Hướng dẫn cách trồng đinh lăng hiệu quả, năng suất cao
Mục Lục
Hướng dẫn kĩ thuật trồng đinh lăng
* Tên khoa học : Polyscias fruticosa(L.) Harms, Nothopanax fruticosus(L.) Miq.
* Thuộc họ: Nhân sâm ( Araliaceae)
* Tên khác: Cây gỏi cá (ngày xưa người việt nam thường lấy lá đinh lăng để ăn gỏi cá), Nam dương lâm, đinh lăng lá nhỏ.
Bộ phần làm thuốc:
Toàn bộ thân, rễ, lá
Thành phần hoạt chất:
Gồm có các Glicosia, ancaloit, saponin, tannin, 20 axit amin ,B1,B2, B6, vitamin C, acid hữu cơ, tinh dầu, nhiều nguyên tố vi lượng và 21,10% đường. Trong lá còn có saponin triterpen(1,65%).
Công dụng
– Rễ đinh lăng được dùng làm thuốc bổ tăng lực, chữa cơ thể suy nhược gầy yếu, mệt mỏi, tiêu hóa kém, phụ nữ sau khi đẻ ít sữa. Có nơi còn dùng chữa ho, ho ra máu, đau tử cung, kiết lỵ và làm thuốc lợi tiểu, chống độc.
– Lá chữa cảm sốt, mụn nhọt, sưng tấy, sưng vú, dị ứng mẩn ngứa, vết thương.
– Thân cành chữa thấp khớp, đau lưng.
QUY TRÌNH TRỒNG CÂY ĐINH LĂNG
Đinh lăng là loại cây chịu hạn, không ưa đọng nước, phát triển tốt ở vùng đất pha cát, tơi xốp, có độ ẩm trung bình.
– Đinh lăng trồng được quanh năm, tốt nhất là giâm cành vào tháng 5-6 và trồng vào tháng 7-8, hoặc trồng vào mùa xuân, từ tháng 1-4. khi trồng nên cắt bớt lá để hạn chế thoát hơi nước, giúp cây nhanh hồi phục. Cây ưa bóng và ưa ẩm nên có thể trồng xen dưới tán cây tron vườn. Thường xuyên làm cỏ nhất là lúc mới trồng.
Đất trồng và kỹ thuật trồng
– Đất trồng đinh lăng cần nhiều màu, tầng canh tác sâu, tơi xốp, cao ráo, thoát nước và tiện tưới. Nếu cây được trồng trên đất dốc, người trồng phải làm luống theo đường đồng mức để tránh trôi màu, hạn chế thoát nước nhanh sau khi mưa.
– Sau khi làm đất, khơi rãnh thoát nước hoặc lên thành luống,cần làm luống rộng 60cm, cao 35-40cm, bổ hốc thành hai hàng lệch nhau, cây cách cây 50cm
– Bứng cây con ra trồng vào hố đã đào sẵn với khoảng cách 50 x 50 cm ( mật độ 40,000 cây/ 1 ha)
– Mỗi gốc cây bón 3-5kg phân truồng hoai mục.
– Từ giữa mùa xuân đến mùa thu, thời kỳ cây sinh trưởng mạnh, cần bón thúc cho cây. Dùng nước phân chuồng, nước giải pha loãng, phân vi sinh hoặc NPK, liều lượng tùy mức độ sinh trưởng của cây.
– Đinh lăng không có sâu bệnh nghiêm trọng. Cây trồng sau 2 năm có thể được thu hoạch. Cây càng già năng suất và chất lượng rễ càng cao.
Thu hoạch và sơ chế
– Khi thu hoạch nên thu hoạch lá trước, sau đó đem hong gió chỗ râm mát cho khô là tốt nhất ( âm can), sau đó đem sấy thật khô.
– Rễ củ thu hái vào mùa thu, lúc này rễ mềm, nhiều hoạt chất. Thái rễ mỏng, phơi khô ở chỗ mát, thoáng gió để đảm bảo mùi thơm và phẩm chất.
Bài thuốc chữa mệt mỏi, biếng hoạt động:
Rễ đinh lăng phơi khô thái mỏng 5g. Thêm 100ml nước, đun sôi trong 15 phút, chia 2 – 3 lần uống trong ngày.