Hướng dẫn đổi giấy phép lái xe
Bạn muốn đổi giấy phép lái xe khi hết hạn?
.
Rất may là thủ tục gần đây đã thay đổi nhiều, theo hướng thuận tiện hơn cho người dân.
Việc cấp mới, hay đổi bằng lái xe cũng khá đơn giản. Bạn chỉ cần bỏ chút thời gian tìm hiểu là có thể tự làm thủ tục được.
Trong bài viết này tôi sẽ trình bày về những nội dung liên quan đến đổi bằng lái xe. Trước hết, người lái xe cần biết về…
Mục Lục
Thời hạn đổi bằng lái xe
Trước đây, bằng lái xe B1, B2 có thời hạn chỉ 5 năm (C, D, E… là 3 năm). Nhưng gần đây, thời hạn bằng lái xe B1, B2 đã tăng lên 10 năm (C, D, E… là 5 năm). Như vậy khá tốt rồi, thời hạn dài giúp bạn đỡ quên, lại đỡ tốn thời gian và chi phí.
Tuy nhiên với những bằng đã cấp trong thời gian trước và sắp hết hạn, bạn phải để ý không quá hạn lại không đổi kịp là thủ tục lằng nhằng đấy.
Ngồi chờ đổi GPLX tại Thành phố Hồ Chí Minh – quá đông đúc!!!
Địa điểm đổi giấy phép lái xe
Tại các địa điểm do Sở Giao thông vận tải các tỉnh thành quy định. Cụ thể tại một số thành phố lớn như sau:
Hà Nội:
- Sở Giao thông vận tải Hà Nội: số 2 Phùng Hưng, Quận Hà Đông, Hà Nội
- Phòng quản lý phương tiện giao thông – Sở GTVT Hà Nội: số 16 Cao Bá Quát, Quận Ba Đình, Hà Nội
- Tổng cục đường bộ Việt Nam: D20, đường Tôn Thất Thuyết, khu đô thị Cầu Giấy, quận Cầu Giấy, Hà Nội
- Đội Thanh tra Giao thông Long Biên: đường Vạn Hạnh, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội (trong Khu đô thị mới Việt Hưng).
Thành phố Hồ Chí Minh
Tại Tp. Hồ Chí Minh, bạn có thể làm thủ tục cấp, đổi giấy phép lái xe tại một trong 7 địa điểm như sau :
- Trường Trung Cấp Nghề Số 7: 51/2 Thành Thái, phường 14 quận 10.
- TTSHLX thuộc Trường Cao đẳng Giao thông vận tải Tp.HCM: 8 Nguyễn Ảnh Thủ, Phường Trung Mỹ Tây, Quận 12 (SĐT : 08.3883.9598)
- Trường Cao đẳng Giao thông vận tải Tp.HCM: 256 Dương Đình Hội, Phường Tăng Nhơn Phú B, Quận 9 (SĐT : 108.9791.2691)
- Trung tâm dạy nghề Bách Việt: 4-6 Nguyễn Tri Phương, phường Linh Xuân, Quận Thủ Đức.
- Trường dạy nghề lái xe Tiến Bộ: 111 Tân Sơn Nhì, phường Tân Sơn Nhì, Quận Tân Phú (SĐT : 08.3842.7316)
- Trường Cao đẳng Giao thông vận tải Tp.HCM: 252 Lý Chính Thắng, Phường 9, quận 3 (chỉ tiếp nhận hồ sơ đổi GPLX nước ngoài).
- Trung Tâm Sát Hạch Lái Xe Bình Chánh – Hoàng Gia : Số 6-7-8-9 Kênh 11, Đường Vườn Thơm, Bình Lợi, Bình Chánh, TPHCM.
Thủ tục đổi giấy phép lái xe
Trong vòng 3 tháng trước ngày hết hạn, bạn được quyền làm hồ sơ đổi bằng lái.
Nếu có thời gian bạn nên tìm hiểu trước quy định đổi GPLX tại Điều 53, Thông tư 46/2012/TT-BGTVT (sửa đổi trong các thông tư 67/2014/TT-BGTVT và 38/2013/TT-BGTVT).
Trong bài viết này, tôi tóm tắt thủ tục với giấy phép lái xe do Bộ GTVT cấp (chiếm đa số). Còn bằng lái xe do Bộ Quốc Phòng hay Bộ Công an cấp, hoặc bằng lái xe của nước ngoài thì làm thủ tục ấp lại theo quy định riêng, bạn xem tại Điều 55-57 Thông tư 46 nêu trên nhé.
Hồ sơ đổi bằng lái xe gồm:
- Đơn đề nghị đổi, cấp lại giấy phép lái xe (theo mẫu, có dán ảnh 3×4)
- Giấy khám sức khỏe (bằng ô tô còn thời hạn trên 3 tháng thì không cần)
- Bản photocopy (không cần công chứng) CMND, GPLX cũ
- Bản gốc CMND và GPLX cũ để đối chiếu (trả lại luôn)
.
Các bước làm thủ tục đổi bằng lái xe:
- Khám sức khỏe (trừ trường hợp được miễn), giấy có dán ảnh 3×4, dấu đóng trên ảnh.
- Đến nơi đổi GPLX xin mẫu đơn, dán ảnh 3×4, rồi khai đơn, chắc mất vài phút. Hầu hết các điểm đều cho bấm lấy số, ngồi chờ đến lượt.
- Nộp Đơn + GKSK + GPLX(bản photo) + CMT(bản photo). Đem theo CMT+GPLX bản gốc để so sánh, xem xong cán bộ sẽ trả lại.
- Kiểm tra xong cán bộ sẽ mời bạn đứng trước máy chụp. Tách cái, xong đưa bạn giấy hẹn.
- Đến ngày giờ hẹn, bạn quay lại lấy Giấy đăng ký mới. Tôi nghe nói có thể nhờ vợ/chồng lấy hộ cũng được nếu mang theo đăng kí kết hôn, nhưng tôi chưa kiểm tra thông tin này có chính xác không (nếu cần bạn cứ hỏi trước nơi đăng ký)
Tôi tìm hiểu trên các diễn đàn thì thấy cũng có dịch vụ trọn gói (trừ việc chụp ảnh để dán lên bằng), đâu khoảng 600k gì đó. Nếu tự làm thì tổng phí chỉ khoảng hơn 300k. Tuy nhiên bạn nào bận rộn, không ngại mất chút phí thì cũng có thể xem thuê luôn dịch vụ cho tiện.
Một số lưu ý khi đổi bằng:
- Trước khi đi cần chuẩn bị hết giấy tờ, cho vào cặp file, đơn từ dán ảnh, bản sao bằng lái xe, chứng minh thư cắt gọn gàng như bản chính.
- Giấy khám sức khỏe (nếu không được miễn) phải tại các cơ sở y tế có đủ thẩm quyền cấp theo quy định. Ngoài ra, phần kết luận trên giấy khám phải ghi rõ đủ điều kiện lái xe theo hạng xin cấp chẳng hạn B2, C, E…
Tham khảo về tiêu chuẩn sức khỏe lái xe trong Quyết định 33/2008/QĐ- BYT
- Cẩn thận tránh hiểu nhầm cụm từ “Không cần khám sức khỏe khi đổi giấy phép lái xe” như nhiều bài báo giật tít. Thực tế, bạn chỉ không cần giấy khám sức khỏe khi thỏa mãn đủ cả 2 điều kiện:
- chuyển đổi GPLX bằng giấy bìa sang giấy phép bằng vật liệu PET;
VÀ - có GPLX các hạng A1, A2, A3; Người có GPLX hạng A4, GPLX ô tô còn hạn sử dụng trên 3 tháng.
- chuyển đổi GPLX bằng giấy bìa sang giấy phép bằng vật liệu PET;
Đổi bằng lái xe qua mạng internet
Bạn có thể đăng ký đổi bằng tại website của Tổng cục đường bộ.
Từ tháng 4/2015, mô hình cấp đổi GPLX qua mạng đã được áp dụng tại Sở GTVT Hà Nội, và dự kiến sẽ áp dụng trên phạm vi cả nước vào giữa năm 2015.
Đọc bài chi tiết về đổi giấy phép lái xe qua mạng
Ngoài ra, từ 9/3/2015 ở Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai cấp, đổi GPLX qua tổng đài 1081. Mức phí khi gọi đến tổng đài 1081 từ điện thoại cố định là 2.000 đồng/phút, gọi từ điện thoại di động và điện thoại cố định từ các tỉnh là 3.000 đồng/phút.
Đổi bằng lái xe bằng nhựa PET
Loại bằng mới này làm bằng vật liệu PET, có kích thước và chất liệu gần giống như thẻ ATM của các ngân hàng.
Theo Thông tư 87/2014/TT-BGTVT sửa đổi, từ 15/02/2015, người có GPLX các hạng A1, A2, A3; A4, GPLX ô tô còn hạn sử dụng trên 3 tháng sẽ được miễn thủ tục kiểm tra sức khỏe khi đổi GPLX bằng giấy bìa sang vật liệu PET.
Ngoài ra theo Thông tư 67/2014/TT-BGTVT, giấy phép lái xe ô tô bằng giấy bìa phải được chuyển đổi sang giấy phép lái xe mới bằng vật liệu PET trước ngày 31/12/2015; thay vì trước ngày 31/12/2014 như quy định trước đó.
Riêng thời hạn chuyển đổi GPLX hạng A4 và giấy phép lái xe không thời giạn (hạng A1, A2, A3) vẫn thực hiện theo lộ trình cũ. Cụ thể, giấy phép lái xe hạng A4 phải chuyển đổi trước ngày 31/12/2015; giấy phép lái xe hạng A1, A2, A3 phải chuyển đổi theo thời hạn sau:
- trước ngày 31/12/2016 nếu cấp trước năm 2003;
- trước ngày 31/12/2017 nếu cấp trước năm 2004;
- trước ngày 31/12/2018 nếu cấp trước năm 2007;
- trước ngày 31/12/2019 nếu cấp trước năm 2010; và
- trước ngày 31/12/2020 nếu cấp sau năm 2010.
Bằng lái xe ô tô, mô tô bị quá hạn
Nếu bằng lái xe của bạn bị quá thời hạn sử dụng thì sao?
Tùy theo khoảng thời gian bị quá, mà có cách xử lý (Căn cứ Điều 52 Thông tư số 46/2012/TT-BGTVT):
- quá thời hạn sử dụng dưới 3 tháng: được xét đổi giấy phép;
- Quá từ 03 tháng đến dưới 01 năm, kể từ ngày hết hạn, phải sát hạch lại lý thuyết để cấp lại giấy phép lái xe;
- Quá từ 01 năm trở lên, kể từ ngày hết hạn, phải sát hạch lại cả lý thuyết và thực hành để cấp lại giấy phép lái xe.
Nếu lái xe với bằng lái xe ô tô hết hạn sử dụng mà bị cảnh sát giao thông tuýt còi, bạn có thể bị phạt với mức như sau:
- Phạt 400.000 – 600.000 đồng nếu hết hạn dưới 6 tháng.
- Phạt 4.000.000 – 6.000.000 đồng nếu hết hạn từ 6 tháng trở lên.
Làm lại bằng lái xe bị mất
Trong quá trình sử dụng, các bạn có thể bị mất bằng lái hoặc giấy tờ xe. Một số trường hợp xảy ra như:
- Mất bằng, còn hồ sơ
- Mất bằng, mất hồ sơ
- Mất hồ sơ, còn bằng
Khi đó tùy theo thực tế mà làm hồ sơ để xin cấp lại. Xem hướng dẫn làm lại bằng lái xe tại đây.
.
Chuyển từ Đổi giấy phép lái xe về Giấy phép lái xe
Chuyển từ Đổi giấy phép lái xe về Trang chủ