Hướng dẫn cách trồng và chăm bón rau ngót. – bài viết chuyên sâu – Cổng thông tin điện tử Huyện Gia Lâm
Rau ngót hay còn gọi là rau bù ngót, bồ ngót, đây là loại rau được rất nhiều người ưa chuộng trong các bữa ăn gia đình, rau ngót có tính mát và vị ngọt, chứa nhiều vitamin A, C và sắt, chủ yếu được sử dụng để nấu các loại canh rất ngon, ăn rau bù ngót giúp thanh nhiệt, bổ máu, đẹp da, lợi tiểu….
Rau ngót là một loại cây thân gỗ, cây cho lá xanh ăn rất mát và thanh ngọt, trồng cây bồ ngót cũng rất đơn giản và cây dễ sống nên loại rau này được trồng nhiều và trồng quanh năm.
Làm đất trồng rau ngót
Cây rau ngót có khả năng thích nghi tốt với các điều kiện thời tiết, tuy nhiên rau ngót phát triển tốt vào mùa mưa và nơi ẩm ướt. Rau ngót có khả năng sinh trưởng tốt trên mọi loại đất, nhưng thích hợp nhất là trồng trên đất thịt nhiều mùn và độ ẩm cao.
Trồng cây rau ngót không cần phải làm đất kỹ, chỉ cần cày xới đất tơi xốp và bón lót phân chuồng ủ mục hay hỗn hợp các loại phân đạm, lân, kali để giúp cho cây phát triển giai đoạn đầu.
Nếu trồng trong chậu, thùng xốp thì cần phải sử dụng loại thùng có chiều sâu và đổ đầy đất vào thùng để trồng cây.
Chuẩn bị cây trồng
Cây bồ ngót có thể trồng bằng hạt giống nhưng thời gian hạt nảy mầm rất lâu và khó sống. Vì vậy trồng rau ngót chủ yếu là sử dụng biện pháp giâm cành. Chuẩn bị những đoạn gốc thân già dài 20 – 25cm, dùng kéo cắt xéo ở dưới gốc để cắm xuống đất. Nếu muốn cành nhanh mọc rễ thì có thể dùng dung dịch NAA để nhúng cành vào loại dung dịch này sẽ kích thích mọc rễ.
Trồng cây rau ngót
Sau khi trồng thì mỗi ngày tưới nước cho cây 2 lần vào sáng và chiều. Dọn sạch cỏ dại mọc ở xung quanh gốc cây.
Sau khi trồng khoảng 15 – 20 ngày thì cành cây sẽ mọc rễ và nảy chồi, lúc này cần vun đất vào gốc để giúp rễ bám đất giữ cây mọc thẳng.
Sau khi trồng được 1 tháng thì tiến hành bón thúc cho cây bằng phân chuồng ủ mục hoặc phân ure pha loãng với nước tưới vào gốc cây. Sau đợt bón thúc lần 1 thì tiếp túc bón thúc các lần tiếp theo với định kỳ khoảng 7 – 10 ngày với lượng chính phân ure và một ít lượng đạm, lân, kali để kích thích mọc nhiều lá.
Sâu bệnh ở cây rau ngót
Rau ngót có khả năng sinh trưởng tốt và ít sâu bệnh, một số loại sâu gây hại chủ yếu ở rau ngót như sâu cuốn lá, sâu xanh, rầy rệp,… Để phòng và trị bệnh sâu ăn lá gây hại thì có thể sử dụng một trong các loại thuốc Crymax, Sherpa, Sherzol, SecSaigon, Mimic, nếu rầy rệp gây hại thì có thể dùng thuốc BrighTin, Exin, Homectin để phun.
Thu hoạch
Cây rau ngót sau khi trồng khoảng 2 tháng sẽ cho thu hoạch lá, có thể cắt ngang các nhánh cây hoặc chỉ tuốt lá. Rau ngót cho thu hoạch liên tục, cứ cách 15 – 20 cây sẽ cho lá non mới để thu hoạch.
Chú ý sau mỗi đợt thu hoạch thì cần đôn xới gốc, cắt tỉa các nhánh cây già tạo thông thoáng cho vườn. Bổ sung bón phân chuồng ủ hoại trộn với đất lấp vào gốc cây và tưới thêm phân ure, đạm, lân và kali pha với nước rồi tưới vào gốc cây để cung cấp dưỡng chất cho cây phục hồi sức và sinh trưởng tốt.
Rau ngót là cây thân gỗ vì vậy mà một vụ trồng rau ngót có thể cho thu hoạch kéo dài trong vòng 4 – 5 năm. Khi hết thời gian đó là giai đoạn cây đã già và sinh trưởng chậm, thì thời điểm này cần tiến hành lấy giống và làm đất, trồng lại vườn mới./.
Sưu tầm