Hướng dẫn chọn sản phẩm dưỡng da cho người mới bắt đầu

Nhiều bạn thường hay hỏi tôi những câu đại loại như: “Em mới bắt đầu chăm sóc da thì cần dùng loại gì?”, hoặc “Em muốn thay đổi sản phẩm đang dùng thì phải làm sao?”, “Em muốn thử dòng sản phẩm mới của Hàn, Nhật… liệu có được không?”.

Thật sự có rất nhiều câu hỏi xoay quanh vấn đề này. Thị trường mỹ phẩm cập nhật gần như mỗi ngày, có rất rất nhiều sản phẩm mới được ra mắt, đặc biệt là ở Hàn Quốc mà thậm chí tôi không thể nào đếm hết chứ đừng nói là biết thông tin về nó. Chưa kể là các bạn còn hỏi tôi, sản phẩm nào có thể kết hợp được với nhau? Sản phẩm này em có thể dùng chung với sản phẩm kia được không? Em có cần thực hiện chu trình skincare 10 bước như Hàn Quốc hay không? Em nên bắt đầu như thế nào với những bước khởi đầu?

Okay! Hôm nay tôi sẽ giúp các bạn trả lời vấn đề này nhé.

I. Tìm hiểu loại da

Điều đầu tiên, bạn cần phải nhận ra được da mình thuộc loại da nào?

Thông thường, da chúng ta phân chia thành 4 loại da cơ bản:

  • Da thường

  • Da khô

  • Da hỗn hợp

  • Da dầu

Mỗi loại da sẽ có những hướng chăm sóc da khác nhau và sử dụng từng bộ sản phẩm riêng biệt. Không thể nào gộp chung một bộ sản phẩm dùng cho tất cả các loại da được.

Có nhiều cách để phân biệt các loại da, và nên gặp bác sĩ là đúng rồi! (just for fun). Nhưng một cách đơn giản hơn mà bạn có thể tự làm tại nhà là dùng “phương pháp rửa mặt”. Cách này đơn giản: rửa mặt, để khô, đừng thoa cái gì lên cả, và ngồi ngó!

Sau 30 phút, bạn quan sát lại da của mình, và sau đó kiểm tra lại lần nữa sau 30 phút tiếp theo và trả lời những câu hỏi sau.

1/ Da của bạn nhìn bóng loáng chứ?

2/ Bạn sờ lên da thấy vẫn bóng mượt chứ?

3/ Bạn dùng giấy thấm dầu quệt lên da (ở bất kì vị trí nào) có còn dầu hay không?

Nếu những câu hỏi trên bạn trả lời là có => Vậy da bạn là da dầu.


Trường hợp chỉ một phần trên gương mặt bạn bóng loáng (như vùng trán, mũi, cằm) trong khi những vùng khác (như gò má) cảm thấy khô ráp? Hoặc là một số vùng thì bóng loáng trong khi những vùng khác thì bình thường. Hoặc một số vùng thì thấy bình thường trong khi một số vùng da khác lại thấy khô ráp? => Da bạn là da hỗn hợp.

Bạn có thể suy nghĩ một cách đơn giản về điều này như thể là một phần da của bạn là loại da này trong khi vùng khác lại là loại da khác. Và đa số mọi người nghĩ rằng da hỗn hợp là tình trạng kết hợp giữa da dầu và da khô, nhưng không hẳn luôn là vậy, vì sự kết hợp có thể là hỗn hợp của bất kì tuýp da nào như: dầu/ bình thường, khô/ bình thường…
Nếu bạn thấy da bạn khô ráp toàn bộ? Da có những mảng xám màu? Hay có cảm giác bong tróc hoặc thậm chí là ngứa? => Vậy khả năng cao bạn thuộc loại da khô.


Bên cạnh đó, có một số vấn đề bạn cần lưu ý về loại da của mình:

  • Không phải cứ bị mụn trứng cá đồng nghĩa là da bạn dầu. Da dầu là loại da dễ bị bít tắc lỗ chân lông và sinh mụn hơn da thường/khô, nhưng bản thân mụn trứng cá có thể xuất hiện ở mọi tuýp da.

  • Các vấn đề da như: mẫn cảm, dễ bị đỏ, nổi mẩn,… có biểu hiện hơi khác nhau ở các loại da, và được gọi là da mẫn cảm. Tuy nhiên, da mẫn cảm đều có thể bắt gặp ở mọi loại da chứ không chỉ riêng đối với da khô.

  • Loại da hoàn toàn có thể thay đổi. Có thể trước đó bạn thuộc da dầu, nhưng sau này lại chuyển thành da hỗn hợp. Vì loại da còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau như gene, hormone, khí hậu… Và ngay cả bản thân trong cơ thể cũng có sự thay đổi tuỳ thuộc theo lối sống, sinh hoạt hoặc theo mùa.

II. Lựa chọn sản phẩm chăm sóc phù hợp với từng loại da

Bước tiếp theo là thực hiện các bước chăm sóc da tùy thuộc từng loại da.
Bạn nên bắt đầu từ những bước cơ bản nhất, và cũng không cần cố áp dụng đủ 10 bước Skincare như các Beauty Guru làm gì.

Dĩ nhiên là việc sử dụng đầy đủ các bước chăm sóc da không hề sai. Đa phần các hãng mỹ phẩm đều có hướng dẫn đầy đủ các bước chăm sóc da với từng loại sản phẩm cụ thể. Tuy nhiên thì việc áp dụng hết tất cả các bước chăm sóc da liền tù tì ngay khi mới bắt đầu sử dụng chưa chắc mang lại lợi ích tốt nhất cho da. Việc đó chẳng khác nào khiến da bị “bội thực” với hàng đống sản phẩm chỉ trong một thời gian ngắn ngủi. 

Do vậy, khi bạn mới bắt đầu nhận diện và áp dụng các bước chăm sóc da, tôi vẫn khuyên bạn nên áp dụng một vài bước cơ bản trước tiên thôi – đó là sữa rửa mặt, nước cân bằng da (toner), và một loại dưỡng ẩm – và có thể thêm một serum dưỡng da nếu bạn muốn.

Trong thời gian đầu, bạn nên để da tập đáp ứng với các sản phẩm mới, và bạn cần cảm nhận được làn da của mình. Bởi vì một sản phẩm nhận được cho là tốt với làn da của bạn thì cũng chưa chắc rằng thực tế bạn dùng có hợp hay không. Có thể nó quá mạnh, hoặc quá khô, hoặc quá nhờn rít, hay cũng có thể da bạn không hợp với thành phần nào đó trong sản phẩm.

Mỗi người sở hữu một làn da duy nhất, không ai giống ai. Việc lựa chọn sản phẩm phù hợp với da không còn cách nào khác là phải thử – trải nghiệm và đánh giá xem da bạn có đáp ứng được sản phẩm đó không – và thử tiếp cho đến khi bạn tìm được sản phẩm ưng ý hợp nhất cho làn da của mình.

Một vấn đề nữa mà các bạn đặc biệt cần lưu ý chính là phải kiên nhẫn! Bạn nên thử từng sản phẩm một riêng biệt, đến khi biết chắc chắn sản phẩm đó phù hợp với da của mình rồi thì mới bắt đầu bổ sung thêm sản phẩm khác vào routine chăm sóc da. Lý do là vì da của bạn cần một khoảng thời gian để đáp ứng với sản phẩm mới – thường mất từ 3 – 4 tuần để một sản phẩm phát huy hết tác dụng của nó. Trong giai đoạn này, nếu như da của bạn có các dấu hiệu mẫn đỏ/ châm chích hoặc cảm thấy khó chịu như ngứa chẳng hạn, thì bạn cần dừng sản phấm đó ngay lập tức và quay lại các bước chăm sóc da cơ bản. Đến khi da bạn phục hồi lại trạng thái bình thường cũng như phục hồi lại hàng rào bảo vệ da thì mới có thể thử tiếp một sản phẩm mới khác.

A. Da thường

Da thường là loại da dễ chăm sóc nhất và có nhiều sự lựa chọn đối với các sản phẩm skincare nhất. Tuy nhiên, không phải vì thế mà đối xử “thô bạo” với làn da của mình bạn nhé. Hãy nhẹ nhàng với da, không sử dụng các sản phẩm tẩy/lột dạng mạnh quá thường xuyên, và cũng nên chọn sản phẩm có tác dụng dưỡng ẩm, nuôi dưỡng, cân bằng cho làn da khoẻ mạnh.

Routine cơ bản nhất dành cho da thường:

1. Tẩy trang 

Bước đầu tiên trong quy trình chăm sóc da chính là làm sạch. Với tình hình không khí ô nhiễm như hiện nay thì tôi luôn khuyên bạn thực hiện double cleansing hay thậm chí triple cleansing để giúp da thật sự sạch, kể cả khi bạn có trang điểm hay không trang điểm.

Nếu như bạn không quen sử dụng dầu tẩy trang, hoặc không make-up dày thì nước tẩy trang (Micellar Water) sẽ là lựa chọn phù hợp để làm sạch da hằng ngày. Không chỉ giúp loại bỏ lớp trang điểm và kem chống nắng, nước tẩy trang còn giúp lấy đi bụi bẩn và bã nhờn trên da trong khi vẫn đủ dịu nhẹ cho làn da của bạn.

Sản phẩm gợi ý:

Bioderma Sensibio H2O


2. Sữa rửa mặt

Sau tẩy trang thì sữa rửa mặt chính là bước kế tiếp trong công đoạn làm sạch da. Các chất hoạt động bề mặt có trong sữa rửa mặt sẽ len lỏi vào từng lỗ chân lông để loại bỏ các tạp chất, bao gồm bụi bẩn, dầu thừa và cặn trang điểm, mang lại cho bạn làn da sạch thoáng.

Sản phẩm gợi ý:

Dermalogica Special Cleansing Gel


3. Nước cân bằng da (Toner)

Sau công đoạn làm sạch da với tẩy trang và sữa rửa mặt, Toner chính là bước hoàn thiện cuối, cũng như chuẩn bị cho làn da sẵn sàng để thẩm thấu dưỡng chất từ các bước skincare kế tiếp một cách tốt nhất. Toner sẽ giúp đưa da về trạng thái cân bằng pH, đồng thời hỗ trợ làm sạch nhẹ nhàng những gì còn sót lại ở bước rửa mặt. Một số loại Toner còn có khả năng tẩy tế bào chết, hỗ trợ se khít lỗ chân lông hoặc làm sáng da.

Sản phẩm gợi ý:

Dermalogica Multi Active Toner


4. Dưỡng ẩm

Cuối cùng, thoa một lớp kem dưỡng ẩm lên da để cung cấp nước và độ ẩm, cho da căng mọng mịn màng.

Sản phẩm gợi ý:

Botani Boost Balancing Moisturiser

5. Chống nắng

Vào ban ngày, luôn nhớ thoa kem chống nắng để bảo vệ da khỏi tác nhân gây hại từ tia UV có trong ánh nắng mặt trời – nguyên nhân hàng đầu dẫn đến lão hoá da.

Sản phẩm gợi ý:

EltaMD UV Daily Broad-Spectrum SPF 40



Lời nhắn gửi:

Đối với da thường, nếu không gặp các vấn đề gì về da thì bạn không nhất thiết phải dùng một bộ sản phẩm quá nhiều bước, tránh việc dư thừa dưỡng chất làm bí da sinh mụn hoặc gây mất cân bằng, tổn thương đến lớp màng ẩm tự nhiên trên da.

B. Da khô

Da khô là loại da cần rất rất nhiều nước để duy trì độ ẩm, và để đạt được điều này bạn cần suy nghĩ tới việc cấp ẩm liên tục thậm chí trong mỗi bước chăm sóc da. 

Đối với bước làm sạch da, bạn nên ưu tiên lựa chọn những sản phẩm làm sạch nhẹ nhàng, độ pH cân bằng và có chứa thành phần dưỡng ẩm, vẫn phải đảm bảo được yếu tố làm sạch sâu cho da mà không lấy đi độ ẩm tự nhiên làm da khô căng. Nhiều loại sữa rửa mặt trên thị trường có khả năng làm sạch và kiềm dầu quá mạnh, loại bỏ luôn tất cả dầu trên da, thật chí đó là lượng dầu tốt để duy trì sự cân bằng của hàng rào bảo vệ da, và điều này thật sự tồi tệ cho làn da khô ráp thiếu ẩm. Gợi ý cho bạn là các sản phẩm sữa rửa mặt dạng sữa/kem giàu ẩm, có độ tạo bọt vừa phải (hoặc không tạo bọt), giúp làm sạch sâu đồng thời cung cấp thêm độ ẩm, giữ da luôn mềm mịn sau khi rửa.

Sản phẩm gợi ý:

Botani Olive Soothing Cream Cleanser

Ngoài ra, da khô có thể cần bổ sung các sản phẩm toner/essence có công dụng dưỡng ẩm, vừa giúp cân bằng độ pH của da, đồng thời cũng cấp nước cấp ẩm cho da.

Sản phẩm gợi ý:

Bioderma Sensibio Tonique



Sulwhasoo Essential Balancing Water EX


Với kem dưỡng ẩm, da khô nên lựa chọn loại dưỡng ẩm mạnh, phối hợp giữa chất khóa ẩm (Occlusive) và chất làm mềm (Emollient) để giúp “trám” lại các khoảng trống của da bị khô, nhờ thế da bạn giữ được độ ẩm tối ưu hơn và không bị khô căng nứt nẻ.

Sản phẩm gợi ý:

Botani Olive Repair Cream Day & Night Moisturiser

C. Da hỗn hợp

Như đã đề cập ở trên, da hỗn hợp được chia thành nhiều phân nhóm nhỏ hơn và khó có thể phân biệt rạch ròi. Việc lựa chọn sản phẩm chăm sóc da cũng nên tuỳ thuộc vào từng vùng da khác nhau trên gương mặt đang gặp vấn đề gì (dầu nhờn/khô ráp).

Với sữa rửa mặt, bạn nên ưu tiên chọn những sữa rửa mặt làm sạch dịu nhẹ (gently) và có độ pH cân bằng, vẫn vừa đủ sạch cho các vùng da dầu nhờn nhiều (vùng T), mà vẫn không làm cho các vùng còn lại bị khô căng (vùng U).

Sản phẩm gợi ý:

Botani Purify Facial Cleanser

Ngoài ra, bạn nên áp dụng sản phẩm theo kiểu thoa từng lớp (layer). Nghĩa là bạn cần dùng nhiều sản phẩm hơn thay vì chỉ dùng một sản phẩm duy nhất. Ví dụ như đối với các vùng da khô hơn bạn có thể thoa thêm một lớp kem dưỡng ẩm chẳng hạn. Riêng đối với vùng da dầu nhờn nhiều, bạn có thể chọn các sản phẩm kem dưỡng kiềm dầu, se lỗ chân lông đơn cử như:

SVR SEBIACLEAR Mat + Pores

D. Da dầu

Vấn đề cốt lõi của da dầu là làm sao để kiểm soát được dầu. Và bước đầu tiên quan trọng nhất chắc chắn phải là làm sạch sâu da rồi!

Hãy bắt đầu bằng một sản phẩm tẩy trang dạng nước Micellar Water để nhẹ nhàng loại bỏ hết lớp makeup, kem chống nắng cùng mồ hôi, bụi bẩn trên da mà không làm da nhờn dính hay khô căng. Nên ưu tiên chọn sản phẩm có chứa các thành phần giúp tối ưu khả năng làm sạch da như Zinc gluconate và Copper Sulphate.

Sản phẩm gợi ý:

Bioderma Sébium H2O


Bước tiếp theo dĩ nhiên là bạn cần dùng một loại sữa rửa mặt có khả năng làm sạch dầu mạnh để quét đi hết toàn bộ dầu thừa và các cặn bẩn khác còn tồn đọng trên da sau khi tẩy trang. Sữa rữa mặt kiềm dầu có khả năng đi sâu xuống lỗ chân lông và cuốn đi toàn bộ dầu thừa, tế bào chết và chất bã,… giúp cân bằng lại việc sản xuất dầu từ tuyến bã nhờn, hạn chế sự bít tắc sinh ra mụn.

Sản phẩm gợi ý:

Dermalogica Dermal Clay Cleanser


Sau khi rửa mặt, bạn cần sử dụng một loại toner để cân bằng độ pH của da. Với làn da dầu, lời khuyên của tôi là bạn nên chọn các dạng toner làm sạch/acid toner có tính chất tẩy lột nhẹ để giúp loại bỏ tế bào chết trên bề mặt da.

Sản phẩm gợi ý: 

Biologique Recherche Lotion P50T

Cuối cùng, điều bạn cần phải nhớ đó chính là da dầu cũng cần được dưỡng ẩm như các loại da khác. Nhiều bạn lầm tưởng da dầu luôn luôn đủ ẩm, không cần thiết phải thoa thêm kem dưỡng. Nhưng thực tế, da dầu hoàn toàn cũng có thể bị mất nước như các loại da khác và cũng cần được cấp ẩm đủ. Khi da dầu thiếu nước, nó sẽ đáp ứng lại bằng cách tăng tiết bã nhờn, và dẫn đến da trở nên nhờn rít hơn nữa mặc dù vẫn đang thiếu nước đấy.

Tuy nhiên, da dầu khi chọn dưỡng ẩm cần lưu ý tránh xa các loại kem dưỡng có thành phần quá giàu ẩm, kết cấu đặc, dày bí có thể làm bít tắc lỗ chân lông sinh mụn.

Gợi ý:

Các bạn da dầu nhưng thiếu ẩm có thể tham khảo dòng sản phẩm Sulwhasoo Essential Balancing, sử dụng các chiết xuất thảo dược phương Đông giúp cân bằng lại làn da đang gặp các vấn đề, dưỡng da khoẻ mạnh và tràn đầy sức sống. 

Sulwhasoo First Care Activating Serum EX


Sulwhasoo Essential Balancing Water EX



Riêng với làn da dầu bị tổn thương, mỏng yếu, viêm và nhạy cảm có thể tham khảo dòng sản phẩm chứa Ceramide phục hồi da của Dr.Jart Hàn Quốc. Dòng sản phẩm Ceramidin đặc biệt giúp cung cấp độ ẩm cho da cực kì tốt nhưng lại thẩm thấu nhanh, không hề gây cảm giác nhờn dính khó chịu trên da, mang lại hiệu quả phục hồi và tái tạo da “siêu đỉnh”.

Dr.Jart Ceramidin Liquid


Dr.Jart Ceramidin Cream

III. TỔNG KẾT

Trên đây là các bước cơ bản cho những bạn mới bắt đầu tập làm quen với việc chăm sóc da. Một số người sẽ cho là ít và không đầy đủ. Nhưng trên quan điểm cá nhân của tôi thì khởi đầu như vậy là được, vì nếu quá nhiều bước khi vừa mới bẳt đầu sẽ dễ khiến bạn bị “choáng ngợp” và nhanh chóng bỏ cuộc. Và dĩ nhiên là khi bạn quen rồi thì có thể áp dụng thêm nhiều bước nâng cao, hoặc đơn giản hơn là tìm kiếm thêm những lời khuyên từ những chuyên gia (như tôi chẳng hạn). Chẳng có gì sai khi tìm kiếm sự giúp đỡ cả!