Hướng dẫn chăm sóc trẻ bị táo bón
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Lê Thu Phương – Khoa Nhi – Sơ sinh – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Táo bón ở trẻ là tình trạng thường gặp ở trẻ nhỏ. Bên cạnh việc sử dụng các thuốc hỗ trợ các bậc phụ huynh cũng nên chú ý trong việc lựa chọn cách chăm sóc hợp lý dành cho trẻ.
Mục Lục
1. Những vấn đề thường gặp liên quan đến táo bón ở trẻ?
Những biểu hiện này có thể xảy ra khi trẻ bị táo bón:
- Trẻ có biểu hiện đau rát khi đi vệ sinh: Việc phân trở nên cứng khiến cho hậu môn của trẻ bị rách gây đau và chảy máu, nguy hiểm hơn nữa là khi trẻ sợ đau, chúng sẽ càng cố nhịn đi vệ sinh điều đó dẫn đến tình trạng táo bón trở nên nghiêm trọng hơn.
- Són phân không có kiểm soát: Một khi trẻ bị táo bón đồng nghĩa với việc dịch ruột sẽ ứ lại quanh khối phân cứng gây tắc nghẽn. Trong trường hợp dịch ứ nhiều sẽ gây nên triệu chứng són phân lỏng, khiến trẻ bị táo bón nhiều, phân thường cứng.
- Bên cạnh đó đau bụng quanh rốn cũng có thể xảy ra đối với trẻ bị táo bón, thậm chí là tái đi tái lại nhiều lần.
- Nếu tình trạng táo bón diễn tiến nặng và kéo dài, trẻ có thể gặp khó khăn khi đi tiểu, tiểu lắt nhắt, đái dầm, mệt mỏi, đau bụng, buồn nôn, biếng ăn, chậm tăng cân hoặc suy dinh dưỡng.
2. Vì sao trẻ bị táo bón?
Nhịn đi vệ sinh là nguyên nhân thường thấy ở trẻ nhỏ. Việc nhịn đi đại tiện quá lâu làm cho phân trở nên khô và cứng khiến cho trẻ có cảm giác đau và rát mỗi lần đi vệ sinh.
Khi chuyển từ sữa mẹ sang những thức ăn đặc một cách đột ngột cũng gây nên tình trạng táo bón ở trẻ.
Táo bón ở trẻ có thể xảy ra ở trẻ không được cung cấp đầy đủ chất xơ. Các loại thực phẩm giàu chất xơ mà chúng ta ăn hàng ngày như rau củ, trái cây,… sẽ giúp kích thích ruột hoạt động tạo ra các nhu động ruột thường xuyên và đều đặn.
Nếu trẻ sống trong một gia đình có không khí căng thẳng thường có khả năng táo bón khá cao.
Việc sử dụng một số loại thuốc tiêu chảy, thuốc ho có chứa thành phần là codein, thuốc chống động kinh có thể gây nên tình trạng táo bón ở trẻ.
Một số bệnh lý như nhược giáp, Hirschsprung, Down, tiểu đường, rối loạn điện giải trong máu, ngộ độc chì mạn tính, chậm phát triển, bại liệt, bệnh lý cột sống cũng sẽ làm gia tăng tình trạng táo bón ở trẻ.
3. Cần làm gì khi trẻ bị bón?
3.1 Trẻ bị táo bón nên ăn gì?
Đối với những trẻ đang bú mẹ, trước hết cần đánh giá xem trẻ có được cung cấp đủ lượng sữa chưa. Sau đó sẽ điều chỉnh chế độ ăn của người mẹ cũng như hạn chế tối đa những thực phẩm không tốt như các loại đồ ăn cay nóng, các chất kích thích. Đặc biệt nên tăng cường bổ sung chất xơ từ rau củ quả.
Bên cạnh đó đối với người mẹ đang trong thời kỳ cho con bú nên giải quyết dứt điểm tình trạng táo bón bằng cách bổ sung các loại rau củ quả tươi xanh, uống đủ nước.
Nếu trẻ được nuôi bằng sữa công thức cần chú ý pha sữa đúng theo hướng dẫn. Ngoài ra phụ huynh cũng cần xem xét cũng như lựa chọn loại sữa phù hợp cho trẻ.
Uống đủ nước sẽ làm giảm tình trạng táo bón. Việc bổ sung nước cũng tùy thuộc theo tình trạng bệnh của trẻ.
Bổ sung đủ chất xơ trong khẩu phần ăn hàng ngày cho trẻ. Các loại rau xanh, hoa quả chín: Rau khoai lang, mồng tơi, củ khoai lang,… là những loại thực phẩm chứa nhiều chất xơ. Tuyệt đối không được cho trẻ ăn ổi, hồng xiêm, đồ uống có ga, cà phê và hạn chế ăn bánh kẹo ngọt.
Nếu trẻ không chịu ăn rau quả, phụ huynh có thể bổ sung cho trẻ các chất xơ bằng các loại sinh tố từ rau củ quả.
Trong một số trường hợp bác sĩ có thể chỉ định cho trẻ sử dụng các loại thuốc nhuận tràng.
3.2 Cách chăm sóc cho trẻ bị táo bón
Khi trẻ bị táo bón, các bậc phụ huynh có thể tham khảo một số động tác như xoa bụng trẻ từ phải sang trái theo chiều kim đồng hồ, mỗi ngày xoa từ 3 đến 4 lần vào khoảng cách giữa hai bữa ăn. Bài tập đạp xe đạp: giữ lấy 2 đầu gối của trẻ nhẹ nhàng, gấp chân phải từ từ về phía vai phải sau đó duỗi thẳng chân và gấp chân trái về phía vai trái theo cách tương tự. Cho trẻ chạy nhảy, nô đùa, tập thể dục, thể thao thường xuyên tăng cường vận động các cơ bụng và hậu môn.
Tập cho trẻ thói quen đi vệ sinh theo giờ quy định, thông thường nên chọn vào sau bữa ăn
Trong trường hợp trẻ bị nứt kẽ hậu môn cần rửa sạch hậu môn. Ngoài ra có thể sử dụng một số thuốc theo chỉ định của bác sĩ nếu có.
4. Cách phòng ngừa táo bón ở trẻ?
- Luôn theo dõi việc đi vệ sinh của trẻ hàng ngày
- Khuyên trẻ không được nhịn đi ngoài
- Thực hiện cho trẻ chế độ giàu rau xanh, khuyến khích trẻ uống nhiều nước
- Tích cực cho trẻ tham gia các hoạt động thể chất ngoài trời, tránh để trẻ ngồi quá lâu.