Hướng dẫn kỹ thuật canh tác cây chuối theo tiêu chuẩn VIETGAP – Hafiquacen

        Cây chuối là cây ăn quả có quy mô sản xuất lớn nhất nước ta kể cả về diện tích và sản lượng. Trong giai đoạn từ năm 2010-2019, sản xuất chuối ở nước ta đạt mức tăng trưởng khá cao cả về diện tích và sản lượng. Đặc biệt, chuối còn là loại quả không chỉ được tiêu thụ trong nước mà các sản phẩm chuối tiêu đạt tiêu chuẩn có thể xuất khẩu đem lại nhiều lợi ích kinh tế cho bà con. Vì vậy, Hafiquacen xin gửi tới hướng dẫn kỹ thuật canh tác cây chuối theo tiêu chuẩn VIETGAP dưới đây để giúp bà con xóa đói giảm nghèo, cải thiện tình hình kinh tế.

Phân bố vùng trồng chính cây chuối

        Cây chuối có khả năng thích ứng rộng, dễ trồng và nhanh chóng cho thu hoạch. Đối với chuối tiêu, người dân có thể thu hoạch sau 11-12 tháng, còn đối với chuối tây là sau 15-16 tháng. Ở nước ta, chuối được trồng khá phổ biến trên nhiều loại đất và kiểu địa hình khác nhau. Và đây cũng là một trong số ít các loại cây ăn quả có khả năng phát triển thành những vùng sản xuất tập trung có quy mô lớn.

        Trên cả nước hiện nay có các vùng trồng chuối có diện tích và sản lượng lớn như Đồng bằng Sông Cửu Long, Đồng bằng Sông Hồng và Bắc Trung bộ. Các vùng Tây Nguyên, Đông Nam bộ và Miền núi phía Bắc cũng có nhiều triển vọng để phát triển sản xuất chuối do quỹ đất chưa khai thác của các khu vực này còn nhiều nhưng chưa được khai thác.

Phân bố vùng trồng chính cây chuối

Kỹ thuật canh tác cây chuối theo tiêu chuẩn VIETGAP

  1. Lựa chọn khu vực sản xuất

   – Yêu cầu sinh thái:

        + Nhiệt độ: Cây chuối sinh trưởng và phát triển thuận lợi trong khoảng nhiệt độ từ 25 – 35 0C, sinh trưởng chậm khi nhiệt độ dưới 16 0C và ngừng sinh trưởng khi nhiệt độ dưới 12 0C. Vậy nên ở nước ta có nhiều vùng có điều kiện nhiệt độ phù hợp cho cây chuối phát triển, nhất là các tỉnh thành phía Nam.

        + Nước tưới: Chuối là cây cần nhiều nước, yêu cầu lượng mưa hàng tháng khá lớn, khoảng 100-200 mm. Đối với cây chuối nuôi cấy mô, cây cần tưới 2-3 ngày một lần vào thời kỳ sau trồng 1 tháng và khoảng 1 tuần một lần vào thời kỳ sau đó, lượng nước tưới cần duy trì sao cho độ ẩm đất được duy trì trong khoảng 70-80%.

        + Ánh sáng: Cây chuối có khả năng thích ứng khá rộng với điều kiện cường độ ánh sáng thay đổi. Về cơ bản, điều kiện chiếu sáng ở nước ta phù hợp cho cây chuối sinh trưởng và phát triển tốt. Lưu ý là cây chuối yêu cầu ánh sáng nhiều trong thời kỳ ra hoa và quả lớn.

        + Gió bão: Gió bão là yếu tố khí hậu gây thiệt hại khó khắc phục nhất cho vườn chuối, điều này là điều cần phải quan tâm khi thiết lập vườn trồng. Để khắc phục các thiệt hại do gió bão gây ra, người dân cần trồng hàng cây chắn gió và áp dụng các biện pháp chống đổ ngã với cây.

   – Lựa chọn đất trồng:

        Cây chuối có thể trồng trên nhiều loại đất, nhưng tốt nhất là trồng trên đất phù sa có tầng mặt dày > 0,75 m, kết cấu đất tơi xốp, nhiều mùn, giàu dinh dưỡng, giữ ẩm và thoát nước tốt. Cây chuối có thể chịu được độ pH từ 4,0-8,0 nhưng thích hợp nhất cho sự phát triển của cây là trong khoảng từ 5,5 – 6,8. Nếu độ pH của đất quá cao hoặc quá thấp thì quả chuối sẽ không ngọt và thơm.

  1. Giống và vật liệu trồng theo tiêu chuẩn VIETGAP:

   – Chọn vật liệu trồng theo tiêu chuẩn VIETGAP: 

        Cây chuối có thể trồng bằng chồi, củ và cây nuôi cấy mô. Trong đó, vật liệu trồng là chồi hay củ có rất nhiều hạn chế về thời gian nhân giống, hệ số nhân, độ đồng đều và chất lượng cây giống nên chủ yếu việc trồng bằng chồi hay củ chỉ được áp dụng ở quy mô sản xuất nhỏ lẻ phục vụ cho nội tiêu.

        Còn đối với sản xuất hàng hóa quy mô lớn, vật liệu trồng nhất thiết phải được nhân bằng nuôi cấy mô.

   – Một số lưu ý cần biết khi chọn giống chuối: 

        + Giống chuối phải có nguồn gốc rõ ràng và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép sản xuất kinh doanh.

        + Cây giống chuối phải được nhân bằng phương pháp nuôi cấy mô từ vườn cây mẹ, do tổ chức, cá nhân thiết lập được thẩm định và công nhận.

        + Trường hợp người trồng chuối tự sản xuất giống thì phải có hồ sơ ghi chép lại đầy đủ về nguồn vật liệu nhân giống, các biện pháp kỹ thuật tác động trong suốt giai đoạn từ tạo cây con trong ống nghiệm đến giai đoạn vườn ươm.

        + Phải được cung cấp bởi tổ chức hoặc cá nhân được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép hoạt động và phải có hồ sơ ghi chép đầy đủ như tự sản xuất giống.

Kỹ thuật canh tác cây chuối theo tiêu chuẩn VIETGAP

  1. Thiết kế vườn trồng:

        Trước khi trồng 1 tháng, các công việc thiết kế vườn trồng nên được thực hiện và hoàn tất bao gồm các việc sau:

        – Thu dọn tàn dư vụ trước: Thu gom và dọn sạch toàn bộ tàn dư của vụ trước để cải thiện độ phì và tơi xốp của đất. Có thể dùng máy phay băm nhỏ thân lá và tàn dư của các thực vật rồi vùi trộn lẫn vào đất để cải tạo và bổ sung hữu cơ cho đất.

        – Làm đất:

        + Đối với đất bằng: Tùy địa hình mà có thể chia lô trồng thành các luống, mỗi luống trồng 1 hàng, 2 hàng hoặc nhiều hơn. Cần cày bừa kỹ 2-3 lần để làm tơi xốp đất và chia thành lô, bề mặt của lô không nên rộng quá 100m để thuận tiện chăm sóc và thoát nước.

        + Đối với đất dốc: nên làm đất cục bộ bằng tay xung quanh hố trồng và hạn chế rửa trôi đất bằng các đường đồng mức. Có thể chống xói mòn và thoái hóa đất bằng việc trồng cỏ, đào rãnh ngăn hay trồng các cây phía trên để che phủ hoặc che phủ đất bằng rơm rạ, cỏ khô, bã mía, …

        – Đào mương lên liếp: Cần phải đào mương lên liếp để tránh ngập úng, xả phèn và nâng cao tầng canh tác, chiều rộng mương thường là 1-2 m và chiều rộng mặt liếp 7-8m. Lưu ý đào mương theo hướng đông – tây để cây chuối nhận được nhiều ánh sáng. Cần chú ý khoảng cách từ hàng chuối ngoài cùng đến mép liếp từ 0,5-0,7 m.

        – Trồng cây chắn gió: Ở các vùng nhiều gió bão, cần trồng các cây chắn gió có bộ rễ ăn sâu, có thân cao và tán rộng như muồng đen, cao su, keo lai, keo dậu hoặc cây ăn quả khác như chuối, mít…

        – Xác định mật độ khoảng cách trồng: Điều này phụ thuộc vào độ màu mỡ của đất trồng. Trồng với mật độ cao giúp vườn chuối tăng khả năng chống gió bão nhưng hạn chế ra chồi và khiến chuối bị chín ép hoặc bị nhão thịt.

        – Đào hố và bón phân lót: Đào hố theo kích thước mỗi chiều 40cm x 40cm x 40cm và bón phân lót. Mỗi hố cho lượng phân bón lót là 15 kg phân hữu cơ và 400g lân supe. Để phòng trừ sâu đục thân, trước khi trồng khoảng 1-2 ngày, xử lý hố trồng bằng một trong số các loại thuốc chứa hoạt chất Abamectin như Dibamec 5WG, hoặc chứa hoạt chất Acetamiprid như Checsusa 500 WP, Dogent 800 WG …. Bón chế phẩm Trichoderma để phòng trừ nấm bệnh. Cần lưu ý liều lượng thuốc sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

  1. Trồng cây

        – Thời vụ trồng cây chuối ở nước ta là quanh năm, chủ yếu sẽ phụ thuộc vào khả năng chủ động tưới và điều kiện mưa.

        – Trồng cây
                + Nên trồng cây vào sáng sớm hoặc khi chiều mát.

                + Tưới đủ nước cho cây trước khi trồng

                + Sau khi đào lỗ nhỏ giữa hố, dùng dao cắt sát đáy bầu rồi đặt vào giữa lỗ sao cho mặt bầu ngang hoặc thấp hơn mặt hố 3-5cm

                + Bỏ vỏ túi bầu và lấp đất lại. Lưu ý khi lấp không nên nén chặt sẽ làm tổn thương bộ rễ còn non

                + Tưới đẫm nước sau khi trồng và duy trì độ ẩm 70-80%.

 Trồng cây

  1. Chăm sóc sau trồng

        – Trồng dặm: Sau khi trồng 30 ngày cần kiểm tra đồng ruộng thường xuyên hơn, nếu phát hiện cây nào chết thì cần trồng dặm lại ngay cây tương đương với các cây trong vườn

        – Che phủ đất: Che phủ đất giúp giữ ẩm cho vườn và tăng hiệu quả phân bón, hạn chế cỏ dại phát triển

                + Che phủ bằng chất vô cơ: Dùng các tấm plastic hoặc màn phủ chuyên dùng trong nông nghiệp để che phủ. Tuy nhiên các loại vật liệu này khó phân hủy nên cần thu gom và tiêu hủy sau khi sử dụng

                + Che phủ bằng chất hữu cơ: chủ yếu sử dụng rơm rạ, mùn cưa, bã mía, lá và bẹ chuối khô… Đây đều là những chất dễ phân hủy và bổ sung hữu cơ cho đất cũng như cải thiện kết cấu đất, tăng khả năng giữ và thoát nước của đất. Tuy nhiên, cần lưu ý là chỉ che phủ trên đất đã được làm sạch và khi cây đã ra được 3-4 lá mới với bề dày 5-10cm.

        – Đánh tỉa chồi: thời điểm phù hợp để chọn chồi cho vụ sau và đánh tỉa là 4-5 tháng sau khi trồng. Đánh tỉa chồi cần tiến hành thường xuyên 1 tháng 1 lần, chủ yếu sẽ dùng dao cắt ngang mặt đất và hủy đinh sinh trưởng. Việc đánh tỉa chồi nên thực hiện lúc nắng ráo và tránh để nước đọng xung quanh chồi con khiến dễ bị thối.

        Lưu ý, để tránh lây bệnh từ cây này với cây khác, cần khử trùng dụng cụ đánh tỉa chồi bằng cách nhúng trong dung dịch Formaldehit 10% hoặc dung dịch thuốc trừ nấm bệnh trong thời gian 30-60 giây.

        – Cắt tỉa lá: Việc cắt tỉa các lá già, lá bị sâu, hay các lá mà khả năng quang hợp chỉ còn dưới 50% cần được thực hiện thường xuyên định kỳ 1 tuần 1 lần. Các lá sâu bệnh không được để lại trong vườn để tránh lây bệnh, còn các lá già có thể để lại để che phủ đất

        – Chằng chống đổ ngã: Cây chuối có cấu trúc thân giả nên dễ đổ ngã, cần chuẩn bị một số biện pháp sau để hạn chế đổ ngã:

                + Kiểm tra vườn thường xuyên, dựng lại những cây bị nghiêng và vun gốc sớm

                + Dùng 2 cọc chéo vào nhau theo chữ X để đỡ lấy buồng chuối khi cây ra buồng

                + Có thể trang bị hệ thống cáp cho vườn chuối và chằng buộc vào hệ thống này để chống đổ.

  1. Một số quy định về quản lý phân bón, hóa chất trong sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP

        – Phải sử dụng phân bón và chất bổ sung được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Nếu sử dụng phân gia súc, gia cầm làm phân bón thì phải ủ hoai mục và kiểm soát hàm lượng kim loại nặng theo quy định.

        – Cần sử dụng phân bón theo nhu cầu của cây chuối, kết quả phân tích các chất dinh dưỡng trong đất theo quy trình đã được khuyến cáo của cơ quan có chức năng.

        – Phân bón và chất bổ sung phải giữ nguyên trong bao bì, nếu đổi sang bao bì, vật chứa khác, phải ghi rõ và đầy đủ tên, hướng dẫn sử dụng, hạn sử dụng như bao bì ban đầu.

        – Một số loại phân bón và chất bổ sung như: Amoni nitrat, nitrat kali, vôi sống phải được bảo quản tránh nguy cơ gây cháy, nổ, làm tăng nhiệt độ.

Một số quy định về quản lý phân bón, hóa chất trong sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP

  1. Thu hoạch và xử lý sau thu hoạch

– Thu hoạch:

        + Để đảm bảo tuân theo tiêu chuẩn VietGAP, quả chuối phải được thu hoạch đúng độ chín và đúng thời điểm.

        Độ chín của chuối có thể xác định bằng màu sắc hoặc độ đẫy quả. Phụ thuộc vào khoảng cách với địa điểm tiêu thụ mà điều chỉnh độ chín của chuối

        Độ chín của chuối cũng có thể xác định theo thời gian trổ buồng. Thời gian từ trổ buồng đến khi thu hoạch sẽ tùy vào mùa vụ và điều kiện sinh thái của vùng trồng, thường là vào khoảng 2,5-4 tháng

       + Nếu dùng cho xuất khẩu tươi thì phải thu hoạch khi quả hơi tròn cạnh, vỏ quả chuyển màu xanh sáng, ruột trắng ngà. Nếu dùng để tiêu thụ trong nước hoặc chế biến thì cần thu hoạch khi vỏ quả màu xanh vàng, quả tròn cạnh, ruột màu vàng. Khi thấy trên buồng chuối có quả nứt là chuối đã già, nên thu hoạch ngay, để lâu sẽ có nhiều quả nứt và dễ thối.

        + Nên thu hoạch chuối tốt nhất vào thời điểm khô ráo, trời không mưa và không quá nóng. Buồng chuối sau khi cắt khỏi cây sẽ được đặt trên một tấm lót mềm và đưa đến cáp vận chuyển hoặc xe nông cụ để chuyển đến nơi xử lý.

– Xử lý quả sau thu hoạch

        + Loại bỏ sinh vật và tàn hoa còn sót lại trên quả.

        + Dùng dao sắc cắt một phần cuống buồng, cho cả buồng vào bể nước để rửa, đồng thời thu hồi cuống buồng.

        + Tiếp tục kiểm tra, cắt thành chùm 5-7 quả, rửa ở bể thứ 2.

        + Vớt chuối ra, cho lên khay, kiểm tra khối lượng.

        + Dán tem đạt chuẩn chất lượng.

        + Đóng vào hộp chuyên dùng thích hợp, kiểm soát khối lượng mỗi lô hàng. Khi đóng hộp chú ý sắp xếp xen kẽ chùm to chùm nhỏ, xếp gọn gàng đẹp mắt, cần phải tránh gây trầy xát, để màu sắc vỏ chuối luôn tươi sáng.

        + Kiểm tra bước cuối, đảm bảo khối lượng sản phẩm.

        + Khử trùng bằng nhiệt trước khi kiểm dịch.

– Một số quy định thu hoạch và xử lý sau thu hoạch sản xuất theo VietGAP:

        + Thu hoạch sản phẩm phải đảm bảo thời gian cách ly đối với thuốc bảo vệ thực vật;

        + Phải có biện pháp kiểm soát, tránh sự xâm nhập của động vật vào khu vực sản xuất trong giai đoạn chuẩn bị thu hoạch và thời điểm thu hoạch, nhà sơ chế và bảo quản sản phẩm;

        + Nơi bảo quản sản phẩm phải sạch sẽ, ít có nguy cơ gây ô nhiễm sản phẩm. Để tránh nguy cơ nhiễm chéo các sản phẩm vừa mới thu hoạch thì không được đặt gần các sản phẩm đã sơ chế và đóng gói. Sau khi đóng gói các sản phẩm cần được đánh dấu đầy đủ thông tin để đảm bảo yêu cầu truy xuất nguồn gốc sản phẩm khi có sự cố xảy ra;

        + Có hướng dẫn nhân công về vệ sinh cá nhân, về quy trình thu hoạch quả. Không sử dụng trẻ em và phụ nữ mang thai thu hoạch quả;

        + Khi thu hoạch không để sản phẩm tiếp xúc với nước sông (mương) và để trên mặt đất (phải trải bạt) sẽ làm quả bị bầm dập, nhiễm vi sinh vật trong đất, không chất quả thành đóng lớn, tránh tổn thương quả.

Một số quy định thu hoạch và xử lý sau thu hoạch sản xuất theo VietGA

  1. CC

        – Không tái sử dụng các bao bì, thùng chứa phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất để chứa đựng sản phẩm.

        – Vỏ bao, gói thuốc bảo vệ thực vật, phân bón sau khi sử dụng phải thu gom, xử lý theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường (Thông tư liên tịch 05/2016/TTLT-BTNMT).

        – Rác thải trong quá trình sản xuất, sơ chế; chất thải từ nhà vệ sinh phải thu gom và xử lý đúng quy định.

Một số quy định thu hoạch và xử lý sau thu hoạch sản xuất theo VietGA

        Trên đây là các kỹ thuật canh tác nhãn theo tiêu chuẩn VIETGAP, hy vọng những kiến thức này sẽ giúp ích cho bà con trong quá trình phát triển quy mô cây trồng của mình.