Hướng dẫn chăm sóc vải thiều sau thu hoạch | TRUNG TÂM VĂN HOÁ – THÔNG TIN VÀ THỂ THAO – Truyền hình huyện Lục Ngạn|truyenhinhlucngan.vn

Hiện nay, các địa phương trên địa bàn huyện đã thu hoạch xong trà vải sớm, vải thiều chính vụ đang thu hoạch rộ. Để chăm sóc cây vải đúng cách giúp cây phục hồi nhanh, kịp thời tích đủ dinh dưỡng, phát triển tốt cho vụ sau, ông Vũ Lệnh Sánh, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ- Kỹ thuật nông nghiệp Lục Ngạn hướng dẫn bà con các bước chăm sóc cho cây vải thiều thời kỳ sau thu hoạch quả. 

 Người dân ở Tổ dân phố Nhập Thành, thị trấn Chũ chăm sóc vải thiều sau thu hoạch

Bước 1- Tỉa cành, tạo tán:

Ngay sau khi thu hoạch cần phải cắt tỉa cành tăm, cành khuất, cành dập gẫy và cành vượt, để loại bỏ cành hư, nhằm giảm bớt thân cành vô hiệu, giúp cây không bị đổ ngã khi gió bão và giảm bớt sự trú ngụ của sâu bệnh trong tán cây.

          Khi cắt tỉa cành cần cắt các cành dày trong tán, cành yếu, cành mọc lộn xộn chồng lên nhau, cành sâu bệnh, cành khô, cành vượt và để lại những cành cơ bản. Không cắt tỉa cành quá sâu, đốn quá đau tránh hiện tượng nứt vỏ, khô cành, chết cây và tạo bộ thân lá đủ tạo tiền đề cho vụ quả năm sau.  

Bước 2- Bón phân:

Thời gian nuôi quả dài khiến cây kiệt dinh dưỡng, nên sau khi cắt tỉa cành, dọn vườn thì tiến hành bón phân bổ sung dinh dưỡng giúp cây sớm phục hồi nhanh ra lộc. Các loại phân trâu, bò, gà, vịt, phân chuồng tươi cần phải ủ hoai mục trước khi dùng, không sử dụng phân chuồng tươi bón hoặc tưới trực tiếp cho cây.

Lượng phân bón tùy thuộc vào chất đất, tuổi cây và sản lượng quả cho thu hoạch. Lượng phân bón như sau:

 

Tuổi cây

(năm)

Lượng phân bón (kg/cây)

Phân chuồng

NPK Việt Nhật, Đầu Trâu, Sông Gianh…

Đạm Ure

4- 6

20- 30

0,5- 1

0,5- 0,8

7- 10

40- 50

1,5- 2

1- 1,5

>10

50

2

2- 2,5

 

 

*Cách bón: Bón toàn bộ phân chuồng hoai mục + NPK, đào rãnh xung quanh hình chiếu tán cây, độ sâu rãnh 20cm, rộng 20- 30cm, rải đều phân sau đó lấp đất. Để thúc lộc phát triển nhanh khi cây bật lộc có thể rắc đạm ure kết hợp với tưới nước hoặc bón khi trời mưa nhỏ.

Bước 3- Phòng trừ sâu bệnh:

Mỗi đợt lộc nhú lên cần phun thuốc phòng trừ các đối tượng sâu bệnh hại như sâu đo, sâu ăn lá, sâu xanh, sâu róm, bọ xít, nhện lông nhung… bằng các loại thuốc như: Cyperan 10 EC, Repdor 250EC, hoạt chất Abamectin nước trong…

Bước 4- Đào rãnh thoát nước:

Đối với những diện tích vải thiều trồng trên nền đất bằng phẳng, trồng ở dưới thấp, vườn trũng khó thoát nước, cần đào rãnh xung quanh vườn, rãnh giữa các hàng cây trong vườn và hạn chế bón phân nhiều sau thu hoạch tránh hiện tượng khi cây ra lộc non gặp thời tiết mưa kéo dài gây chết cây.

Lưu ý:

+ Những cây xanh tốt không cho quả hoặc phía cành vụ trước đó không cho quả có thể không bón hoặc bón ít phân;

+ Để thúc các đợt lộc phát triển nhanh, sớm thành thục có thể kết hợp phun phân bón lá cùng các lần phun thuốc trừ sâu.

          + Sử dụng thuốc BVTV theo đúng nồng độ, liều lượng theo khuyến cáo trên bao bì./.

 

Quang Huấn- Nguyễn Đoàn