Hướng dẫn dạy học môn Khoa học theo chương trình GDPT mới

Sách Hướng dẫn dạy học môn Khoa học theo chương trình giáo dục phổ thông mới là tài liệu được biên soạn nhằm mục đích hỗ trợ giáo viên cấp Tiểu học thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới được bắt đầu thực hiện ở lớp một, cấp Tiểu học từ năm học 2019 – 2020.

Trong Chương trình giáo dục phổ thông, môn Khoa học góp phần hình thành và phát triển ở học sinh lớp 4 và lớp 5 các phẩm chất chủ yếu, năng lực chung cốt lõi và năng lực chuyên môn. Để thực hiện được điều này, trong cuốn sách đã giới thiệu một số vấn đề chung về Chương trình giáo dục phổ thông mới, Chương trình môn Khoa học, phương pháp thiết kế và thực hiện kế hoạch dạy học môn học theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Thông qua các phần trình bày trên, cuốn sách làm sáng tỏ những vấn đề chung về dạy học phát triển năng lực như: lí thuyết về phát triển năng lực, dạy học theo tiếp cận phát triển năng lực, phương pháp tổ chức dạy học theo định hướng phát triển năng lực, kiểm tra, đánh giá trong dạy học phát triển năng lực. Về chương trình môn Khoa học, sách giới thiệu quy trình tổ chức dạy học một số chủ đề/bài học của môn Khoa học ở lớp 4 và lớp 5 với mục đích minh hoạ cụ thể lựa chọn nội dung và phương pháp dạy học theo tiếp cận phát triển năng lực học sinh, kiểm tra đánh giá năng lực học sinh trong dạy học môn Khoa học.

Với mục đích trên, cuốn sách được trình bày theo các phần với logic sau:

Phần một. Những vấn đề chung: giới thiệu về Chương trình giáo dục phổ thông mới và Chương trình môn Khoa học.

Phần hai. Thiết kế và thực hiện giáo án. Trong phần này, sách hướng dẫn thiết kế một số giáo án dạy học theo chủ đề, bao gồm các chủ đề: (1) Chất; (2) Năng lượng; (3) Thực vật và Động vật; (4) Nấm, Vi khuẩn; (5) Con người và sức khoẻ; (6) Sinh vật và môi trường. Trong đó, các giáo án dạy học được thiết kế theo logic phát triển năng lực học sinh: Xác định, mô tả mục tiêu bằng các động từ hành động thể hiện hoạt động của học sinh bộc lộ quá trình nhận thức, mức độ đạt được nội dung, năng lực, thái độ; Xác định, lựa chọn phương pháp, phương tiện dạy học thể hiện quy trình tổ chức hoạt động học nhằm đạt mục tiêu đã xác định; Nội dung tham chiếu, hình thức, công cụ kiểm tra, đánh giá kết quả học tập phản ánh năng lực học sinh theo yêu cầu cần đạt.

Logic trên là nhất quán xuyên suốt các chủ đề của môn Khoa học ở lớp 4 và lớp 5. Điểm chung thể hiện trong tổ chức dạy học các chủ đề khoa học là dạy tích hợp bằng các tình huống vận dụng kiến thức giải quyết vấn đề thực tiễn và lí thuyết. Dạy học giải quyết vấn đề là phương pháp dạy học thuận lợi và chủ yếu nhất để tổ chức dạy học tích hợp, qua đó phát triển năng lực học sinh.

Phần ba. Hướng dẫn tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh. Đây là nội dung quan trọng, do phát triển năng lực học sinh không chỉ
dựa trên các câu hỏi kiểm tra kiến thức thuần tuý, mà cần phát triển đủ các năng lực chung và năng lực khoa học tự nhiên trong đánh giá thường xuyên và định kì.

MỤC LỤC

LỜI GIỚI THIỆU. 4

LỜI NÓI ĐẦU. 5

Phần một. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG.. 7

I.   Khái quát về Chương trình giáo dục phổ thông mới 7

1. Bối cảnh, quan điểm xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông mới 7

2. Những điểm mới của Chương trình giáo dục phổ thông mới 11

II.  Khái quát về Chương trình môn Khoa học. 21

1. Đặc điểm của môn học. 21

2. Quan điểm xây dựng chương trình môn học. 22

3. Mục tiêu của chương trình môn học. 23

4. Yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực. 23

5. Nội dung giáo dục. 27

6. Định hướng về phương pháp giáo dục. 34

7. Định hướng về đánh giá kết quả giáo dục. 36

Phần hai. THIẾT KẾ VÀ THỰC HIỆN GIÁO ÁN. 38

I.   Hướng dẫn chung. 38

1. Thiết kế giáo án. 38

2. Thực hiện giáo án. 45

3. Đánh giá rút kinh nghiệm sau mỗi lần lên lớp. 48

II.  Hướng dẫn thiết kế giáo án theo chủ đề. 48

CHỦ ĐỀ CHẤT. 48

CHỦ ĐỀ NĂNG LƯỢNG.. 57

CHỦ ĐỀ THỰC VẬT VÀ ĐỘNG VẬT. 70

CHỦ ĐỀ NẤM, VI KHUẨN. 86

CHỦ ĐỀ CON NGƯỜI VÀ SỨC KHOẺ. 100

CHỦ ĐỀ SINH VẬT VÀ MÔI TRƯỜNG.. 117

Phần ba. HƯỚNG DẪN TỔ CHỨC KIỂM TRA, ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC HỌC SINH. 130

1.  Mục tiêu đánh giá. 130

2.  Căn cứ và nội dung đánh giá. 130

3.  Cách thức đánh giá. 131

Tài liệu tham khảo. 151