sau khi thu hoạch quả, vào tháng 8-9. Lần bón này nhằm phục hồi cho cây sau thu hoạch, thúc đẩy cành thu hình thành và sinh trưởng. Đây là lần bón cơ bản, quan trọng nhất trong năm. Ở lần bón này, bón toàn bộ phân chuồng, 80 – 90% lượng phân lân, 30% lượng phân đạm và 30% lượng phân kali.

  • Lần 2: Bón vào đầu tháng 2, khi cây phân hóa hoa. Lần bón này nhằm thúc hình thành hoa. Bón 30% lượng phân đạm, 10 – 20% lượng phân lân còn lại và 30% lượng phân kali.

  • Lần 3: Bón vào cuối tháng 3 đến đầu tháng 4 nhằm thúc đẩy chùm hoa phát triển, tăng khả năng đậu quả. Lần bón này chỉ sử dụng 10 – 20% lượng phân đạm.

  • Lần 4: Bón vào cuối tháng 6, đầu tháng 7 nhằm bổ sung sinh dưỡng nuôi quả. Ở lần bón này, sử dụng toàn bộ lượng phân đạm và kali còn lại (20-30% lượng phân đạm + 40% lượng phân kali).

Bón phân cho cây nhãn

   Cách bón:

  • Bón sâu: Đào rãnh xung quanh cây theo hình chiếu của tán. Rãnh rộng 30-40cm, sâu 30-35cm. Rải phân vào rãnh, lấp kín đất, tưới nước giữ ẩm. Bón theo kiểu này thường áp dụng cho đợt bón sau thu hoạch quả.

  • Bón nông: Tiến hành bón phân khi đất ẩm (sau các trận mưa). Rải đều phân trên mặt đất theo hình chiếu của tán cây, sau đó dùng cuốc xáo nhẹ đất để lấp đều phân. Biện pháp bón này cũng có thể dùng để bón thúc ngay vào những lúc cần thiết. Nếu đất khô, phân bón có thể được hòa tan trong nước sau đó tưới trên bề mặt đất xung quanh gốc, cuối cùng dùng cuốc xáo mặt đất vùng được bón phân.

   Bón phân qua lá

  • Để bổ sung dinh dưỡng kịp thời cho cây người ta có thể sử dụng phương pháp phun lên lá. Các loại phân được sử dụng bón theo kiểu này là phân bón lá dạng nước được pha loãng theo nồng độ khuyến cáo.

  • Khi quả non có đường kính 3 – 4mm, phun Atonic hoặc Kích phát tố thiên nông với nồng độ và số lần theo chỉ dẫn. Có thể phun phân ure nồng độ 0,1- 0,2% vào thời kỳ quả non để hạn chế rụng quả.

  • Bón phân qua lá được tiến hành vào buổi sáng sớm hay chiều mát, tránh bón vào giai đoạn cây nở hoa. Trước và ngay sau giai giai đoạn nở hoa cần tiến hành bón bổ sung phân kịp thời để thúc đẩy sinh trưởng của chùm hoa và tăng tỷ lệ đậu quả.

6 – Kỹ thuật tưới tiêu

        Đối với cây nhãn cần cung cấp nước thường xuyên trong mùa nắng khi cây còn nhỏ, nhất là trên vùng đất pha cát, đất đồi dốc rất dễ bị thiếu nước. Cây trưởng thành chịu đựng khô hạn khá hơn nhưng phải cung cấp đầy đủ nước vào các giai đoạn cần thiết như giai đoạn ra hoa, kết trái. Nên tưới nước cho cây từ khi bắt đầu ra hoa, trái phát triển và sau khi thu hoạch. Bắt đầu ngưng tưới ngay khi xử lý ra hoa cho cây để kích thích sự phân hóa mầm hoa.

        Có thể sử dụng các phương pháp tưới khác nhau, tùy thuộc điều kiện thực tế như: tưới rãnh, tưới phun, tưới nhỏ giọt…

        Với cây con ở giai đoạn mới trồng cần thường xuyên giữ ẩm cho vùng đất xung quanh bộ rễ cây. Tiêu úng kịp thời khi lượng nước dư thừa. Nhãn là cây cần nhiều nước nhưng bộ rễ nhãn lại chịu úng kém nên việc tưới tiêu cần phải chú ý không tưới một lần quá nhiều dễ gây nên hiện tượng nghẹt rễ. Vì vậy, chu kỳ tưới cho cây nhãn vào mùa nắng là mỗi ngày 1 lần, lượng nước tưới cho mỗi gốc là 3 – 3.5 lít/ gốc đối với hệ thống tưới nhỏ giọt và 4 – 5 lít/gốc với tưới béc thông thường.

Kỹ thuật tưới tiêu cho cây nhãn

Chú ý

:

  • Nước tưới có hàm lượng kim loại nặng và vi sinh vật không vượt quá giới hạn tối đa cho phép đối với chất lượng nước mặt theo QCVN 08-MT: 2015/BTNMT.

  • Hàm lượng một số hoá chất và kim loại nặng trong nước tưới trước khi sản xuất không vượt quá ngưỡng cho phép.

  • Việc đánh giá nguy cơ ô nhiễm hoá chất và sinh học từ nguồn nước sử dụng cho: tưới, phun thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng cho bảo quản, chế biến, xử lý sản phẩm, làm sạch và vệ sinh, phải được ghi chép và lưu trong hồ sơ.

  • Không dùng nước thải công nghiệp bị ô nhiễm bởi nước thải từ các bệnh viện, các khu dân cư tập trung, các trang trại chăn nuôi, các lò giết mổ gia súc gia cầm; Nước phân tươi; Nước giải chưa qua xử lý trong sản xuất và xử lý sau thu hoạch.

  • Trường hợp nước của vùng sản xuất không đạt tiêu chuẩn, phải thay thế bằng nguồn nước khác an toàn hoặc chỉ sử dụng nước sau khi đã xử lý và kiểm tra đạt yêu cầu về chất lượng. Ghi chép phương pháp xử lý, kết quả kiểm tra và lưu trong hồ sơ.

7 – Cắt tỉa

        Tùy theo từng giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây, cần có biện pháp cắt tỉa phù hợp nhằm tạo cho cây thông thoáng, ánh sáng trực xạ có thể lọt vào bên trong tán cây; Khống chế được chiều cao của cây và chiều rộng của tán; Giảm tiêu hao dinh dưỡng bởi các cành vô hiệu, tập trung dinh dưỡng nuôi hoa, quả.

        Đối với nhãn trồng ở miền Bắc và ở miền Nam, việc cắt tỉa đều bắt đầu từ sau khi thu hoạch quả. Tuy nhiên, với điều kiện miền Bắc, do tính chất thời tiết theo mùa nên để ra được các đợt lộc khỏe và kịp thành thục để phân hóa hoa, việc cắt tỉa cần đảm bảo thời điểm nghiêm ngặt bằng cách: cắt tỉa cành, cắt tỉa lộc Thu, cắt tỉa thu tán, tỉa hoa, tỉa quả.

        Ở miền Nam, tùy theo thời điểm xử lý ra hoa cho nhãn mà thời vụ thu hoạch quả có khác nhau. Thông thường một năm có hai vụ thu hoạch: vụ thuận vào tháng 10 đến tháng 2 năm sau; vụ nghịch vào tháng 3 – 9 dương lịch. Do vậy việc cắt tỉa sẽ theo thời điểm thu hoạch quả. Cách cắt tỉa: Cắt tỉa những cành vô hiệu: cành trong tán, cành sâu bệnh, cành già cỗi.

Cắt tỉa cho cây nhãn

8 – Một số biện pháp thúc đẩy ra hoa, đậu quả, cải thiện năng suất và chất lượng quả nhãn

Thúc đẩy khả năng ra hoa

        Thời kỳ trước khi ra hoa, cây nhãn cần phải có thời gian tích lũy điều kiện về dinh dưỡng để thúc đẩy quá trình phân hóa mầm hoa, tạo điều kiện cho quá trình ra hoa, đậu quả được thuận lợi. Dưới đây là một số biện pháp để hạn chế lộc phát sinh trái mùa:

  • Biện pháp cơ giới

    : là biệt pháp khoanh vỏ làm cho bộ tán lá tích lũy lượng dinh dưỡng nhiều hơn mà còn ngăn cản dòng dinh dưỡng xuống nuôi các bộ phận bên dưới (trong đó có rễ), làm cho bộ rễ cây suy yếu, ngăn cản việc hút nước và dinh dưỡng và hạn chế khả năng phát lộc.

  • Biện pháp hóa học

    : Có thể sử dụng biện pháp hoá học để hạn chế lộc đông: Khi lộc đông của một số cây mọc dài 5 – 10cm tiến hành phun 1 lần dung dịch ethrel 400 ppm (ppm là đơn vị phần triệu), sau khi phun 10 – 15 ngày thì lộc khô và rụng đi.

  • Biện pháp hỗn hợp

    : là biện pháp sử dụng hóa chất kết hợp với khoanh vỏ.

Tăng khả năng đậu quả

        Trong thời kỳ cây ra hoa và đậu quả, cây cần huy động một lượng vật chất lớn để nuôi quả lớn. Ngoài việc bón phân bón qua gốc, cần bổ sung một số loại dinh dưỡng qua lá có thành phần từ các nguyên tố vi lượng đến đa lượng. Thậm chí, có thể bổ sung một số chất điều hòa sinh trưởng, giúp cho quá trình đậu quả và giữ quả tốt hơn.

9 – Thu hoạch và bảo quản

Thời điểm thu hoạch

  • Thu hoạch khi vỏ quả chuyển từ màu nâu hơi xanh sang màu nâu vàng, vỏ quả xù xì hơi dày chuyển sang mỏng và nhẵn, quả mềm, cùi có vị thơm, hạt có màu đen.

  • Thu hoạch quả vào những ngày trời tạnh ráo, thu hoạch vào buổi sáng hoặc buổi chiều, tránh thu hoạch vào giữa trưa khi trời quá nóng.

Thu hoạch và bảo quản cây nhãn

Xử lý sau thu hoạch

   Thiết bị, vật tư và đồ chứa

  • Thiết bị, thùng chứa hay vật tư tiếp xúc trực tiếp với quả nhãn phải được làm từ các nguyên liệu không gây ô nhiễm lên sản phẩm.

  • Thiết bị, thùng chứa hay vật tư phải đảm bảo chắc chắn và vệ sinh sạch sẽ trước khi sử dụng.

  • Thùng đựng phế thải, hóa chất bảo vệ thực vật và các chất nguy hiểm khác phải được ghi rõ ràng và không dùng chung để đựng sản phẩm.

  • Thường xuyên kiểm tra và bảo trì thiết bị, dụng cụ nhằm hạn chế nguy cơ ô nhiễm lên sản phẩm.

  • Thiết bị, thùng chứa quả và vật liệu đóng gói phải cất giữ riêng biệt, cách ly với kho chứa hóa chất, phân bón và chất phụ gia và có các biện pháp hạn chế nguy cơ gây ô nhiễm.

   Nhà xưởng, khu sơ chế, đóng gói

  • Cần hạn chế đến mức tối đa nguy cơ ô nhiễm ngay từ khi thiết kế, xây dựng nhà xưởng và công trình phục vụ cho việc gieo trồng, xử lý, đóng gói, bảo quản.

  • Khu vực xử lý, đóng gói và bảo quản nhãn phải tách biệt khu chứa xăng, dầu, mỡ và máy móc nông nghiệp để phòng ngừa nguy cơ ô nhiễm lên sản phẩm.

  • Phải có hệ thống xử lý rác thải và hệ thống thoát nước nhằm giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm đến vùng sản xuất và nguồn nước.

  • Các bóng đèn chiếu sáng trong khu vực sơ chế, đóng gói phải có lớp chống vỡ. Trong trường hợp bóng đèn bị vỡ và rơi xuống sản phẩm, phải loại bỏ sản phẩm và làm sạch khu vực đó.

   Vệ sinh nhà xưởng: Thường xuyên vệ sinh nhà xưởng, thiết bị, dụng cụ bằng các loại hóa chất được phép sử dụng.

  • Phòng chống dịch hại

  • Phải cách ly gia súc và gia cầm khỏi khu vực sơ chế, đóng gói và bảo quản quả nhãn.

  • Bẫy, bả trừ dịch hại phải đặt đúng chỗ, đảm bảo không làm ô nhiễm sản phẩm quả nhãn, thùng chứa và vật liệu đóng gói. Phải ghi chú rõ ràng vị trí bẫy, bả.

   Vệ sinh cá nhân

  • Người lao động cần được tập huấn kiến thức và cung cấp tài liệu cần thiết về thực hành vệ sinh cá nhân và phải được ghi trong hồ sơ.

  • Nội quy vệ sinh cá nhân phải được đặt tại các địa điểm dễ thấy.

  • Cần có nhà vệ sinh và trang thiết bị cần thiết ở nhà vệ sinh, duy trì đảm bảo điều kiện vệ sinh cho người lao động.

  • Chất thải của nhà vệ sinh phải được xử lý.

   Xử lý sản phẩm

  • Chỉ sử dụng các loại chế phẩm (Chlorine, nước Ozone…), màng sáp được phép sử dụng trong quá trình xử lý sau thu hoạch.

  • Nước dùng sau thu hoạch phải đạt tiêu chuẩn theo QCVN 02:2009/BYT Quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng nước sinh hoạt.

  • Bao gói và vận chuyển

        Quả sau khi thu hoạch được đưa về nơi cao ráo, sạch sẽ và râm mát để phân loại, đóng gói. Quả nếu vận chuyển đi xa phải được xếp vào hộp xốp có kèm theo đá làm mát. Nếu vận chuyển gần, có thể sử dụng hộp carton, sọt sắt, sọt tre nhưng phải được lót êm. Các loại hộp xốp, thùng carton và sọt phải mới hoặc trước đây không đựng các đồ gây ô nhiễm như thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất hoặc chuyên chở gia súc gia cầm.

10 – Quản lý chất thải

        Phải có biện pháp quản lý và xử lý chất thải, nước thải phát sinh từ hoạt động sản xuất, sơ chế và bảo quản sản phẩm: Chất thải (bao bì phân bón, bao bì thuốc bảo vệ thực vật…) phải được thu gom vào nơi quy định để xử lý; Dụng cụ sử dụng phun thuốc bảo vệ thực vật không được rửa trực tiếp xuống ao, hồ, sông, suối mà phải được rửa tại nơi quy định. Nước thải phát sinh từ hoạt động sản xuất, sơ chế và bảo quản sản phẩm phải được thu gom về hệ thống tiêu chung, không đưa xuống ao hồ, sông suối làm ảnh hưởng tới môi trường xung quanh.

Trên đây là các kỹ thuật canh tác nhãn theo tiêu chuẩn VIETGAP, hy vọng những kiến thức này sẽ giúp ích cho bà con trong quá trình phát triển quy mô cây trồng của mình.